Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nước Mỹ (Phần 1)

TIME

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt

Dịch giả: Mai V. Phạm

15-11-2018

LTS: Nhà văn Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1971, là người Mỹ gốc Việt. Ông hiện là phó giáo sư tại Đại học USC. Ông được nhiều người Mỹ biết đến qua tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer”, đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Pulizer năm 2016.

Mới đây, ông Việt có bài viết đăng trên tạp chí TIME của Mỹ, có tựa đề: “Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nước Mỹ”. Chúng tôi xin được dịch và giới thiệu cùng quý độc giả. Bài viết khá dài, xin được chia làm hai phần, dưới đây là phần đầu bài dịch.

Gia đình nhà văn Nguyễn Thanh Việt những năm đầu thập niên 1980 ở San Jose, California, nơi cha mẹ ông có một cửa hàng tạp hóa nhỏ tên “Sài Gòn Mới”. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

“Yêu thì ở, không thì cút” (“Love it or leave it”). Bạn đã nghe ai đó nói câu này hay chưa? Hay là bạn đã từng nói câu này? Bất cứ ai từng nghe năm từ này đều biết ý nghĩa của nó bởi ngụ ý nói về nước Mỹ. Bất cứ ai đã nghe câu này đều biết đó là một khẩu súng đã nạp đạn, nhắm thẳng vào họ.

Với những cá nhân nói câu này, các bạn có nói với ý thể hiện sự hòa nhã, đồng cảm, mỉa mai, châm biếm, hoặc bất kỳ sự hài hước nào hay không? Hay câu nói đó luôn được nói kèm theo sự hăm dọa rất rõ ràng?

Tôi hỏi điều này do tò mò thực sự, bởi vì tôi chưa bao giờ nói câu này nhằm đến bất kỳ quốc gia hoặc nơi nào. Tôi chưa bao giờ nói “yêu thì ở, không thì cút” với con trai tôi và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ phải nói điều ấy, bởi vì đó không phải là thứ tình yêu mà tôi muốn cảm nhận, cho con trai tôi hay cho đất nước tôi, bất kể quốc gia nào.

Đất nước mà tôi viết những điều này là nước Pháp, không phải là đất nước của tôi mà là nước đã xâm chiếm Việt Nam nơi tôi sinh ra trong khoảng hai phần ba thế kỷ. Sự cai trị của Pháp kết thúc 17 năm trước khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi và ông bà tôi không biết gì ngoài chủ nghĩa thực dân Pháp. Có lẽ vì lịch sử này, một phần của tôi yêu nước Pháp, một tình yêu trong một mức độ nào đó đến từ tâm trí bị Pháp đô hộ. Nhận thức được thân phận thuộc địa, tôi không yêu nước Pháp theo cái cách mà nhiều người Mỹ yêu nước Pháp: mơ ước tháp Eiffel, nhâm nhi ly cà phê tại Les Deux Magots, hoặc ăn một bữa ngon ở Provence. Đây là một tình yêu lãng mạn, theo những điệu nhạc accordion hoặc Édith Piaf, mà tôi chỉ cảm nhận thoáng qua. Tôi không thể nào bỏ qua các di sản của chủ nghĩa thực dân, vốn có thể nhìn thấy khắp Paris nếu người ta thực sự muốn nhìn thấy chúng: những người có nguồn gốc châu Phi và Ả Rập đang cư ngụ tại đây bởi vì nước Pháp đã có mặt ở đất nước của họ. Lãng mạn hóa sự tồn tại của họ, đôi khi bên lề của xã hội Pháp, sẽ là khó khăn và đó là lý do tại sao người Mỹ hiếm khi nói về chính họ như một phần ảo tưởng về Paris – Pháp.

