“Cách mạng 4.0” (Phần 1)

FB Nguyễn Thọ

13-10-2018

Nhiều người hay nói về cuộc “Cách mạng 4.0“ mà có lẽ không biết đang nói gì? Tiều phu chỉ coi cách mạng là các sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt đối với xã hội. Trong khoa học cũng vậy, người ta chỉ nói đến các cuộc Cách mạng Kỹ thuât CMKT (Technical revolution) khi nó gắn với các sự kiện thay đổi cuộc sống loài người.

– Thời kỳ đồ đồng vào khoảng từ 3000 đến 2000 năm trước Công nguyên đã giúp con người biết làm dụng cụ canh nông và vũ khí. Vũ khí đã thúc đẩy hình thành các chế độ nô lệ và phong kiến, xóa bỏ cuộc sống bộ lạc. Cho dù về sau người ta đã tiến tới sắt thép và súng thần công sử dụng thuốc nổ lưu huỳnh, nhưng đồ Đồng là một cái mốc. Nhẽ ra, sử dụng kim khí này đáng được coi là cuộc CMKT lần thứ nhất. Nhưng vì không xác định được niên đại và xuất xứ nên hòa cả làng, coi như cuộc cách mạng số 0.

– Cuộc CMKT lần thứ nhất: Phát minh ra máy hơi nước của James Watt năm 1759, mở đầu cho quá trình công nghiệp hóa và ra đời CNTB. Trước đó, loài người chỉ biết dùng sức cơ bắp. Sức nước và sức gió, tuy đã được sử dụng, nhưng không khống chế được. Cũng nhờ máy hơi nước mà hàng hải phát triển, chủ nghĩa thực dân từ Châu Âu tràn sang châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Nhờ đó, các cụ nhà ta bắt đầu nhìn thấy cái bóng đèn lộn ngược và ông giám mục Tây Đắc Lộ (Alexander de Rhode) được xóa nạn mù chữ tiếng Việt.

– CMKT lần thứ hai: Băng chuyền công nghiệp xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 mà đặc trưng là dây chuyền sản xuất máy móc do Henry Ford phát minh (1). Vua hề Sác-Lô đã nổi tiếng bằng bộ phim chế diễu sản xuất dây chuyền. Băng chuyền cũng sản sinh ra giai cấp vô sản bị bần cùng hóa và kết quả của nó là cuộc Cách mạng 1917 ở Nga. Hai chế độ đối nghịch là XHCN và TBCN kéo nhau lên vũ đài. Quê choa được lịch sử chọn làm nơi tỷ thí vào cuối thời kỳ này.

– CMKT lần thứ ba là cuộc cách mạng tự động hóa, xuất hiện vào đầu những năm 1970, khi người ta chế từ Silicon ra các vi mạch. Từ đó các vi máy tính dùng các bộ vi xử lý (Microprocessor nay ta gọi là CPU) ra đời (Máy Apple I năm 1976). Năm 1973 bác Việt kiều André Trương Trọng Thi đã chế ra máy vi tính Micral ở Pháp (2), nhưng bác Thi tiếp thị không giỏi bằng hai tay Steve kia (3) nên thua.

Mặc dù IBM đã làm ra các máy tính Mainframe từ những năm 60, nhưng không thể phổ cập được vì giá thành quá cao và cồng kềnh. Trước 1975, ở Miền Nam có một số máy tính IBM. Ví dụ máy IBM360/50 ở bộ tổng tham mưu Quân lực VNCH, dùng để quản lý lương và hồ sơ cho khoảng 700.000 quân sỹ và gia binh. Các nhà khoa học ngoài Bắc vào đã tròn mắt nhìn cái máy chạy bằng hàng chục ngàn bóng transitor và băng đục lỗ.

Cuộc cách mạng này đã đưa tự động hóa vào sản xuất, đẩy các nền công nghiệp đại cơ khí vào góc tối. Câu nói của Lenin: “XHCN là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hóa (công nghiệp hóa)“ bổng trở nên lỗi thời.

