Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa

Nhân Trần

26-10-2018

Có một câu nói tôi nhớ không nhầm lần đầu tiên được nghe từ người bạn của tôi​ trong môn học “Kinh tế Việt Nam giai đoạn 1989-2000” khi chúng tôi thảo luận về Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường:“Chủ nghĩa xã hội là con đường vòng đi lên Chủ nghĩa tư bản?”. Sau này tôi mới biết là của một thầy giáo khác nói như vậy.

Càng nghĩ càng thấy đúng, nhất là trong tình hình hiện nay ở Việt Nam – cái mà ta gọi là Đổi Mới. Thầy tôi nói “đổi mới nói thực chất là sửa sai” của thời kỳ quan liêu bao cấp. Tôi cho rằng chả có gì sai cả, chỉ là đi lạc đường nhân loại mà thôi.

Thực sự mà nói, kinh tế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản nhưng ĐCSVN “chế” thành “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“. Chính cái vế sau làm kìm hãm sự phát triển của đất nước này hàng mấy chục năm qua. Chủ nghĩa xã hội ban đầu là chủ nghĩa kinh tế tập thể, bao cấp bình quân dưới sự chỉ huy của nhà nước. Sau khi nhận ra sai lầm và phê bình chán chê thì năm 1986 chuyển sang cái gọi là Đổi mới. Theo ý của Tổng Trọng là ta vừa đi vừa rút kinh nghiệm “ném đá dò đường“.

Tôi còn nhớ nhà văn Lỗ Tấn nói: “Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi thì cũng thành đường thôi“. Còn Bụt nói “Ta đi là để đi chứ không đi là để đến“. Có lẽ lãnh đạo nhà nước này đang nói theo kiểu Lỗ Tấn và đi theo kiểu Bụt.

Trở lại với kinh tế thị trường. Chính sách của nhà nước cứ vòng vo mãi rồi cũng thỏa hiệp từng chút một với kinh tế thị trường. Mỗi lần thỏa hiệp là một lần cán bộ lãnh đạo và truyền thông nhà nước nức nở khen nhau “Đảng ta sáng suốt… đây là con đường đúng đắn“, tôi gọi đó là cách nói vuốt đuôi trơ trẽn.

Bởi vậy bác Tổng nhà ta mới giải thích: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý, và phân phối. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Đại hội IX).

Bỏ qua những câu từ còn lại vì chúng chỉ mang tính chất khẩu hiệu. Kinh tế thị trường là thị trường tự do, thị trường tự điều tiết các hoạt động phân phối của nền kinh tế, không có sự can thiệp của bất kỳ tổ chức nào. Trong khi chủ nghĩa xã hội là kinh tế bao cấp tập trung dưới sự điều khiển của nhà nước. Nói như vậy hoặc là ông Trọng không hiểu gì về kinh tế thị trường, hoặc là ông chả hiểu gì về chủ nghĩa xã hội. Đặt hai thứ đối lập nhau đứng cạnh nhau, đi liền với nhau, cái lý luận này khiến những người có hiểu biết cảm thấy buồn cười.

Tôi nghĩ đây là một kiểu ngụy biện “ta cứ làm theo họ rồi họ cũng sẽ giống ta thôi“. Hay “ta vừa làm vừa sửa kiểu gì chả ra sản phẩm đẽo cày giữa đường”.  Và theo tôi hiểu thị trường ở đây là thị trường trong phạm vi giới hạn của nhà cầm quyền. Thế thì đừng nói đến kinh tế thị trường để người ta khỏi nói mình không biết gì.

Trong khi đó, các vị lãnh đạo nhà ta ra nước ngoài bao giờ cũng rêu rao một câu tôi cho là hết sức vô nghĩa, đó là yêu cầu các nước đối tác công nhận Việt Nam có nền “kinh tế thị trường”. Vậy cái đuôi “định hướng chủ nghĩa xã hội” bây giờ ở đâu? Tôi chưa từng nghe thấy tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh hay thủ tướng Nhật đi vận động kêu gọi đất nước họ có nền kinh tế thị trường bao giờ cả. Chỉ thấy lãnh đạo xứ ta đi đâu cũng kêu gọi và thực chất là kêu gọi vốn không hoàn lại hoặc kêu gọi các nước khác rủ lòng thương. Điều đó chứng tỏ ở ta làm gì có cái gọi là kinh tế thị trường. Không có mới phải đi kêu gọi chứ.

Lý giải cho điều đó, tôi nghĩ họ không mong có một nền kinh tế thị trường tự do bởi họ không kiểm soát được. Tại sao họ không kiểm soát được? Tại vì trình độ của họ chỉ có vậy thôi. Họ trưởng thành từ chiến tranh, lớn lên trong quân ngũ và lãnh đạo một xã hội thời bình giống hệt như xã hội thời chiến. Do chiến tranh nên họ không được học hành bài bản. Do không được học hành chuyên môn bài bản nên họ đi lên từ mưu mẹo, lừa dối, đấu đá, tranh giành và luồn cúi. Rồi ai muốn được họ để ý, được leo lên vị trí lãnh đạo thì cũng phải học các đức tính đó của họ. Họ gọi đó là làm chính trị. Xã hội chúng ta đang được cai trị bởi những con người như thế đấy.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cụm từ ngày nào chúng ta cũng nghe, đi nghe lại trên báo đài truyền thông nhà nước. Nghe trong những lý luận buồn cười và mâu thuẫn của lãnh đạo và trong những cuộc tranh cãi nảy lửa trên bàn nhậu. Nghe có vẻ xa vời  mang tầm vĩ mô nhưng nó hiện diện xung quanh chúng ta từng ngày từng giờ.

Chúng ta vẫn phải ăn uống, đổ xăng, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, các loại thuế phí… và gần như không có quyền kêu ca gì về việc tăng giá. Mức thuế phí trong mỗi đơn vị đo gần như là mặc định bởi cho dù giá cả có trên trời thì ta vẫn phải sử dụng để phục vụ cho nhu cầu sống thiết yếu của mình.

Còn nếu ở một nền kinh tế thị trường tự do, người ta có quyền sử dụng những sản phẩm nào phù hợp nhất với nhu cầu của mình và phù hợp với túi tiền của mình, không ai có quyền can thiệp vào trị giá của các sản phẩm, ngoài thị trường. Còn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này thì mỗi loại hàng hóa chúng ta mua, chúng ta mua cho mình một nửa và phải mua cho nhà nước một nửa. Như vậy có bất công không?

Bình Luận từ Facebook