Ảo tưởng thì hấp dẫn, đặc biệt bởi quá khứ Việt Nam của tôi. Hầu hết người Pháp gốc Việt tôi biết đều mãn nguyện, ngay cả khi họ biết về lịch sử thuộc địa của mình. Tại sao họ lại không chứ? Một người bạn Marốc ở Paris chỉ vào làn da của tôi và nói: “Anh có làn da trắng”. Nhưng tôi không phải là người “da trắng” ở Mỹ, hoặc chưa. Tôi trưởng thành ở Mỹ nhưng sinh ra ở Việt Nam, và nguồn gốc của tôi không thể tách rời khỏi ba cuộc chiến tranh: người Việt Nam đã chiến đấu chống lại người Pháp; người Việt Nam đã đánh nhau; và người Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam.

Nhiều người Mỹ coi chiến tranh là một điều gì đó cao thượng, cũng có thể là ý định tốt của nước Mỹ. Và trong khi có một số điều đúng, nó cũng chỉ đơn giản là một sự tiếp nối của cuộc chiến thực dân Pháp, một cuộc chiến tranh có nguồn gốc của sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc. Như vậy, cuộc chiến này chỉ là một biểu tượng của một sự mở rộng hàng thế kỷ của đế quốc Mỹ bắt đầu từ sự ra đời của chủ nghĩa thuộc địa và mở rộng sang biên giới Tây Mỹ, Mexico, Hawaii, Guam, Puerto Rico, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và bây giờ là Trung Đông.

Một cuộc chiến tranh có thể là một sai lầm. Nhưng một loạt các cuộc chiến tranh là một lộ trình khuôn mẫu. Trong trí tưởng tượng của người Mỹ, người Mỹ da đỏ có nguồn gốc khủng bố. Sự diệt chủng của người Mỹ da đỏ bởi những người da trắng là bộ mặt xấu xí của ngày Lễ Tạ Ơn, có thể không hoàn toàn được ghi nhớ nhưng không thực sự bị lãng quên ngay cả ở Pháp, nơi những hình ảnh của một người Mỹ da đỏ, ngực trần trong một chiếc mũ lông trắng cũng có thể được tìm thấy. Nhiều thế kỷ sau, bộ nhớ tiềm ẩn về cuộc diệt chủng – hay tưởng niệm cuộc chinh phục – sẽ lại xuất hiện khi những người Mỹ gọi địa hạt của người Việt Nam chống đối là “xứ sở của người da đỏ”. Hiện tại, người Hồi giáo là những kẻ ngoại lai da vàng trong khi những kẻ khủng bố là những tên cộng sản mới, bởi những người cộng sản không còn đe dọa (Mỹ) nữa và mọi xã hội đều cần một nhóm khác để xác định ranh giới và chuyển dồn nỗi sợ hãi.

Chợ Sài Gòn Mới ở San Jose, California, do cha mẹ ông Việt làm chủ hồi đầu thập niên 1980. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

Nhiều người Mỹ không thích nghe những điều này. Một cựu chiến binh người Mỹ đã viết cho tôi trong cơn thịnh nộ sau khi ông đọc một bài luận văn của tôi về những vết thương mà người tị nạn Việt Nam đã mang theo. Ông ấy nói với tôi rằng người Mỹ đã hy sinh cho đất nước Việt Nam của tôi, gia đình tôi, vì thế tôi nên biết ơn. Trong lá thư trả lời, tôi viết rằng ông ấy chính là người duy nhất bị tổn thương từ cơn giận dữ của chính mình. Và ông ta đã viết lại với một bức thư khác với giọng điệu thậm chí còn dữ dội hơn. Một cựu sĩ quan người Mỹ, hiện là một nha sĩ và bác sĩ, đọc cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của tôi và gửi cho tôi một lá thư bằng giọng điệu rất thẳng thừng. Ông viết: “Anh dường như yêu thương những người cộng sản rất nhiều. Tại sao anh không trở về Việt Nam và mang theo con trai mình”.

