Lãnh đạo cao cấp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi luật An Ninh mạng

FB Hoàng Hải Vân

16-10-2018

Nếu nghị định hướng dẫn thi hành luật An Ninh mạng được thông qua như dự thảo,  thì thành phần nên lo lắng nhất là các Bộ trưởng, các Ủy viên trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và những người trong gia đình họ cùng các cán bộ tham mưu thân cận của họ, chứ không phải là các thường dân ít bị ảnh hưởng như chúng ta.

Các thường dân như chúng ta không có nhiều bí mật đời tư thuộc loại nếu như để lộ ra thì có thể mất chức mất quyền mất uy tín tan gia bại sản. Những bí mật loại này có nhiều trong giới quan chức, vị nào không có thì ít nhất vợ/chồng con cái các vị hay đệ tử thân cận của các vị có. Ai kiểm soát các bí mật này người đó có thể tống tiền các vị, khống chế các vị, mặc cả với các vị, ít nhất là yêu cầu các vị nhân nhượng trong bố trí đề bạt nhân sự, cài cắm chính sách và làm những chuyện thiếu thiện lành khác mà bản thân các vị không muốn. Tôi nói chung như vậy vì đối với giới quan chức, ngay cả các bí mật đời tư không vi phạm pháp luật gì cũng có thể bị mang ra xuyên tạc để mặc cả, khống chế, tống tiền.

Bởi vì bản Dự thảo này có điều khoản quy định bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại Việt Nam phải lưu trữ và chuyển giao cho Cục An ninh mạng “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập, nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục An ninh mạng.

Dữ liệu về thông tin cá nhân người dùng, theo định nghĩa của Dự thảo, không chỉ là tên tuổi, nghề nghiệp, chức tước, địa chỉ, CMND, điện thoại, thư điện tử… mà còn có cả “số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, sở thích, sở trường, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, niềm tin triết lý, vị trí trong xã hội, sinh trắc học” cùng rất nhiều chi tiết khác về quan hệ xã hội và các tương tác trên internet.

Nếu như các cán bộ cấp cao hoặc những người thân cận nói trên không sử dụng internet thì Cục An ninh mạng không kiểm soát được thông tin đời tư của họ, và nếu vậy thì họ đã thuộc về một thế giới khác không dính dáng gì đến cuộc sống đang diễn ra trong thế giới này và trên đất nước này, do đó họ không đủ trình độ hiểu biết để giữ những cương vị lãnh đạo của đất nước. Vì vậy, khả năng này bị loại trừ. Tôi nói khả năng này bị loại trừ vì ngay cả Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng nếu không dùng internet thì người thân hoặc các cán bộ tham mưu thân cận của các ông ấy nhất định phải dùng để phục vụ cho công việc của các ông ấy, mà kiểm soát đời tư của những người này cũng là gián tiếp kiểm soát đời tư của Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng.

Sau khi Dự thảo này được thông qua, Cục An ninh mạng sẽ trở thành một cơ quan siêu quyền lực. Ai nắm giữ Cục này sẽ trở thành người coi trời bằng vung.

Các vị lãnh đạo ủng hộ Luật an ninh mạng, theo tôi hiểu là do các vị không thể chấp nhận được tình trạng ném đá giấu tay của những kẻ xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ một cách phi pháp tổ chức và cá nhân nhưng không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước pháp luật. Nhưng thay vì áp dụng các biện pháp theo nguyên tắc pháp quyền chỉ cho phép cơ quan tư pháp tiếp cận những dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng internet khi phát hiện cá nhân đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lại đưa đời tư của toàn dân dùng internet, từ gia đình Tổng Bí thư – Chủ tịch nước – Thủ tướng – Chủ tịch Quốc hội trở xuống vào vòng kiểm soát, khống chế của một cơ quan duy nhất là Cục An ninh mạng, nếu như bản Dự thảo này được thông qua. Đó là bản dự thảo giao cho cơ quan công an quyền vượt xa quyền mà Luật An ninh mạng cho phép.

Bản Dự thảo còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan đến kinh tế, thương mại, đến hội nhập… cần phải nghiên cứu cẩn trọng, nhưng Dự thảo hiện chưa được công bố chính thức. Bài viết này dựa trên những thông tin công khai trên mạng xã hội. Mong rằng Dự thảo mà tôi dẫn một số chi tiết ra đây chỉ là văn bản bịa đặt nhằm gây bất an cho xã hội. Nhưng nếu như nó có thật thì các vị lãnh đạo chắc chắn phải lấy làm sợ hãi khi đọc nó.

Hãy nhìn vụ án Vũ nhôm, ngay cả Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an và một loạt các tướng lãnh vẫn bị một tên xã hội đen như Vũ nhôm thao túng. Khi vụ án chưa mang ra xét xử, khi chưa làm rõ nguyên nhân để áp dụng các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm sự trong sạch của các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia, ai dám tin Cục An ninh mạng không bị lũng đoạn ?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. – Mọi người bình đẳng trước pháp luật?
    Đừng mơ có “bình đẳng” – trong cái “trại súc vật” CH XHCN VN!
    Ở Trung Quốc, sau khi đã có đủ thông tin về mọi khía cạnh của đời sống – chúng sẽ dùng chương trình “cho điểm tín nhiệm xã hội” người dân. Theo ngôn ngữ trong bản thiết kế chính thức của chương trình, nó sẽ “cho phép người được tín nhiệm rong chơi cùng trời cuối đất, trong khi khiến người mất uy tín không nhấc nổi một bước”.
    Việc áp bức đó không lạ với những người bất đồng chính kiến VN , nhưng nó sẽ biến toàn dân VN thành nô lệ không còn biết mở miệng… để cho lũ “điếm cao cấp” tha hồ “bán miệng nuôi trôn”, nôm na là – tha hồ ăn cắp!

Comments are closed.