Cụ ‘bí chủ’ và Việt Nam ‘chưa giàu đã già’

Blog VOA

Nguyễn Hùng

16-11-2018

Mấy ngày qua một số bạn tôi trên Facebook chia sẻ bài viết ‘Việt Nam chưa giàu đã già’ của tạp chí The Economist của Anh. Tờ này viết cũng hơi ẩu vì họ có vẻ nhầm chính sách một con của Trung Quốc với chính sách hai con của Việt Nam thời thập niên 1980. Họ cũng cẩu thả khi dẫn lời một ông lão 78 tuổi mà họ nói tên là ‘Toau’, tên mà tôi nghĩ không phải là tên Việt. Chắc là cụ Toàn nào đó.

Bỏ qua những lỗi không ảnh hưởng tới nội dung cả bài viết này, The Economist nói số người trên 60 tuổi ở Việt Nam hiện chiếm trên 10% dân số nhưng sẽ tăng lên trên 20% vào năm 2040. Điều tích cực là tuổi thọ trung bình tăng từ 60 tuổi hồi năm 1970 lên 76 tuổi vào thời điểm hiện nay. Điều đáng buồn là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt hơn 5.000 đô la khi lực lượng lao động lên tới đỉnh điểm hồi năm 2013 so với mức gần 10.000 đô la của Trung Quốc và trên 30.000 đô la của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Nói tóm lại đất nước “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” chưa kịp giàu thì đã già mất rồi.

Chẳng phải lấy ví dụ đâu xa, cứ nhìn người được gọi là ‘bí chủ’ Nguyễn Phú Trọng cũng đã thấy điều này đúng. Ông đốt lò năm nay đã 74 tuổi nhưng người ta vẫn nói về sự giản dị và tuềnh toàng của ông. Trông ông ăn mặc cũng có lúc nông dân, điều tôi nghĩ chẳng có gì đáng tự hào. Nhưng ông sướng hơn người nông dân vì ông không phải cày cuốc ngoài đồng nên năng suất lao động của ông về già không bị giảm. Ông còn có vẻ nói rằng ‘gừng càng già càng cay’ nên đã ngồi ngay thêm ghế nữa khi có cơ hội. The Economist nói có tới 40% người Việt trên 75 tuổi ở các vùng quê vẫn phải tiếp tục công việc đồng áng so với con số chỉ chưa tới 5% tại Anh Quốc.

Tạp chí của Anh nói thông thường khi các nước tăng thu nhập bình quân đầu người, họ sẽ hướng tới các ngành năng suất hơn, chẳng hạn như dịch vụ. Nhưng tại Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm gần một phần năm tỷ trọng của cả nền kinh tế vào thời điểm dân số ở độ tuổi lao động đạt mức cao nhất hồi năm 2013. Trong lúc đó ở cùng thời điểm tại Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội. The Economist cũng nói chính vì phụ thuộc nhiều vào các ngành như nông nghiệp mà có tới ba phần tư nhân công Việt Nam làm những việc mà năng suất lao động của họ giảm đi khi tuổi của họ cao thêm. Con số tương ứng cho Malaysia chỉ là một nửa lực lượng lao động.

Ở cuối bài viết The Economist nhận định: “Tăng năng suất lao động sẽ là điều khó khăn. Chính quyền vẫn đánh đu với chủ nghĩa nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó hầu hết sinh viên đại học bỏ phí một năm học lý thuyết của Marx và Lenin.”

Tôi nghĩ có thể The Economist nói hơi quá vì sinh viên đại học giờ ngu gì mà học mấy thứ ngày xưa ông ‘bí chủ’ học. Có thể họ bị bắt phải học và họ trả bài cho có mà thôi. Và có lẽ thời gian họ bỏ ra chỉ vài tuần hay cùng lắm là vài tháng chứ không đến một năm.

Nhưng riêng chuyện Việt Nam vẫn theo đuổi xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21 đã cho thấy tư duy nhìn đèn điện lại hỏi sao đèn Hoa Kỳ tây cứ đem treo ngược thế kia. Chỉ còn hai năm nữa Cuộc chiến Việt Nam đã lùi sau 45 năm. Đó là khoảng thời gian quá dài để luẩn quẩn quanh luỹ tre làng.