Tôi cảm thấy chán chường, nên không viết lại cho ông ta. Tôi nên viết. Đáng lý, tôi nên chỉ ra rằng ông ấy đã không đọc hết cuốn tiểu thuyết của tôi, kể từ phần cuối nêu lên những thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Có lẽ ông ta không vượt qua được cảm giác bị xúc phạm đến từ phần đầu của cuốn tiểu thuyết, vốn lên án cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Có lẽ ông ta cũng chưa đọc đến phần giữa của cuốn tiểu thuyết, khi tôi châm biếm những thất bại của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam nơi tôi đã sinh ra.

Tôi chỉ trích như vậy không phải vì sự thù ghét nhưng bởi vì tôi yêu những đất nước này. Tình yêu của tôi đối với các quốc gia của mình là phức tạp bởi vì lịch sử, quá khứ của các quốc gia là khá phức tạp. Mọi quốc gia đều tin nó là tốt nhất và tầm nhìn này đã tạo nên những nền văn hóa đẹp, bao gồm cả Pháp. Và mỗi quốc gia cũng bị nhuốm trong máu của các cuộc chiến tranh và bạo lực, bao gồm cả Việt Nam. Nếu chúng ta yêu đất nước mình, chúng ta mang ơn không chỉ để tâng bốc đất nước, mà còn để nói lên sự thật trong cả vẻ đẹp và sự hung bạo của đất nước mình, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Nếu tôi hồi âm lá thư đó, tôi sẽ hỏi vị sĩ quan – hiện là nha sĩ và bác sĩ – tại sao ông ta lại phải đe dọa con trai tôi, người sinh ra ở Mỹ. Quyền công dân của con trai tôi là dĩ nhiên, cũng có giá trị như quyền công dân của vị sĩ quan. Nhưng con trai tôi lại bị bảo rằng “yêu thì ở, không thì cút”. Cách nói như vậy có phải kiểu Mỹ không? Có. Và không. Trong cùng một lúc, “Yêu thì ở, không thì cút” vừa là phong cách kiểu Mỹ nhưng cũng không phải kiểu Mỹ, cũng giống như tôi vậy.

Không giống như con trai tôi, tôi phải nhập quốc tịch Mỹ. Tôi có yêu nước Mỹ khi tôi nhập tịch hay không? Thật khó để nói bởi vì lúc đó tôi không bao giờ nói “I love you” với bất cứ ai, bao gồm cả bố mẹ tôi, huống gì một quốc gia. Nhưng tôi vẫn muốn tuyên thệ quyền công dân Mỹ khi còn nhỏ. Đồng thời, tôi cũng đã muốn giữ tên tiếng Việt của mình. Tôi đã thử thay đổi khá nhiều tên Mỹ khác nhau. Nhưng, tôi đều cảm thấy không tự nhiên. Chỉ có cái tên mà bố mẹ tôi đặt là tôi cảm thấy tự nhiên, có thể là do bố tôi không bao giờ thôi nói với tôi: “Con là người Việt Nam 100%.”

Bằng cách giữ tên Việt Nam của mình, tôi có thể trở thành một người Mỹ nhưng không quên rằng tôi sinh ra ở Việt Nam. Nghịch lý thay, tôi cũng đã tin rằng bằng cách giữ tên Việt Nam của mình, tôi đã thực hiện cam kết với nước Mỹ. Không phải là nước Mỹ của những người nói “yêu thì ở, không thì cút”, nhưng với nước Mỹ của tôi, một nước Mỹ mà tôi buộc phải nói tên của mình, chứ không phải là một nước Mỹ ép buộc một cái tên cho tôi.

