Đừng để nghệ thuật “chết vì thiếu hiểu biết”

FB Nguyễn Hồng Lam

19-10-2018

Theo Thông tư 25 do Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký ngày 30-8-2018 thì diễn viên sẽ bị hạn chế, thậm chí là bị cấm sử dụng thuốc lá trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 -11- 2018. Thông tư này chắc chắn sẽ không có tác dụng gì mấy với việc phòng chống thuốc lá. Nó chỉ có tác dụng nhanh chóng phá nát nền điện ảnh vốn đã èo uột, đa phần nhảm nhí và dở như hạch của nước nhà.

Thứ nhất, những gì diễn ra trên sân khấu và màn ảnh hoàn toàn không phải là đời sống thật. Nó chỉ là bản sao, là sự tái hiện của đời sống. Viện dẫn luật và văn bản dưới luật, cái gì bị cấm, bị chống trong đời thật thì cũng cần cấm và chống trên sự tái hiện bằng nghệ thuật là hoàn toàn sai. Nó thể hiện một sự ấu trĩ trong tư duy nghệ thuật. Nhân loại kịch liệt phòng và chống chiến tranh, không lẽ cấm đưa cảnh chiến tranh lên màn ảnh và sân khấu? Pháp luật cấm cờ bạc, đánh lộn, đua xe, giết người…song trong nghệ thuật, đó lại là những trường đoạn kịch tính không thể thiếu để lôi khán giả đến nhà hát và rạp chiếu bóng. Không lẽ cũng cấm vì nó gây tác hại?

Thứ hai, nội dung thông tư chứng tỏ cả người ký lẫn người soạn thảo đều lơ mơ, không có chút hiểu biết gì về ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ của điện ảnh và sân khấu có nguyên tắc chung là cập vật hóa tất cả các động từ bất cập vật. Một ví dụ sơ đẳng và thô thiển nhé. Không có chuyện có ai đó núp sau cánh gà nhắc vở hoặc lồng tiếng trong phim thông báo rằng “nhân vật thằng con đang hỗn láo, mất dạy với ông bố”. Thay vào đó, nhân vật con sẽ hầm hầm rót nước (v1) uống ừng ực (v2), đá ghế (v3), ngồi xoay lưng (v4) và gằn giọng (v5): “Ông nói gì nói lẹ lên, tôi không rảnh” (thoại). Bao nhiêu hành động, biểu lộ như thế nào cho hay ho, hấp dẫn, đó là tài của đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên. Hút thuốc lá, do đó không chỉ là diễn tả hành vi hút thuốc hay quảng bá thuốc. Nó là tâm trạng, là suy tư, là ước lệ về thời gian và nỗi nhớ, là sự đắn đo, là cách thể hiện tính cách, dáng vẻ, cử chỉ… – một cách cập vật hóa trong ngôn ngữ điện ảnh và sân khấu.

Thông tư 25 bóp một phát chết luôn!

Hàng nội hay hàng ngoại đều bình đẳng. Thông tư 25 cấm thuốc lá trong phim nội nhưng sẽ nói sao đây với phim ngoại? Rút điếu thuốc, dọc tẩu ra khỏi môi những Clack Gables, Alain Delon, Audrey Hepburn… và vô số diễn viên trứ danh khác, liệu hình tượng của điện ảnh (và sân khấu) sẽ còn lại cái quái gì? Xin thưa, không còn gì. Trên kịch, trên phim, cũng như trong đời thật, mọi nhân vật chính từ lãnh tụ, gã cao bồi, ông trùm ma túy, tên giang hồ đến tiểu thư quý phái đều hút thuốc như hạm, thở như ống khói tàu Titanic. Nói chung là cấm thế quái nào được.

Bằng tất cả danh dự và kinh nghiệm của một con nghiện chân chính có thâm niên 30 năm hô hấp bằng khói thuốc, tôi chắc chắn mình không thể không phản đối thông tư ngây thơ và thiếu hiểu biết nghệ thuật này!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hình như có hình ảnh ” Bác ” đang ngồi viết có điếu thuốc trên tay.
    Theo tôi nên cấm ba cái trò sex sống sượng vô duyên kỳ cục nhìn thấy mắc cở trên phim Việt.

  2. Nghệ thuật & văn hóa ở Việt Nam đã chết sẵn rùi . Beatin the dead horse không thể làm nó chết hơn được nữa

    Hồn ma năm nào vẫn còn vương vấn đâu đây

    http://tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2018/52651/Doi-moi-van-hoc-nghe-thuat-duoi-anh-sang-chu-nghia-Mac.aspx

    Đổi mới văn học, nghệ thuật dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

    Có nhắc lại bài “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, tớ đọc hồi còn bé tẹo tèo teo mà đã đủ nổi gai sống lưng!

Comments are closed.