Trước đó tuy kém phương tây về mức sống, nhưng bên tư bản làm được cái gì, bên XHCN cũng có. Ví dụ như xe ô tô Lada, Trabant, Skoda so với BMW, Volvo hay Toyota. Rồi máy bay Ilyuschin IL 86 hay Tupolev TU 144 chọi với Boeing hay Airbus. Tuy động cơ XHCN tốn xăng hơn, nhưng vì được bao cấp bởi Liên Xô, vốn bán xăng rẻ hơn nước Kwatsch nên không hề chi.

Đến khi phương tây có các loại máy vi tính và máy cơ khí CNC thì bên XHCN ngắc ngư. Ngày đó mấy ông việt kiều ở Tây Đức sang Đông Đức kiếm vợ, thủ được cái máy PC-AT 286 theo là cả một làng VN ở Berlin sống khỏe. Cô bồ bán máy đó cho ông phòng bên giá gấp 2. Ông ta mang đến cho ông đội trưởng biết tiếng Đức, bán gấp ba. Ông đội trưởng đem bán cho một nhà máy hoặc trường đại học nước bạn, lại kiếm gấp 3. Đắt mấy nước bạn cũng phải mua.

Có thể nói cuộc cách mạng KHKT lần thứ ba góp phần xóa sổ CNXH đông Âu, kết thúc chiến tranh lạnh.

– CMKT lần thứ tư nổ ra vào cuối thế kỷ 20, được gọi là cuộc cách mạng thông tin. Sự cáo chung của nền kinh tế XHCN tập trung quan liêu, cộng với sự bùng phát của mạng Internet smartphone, mạng xã hội, từ hơn 20 năm qua đã biến trái đất từ tròn sang bẹt (phẳng). Nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới: Toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa không chỉ có nghĩa là mang các sáng chế từ phương tây sang sản xuất ở các nền kinh tế mới được giải phóng sức lao động, giá cả thấp. Nó còn xuất khẩu các tư tưởng, lối sống phương tây sang các nước đang phát triển. Ngược lại nó biến sức lao động và mạng người rẻ trở thành đối thủ nguy hiểm, cạnh tranh với các nền công nghiệp lâu đời có phúc lợi cao. Một trong các kết quả của “Toàn cầu hóa” là sự trỗi dậy một đế quốc mới: Trung Quốc.

Từ đó đến nay chưa có cuộc CMKT nào khác. Các phát minh như trí tuệ nhân tạo, xe ô-tô điện hay Cloud computing vẫn chỉ là các sản phẩm của cuộc CMKT lần thứ 4. Khái niệm “Công nghiệp 4.0“ (4) được đưa ra vài năm gần đây chỉ là áp dụng các tiến bộ của cuộc CMKT 4 vào sản xuất công nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa về mặt chính trị và nối mạng bằng internet cao tốc mà thôi.

Công nghiệp 4.0. chưa đủ để được gọi là cách mạng, vì nó không gắn với một biến cố xã hội nào. Nó chỉ là: Một sản phẩm có thể thiết kế từ 3 nước khác nhau, sản xuất từ 5 nơi khác nhau và được giao đến nơi thứ 6 đúng lúc (Just in time) để làm ra đúng số lượng thành phẩm được đặt hàng mà không tốn vật liệu tồn kho. Cũng các cơ sở trên hôm nay có thể làm ra 1000 sản phẩm A, mai lại làm 2000 sản phẩm B, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên và sức lao động.

Người Việt coi mình là lãnh đạo cách mạng thế giới nên tự phát minh ra “Cách mạng 4 chấm không“. Họ coi từ việc “Kéo đám mây điện toán về VN để bảo đảm an ninh“, đến việc dùng smartphone để chạy Uber, hay vào FB để bán hàng xách tay là đang tiến hành cuộc cách mạng đó

(Còn nữa)

_____
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Henry_Ford
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_Tr%E1%BB%8Dng_Thi
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Apple_I
(4)https://www.lmis.de/im-wandel-der-zeit-von-industrie-1-0-bis-4-0

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.