Đặt tên cho con trai tôi là một thách thức. Tôi muốn đặt cho con trai mình một cái tên Mỹ, để thể hiện sự phức tạp, đa dạng của nước Mỹ. Tôi đã chọn tên Ellison, là tên của nhà văn vĩ đại Ralph Waldo Ellison, vốn được đặt theo tên của nhà triết học vĩ đại Ralph Waldo Emerson. Gia phả của con trai tôi sẽ có màu đen và trắng, của văn học và triết học, của cả người Mỹ gốc Phi và người Mỹ. Gia phả này tượng trưng cho cả sự vĩ đại và nỗi kinh hoàng của nước Mỹ, cả nền dân chủ cũng như chế độ nô lệ. Một số người Mỹ muốn tin rằng sự vĩ đại của nước Mỹ đã chiến thắng nỗi kinh hoàng, nhưng đối với tôi, sự vĩ đại và nỗi kinh hoàng tồn tại cùng một lúc, như đã có từ lúc đầu của lịch sử Mỹ và có lẽ cho đến lúc kết thúc. Một cái tên như Ellison gộp cả vẻ đẹp và sự tàn bạo của nước Mỹ thành bảy chữ cái AMERICA, một kết quả của cả sự tuyệt vọng lẫn hy vọng.

Ông Việt và mẹ ông trước khi rời Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thì bày tỏ lòng biết ơn bằng cách khác. Đặc biệt là đối với những cựu chiến binh Mỹ. Họ là những người đã trưởng thành, từng nếm trải những kinh nghiệm đau thương ê chề về cuộc chiến VN, đặc biệt là thói đời bất công, thiên kiến của giới truyền thông, và sự a dua tàn nhẫn của những kẻ phản chiến ích kỷ, hèn nhát. Họ cần được xoa dịu và đồng cảm trước đã…
    Tôi lên mạng (nhờ bị bệnh đúng ngày 30 tháng tư vào đầu thập niên 1990’s) gặp ngay bài viết về đề tài tại sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến VN. Ôi trời, cơ man là ý kiến! Đại đa số là những lời uất ức, chửi rủa sự đê tiện hèn hạ của mấy tay chính trị gia hoạt đầu, mấy ca sĩ xướng ca vô loài kiểu Joan Baez hay nghệ sĩ Jane Fonda. Cảm động nhất là của một sĩ quan VNCH, ông viết như than van, trách móc “tại sao, tại sao, xin giải thích cho tôi vì sao chúng ta có thể thua được”. Câu hỏi của ông đã đánh động lương tâm của tôi. Dỉ nhiên là tôi cũng chẳng biết nhiều về cuộc chiến éo le này thì lấy đâu ra câu trả lời. Nhưng tôi biết tôi phải nói lên lời công đạo, đó là cảm ơn những người nước ngoài đã đến đất nước rách nát, đầy hận thù và chiến tranh của tôi để làm nó tốt đẹp hơn. Họ đã xây trường học, cầu cống, bệnh viện, đường xá v.v.. để cải thiện đời sống chúng tôi. Họ có thể giết lầm những người mà họ cho là VC hoặc VC nằm vùng (sympathizer). Đó là nhiệm vụ mà cấp trên của họ giao phó. Nhưng tuyệt đối họ không chủ ý ném bom vào chỗ nào có dân, phá huỷ cầu cống, đường xá như VC/Mặt Trận GP đã thường xuyên làm. Tôi đã viết lời cám ơn những người cựu quân nhân Mỹ đã cho thế hệ chúng tôi một tuổi thơ an bình và ý nghĩa hơn. Không cần nói nhiều về những gì cao xa, đầy màu sắc chính trị, tôi chỉ “có sao nói vậy người ơi”. Và tôi cũng không quên cám ơn lòng nhân ái của người Mỹ đã mở rộng vòng tay đón tôi vào dưới quy chế của một người tị nạn. Nhờ những manh áo, hộp đậu, những học bổng của những người đóng thuế Mỹ, tôi đã có thể tự lập và “không bao giờ quên mình phải làm gì để trả ơn đất nước này”. Tôi cũng không quên nhắc nhở họ luôn “là tai, là mắt cho dân tộc VN hiện đang còn phải quằn quại trong đau thương vì sự vằng bóng của những người tốt lành như họ”
    Tôi chỉ viết ngắn vài câu tượng trưng, nhưng phản hồi tôi nhận về thì vô số kể. Biết bao người muốn instant chat với tôi trên AOL, có người viết rằng “đất nước này hãnh diện đã mở rộng vòng tay cho người như bạn, và sẽ còn mở rộng mãi”. Tôi chẳng có thời giờ hay sức khoẻ mà ngồi “chat” vối họ tối hôm đó, nhưng tôi biết mình đã làm xong phận sự của lương tâm mình là thay mặt cho những người thường dân miền Nam nói lên tấm lòng biết ơn của chúng tôi với những ân nhân của mình.

  2. Đúng ra,ông này phải yêu nước Việt cho dù là người Mỹ (quốc tịch)
    nhưng có lẽ vì ông mang ơn những người Mỹ đưa ông lên đài danh
    vọng qua cuốn tiểu thuyết về tình báo VC.mà theo thiển ý của tôi
    tiểu thuyết này chẳng hay ho gì bởi vì nó vẽ lên một người sống 2
    mặt,thậm chí là đạo đức gỉả mà đó không phải là điển hình người
    Việt (vốn trung thành với truyển thống Chân Thiện Mỹ).
    Thưa nhà văn NTV.ông nên dùng khả năng viết văn để góp sức dẫn
    đường cho người ngoại quốc hiểu rõ hơn về đất nước VN.,chứ không
    phải là a dua với họ như ông đang (vô ý) làm hay bị lợi dụng !

  3. Trích: “Không giống như con trai tôi, tôi phải nhập quốc tịch Mỹ” Tại sao lại “phải” ? Có đứa nào ép anh phải nhập quốc tịch Mỹ không ? Hãy chỉ cho tôi, tôi sẽ kiện nó trọc đầu giùm cho anh.

    Anh yêu nước Mỹ theo kiểu như anh yêu nước Pháp là tên thực dân đã từng xâm chiếm VN ….Ôi, một sự đánh tráo, đánh đồng vai trò của Pháp trước 1954 và của Mỹ sau 1954 một cách khá là giống với “đảng ta”…chỉ khác là “đảng ta” lên án chúng vì ghét, còn anh lên án chúng vì…yêu.

    Anh viết bài này để thanh minh rằng anh “yêu nước Mỹ” (Love it) để khỏi bị “leave it”…..

    Anh biết được bao nhiêu về VNCH trước 1975? Anh chỉ đọc những “tác phẩm” của đám phàn chiến Mỹ hoặc những bài báo của người Mỹ viết về chiến tranh VN một cách phiến diện mà phần nhiều chúng lại được trích dẫn từ các tài liệu của đảng CSVN, thế cho nên anh bị những người Mỹ chỉ mặt và nói ”
    Love it or leave it”…..là phải rồi!

    Đúng là nếu họ (những người Mỹ kia) lôi cả con anh vào là sai, thế nhưng tôi thông cảm cho họ, chỉ vì “bức xúc” với những gì “thằng bố” viết về nước Mỹ (của họ) mà chỉa luôn cả mũi dùi vào “thằng con”.

    Tôi thấy câu “Love it or leave it” áp dụng cho chỉ cá nhân anh là đúng, nhưng không đúng với các con anh.

  4. Một số người Việt có học ở Mỹ đang khắc khoải tìm tính chính danh của mình giữa lòng 1 quốc gia HCQ nhưng lại mang đậm văn hóa phương Tây .
    Càng có học nhưng thiếu tỉnh táo thì càng vùng vẫy cố thoát để khẳng tính chính danh người Việt Nam ,thì càng tràn ngập sự hỗn loạn tâm hồn.
    1 mặc cảm của tầng lớp có học tha hương , yêu quê hương da diết nhưng không thể trở về cố hương vì ….

