26-11-2018
Cái gì giống nhau giữa một cô giáo bắt học trò tát 231 cái một học sinh có lỗi, và một thằng con ông cháu cha đánh phụ nữ ngay ở phi trường?
Cả hai đều là sản phẩm của giáo dục Cộng Sản. Một nền giáo dục vô giáo dục.
Đó không phải là một khuyết điểm của giáo dục “cách mạng”. Đó là một thành quả, một mục tiêu đã đạt được.
Mục tiêu số 1 của người CS là tiêu diệt xã hội cũ, văn hóa cũ, để xây dựng một xã hội mới, văn hóa mới, con người mới. Con người mới chỉ có một lý tưởng và một nhiệm vụ: trung thành với Đảng.
Muốn xây dựng văn hóa mới, phải triệt hạ đạo đức cũ, người CS gọi là đạo đức trưởng giả, một trò của giai cấp tư sản bày ra để thống trị giai cấp vô sản.
Cái giáo dục đó có mục đích tạo một lớp trẻ không còn nghị lực, không còn khả năng bất bình, không còn phân biệt cái ác với cái thiện, cái xấu với cái tốt. Chỉ biết một điều: đứng với kẻ mạnh, đồng lõa với bọn có quyền là chọn đường sống. Im lặng là chọn đưòng sống. Phản kháng là chọn đường chết. Hành hạ, nhục mạ người khác là dấu hiệu của sự thành công, bằng chứng mình đã leo cao trong bức thang xã hội, theo những tiêu chuẩn mới.
Xã hội của chế độ toàn trị là một xã hội của bạo hành. Người dân được dạy từ nhỏ, được chứng kiến từ khi mở mắt là muốn sống, phải tố cáo người khác, phải đạp lên người khác, phải trèo lên cổ người khác. Bức tường đạo đức bị phá vỡ, sự liên hệ giữa người với người chỉ còn là tương quan lực lượng.
Cố nhiên là có những ngoại lệ, vì giáo dục, truyền thống gia đình, vì bản chất con người vẫn phức tạp. Soljénitsyne gặp, trong địa ngục của goulags, những tấm lòng vàng, những ánh mắt nhân hậu. Nhưng có bao nhiêu tâm hồn tốt đẹp cầm cự nổi, trong một biển dối trá, tàn bạo, khởi đầu từ học đường.
Có thể cải thiện được nền giáo dục đó?
Howard Zinn nói trong một chế độ toàn tri, không có giáo dục, chỉ có tẩy não, nhồi sọ. Có thể cải thiện cái không có, thay đổi cái không hiện hữu?
Victor Hugo nói xây trường học, sẽ đóng cửa nhà tù. Nhưng trong một chế độ toàn trị, trường học là một nhà tù. Nguy hiểm gấp trăm lần, gấp ngàn lần nhà tù vì nó giam trí não. Tù nhân có thể mãn hạn tù, người bị nhồi sọ bị chung thân khổ sai. Trừ những trường hợp ngoại lệ, của những người hiếm hoi còn giữ được lương trí, có nghị lực đủ để tự vệ chống lại cái ác.
Xã hội nào cũng có tội ác, chỉ cần đọc tin vặt trên báo để biết điều đó. Nhưng ở một xứ bình thường, đó là những ngoại lệ. Ở VN ngày nay, nó là mặt hàng của một xã hội băng hoại.
Luật An ninh Mạng ra đời khẩn cấp, một phần để bịt miệng những người chống đối, nhưng cũng để bịt mắt những người thờ ơ, không cho họ thấy mình đang sống ngụp lặn một xã hội lở lói. Để họ khỏi có cảm giác ghê tởm, để họ tiếp tục ăn chơi trong một xứ có bề ngoài ổn định. Cái ổn định của một ao tù, ứ đọng rác rưởi, không lối thoát.