Soi Thông điệp của Quốc vương nước Đông Lao, ngày nhậm chức

Nguyễn Tiến Dân

8- 11- 2018

1- Xứ Cù lần, nằm ở phía đông của nước Lao. Vì thế, những người thích đùa, gọi nó là nước Đông Lao. Xứ ấy, người dân vốn cần cù và lương thiện. Xứ ấy, “ruộng đất phì nhiêu/ đủ 4 mùa hoa trái”. Xứ ấy, “rừng vàng – biển bạc”. Lại có thêm “núi Trường sơn vĩ đại”, để tựa lưng và có cả “bờ biển rộng bao la” trải dài trước mặt. Cái thế “tiền thủy – hậu sơn” đó, dân tộc nào cũng muốn có, để làm không gian sinh tồn. Nhà quân sự nào cũng muốn chọn, để xây dựng thế trận phòng thủ liên hoàn và vững chắc. Nào chỉ có vậy, sát sàn sạt trước hiên nhà, là cái tuyến hàng hải nhộn nhịp vào bậc nhất của thiên hạ. “Nhất cận thị – nhị cận giang”. Hơn cả giang, ở đây, là biển. Dưới cõi trần gian, thử hỏi, mấy nơi hội tụ đủ những điều kiện thuận tiện, cả về Tự nhiên và Xã hội, như thế?

Muốn hóa Rồng – thành Hổ?

Muốn quốc thịnh – binh cường?

Muôn sự, đều đủ cả.

Duy khuyết, vị minh Quân.

2- Tiếc thay, Trời chẳng chiều người. Trải qua bao thăng trầm của Lịch sử, cuối cùng, nhà Sản đã dùng bạo lực, để thiết lập thể chế độc tài trên toàn cõi Đông Lao. Từ đó, “sâu bọ lên làm người”. Từ Quốc vương trên ngai vàng, cho đến anh phó Lý chân đất – mắt toét ở nơi sơn cùng – thủy tận, tất thảy, đều một phường thảo khấu. Chúng lấy lừa đảo, làm lẽ sống và lấy cướp của – giết người, làm kế sinh nhai. Đứa nào trong bọn chúng, cũng lì lợm – ngu si và độc ác. Ngoài thu vén cá nhân và ngậm máu phun người, chúng không thạo bất cứ một món gì khác. Trị quốc – an dân, chúng càng mù tịt. Chính vì thế, Đất nước ngày càng lụn bại và giống như chiếc ô tô đã già cỗi, nó đành lê lết trên đường. Chịu để lân bang như Xiêm la, Chùa tháp và Vạn tượng vượt mặt.

Không nhìn ra bản chất của vấn đề, bọn thảo khấu tìm đủ mọi cách để bao biện. Bí quá, chúng đổ lỗi cho cả ông Trời. Quẫn lên, chúng gán tội cho cả Quốc vương và nhân đó, tìm cách soán ngôi của ông này. Có điều, chúng không để ông ta ra đi theo “đúng qui trình”. Nghĩa là, hạ bệ hoặc phế truất, kèm theo đó, là màn phát vãng hay lưu đày. Cách, mà người ta đã làm, với La Thăng ở nước Vệ. Thay vào đó, chúng cấp giấy thông hành, đưa thẳng ông ta xuống Địa phủ. Lũ bồi bút thối mồm, gọi đó là sự lựa chọn của Lịch sử và sự lựa chọn của Nhân dân(!). Tổ sư cha nhà chúng nó.

3- Đất nước, không thể một ngày thiếu Vua. Cho dù, đó chỉ là ông Vua bù nhìn, sứt môi và lồi rốn. Dân chúng, cũng chưa chuẩn bị tinh thần, để chấp nhận một vị Vua bà, với 2 thuộc tính, vốn không dành cho các bậc Mẫu nghi thiên hạ: Thay vì cẩn ngôn – thận hành, lời ăn – tiếng nói của quí bà, nhưng lại có cái “cu” (quyền) này, chẳng khác gì một con mẹ dở hơi. Thay vì đoan trang trong cử chỉ, bà ta ỏn ẻn và õng ẹo, hệt như ML – một con hát rẻ tiền. Do đó, chẳng cần đợi đến lễ thất tuần của người quá cố, Viện Nguyên lão đã phải hấp tấp họp, để bàn chuyện chọn tân Quốc vương và theo thông lệ, lũ thảo khấu coi sự kiện trọng đại này, chỉ là cái câu chuyện riêng của nhà chúng nó. Còn dân chúng, họ bị gạt hết ra rìa. Tất cả bọn họ, đều trở thành những khán/ thính giả bất đắc dĩ của cái màn bi – hài kịch vụng về đó. Tất cả, đều chỉ có mỗi việc: “đầu gối quá tai”, mà ngồi ôm máy thu hình và sốt ruột, để chờ xem cái trò mèo ấy, nó được diễn ra như thế nào. Dĩ nhiên, chẳng ai cấm được khán/ thính giả làm cái chuyện: Vừa xem, vừa cười cợt và đàm tiếu về dàn kép hát chắp vá của tay trưởng trò.