  5. Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nước Mỹ

    Không phải đâu bạn Việt ơi. Bạn đang bị ức chế về danh tính của mình như hàng vạn người Mỹ gốc Á mọi thế hệ thôi (identity crisis). Những người bị như bạn rất nhiều, nếu không muốn nói là cả 100% lận, kể cả các bậc cao niên, trưởng lão, đã dẫn dắt chúng ta dạt vào bến bờ này khi không còn chọn lựa nào khác, vào một thời khắc lịch sự đau thương.

    Vừa rồi một ê kíp minh tinh, biên kịch, đạo diễn, kỹ thuật, etc … ròng Mỹ gốc Á làm được bộ phim “Rich Asians”. Bộ phim gây hưng phấn cho rất nhiều người Mỹ gốc Á không phải vì nó đặc sắc về phim, mà vì nó chứng minh là Mỹ gốc Á không chỉ chỉ biết đóng mấy vai phụ cho Hollywood, không chỉ là thứ minh tinh hạng hai, ba, bốn, first to be fired, last to be hired như thường lệ. Nỗi khát khao về một sự khẳng định danh tính được thõa mãn. Tạo được cảm hứng cho các sinh hoạt khác của Mỹ gốc Á sinh động hơn, tự tin hơn và sẵn sàng thách thức … Mỹ trắng, hay “dòng chính”.

    Bạn Việt mến. Hãy viết đi nhưng viết làm sao đừng bị hiểu lầm là thiên tả. À, mà cái thằng báo Time này là một trong tạp chí thiên tả đó.

    Nhiêu thôi,

    qx

  6. Tớ đã nói rùi, đảng Cộng Sản sẽ còn lãnh đạo dân tộc dài dài . Tại sao trí thức Việt Nam cả ở trong lẫn ngoài nước đều yêu mến lý tưởng Cộng Sản ? Fook if i know. Có thể số phận Việt Nam nó thế, đek thoát ra nổi .

    Các ngợm “đấu tranh” ở VN nên đọc bài này . Dân chủ tư bẩn hổng có lợi cho đất nước mình đâu, nếu theo lời mấy ông nội trí thức .

    “Có lẽ vì lịch sử này, một phần của tôi yêu nước Pháp, một tình yêu trong một mức độ nào đó đến từ tâm trí bị Pháp đô hộ”

    Dân Việt hiện giờ chắc yêu Đảng cũng vì lý do tương tự .

    “vẻ đẹp và sự hung bạo của đất nước mình”

    Cộng Sản đẹp chỗ nào tớ đây hổng thấy . Những “cái đẹp” của chế độ do các nhà văn-hóa viết ra như Nguyên Ngọc chẳng hạn làm tớ không muốn đụng tới tiếng Việt trong 10 năm đầu sống ở Mẽo . Tiếng Việt các bác dùng, xin lỗi, khốn nạn quá . Trong cái hung bạo, cái ác có cái đẹp không, tớ không phải là Nero hay Hitler nên không dám khẳng định . Coi không nổi operas của Richard Strauss & Wagner vì ám ảnh cái đẹp trong hung bạo trong thơ văn cách mạng của các bác . Những người như tớ, biết thân biết phận lượn đi cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa của các bác trong sạch .

    Cũng may là nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã viết bài này để cho những người ở Việt Nam sẽ không có những ảo tưởng về Mỹ . Nếu phải có ảo tưởng, người Việt mềnh nên có ảo tưởng về Đảng Cộng Sản . Có vẻ dư thừa khi 1 trự mới viết bài mong VN gia nhập bộ 4 biển Đông, và chính cuốn Sympathizers đã tóm gọn essence của cái ảo tưởng đó rùi . Dream on, man. Last time i check dreams are still free, even lousy ones like yo piece of trash.

    Năm ngoái có vẻ thế giới được mùa giải văn chương trời đánh . Bob Dylan đoạt giải Nobel, Nguyễn Thanh Việt đoạt Pulitzer.

Comments are closed.