Khi ‘sức khỏe lãnh đạo’ là ‘bí mật nhà nước’

Blog VOA

Trân Văn

21-11-2018

Công chúng bàn luận rôm rả về sức khỏe ông Trần Đại Quang rõ ràng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho vị thế Chủ tịch Nhà nước của ông Quang. Ảnh: AP

Việc Quốc hội khóa 14 “nhất trí cao” trong việc xác định – “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” – khi thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước hôm 15 tháng 11 năm 2018 (1), chẳng khác gì cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam xem dân chúng Việt Nam là gì và ngạo mạn, hỗn xược ra sao…

Bạn nghĩ sao nếu con cái ai đó bảo với cha mẹ chúng rằng, ngoài nghĩa vụ phải đáp ứng tất cả các nhu cầu của chúng, họ không được quyền hỏi chúng bất cứ điều gì, kể cả sức khỏe của chúng ra sao (?). Thậm chí lũ con này còn khẳng định, nếu cha mẹ chúng chia sẻ thông tin, cùng nhau bình luận về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của chúng, cha mẹ sẽ bị chúng trừng phạt?

Trên thực tế, chỉ có gia cầm (như: gà, vịt,…), gia súc (như: heo, bò,…), mới không bận tâm, không có nhu cầu tìm hiểu tình trạng sức khỏe của đối tượng đang được chúng nuôi (bằng trứng, sữa, thịt,…) thế nào (?). Loài người không dành cho gia cầm, gia súc quyền được biết, được bình luận về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của mình dù đời sống của họ có sự phụ thuộc nhất định vào gia cầm, gia súc, bởi trong mắt họ gia cầm, gia súc bị xem là những loại… thú đã được thuần hóa.

Không chỉ có thế!

***

Dùng luật đặt định “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước”, mâu thuẫn với nhiều qui định khác liên quan tới định nghĩa về “bí mật nhà nước”, phương thức bảo vệ “bí mật nhà nước” trong Luật Bí mật nhà nước. Sự gán ghép tùy tiện này khiến các điều, khoản của Luật Bí mật nhà nước và thực tế thóa mạ lẫn nhau.

Theo Điều 2 của Luật Bí mật nhà nước, sở dĩ phải dùng luật để bảo vệ “bí mật nhà nước” trong tất cả các lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường,…) vì nếu các “bí mật nhà nước” bị “lộ, mất”, chúng “có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và các lĩnh vực khác” (2).

Trên thực tế, giới lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam thường xuyên được đưa đi khám bệnh – chữa bệnh ở rất nhiều nơi trên thế giới: Châu Á có Trung Quốc, Singapore, Nhật,… Châu Âu có Pháp, Nga,… Rồi Mỹ, Úc,… Dựa trên những thông tin do các Ban Bảo vệ sức khỏe từ Trung ương tới địa phương từng loan báo và các… tin buồn gửi đến toàn đảng, toàn quân, toàn dân thì chỉ còn thiếu châu… Phi chưa nhận khám bệnh – chữa bệnh cho giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.

Nếu “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” không thể để “bị lộ, mất”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam còn gửi các viên chức lãnh đạo đi khám bệnh, chữa bệnh ở ngoại quốc không? Vẫn tiếp tục gửi các viên chức lãnh đạo đi khám bệnh, chữa bệnh ở ngoại quốc như trước, rõ ràng sẽ vi phạm nhiều điều, khoản tại Chương 3 về “Hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước”. Ai sẽ giám sát, kiểm tra và xử lý những vi phạm này?

***

Chuyện dùng luật đặt định “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” không phải do sợ “bị lộ, mất”. Nếu “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” thực sự quan trọng đối với “lợi ích quốc gia, dân tộc và các lĩnh vực khác”, không thể để “lộ, mất” thì chắc chắn không có phong trào thi nhau đi khám bệnh – chữa bệnh ở nước ngoài.

Tháng 8 năm ngoái, khi được đem ra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo Dự Luật Bí mật nhà nước không xác định “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” (3). Đối chiếu thời điểm xảy ra các sự kiện thời sự, có thể thấy, “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” trở thành “bí mật nhà nước”, sau khi công chúng bàn luận rôm rả về tình trạng sức khỏe của ông Trần Đại Quang và rõ ràng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho vị thế Chủ tịch Nhà nước của ông Quang.

“Thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” chính thức trở thành “bí mật nhà nước” chủ yếu nhằm răn đe, ngăn chặn dân chúng Việt Nam “đăng tải, phát tán ‘thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp’ trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông”, tác hại cho vị thế của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam và mục tiêu thực chỉ là như thế mà thôi.

Đem chuyện chăm sóc sức khỏe công dân đặt bên cạnh chuyện chăm sóc “sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” ắt sẽ thấy sự phi nhân của hệ thống liên tục khẳng định “do dân, vì dân”. Trong khi hệ thống cơ sở y tế thiếu đủ thứ, từ chỗ nằm cho người bệnh, tới thuốc chữa bệnh (4), thuốc thiết yếu cứu mạng những người chẳng may rơi vào tình trạng nguy kịch (5), thiết bị – vật tư y tế (6), máu (7),… thậm chí tiện nghi tối thiểu như nhà vệ sinh của hệ thống cơ sở y tế cũng trở thành vấn nạn trầm kha của quốc gia, phải đem ra bàn bạc tại Quốc hội (8) – thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn điềm nhiên cải tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Bảo vệ sức khỏe từ địa phương đến Trung ương.

Tháng 3 vừa qua, Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN tiếp tục cải sửa “Quy định về Chăm sóc cán bộ cao cấp” (9). Theo đó, những cá nhân đang hoặc đã từng là: Tổng Bí thư. Chủ tịch Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng. Các Ủy viên Bộ Chính trị. Các Bí thư BCH TƯ Đảng. Các Phó Chủ tịch Nhà nước. Các Phó Chủ tịch Quốc hội. Các Phó Thủ tướng. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam. Các Đại tướng. Các Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN. Trưởng các ban của BCH TƯ Đảng CSVN. Lãnh đạo các đoàn thể chính trị – xã hội. Các Bộ trưởng. Bí thư các tỉnh – thành phố trực thuộc Trung ương. Các Thượng tướng. Phó các ban của BCH TƯ Đảng CSVN, phó các đoàn thể chính trị – xã hội. Các Thứ trưởng. Các Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương và các chức vụ tương đương – được hưởng chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe riêng, tùy vị trí mà được kiểm tra sức khỏe hàng ngày, hàng tuần, hai lần/tuần, tháng/lần, tại tư gia hoặc nơi làm việc, hàng năm phải… nghỉ dưỡng sức, được ngân sách đài thọ khi cần đi khám bệnh – chữa bệnh ở ngoại quốc. Cũng theo quy định vừa dẫn, Giám đốc những bệnh viện được chỉ định khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ cao cấp phải “bố trí đủ cán bộ đúng tiêu chuẩn” cho các khoa, phòng dành riêng để điều trị cán bộ cao cấp.

“Thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” trở thành “bí mật nhà nước” không chỉ nhằm răn đe, ngăn chặn dân chúng Việt Nam chia sẻ thông tin, tham gia bình luận về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của một cán bộ cao cấp nào đó, nó chặn cả việc so sánh, tại sao cùng là công dân nhưng chỉ “công bộc” mới được biệt đãi, còn công dân bị đối xử như gà, vịt, heo, bò. Làm “lộ bí mật nhà nước” là tội hình sự, có thể bị phạt đến 15 năm tù.

Chú thích

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/thong-tin-ve-suc-khoe-lanh-dao-dang-nha-nuoc-la-bi-mat-20181115171541072.htm

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-2017-337064.aspx

(3) http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=717&TabIndex=1&LanID=1399

(4) http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201808/khong-de-thieu-thuoc-dieu-tri-tai-cac-benh-vien-2396435/

(5) https://news.zing.vn/benh-vien-thieu-thuoc-cap-cuu-cho-benh-nhan-co-nguy-co-tu-vong-cao-post875228.html

(6) http://soha.vn/benh-vien-da-khoa-ha-tinh-thieu-hoa-chat-nguoi-benh-khon-don-vi-dau-nen-noi-20180623101421465.htm

(7) http://vnews.gov.vn/170-benh-vien-thieu-mau-du-tru-tram-trong

(8) http://soha.vn/bo-truong-nguyen-thi-kim-tien-benh-vien-nao-nha-ve-sinh-ban-la-giam-doc-vien-do-o-ban-20181027112547106rf20181027112547106.htm

(9) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-121-QD-TW-2018-cong-tac-bao-ve-cham-soc-suc-khoe-can-bo-cap-cao-376488.aspx

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây