Môi trường – Những thủ phạm (Phần 2)

FB Thọ Nguyễn

23-11-2018

Tiếp theo phần 1

Vốn chỉ là thợ điện tử nên tôi không dám coi các bài viết của mình là công trình khoa học. Tôi chỉ chia sẻ những gì tôi cảm nhận qua cuộc sống hoặc đọc được ở nơi khác. Mong các bạn bỏ qua các lỗi nhỏ kiểu như nhầm cò với sếu.Dù sao thì việc loài chim không còn phải về Bắc Phi tránh mùa đông là một thảm họa sinh thái không thể chối cãi.

Ở nhiều nước châu Âu, kẻ nào phủ nhận tội ác của Đức Quốc xã gây ra cho người Do Thái sẽ bị truy tố (1). Nếu coi tàn phá thiên nhiên là tội ác, thì cũng phải khởi tố những kẻ phủ nhân biến đổi khí hậu. Đáng tiếc là con người tham lam vẫn tìm cách làm ngơ vấn đề này để tiếp tục hưởng thụ. Hơn nữa, vẫn còn 3% các nhà khoa học coi hiện tượng trái đất nóng lên là quá trình tự nhiên. Trong khoa học, số đông không thể là chân lý. Cứ cho là 3% này có lý, dựa theo những giả thiết về thời kỳ băng hà hay kỷ Jura. Nhưng cái chết của loài người đâu chỉ tại băng tan. Trước khi chết đuối, con cháu chúng ta sẽ chết vì ô nhiễm không khí, vì kim loại nặng trong nước nguồn, vì bụi siêu nhỏ, vì nạn túi ny-lon hủy hoại các đại dương, vì nạn a-xit hóa nước biển, vì các đập thủy điện đang làm chết các dòng sông, vì đa dạng sinh học bị thu hẹp….

Nhìn những khuôn mặt sáng sủa đang khoái khẩu món óc khỉ hay thịt chồn, nhìn các đại gia đang hạnh phúc mơ về sự hồi dương bởi chén rượu sừng tê, tôi chắc họ không nghĩ tới đa dạng sinh học. Họ chỉ cần biết rằng, bất cứ động vật, sinh vật gì thiên nhiên đã tạo ra, đều cần thiết cho sự cân bằng sinh thái, dù là một côn trùng hôi hám hay một cây cỏ dại. Nước Úc mỗi năm mất hàng trăm triệu đô-la để ngăn chặn thỏ rừng vì không có loài thú nào ăn thịt thỏ. Ngược lại, nguy cơ loài ong bị chết dẫn đến mất mùa diện rộng đang ám sảnh các nhà nông học. Vậy mà họ đã nhậu đến con hổ, con sư tử, con tế giác cuối cùng của Việt Nam. Hậu quả nhường lại cho con cháu.

Tàn phá thiên nhiên không chỉ do những kẻ phủ nhận biến đổi khí hậu, do những kẻ thích nội thất đồ sộ bằng gỗ lim, hay những kẻ khoái nhậu thú hoang dã gây ra. Hàng tỷ con người vô ý thức, từ người nông dân nghiện thuốc trừ sâu, khoái phân hóa học, từ người nuôi thủy sản nghiện thuốc kháng sinh hoặc những bà nội trợ nghiện túi ny-lon đi chợ, … tất cả đang nỗ lực đưa loài người đến chỗ chết.

Nhưng sự phá hoại lớn nhất lại là chính sách phát triển kinh tế xã hội, được hoach định bởi những kẻ hay nói về bảo vệ thiên nhiên. Nhiều nước, tuy đã ký vào các công ước Kyoto 1997 hay thoả thuận Paris 2015, tức là bày tỏ quyết tâm chống biến đổi khí hậu, vẫn đưa ra đường lối kinh tế chống lại các thỏa thuận đó. Tuần trước tạp chí Nature Communication vừa công bố một nghiên cứu nêu rõ nhiều nước đang thi hành các mục tiêu kinh tế mà hậu quả là nhiệt độ thế giới năm 2100, sẽ tăng lên 5,1°C, so với mục tiêu 2°C hoặc 1.5°C đã được cam kết tại Paris (2). Bản đồ mô phỏng mục tiêu nhiệt độ của từng nước, từ mầu sáng đến đỏ đậm (xem ảnh 1) cho thấy:

1- Các nước xứ lạnh tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các nước nhiệt đới (phần vì sưởi mùa đông).

