Chúng ta đang ở thế kỷ bao nhiêu?

Nhân Trần

22-11-2018

Hôm nay tình cờ tôi đọc được trong sách một câu nói khiến tôi phải suy ngẫm “thế giới bước sang thế kỷ XX từ năm 1914” – đó là năm bắt đầu Thế chiến thứ Nhất. Kể từ đó, mọi thứ thay đổi, các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho chiến tranh thay đổi chóng mặt. Rồi sau đó chính những thứ đó trở lại phục vụ cho cuộc sống của con người. Vậy là không phải cứ bước qua hai con số 0 là bắt đầu một thế kỷ mới mà phải trải qua một biến cố làm chấn động thế giới thì thế kỷ mới mới thực sự bắt đầu. Con số chỉ là các con số mà thôi. Sự kiện mới là trên hết.

Thế chiến thứ Nhất (1914) và Thế chiến thứ Hai (1939) về bản chất là hai cuộc chiến tranh nhằm phân chia lại thị trường tư bản. Khi đó, chủ nghĩa tư bản độc quyền đang ở tột đỉnh và có nguy cơ bị phá sản. Sự thật là nó bị phá sản từ ngay sau thế chiến hai kết thúc (1945) khi Liên Hợp Quốc ra đời giải quyết các vấn đề xung đột và tranh chấp sau chiến tranh. Nhưng hệ quả là tạo ra hai cực đối lập mà ta gọi là thời kỳ “chiến tranh lạnh”.

Việt Nam bắt đầu thế kỷ XX có lẽ chậm hơn so với thế giới khoảng 35 năm. Tức là năm 1945, khi những người cộng sản lên nắm chính quyền và thừa hành việc cai trị đất nước ngả theo cách làm của Liên Xô Xã Hội Chủ Nghĩa từ năm 1917. Họ dựa vào tinh thần dân tộc để chiến thắng Pháp (1954), chiến thắng Mỹ (1973) và chiến thắng người anh em của mình VNCH (1975). Để từ đó, họ ngủ quên trên quá khứ, ám ảnh bởi quá khứ và sùng bái quá khứ. Tinh thần dân tộc kể từ đó chỉ còn trên khẩu hiệu treo trong các hội trường.

Những người cộng sản khi đã có đầy đủ quyền lực trong tay, chính quyền, cảnh sát, quân đội, hiến pháp, luật pháp. Sau năm 1975, họ nghiễm nhiên trở thành những ông vua cai trị đất nước. Cả đất nước, người dân bị dồn vào các hợp tác xã, các tổ hợp sản xuất, các nhà máy xí nghiệp, đảng đoàn, chi bộ… làm việc theo kế hoạch và lãnh lương bằng đầu phiếu. Đó là một giai đoạn khủng khiếp bởi sự khủng hoảng kinh tế kéo dài với nghèo đói và tù túng. Xã hội Việt Nam giống như một nhà tù rộng lớn cả về mặt không khí lẫn tinh thần.

Đổi mới năm 1986 là một công cuộc “cởi trói” về kinh tế. Khi đó người dân mới được ăn no. Nhưng từ đây lại xuất hiện một giai cấp mới: “tư bản đỏ”. Đó là những nhà cai trị cộng sản núp sau các tổ chức tư bản để trục lợi, làm giàu bất chính, tham nhũng, rửa tiền. Họ lợi dụng chính sách lỏng lẻo, luật pháp sơ hở để vươn lên độc quyền về một lĩnh vực kinh tế nào đó. Hoặc bao che, bảo kê, sân sau hay góp cổ phần cho những tập đoàn kinh tế nhằm chia chác quyền lợi.

Việc làm ăn kinh doanh của họ vẫn diễn ra công khai như vốn từng tồn tại trong chính địa hạt quản lý của họ. Họ buôn chức, tăng thuế và đầu cơ dự án đất đai đó là ba lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận. Nguồn tài chính vô tận nhét đầy túi tham của những nhà cai trị cộng sản từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Cách làm kinh doanh của giai cấp tư bản đỏ này không khác gì so với cung cách làm ăn của chủ nghĩa tư bản độc quyền cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Thế giới bước vào thế kỷ XXI từ sự kiện 11/9/2001, khi hai tòa nhà thương mại tại New York bị khủng bố đánh sập. Loài người bước vào một giai đoạn đấu tranh mới: đấu tranh cho tự do, và đấu tranh nhằm diệt trừ chủ nghĩa khủng bố. Ngày nay khủng bố vẫn đang rình rập ở mọi ngõ ngách trên thế giới. Thỉnh thoảng lại có những vụ xả súng tại Paris, Berlin, London hoặc ở Mỹ. Những khu vực Trung Đông hiện vẫn còn được xem là chiến trường và nhà nước khủng bố vẫn còn tồn tại, đe dọa hàng triệu người.

Tự do là một đề tài triết học được thảo luận suốt thế kỷ XX. Không phải chỉ với ý nghĩa về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do thể xác mà là một sự không xâm phạm vào quyền cơ bản của con người (Nhân Quyền) và lợi ích của người khác được hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Tự do nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một thế giới con người văn minh yêu thương và bác ái, để bảo vệ lợi ích chung cho mọi người. Tự do là chấp nhận sự đối lập và tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

Việt Nam chưa bước qua thế kỷ XX bởi Việt Nam chưa xảy ra một biến cố đặc biệt nào làm thay đổi nhận thức và hành động của con người. Những người cộng sản nắm chính quyền coi cương lĩnh đảng cao hơn cả Hiến pháp. Luật pháp chỉ để trưng ra cho có vì họ sợ người dân hiểu được luật sẽ gây khó dễ cho chính quyền: “Luật pháp dành cho đảng viên khác với luật pháp dành cho dân chúng”. Những người đấu tranh tự do dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền đều bị khủng bố và đàn áp. Họ chịu những bản án nặng nề nhất trong các khung hình phạt. Họ bị coi chống đảng là chống tổ quốc. Phản bội đảng là phản bội tổ quốc. Đây thực chất là chính sách mà Hitler – trùm Phát xít đã sử dụng trong suốt quãng đời cai trị nước Đức của mình và gây ra cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu lần thứ hai (1939 – 1945).

Phải có một biến cố lớn khiến người dân Việt Nam giật mình nhận ra rằng, chúng ta đã ngủ quên quá lâu trong quá khứ; trong ích kỷ của bản thân mình vì gia đình mình; và yên vị làm một người dân thấp cổ bé họng. Họng súng của chính quyền có thể nhắm vào bất cứ ai, do đó chỉ khi nào họ bắn vào chân mình thì mình mới lên tiếng kêu khóc như các dân oan hiện nay. Khi chưa có một biến cố xảy đến, người ta chưa thể hiểu được sự thay đổi có ý nghĩa lớn lao thế nào. Đất nước chưa bước sang một trang sử mới hay bước vào một thế kỷ mới với đầy đủ ý nghĩa và tên gọi của nó.

Cuộc đời mỗi con người cũng tương tự như thế. Không phải cứ bước qua ngày sinh nhật là bước sang một tuổi mới. Một tuổi mới phải được đánh dấu bằng một sự kiện làm thay đổi thể chất và tâm hồn con người. Sự kiện ấy có thể là một trải nghiệm sau mỗi chuyến đi xa, có thể là một chứng chỉ hành nghề, một tấm bằng tốt nghiệp hoặc một tai nạn thập tử nhất sinh, hoặc một ngày đẹp trời bị đá đít ra khỏi công việc mình đang làm… Tuổi tác chỉ là con số, sự trải nghiệm và kinh nghiệm mới đánh dấu bước trưởng thành của con người.

Nếu coi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta là một cơ thể con người, thì Việt Nam đã bao nhiêu lần trưởng thành rồi? Việt Nam đã bước sang thế kỷ mới hay chưa?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài này sai lầm nhiều chỗ . Thế kỷ 20 rất ngắn, kéo dài từ 1945 tới khi Việt Nam “giải phóng” Cambodia và mời phóng viên quốc tế tới chiêm ngưỡng thành quả của chủ nghĩa Mác qua Khmer Rouge. Sau đó, thế giới bước thẳng vào thế kỷ 21 với hậu hiện đại . Tất nhiên, nhiều người vẫn tưởng mình còn ở thế kỷ 20, 9-11 khẳng định 1 cách chắc chắn thế kỷ 20 đã chấm dứt từ lâu .

    Việt Nam … Hmm, tớ nghĩ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, bao trùm là chủ nghĩa Mác & tư tưởng của Bác Hồ kính yêu đã không những không tiến về tương lai, mà còn lùi về quá khứ . Hiện thời Việt Nam ở thời kỳ trước Marx khoảng chục năm về xã hội, về tư tưởng thì lùi sâu hơn 1 tẹo khoảng pre-romanticism, tức khoảng 1830-1840s, tức là bắt đầu xuất hiện những tư tưởng của thời kỳ lãng mạn. Có tiến, aka lùi, sâu hơn về quá khứ trong tương lai không, tớ không biết, nhưng đoán là có thể. Những tư tưởng thời kỳ đầu lãng mạn (cũng) đang bị ức chế thì còn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào quá khứ .

    No Star Where. Dân mình nên cứ thế mà vững bước với lòng tin không gì lay chuyển nổi vào những chuyện ruồi bu với thế giới, nhưng rất trọng đại ở Việt Nam .

Comments are closed.