Yêu cầu làm rõ hành vi bắt, giữ người trái pháp luật

FB Hoàng Khương

19-10-2018

Ảnh chụp đám tang chị Huỳnh Thị Nhung, là người chết trong đồn công an. Ảnh: Hoàng Khương

Ngày 19-10, văn phòng luật sư đã gởi đơn kiến nghị khẩn cấp đến Cơ quan Điều tra – Viện KSNDTC đề nghị cơ quan này chính thức thụ lý, điều tra àm rõ một số nội dung liên quan đến cái chết của Huỳnh Thị Nhung xảy ra tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa ngày 13-10.

NẠN NHÂN LÀ NGHI PHẠM HAY CÔNG DÂN BỊ BẮT, GIỮ TRÁI PHÁP LUẬT?

Cần điều tra làm rõ các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giữ bà Nhung. Cụ thể, nếu Công an Thị xã Ninh Hòa sau khi kiểm tra hành chính bắt quả tang hành vi mua bán dâm tại nhà nghỉ do bà Nhung làm chủ để làm căn cứ xác định bà Nhung có dấu hiệu tội phạm để tiến hành bắt, giữ khẩn cấp thì việc bắt giữ đó thể hiện bằng các biên bản, quyết định tố tụng nào?

Trong khi đó, theo diễn biến sự việc, khi đưa bà Nhung đi, công an nói với người nhà rằng xuống dưới đó (Công an Thị xã) rồi mai mới làm việc. Ông Nguyễn Trọng Chinh (chồng Nhung) đề nghị được đi theo cùng vợ nhưng phía công an không đồng ý. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 14-10, gia đình bà Nhung nhận được tin báo của chính quyền bà Nhung đã tự sát vào tối 13-10.

Theo đơn trình báo của gia đình bà Nhung, chiều 13-10 bà Nhung bị Công an đưa lên xe và giữ làm việc từ chiều đến tối tại Đội cảnh sát hình sự Công an thị xã Ninh Hòa cho đến khi xảy ra án mạng mà không có biên bản hoặc quyết định tố tụng nào là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377 BLHS 2015).

Như vậy, ai người có thẩm quyền đã ra lệnh yêu cầu các cán bộ công an bắt, giữ đưa bà Nhung từ nhà đến công an thị xã làm việc? Những cán bộ nào trực tiếp đưa bà Nhung về trụ sở? Do đó cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.

Ngoài ra, yêu cầu điều tra làm rõ trong khoảng thời gian từ (21h40) khi cán bộ điều tra ra khỏi phòng thì những ai có trách nhiệm làm việc, giám sát bà Nhung cho đến khi xảy ra việc bà Nhung đâm bởi nhiều nhát kéo. Cần khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kiểm tra các bản ảnh tử thi để có kết luận khoa học khách quan về nguyên nhân dẫn đến cái chết, cơ chế hình thành các vết đâm trên người nạn nhân Nhung.

CƠ QUAN NÀO CÓ THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA?

Hiện nay, vụ án đã được Công an tỉnh Khánh Hòa rút hồ sơ lên để điều tra. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc Công an tỉnh Khánh Hòa điều tra là không đúng thẩm quyền, không khách quan đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm là Cơ quan Công an cấp dưới, và chưa phù hợp với các qui định pháp Luật hiện hành. Hơn nữa, nơi xảy cái chết của Nhung là phòng làm việc của Đội cảnh sát hình sự Công an thị xã Ninh Hòa và liên quan đến trách nhiệm các cán bộ điều tra Công an thị xã Ninh Hòa.

Vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân Nhung bị chết khi làm việc với Đội cảnh sát hình sự Công an thị xã Ninh Hòa là có dấu hiệu vi phạm “các tội xâm phạm hoạt động tư pháp”, theo quy định tại chương XXIV Bộ Luật Hình Sự 2015 phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Điều tra VKSNDTC.

Vì vậy đề nghị Cơ quan điều tra Viện KSNDTC chính thức thụ lý, điều tra vụ việc này để nhanh chóng khám nghiệm tử thi, xác minh, thu thập, bảo vệ chứng cứ kịp thời để vụ việc được giải quyết khách quan, đúng thẩm quyền.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây