Hòa thượng Thích Không Tánh: “Mọi diễn biến đều là duyên”

Tuấn Khanh ghi

9-10-2018

Tin về việc Hòa Thượng Thích Quảng Độ lên tàu về Thái Bình, an dưỡng nơi quê cũ của ngài đã dấy lên nhiều điều bàn tán trong công chúng. Nơi lưu trú của Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện (số 90 Trần Huy Liệu) đã từ chối, sập cửa với ngài từ 15/9/2018, theo quyết định của trụ trì Thích Thanh Minh, mà theo nhiều người mô tả là “vội vã và tàn nhẫn”.

Nhiều năm nay, Hòa Thượng Thích Quảng Độ vẫn được coi là biểu tượng tranh đấu của Phật giáo chân chính trong nước, nhiều lần được các giải thưởng cao quý của quốc tế và được đề cử nhiều lần giải Nobel Hòa Bình.

Để nói thêm về chuyện này, Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Tôn ở Thủ Thiêm, Sài Gòn (đã bị cưỡng chế đập bỏ) dành ít thời gian cho nọi dung dưới đây.

Thưa hòa thượng Thích Không Tánh, xin ngài cho biết về tình hình của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, mà nghe đâu là đã trở về Thái Bình vào ngày 5/10 vừa rồi.

Xin được tóm tắt như vậy, Những gì diễn ra không phải là bất ngờ mà đã nằm trong những “xếp đặt” từ lâu rồi đối với ngài. Thực tế lúc này thì hòa thượng Thích Quảng Độ đã về ở Chùa Long Khánh, thôn Đông Đoài, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Ngài đã lớn tuổi và cũng mỏi mệt nên muốn được nghỉ ngơi, và nói chỉ còn chờ lúc vãn sanh. Ngài cũng nói khi ngài mất rồi thì Hội Đồng Lưỡng Viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên chọn thời điểm thích hợp để cùng họp bàn và bầu chọn vị trí Đệ lục Tăng Thống. Nói vậy bởi lúc này thì ngài chọn nghỉ ngơi mà không từ nhiệm.

Tuy nhiên, việc ngài về quê và tạm thời không quản lý việc Phật sự trong một thời gian, cũng khiến cho nhiều người lo ngại và nghĩ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có thể không còn nữa.

Hiện nay chúng tôi đã nhận được nhiều hình ảnh và thông tin báo rằng ngài hiện cũng an nhàn và không gặp khó khăn gì. Về phần tuổi già của ngài, thì tôi cũng có mừng việc ngài được thảnh thơi vì lâu nay đã quá mệt mỏi rồi. Nhưng về mặt thế sự thì rõ rằng Nhà nước Việt Nam đang đắc lợi vì không còn phải mang tiếng là giam lỏng ngài, hết sức thuận lợi trong các việc đối thoại quốc tế.

Còn về phía Giáo hội (Thống Nhất) thì cũng có ý kiến hụt hẫng, buồn lo là việc Đức Tăng Thống quy ẩn như vậy có thể ảnh hưởng đến tồn vong của giáo hội, vốn đã gặp nhiều khó khăn từ 1975 đến nay. Bởi lúc này hình ảnh của ngài thi quá lớn, khó mà thay thế được.

Tin tức nói là Đức Tăng Thống bị “đẩy” ra khỏi Thanh Minh Thiền Viện từ 15/9 trong tình cảnh rất o ép, nhưng đến tuần đầu tháng 10 thì ngài mới rời khỏi Sài Gòn. Như vậy là có hay không chuyện ngài đã cố tìm cách ở lại nhưng không còn được nữa?

Theo tôi, mọi thứ diễn ra thế nào, thì cũng thuộc về quyết định cuối cùng của ngài, chứ không ai có thể ép được ngài. Mọi lời bình luận như “áp lực chính trị” hay “trục xuất” chỉ có ý nghĩa một phần, vì Đức Tăng thống đã chọn một phương thức theo ý ngài. Bên cạnh đó, mọi thứ như một kịch bản do “ai đó” dàn dựng, đã được sắp xếp, như một cách hờm sẳn từ trước. Có thể Đức Tăng Thống biết, nhưng một thân một mình, sức yếu nên việc ứng phó cho thế nào để phù hợp là điều chỉ có ngài mới rõ. Đây là điều xin quý anh chị cứ tự suy luận đơn giản thì cũng sẽ biết. Được biết, ngay cả ngôi từ đường ở Thái Bình mà hiện nay ngài trở về đã được chính quyền âm thầm xây cất, chỉnh tu từ 2 năm trước. Mọi thứ rất khang trang. Chung quanh các tin tức rối và nhiều, nhưng sự thật thì như tôi vừa trình bày.

Việc Đức Tăng Thống bãi nhiệm 2 người của Giáo hội và viết thư tay kêu gọi tín đồ, tăng ni… hãy đoàn kết với nhau cho thấy điều gì đang xảy ra trong nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất?