2- Các nước càng giàu có càng tiêu thụ nhiều hơn. Châu Phi chậm phát triển hầu như không đốt nóng trái đất.

3- Trung Quốc, Nga, Canada, vùng Trung Á và các xuất khẩu dầu mỏ (có cả Venezuela) đang ở mức hâm nóng quả đất thêm 5,1°C.

4- Nước Mỹ, nhờ chính sách sử dụng năng lượng xanh từ thời Obama, nhờ giảm công nghiệp chế tạo nên đã xuống mức 4°C. Các nước Tây Âu, Nhật Bản đi sớm hơn về bảo vệ môi trường nên đã đạt khoảng 3°C, tuy còn xa mục tiêu 2°C.

5- Điều đáng nói nhất là Việt Nam, dù mật độ công nghiệp chỉ bằng 1 góc Trung Quốc, nhưng cũng nằm trong nhóm top “Nung khí quyển” với 5,1°C. Canada hay Nga lạnh buốt xương, có lý do để lấp liếm. Trung Quốc chẳng cần phải xấu hổ: Tao sản xuất cho cả thế giới, ai làm gì được tao?

Việt Nam vừa nghèo, vừa ít công nghiệp, lý giải thế nào cho sự phá hoại khủng của mình?

Để giải thích sự vô lý này, tiều phu tìm cách so sánh chính sách kinh tế/môi trường của Việt Nam và Đức, cả hai đều là quê hương. Số liệu từ bài trước cho thấy: Một người Đức hiện đang tiêu thụ số năng lượng quy ra dầu là 3,6 tấn trong năm, trong khi một người Việt chỉ có 0,7. Nhưng trong 3,6 tấn của Đức có tới 50-55 % là năng lượng không gây khói, kể cả điện hạt nhân. Đến năm 2020, hết hạt nhân thì tỷ lệ năng lượng tái tạo phải nâng lên tương ứng. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện của Đức có hiệu suất và tiêu chuẩn khí thải cao hơn nhiều các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam. Dân chúng ở Việt Nam, bất kể gần nhà máy nhiệt điện nào, cũng khổ sở vì khói, đó là chưa kể bụi than và nạn tro xỉ. Nhìn những hình ảnh ống khói Formosa hay Vĩnh Tân, đọc nỗi khổ của người dân địa phương, có người tuy ghét Karl-Marx, vẫn trích câu nói của ông để tỏ lòng: “Chỉ có loài thú mới quay mặt đi trước nỗi đau của đồng loại“.

Đó chỉ là nhà máy điện, chưa kể hàng ngàn loại nhà máy cơ khí, xi măng, nhà máy đường,… toàn công nghệ China, làm gì có tiêu chuẩn khí thải nào.

Nước Đức có khoảng 45 triệu xe hơi, trong khi quê choa chỉ có khoảng 1,5 triệu chiếc, nhưng 45 triệu xe máy. Với chất lượng xe thấp tè và cứ đi 300 m lại dừng, lại tắc, lại rồ ga, đứng ở đèn đỏ cứ phải vê ga, với lối sống ngày ra đường chục lần, đi mua bao thuốc cũng xe máy thì chắc chắn một cái xe máy Việt tống khí thải nhiều hơn một cái xe ô con Đức, còn chiếc xe ô-tô con ở VN sẽ thải nhiều hơn chiếc xe loại sang của Đức.