Ông lão 74 đang mang cái lò ra để làm người dân quên đi những vấn đề muôn thuở. Đó là một xã hội trong đó người dân bị quyền dùng chứ thực ra không được dùng quyền. Họ không có quyền được nói những gì họ nghĩ mà không sợ bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước. Họ không có quyền truyền bá tư tưởng tự do nếu không muốn bị cho một phát Chu Hảo. Họ không có quyền cự cãi công an khi vào đồn vì họ sẽ lăn cổ tự tử nếu làm như vậy. Họ thậm chí cũng không có quyền thực sự sở hữu đất đai vì đó là sở hữu toàn dân, tức là của mấy ông cộng sản đỏ, khi nào thích lên thì lấy đất dâng tư bản kiếm hào.

Tuần này tôi gặp một cựu đại sứ Hàn Quốc ở London và là người từng phục vụ trong chính quyền của cố Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trọng. Nghe ông hỏi mấy câu mà tôi thấy buồn quá.

Ông bảo ở Việt Nam có các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động không? Thưa có nhưng họ hơi đâu mà ăn lương nhà nước để đi bảo vệ lũ công nhân làm gì. Ông hỏi có các tổ chức đấu tranh vì dân chủ không? Dạ, thưa có cái Đảng Dân chủ thì đã giải tán từ lâu và giờ ai lập đảng gì họ bỏ tù mọt gông giống thời Pháp thuộc. Ông lại bảo ông biết Việt Nam có huấn luyện viên người Hàn Quốc và dân Việt Nam mê bóng đá lắm. Vậy có thể biến sự đam mê bóng đá đó để thay đổi xã hội không? Dạ, câu này khó trả lời quá ạ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Trong khi đó hầu hết sinh viên đại học bỏ phí một năm học lý thuyết của Marx và Lenin”

    Thống kê chính thức là (ít nhất) 15% trên tổng số giờ, tùy theo chuyên môn . Có nghĩa có những môn, có thể tới 25% giờ chuyên . Chưa kể chủ nghĩa Mác-Lê chiếm phần lớn nội dung của những chuyên môn phi Mác-Lê . Yeah, sinh viên có thể dùng 1/4 thời gian để gạo môn Mác-Lê, tương đương khoảng 1 năm .

    “vì sinh viên đại học giờ ngu gì mà học mấy thứ ngày xưa ông ‘bí chủ’ học”

    Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập tạp kỹ Cộng Sản, có bằng tiến sĩ xây dựng Đảng . Ở VN, chỉ có những đứa vừa ngu vừa phản động mới không học . Employability của những ngành chuyên về Đảng & Mác-Lê không có trần . Ngay cả những đứa không học chuyên ngành, học theo kiểu trả nợ cũng hành xử theo quán tính logic Mác-Lê . Ngay cả ô Nguyễn Đình Cống cũng vậy, mồm thì ra rả bảo bỏ Mác-Lê, vấn đề là ông ta không biết gì ngoài Mác-Lê nên chứng cớ/lý do tại sao phải bỏ Mác-Lê của ổng cũng không vượt ra ngoài Mác-Lê .

    “Nhưng riêng chuyện Việt Nam vẫn theo đuổi xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21 đã cho thấy tư duy nhìn đèn điện lại hỏi sao đèn Hoa Kỳ tây cứ đem treo ngược thế kia”

    Đâu phải chỉ có Đảng nhìn thế, cả đất nước & dân tộc này đều nhìn theo cách của Đảng . Lưu Trọng Văn nghĩ đa đảng kiểu Cuội, lộn, Bác Hồ là dân chủ, ngay cả tác giả Nguyễn Hùng một thời phụ trách BBC tiếng Việt cho đăng bài ca tụng Mohammend Attah Việt Nam cũng có khác đâu . “Dạ, thưa có cái Đảng Dân chủ thì đã giải tán từ lâu”

    “Đó là khoảng thời gian quá dài để luẩn quẩn quanh luỹ tre làng”

    Này này, đừng có mà bêu diếu “lũy tre làng” nhá! Cái “lũy tre làng” của Nguyễn Hùng đã được nâng cấp lên thành minh triết Việt, và đã được xử dụng làm cốt cho bê tông trong xây dựng, bảo đảm kết hợp được cả dân tộc lẫn hiện đại đấy .

Comments are closed.