Ngày mong đợi, rồi cũng đến. Tấm màn nhung của buổi lễ đăng quang, được từ từ kéo lên. Đập vào mắt khán giả, cơ man nào là hoa tươi – cỏ lạ. Đấm vào tai họ, là tiếng trống ếch rộn ràng của các cháu thiếu nhi và không thể thiếu sự góp mặt của dàn kèn bú- dích, chuyên bi ai, thổi tò te tí toét ở những đám Hiếu quê nhà. Khi kèn trống tạm ngừng, từ sau cánh gà, lừ đừ bước ra một anh chàng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Loa phóng thanh ông ổng cất lên lời giới thiệu, đó là, tân Quốc vương. Quý danh của chàng, được trang trọng và chậm rãi xướng lên: họ Trọng, tên Lú – bí danh, thằng Đần. Xuân xanh, mới cập kê ở độ… tám chục. Lúc này, máy quay thu cận cảnh. Trên màn hình, tuyệt sắc dung nhan của chàng, hiện lên rõ mồn một: Tóc chàng, trắng tuyền một màu lông của những con chuột bạch. Má chàng, xệ hơn tí của những con mẹ mướp nhà hề. Sinh khí, nhợt nhạt. Nhưng hai tay của chàng, lại mang đôi găng, đỏ tươi màu máu. Chàng nắm chúng lại, giơ nó lên khỏi đầu và lắc chúng như điên – như dại. Hết màn cúi chào, chàng dò dẫm từng bước, để trèo lên cái bục cao. Từ đó, thều thào tuyên thệ nhậm chức và ngay sau đó, gửi đi bản Thông điệp đầu tiên của mình. Một bản Thông điệp, được đọc trong có nhõn 7 phút đồng hồ. Ngắn như thế, nhưng chớ coi thường. Nó chứa đựng nhiều điều bất ngờ và quá đủ, để đánh giá con người của chàng.

4- Bất ngờ đầu tiên, bản Thông điệp này, không được viết sẵn ra giấy. Chàng nhớ nằm lòng và đều giọng, đọc nó liền một lèo. Lãnh đạo xứ Cù lần, từ xưa đến nay, chửa có ai làm được cái công việc vừa khó khăn – vừa nặng nhọc đến như vậy. Tiếng tăm của chàng, vì thế, mà nổi như cồn. Nổi đến mức, tiền nhân cũng phải tỏ và họ đã lưu sẵn nó, ở trong chốn nhân gian: “Đồn rằng viên tướng có danh/ Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai”.

Ấy vậy, vẫn có nhiều bác không chịu. Các bác ấy, vì ghen tị với chàng, nên dè bỉu: “Đã là cái gì, so với Obama”. Vẫn biết, Obama có thể nói vo một cách gãy gọn, xúc tích và không hề vấp váp trong nhiều giờ liên tục. Không chỉ một, mà rất nhiều đề tài được đan xen nhuần nhuyễn trong những bài diễn thuyết đó. Nào chỉ có vậy, ông ta còn nói hăng say và đầy sức thuyết phục. Bất kể, dàn khán/ thính giả trước mặt, là ai. Nói đi như thế, thì cũng cần phải thưa lạị đôi lời, cho nó phải phép: So sánh như thế, hơi khập khiễng. Chứ lại không à. Đến tầm tuổi của Trọng Lú, ai mà biết được: Ô mã nhi, à quên, Obama, liệu có còn nhớ nổi tên bà vợ của mình? Cho nên, vẫn có thể nói, mà không hề sợ mồm bị mọc mụn: “Xứ mù, thằng chột làm vua”. Với tài năng cái thế và trí thông minh tuyệt vời, Quốc vương nước Đông Lao, hoàn toàn thừa mứa khả năng, để dẫn dắt xứ Cù lần đến nơi thiên đường xã nghĩa.