Những cột điện vừa phi dê vừa búi tó ở khắp nơi chỉ là bề nổi của mạng điện duy nhât có ở Việt Nam. Kích thước dây, cách đấu nối, các loại biến áp, đang gây tổn hao từ 10%-15% điện năng cho các máy lạnh. Thế là khói nhà máy điện vốn đã đen lại phải đen hơn 15% nữa. Đó là chưa kể đa số các căn nhà ở Việt Nam không xây cho máy điều hòa. Tường con kiến, cửa sổ 1 lớp, không kín joăng, đang gây thất thoát khí lạnh kinh khủng. Trong khi đó ở Đức, chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để dân làm nhà cách nhiệt, làm cửa kính 3 lớp, lắp lò sưởi tái thu nhiệt để tiết kiệm hơi ấm. Trong khi Đức khuyến khích mọi nhà lắp pin mặt trời để bổ sung cho lưới điện quốc gia từ hơn 20 năm nay thì ở Việt Nam, EVN vẫn gây khó dễ trong việc mua lại điện của dân.

Còn rất nhiều ví dụ nói lên sự khác biệt giữa hai xã hội, một nước mà đảng xanh là chính đảng lớn thứ hai, đang chi phối chính sách quốc gia và một nước mà đi biểu tình bảo vệ cây xanh bị côn đồ hành hung. Vì vậy mà nước Đức đi từ chỗ có màu đỏ đặc như Trung Quốc, đang chuyển sang mầu vàng nhạt trên bản đồ. Còn Việt nam, từ chỗ sáng sủa như các nước Châu Phi chưa phát triển, nay chuyển sang mầu đỏ đậm. Đau ở chỗ: Nước Đức khi xả khí thải ở mức 5,1°C đã là một cường quốc công nghiệp. Việt Nam dù chơi đến 6°C thì vẫn là một nước đang phát triển.

Khí thải không chỉ đến từ công nghiệp hay xe cộ, mà còn từ nông nghiệp, từ rác thải…. Đọc các bài báo về những núi rác thải khổng lồ, bốc mùi xa hàng chục cây số, về những dự án xử lý rác mà mục tiêu chính là xử lý tiền, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự phẫn nộ của người dân ở Yên Phong, Bắc Ninh hay ở Nam Sơn, Hà Nội.

Ở đâu tạo ra khí thải thì ở đó cũng phải có đủ rừng để hóa giải. Về mặt này châu Âu, Bắc Mỹ đã thấm và họ trồng rừng rất nhiều, thậm chí quá nhiều như miền tây nước Mỹ. Ở ta thì ngược lại. Khi làm phụ đề phim „Việt Nam, mảnh đẹp dễ vỡ“ (3) tôi đã sốc khi nhìn bức ảnh về diện tích rừng Việt Nam trước chiến tranh 1945 và hiện nay. Sốc, không phải vì bom B52, Napalm hay chất độc Da cam. Mọi tác hại của chúng đều đó có thể tưởng tượng ra. Sốc vì thấy rừng ở Miền Bắc, tuy không bị chiến tranh hủy diệt, lại bị tàn phá nặng hơn cả rừng Trường Sơn (xem ảnh 2). Đó là “nhà nước và nhân dân cùng làm“, không bị ai xúi giục cả.

Hai bản đồ l từ bộ phim Đức “Việt Nam, vẻ đẹp dễ vỡ” cho thấy rừng Việt Nam trước 1945 và hiện nay. Điều đáng nói là miền Bắc không bị chiến tranh hủy diệt, nhưng rừng Việt Bắc và Tây Bắc bị phá gần hết.

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Laws_against_Holocaust_denial

(2) paris-equity-check.org/warming-check

https://www.theguardian.com/environment/2018/nov/16/climate-change-champions-still-pursuing-devastating-policies-new-study-reveals

(3) Phim có phụ đề tiếng Việt https://www.youtube.com/watch?v=l3KNH38OX9Y

Bình Luận từ Facebook