5- Bây giờ, tạm bỏ qua những chi tiết vụn vặt, hãy xem, trong bản Thông điệp đầu tiên, Quốc vương anh minh, muốn chuyển tải những thông tin gì tới công chúng:

– Thứ nhất. Sau khi đã cười như ma làm, chàng dành câu đầu tiên, để nói lên cái nỗi mừng ngất ngây của mình. Không mừng, sao được. Từ nay, chàng đã thỏa được cái cuồng vọng: Leo lên đến tột đỉnh của nấc thang quyền lực. Ngồi đó, 举头红日近  Cử đầu, hồng nhật cận. Đồng nghĩa, từ nay, trên đầu chàng, chỉ có ông Trời và duy nhất, chỉ có ông đó. Nói cách khác, ý chàng, là ý Chúa. Không ai và không tổ chức nào, có khả năng kiểm soát được những hành vi của chàng nữa. Cho dù, chúng điên rồ – cho dù, chúng lố bịch. Niềm vui, không dừng ở đó. Diễn đến màn “e thẹn con dê già”, chàng cũng vẫn không thể kìm nén được cái sự sung sướng. Vừa mím môi cười nụ… hoa đại, vừa e ấp cho phải phép: “lo lắm cơ”. Chẳng biết, chàng lo cái gì và liệu có lo nổi nó, hay không.

– Thứ 2. Trước sự truy vấn của những công thần của chế độ, chàng ngây ngô nhe răng ra cười và công khai thú nhận: “Tớ chửa có bất cứ một cái bản kế hoạch nào, ngoài lời hứa(!)”. Nghe xong cái lời vàng – ý ngọc của chàng, thiên hạ, bật ngửa. Ai cũng kinh hoàng và trợn tròn đôi mắt, để nhìn nhau. Hàm cứng lại và chẳng ai có thể thốt lên lời: Xây cái chuồng xí, để giải quyết cái nỗi buồn khó tả, người ta cũng cần phải có ý tưởng và phải có bản vẽ thiết kế. Đi rừng, cũng cần phải sắm cho mình đủ lệ bộ, gồm cả bản đồ, lẫn la bàn… Lãnh đạo cả một Quốc gia, mà không có Cương lĩnh hành động, khác gì, điều khiển con thuyền vượt Đại dương, mà quên, không lắp cho nó cái bánh lái.

Cái loại “được chăng hay chớ” như chàng, Tôn Tử, chúa ghét. Ông này, từng tổng kết:  败兵先战而后求胜 bại binh, tiên chiến nhi hậu cầu thắng. Tạm hiểu, một đạo quân, khi chưa có kế hoạch hành động, mà vẫn vội vã đâm đầu vào đánh bừa và đặt thắng – thua, ở sự may rủi. Đạo quân ấy, cầm chắc thất bại. Đánh trận, là thế. Trị quốc – an dân, nào có khác gì. Do đó, không cần phải chờ đợi. Ngay từ bây giờ, chúng ta có thể chia buồn với người dân của xứ Cù lần: Con thuyền chở họ, sẽ chìm ở giữa Đại dương. Có điều, Quốc vương của họ, có cả áo phao lẫn xuồng cứu hộ. Riêng họ, thì không.

– Thứ 3. Kiêu ngạo tự nhận, mình là cái dạng có sừng – có mỏ. Từ đầu – tới chân, toàn thân đều đảm. Thượng vàng – hạ cám, cái gì cũng đã trải qua. Cao nhất, từng làm Chủ tịch Viện Nguyên lão. Giữa chừng, ngồi vắt vẻo trên đầu của quan nhị phẩm đứng đầu Kinh kì. Mạt hạng nhất, cũng nắm chức Chủ tịch Hội đồng lý luận… cùn của cái môi trường, chuyên đào tạo lũ ăn gian và nói dối.

Ở xứ rồng bay, mà nói như rồng lộn, chuyện ấy, thế gian bình thường. Lạ nhất, có mỗi việc quan trọng: “Đã làm được cái gì cho ra hồn, trên những cương vị ấy?”, chàng giấu biệt. Cũng phải thôi. Làm sao, chàng có thể đem cái cụm từ “không có gì” ra, để thay cho câu trả lời.

– Thứ 4. Tự khoe, sức học của mình, hết sức phi thường. Sau mấy chục năm, buông sách – bỏ bút, vẫn không bị tái mù chữ. Chữ thày, đâu đến nỗi, đã trả lại hết cho thày. Chuyện Kiều đấy, thuộc đúng 2 dòng và cả 2 lần nhậm chức, đều đem nó ra nhai lại:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn.

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!

Nghe xong câu này, khán giả chỉ muốn tắt TV. Ai cũng ngán ngẩm và chỉ mong, gửi được đến chàng, lời giễu cợt: “Rượu nhạt, uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”. Đã thế, dẫu biết mười mươi, mình chỉ là cái dạng không có thực lực. Do đó, hết sức mong manh và dễ vỡ. Thế mà, vẫn liều mạng xòe đôi cánh ra, để đâm đầu vào trong bão tố. Dạng này, cho dù nó chết, cũng không thể thương được.

– Thứ 5. Tự thú nhận, “trình độ, năng lực còn hạn chế. Sự hiểu biết, không đáp ứng được yêu cầu”. Sợ mọi người không tin, chàng thể hiện luôn cái trình độ “có tai, như điếc – có mắt, như mù” của mình:

Sống ngay trong lòng của Đất nước, nhưng chàng đâu có hay về cái thực trạng ngày càng nát bét của nó. Vì thế, vẫn “gân cổ cò – co cổ ngỗng” lên, để ba hoa chích chòe: Tôi đã đi khắp cái thế gian này. Thiên đường, như ở xứ Cờ hoa, đã từng. Địa ngục, như nước Vệ thời xã nghĩa, đã trải. Mắt đã thấy – tay đã sờ vào khắp mọi nơi ở đó. Cuối cùng, đúc kết lại: Ngay cả khi, chúng ta đang lũ lượt vác rổ rá đi ăn mày và đi ăn xin ở không sót một nơi nào trên Trái đất này, xứ Cù lần của chúng ta, vẫn là nhất. Nhất cả về cơ đồ, nhất cả về tiềm lực, nhất cả về vị thế và nhất cả về uy tín của chúng ta trên trường quốc tế(!) Uy tín ấy, đặc biêt nâng cao, khi chúng ta “liều mình như chẳng có”, để đạp cửa mà xông vào nhà của người ta, để bắt cóc và tống tiền. Việc thành, “ta không cao, nhưng cả thiên hạ, phải ngước nhìn(!)”.

Chắc, chàng không biết: Khi thấy mình không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, tất cả những người có lòng tự trọng, đều chủ động rút lui. Họ nhường chỗ đó, cho những người trẻ, khỏe và có năng lực. Hy vọng, những người đó sẽ đem đến và thổi một luồng sinh khí tràn trề cho Đất nước. Angela Merkel của Đức quốc, là một ví dụ. Âm bản của những người này, là cái lũ cà là mèng và vô xỉ. Chúng bịa ra cái trách nhiệm tưởng tượng mà Đất nước, Nhân dân và băng đảng trao cho, để khư khư ôm chặt cái ghế quyền lực. Một tấc, không đi – một ly, không rời.

Này, cái lũ mặt thớt: “Cái kim xoay đi, chỉ nào xỏ được. Nứng, thì cứ bảo là nứng. Đổ quanh – đổ quéo cho Nhân dân, làm cái gì. Việc đó, chỉ như đổ thêm dầu vào lửa và khiến dân chúng, càng thêm khinh thường”.

– Thứ 6. Ra ngoài, rụt cổ – so vai. Giặc đến, từ quan cho tới quân, đều tụt quần – bỏ của mà chạy lấy người. Về nhà, “múa gậy vườn hoang”. Chỉ dám hung hăng bọ xít, để bắt nạt những người dân lương thiện – những người, một tấc sắt trong tay để tự vệ, cũng không có. Đàn áp dân, một cách dã man và bóc lột họ, một cách tàn bạo. Đó là những chiến công, mà bọn lâu la muốn dâng lên cho chủ của mình. Chiến với dân và thắng họ một cách vẻ vang. Lũ lâu la đó, xứng đáng được đội cái vòng lá ngón lên đầu. Để mà tự hào, để mà phấn khởi và để mà ăn mừng trước những nỗi thống khổ của Nhân dân và của Đất nước. Tân Quốc vương, cũng không quên phủ dụ: “Thành tựu đạt được, tuy lớn. Nhưng không vì thế, mà tự mãn – không vì thế, mà quên say máu và không vì thế, mà cởi trần để đi ngủ với cái vòng lá ngón vinh quang. Hãy lấy tôi, làm tấm gương. Cái gì, tôi cũng giỏi – cái gì, tôi cũng tài. Diễn biến tình hình thế giới của ngày hôm qua, ngay bây giờ, tôi đoán trúng phóc. Tôi chỉ không thể lường trước được, có mỗi một thứ. Đó là, những gì, sẽ diễn ra ngay trong ngày mai. Có thế và chỉ có thế, mà thôi”.

– Thứ 7. Cây gậy và củ cà rốt, cùng lúc, được trưng ra. Chàng ngầm đe dọa: “nhất thể hóa” rồi, từ nay, một mình ta cầm cái. Đại hội, để chọn ra những con lừa, đang lại rất gần và ta đang chuẩn bị hậu sự, à quên, nhân sự. Những cái ghế quyền lực kia, tuy tanh hôi và thấm đẫm máu. Nhưng nó là miếng mồi béo bở, khiến bao kẻ phát cuồng. Đứa nào, muốn ngồi vào đó, hãy đội ta lên đầu. Cho dù, biết ta thối hơn cứt và biết chuyện: “sự hạn chế của tôi, là rất rõ”. Nhân đây, ta ghi nhận và chấm những điểm son đầu tiên cho cặp đôi đứng đầu Kinh kì. Chúng đã cam kết và đúng vào giờ phút này, chúng đã có những bước đi cụ thể đầu tiên: Vung vít những đồng công quĩ hiếm hoi, nhằm biến nơi chôn rau – cắt rốn của ta, thành chốn phồn hoa đẹp nhất.

Ngược lại, những kẻ muốn chống ta, hãy soi vào tấm gương của cựu Quốc vương.

– Thứ 8. Để tỏ rõ sự thông minh của mình, chàng thong thả lẩy Kiều, à quên, dẫn lời của tiền bối: “khi tuổi tác càng cao, thì sức khỏe càng thấp”.

Già rồi, nên lú lẫn. Bởi thế, chàng không hề biết, đó là một câu, mà cụ Tổ nhà chàng đã viết trong lúc lâm chung. Giờ, có lẽ, đã thấy rõ cái sự bất ổn ở trong người và lờ mờ nhận ra rằng: đất dưới chân, sắp sụp. Ngày đi theo cụ Tổ và mấy ông Tây râu xồm kia, chẳng còn bao lâu nữa. Tự nhiên, chàng buột miệng, nói gở: “đã luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần”, cho cái giờ phút lâm chung ấy.

Vẫn biết: 人生自古谁无死.  Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Sinh ra ở trên đời, ai thoát được cái chết? Đối với những bậc quân vương, chết dưới giá treo cổ hay chết dưới họng súng máy, điều đó, đâu có gì quan trọng. Đối với họ, quan trọng nhất, chỉ là: chết vinh hay chết nhục? Trường hợp thứ nhất, dành cho những người đứng về phía Nhân dân và đồng hành cùng Dân tộc. Trường hợp thứ 2, dành cho những kẻ buôn dân – bán Nước. Chẳng biết, chàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần, cho tình huống nào?

– Thứ 9. “Cà cuống, chết đến đít, vẫn còn cay”. Trong giờ phút sinh – tử, chàng vẫn giữ nguyên cái thói trưởng giả của những kẻ vô học. Giữa một rừng đại thụ, chàng vẫn lên mặt bố đời, để giao giảng những điều giả dối và ngu ngốc: “Các cơ quan – các ban ngành, từ trung ương đến địa phương, phải phối hợp với nhau thật tốt, thật nhuần nhuyễn. Đặc biệt, phải nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết thật cao. Có như vậy mới tạo điều kiện, giúp đỡ cho… cá nhân tôi”.

Nực cười, khi kẻ tiểu nhân, lại nói về đoàn kết và kêu gọi sự đóng góp ý kiến của mọi người. Thằng Đần, hãy ghe đây: 君子周而不比,小人比而不周 . Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu (sách Luận ngữ). Đại ý, bậc Quân tử, họ đoàn kết rộng rãi với mọi người, nhưng không kéo bè – kết cánh. Tiểu nhân như chàng, cùn đời, chỉ làm cái chuyện ngược lại. Băng đảng của chàng đấy, có đoàn kết với nhau được đâu, mà hoài hơi, để kêu gọi người ngoài. Chẳng phải, phe Tổng của chàng gầm ghè và luôn tìm mọi cách, để triệt hạ phái Tịch đó sao. Nhẹ, thì chàng tìm cách rút phép thông công và cho đối phương vào tù. Tương quan lực lượng, tự nhiên, sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho chàng. Nặng, thì chàng tìm cách cấy vi rút lạ vào người của thủ lĩnh đối lập. Thủ lĩnh tịch rồi, bọn kia, sẽ như rắn không đầu. Không đánh, cũng phải xẻ đàn – tan nghé.

Sách Thánh hiền, từ cổ – chí kim, đều đồng qui ở một điểm: Chỉ những người nhân nghĩa, mới có khả năng tiếp thu những lời can gián ngay thẳng và chân thành. Còn cái loại bảo thủ, ương ngạnh và cố chấp như chàng, thì không. Bằng chứng, chàng rất sợ và thù ghét những ai dám bóc mẽ mình. Chàng nuôi riêng một lũ đầu trâu – mặt ngựa và chuyên dùng chúng, để xử lí họ. Bịt miệng từng người, không xuể. Chàng ra cái Luật Animama xằng bậy, hòng dán băng keo vào mồm tất cả thần dân của mình. Tất cả những lời góp ý, nếu có, đều phải qua bộ lọc. Để khi đến tai chàng, nó chỉ còn được cô đặc trong mấy từ “bậc nhân kiệt”, “sĩ phu Bắc hà”, “thế thiên –hành Đạo” và “Quân vương sẽ đưa Đất nước đến một tầm cao mới”.

Đần ơi, không cần phải làm như thế. Hãy thả lỏng lòng mình và hãy một lần, uống thử 5 xu thuốc liều. Sau đó, lấy gỗ tạp, để đóng một cỗ xe cầu hiền và đặt nó ở bên trái chỗ ngồi của mình. Đần sẽ thấy: Hiền tài trong thiên hạ, không một ai đến và đặt đít, để ngồi lên đó đâu. Trừ khi, Đần lột xác và Đần cam kết: sẽ đồng lòng với dân chúng và sẽ đi cùng họ đến cùng trời – cuối đất. Để, theo đuổi đồng thời, cả 2 mục tiêu: Một là, “Dân chủ hóa Xã hội” – Hai là, “Hòa hợp và hòa giải Dân tộc”.

– Cuối cùng. Cho dù, không mất tiền mua và cũng chỉ là những câu chót lưỡi – đầu môi, chàng vẫn lộ ra cái bản chất keo kiệt và đê tiện của mình: Lời cảm ơn, chỉ được gửi riêng cho Viện Nguyên lão. Dân chúng xứ Cù lần – những “ông/ bà chủ” thực sự của chàng, hãy đợi đến ngày, mà những thổ dân ở xứ Công gô, cũng biết cách gói bánh chưng và ăn Tết Âm lịch.

Chứng kiến cái sự vô lễ này, nhiều người phản ứng quyết liệt. Xin các bác đó, hãy nhớ câu: “ăn cây nào – rào cây ấy”. Từ xưa đến nay, dân chúng, nào đã được cầm lá phiếu, để trực tiếp bầu ra những người như chàng. Dân chúng, đã không đưa chàng lên, lẽ nào, chàng phải cảm ơn họ?

Nguyễn Tiến Dân

Tel: 038- 50- 56- 430 (Số cũ: 0168- 50- 56- 430)

Địa chỉ: Vì tin vào cái lũ CS đê hèn, nên bị chúng lừa đảo và cướp sạch của cải. Bởi thế, mất nhà và trở thành dân du mục. Nay đây – mai đó, chưa có nơi ở cố định.

Bình Luận từ Facebook