Trước giờ, Đức Tăng Thống từng ra nhiều giáo chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm. bãi nhiệm, từ chối… nhân sự trong Giáo hội nhưng nói cho đúng, bối cảnh lúc trước ngài bị cô lập, thiếu thông tin rồi nóng lòng vì an nguy của Giao hội nên chịu nhiều tác động của những người có điều kiện kề cận hay liên lạc với ngài. Có giáo chỉ của ngài đưa ra thì hợp lý nhưng cũng có giáo chỉ ký xuống thì lại bất thường… Những việc như vậy cho thấy sự bất cập của Giáo hội và cũng không đúng với hiến chương của Giáo hội. Chẳng hạn như việc ngưng chức của hòa thượng Thích Chánh Lạc hay Thích Viên Lý đều là chuyện ai nấy bắt ngờ và lo ngại vì biết rằng ngài chịu nhiều tác động không đúng. Mà những điều đó đã kéo dài nhiều năm chứ không phải đến bây giờ mới có.

Lúc này, trước khi thuận theo việc phải an trí, ngài như muốn làm một vài điều cuối nhằm tạo lại cân bằng cho sinh hoạt Giáo Hội (như trường hợp bãi nhiệm cư sĩ Lê Công Cầu – chú thích của người phỏng vấn). Nếu theo dõi những khó khăn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lâu nay, ắt quý vị sẽ hiểu.

Nhưng cốt lõi là ngài bị cô lập quá lâu và không được tiếp xúc và thảo luận với chư tôn trong và ngoài nước nên ít kiểm soát đúng được tình hình.

Rất nhiều Phật tử hoang mang trước sự kiện mới mẻ này. Vốn là một người từng nhiều năm sát cánh bên Đức Tăng Thống và am hiểu tình hình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài có thể cho một lời khuyên như thế nào về tình hình lúc này?

Nhà nước Việt Nam đã hết sức khôn ngoan trong việc giải thoát cho chính họ việc luôn bị lên án là cô lập hòa thượng Thích Quảng Độ. Họ tạo nên các tình huống và đưa đến cung đường hẹp cuối cùng là ngài phải về quê, nơi được tạo dựng rất khang trang đón sẳn. Đức Tăng Thống đã quá già yếu và cô đơn nên không đủ tự chủ trong những việc như vậy. Sự chuẩn bị công phu của phía Nhà nước Việt Nam hoàn toàn đem lại một bộ mặt khác cho họ về vấn đề đàn áp tôn giáo, thuận lợi với Châu Âu trong việc ký kết hiệp ước thương mại chẳng hạn.

Về mặt con người thì chúng ta mừng cho ngài tuổi già sức yếu, nay được yên ổn. Nhưng về mặt Giáo hội thì lại có nhiều nỗi lo.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng mọi thứ trên đời này đều có những huyền cơ, con người, Giáo hội hay đất nước đều vậy. Tôi mong rằng tất cả các tăng ni, tín đồ có một lòng hoài bão với đất nước, dân tộc và đạo pháp nên nuôi một niềm tin rằng mọi diễn biến đều có cơ duyên của nó, còn trước mặt hiện ra chỉ là thời sự của giai đoạn.

Xin mọi người vững lòng, tâm an nhiên, cùng quyết đồng hành với đạo pháp, dân tộc. Khi mọi thứ thuận duyên từ trong ra ngoài, từ quốc nội đến hải ngoại thì những điều tốt đẹp nhất chắc chắn sẽ đến.

Lúc này là lúc ý thức cần phải được gieo và bừng lên trong mỗi con người, biết lo lắng và nghĩ suy cho tiền đồ của quê hương, điều đó quan trọng hơn một diễn biến nhất thời trước mắt.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. * Chuyện này làm cho các sư quốc doanh sướng như nở từng khúc ruột và yên tâm với cách kiếm tiền của mình.
    * Chuyện này lại làm cho bản nhân nhớ lại chuyện khi xưa, khi Minh Thành tổ Chu Đệ/Lệ phát binh xâm lược Đại Việt/Đại Ngu năm 1407 đã rất cẩn thận dặn dò Tổng binh Chu Năng: “Mọi văn hóa Việt phải tiêu hủy hết, chỉ trừ chùa chiền”. Thế là thế nào nhỉ, thưa các TRỰ!?

  2. Lời Của Ngai Hòa Thượn Thích Không Tánh lài : Tiếng Nói Của Những Đêm Dài Thao Thức …Vì Những Thương Đau Của ” Quốc Nạn Đồng Hành Cùng Pháp Nạn :
    Vận nước điêu linh … : Cơ Đồ Nhà Nam tan nát ….Nên Ngài Hoà Thượng Thích Quảng Độ… Cũng theo vận ước nổi trôi …:
    Nghiệm Lý Lời Dạy Của Nhà Phãt : Thầy Không Tánh … : Đã không địng nghiệp mà địn duyên nên….: ‘ Khi Duyên Khởi : thì mạch sống sẽ được hồi sinh mà thế nhơn sẽ đục chứng nghiệm vạn vật cũng như : Thiên – Địa – Nhơn ” cùng đồng quy về vòng tròn cính phương của Càn Khôn Vũ Trụ … Sự nhiệm màu sẽ bừng lên theo quy luât vận hành bất biến của Giòng Sông Biến Dịch … Thế nhơn hãy tỉnh thức : Vì tỉnh Thức mới vận dung cơ duyên theo tuần Hòan Vũ Trụ Càn Khôn : Vận Nước Cũng Quay Đều Như Vậy …. !!
    Trân Trọng
    Vương Thiên Vũ
    ( Lão Đưa Đò Trên Giòng Sông Biến Dịch )

Comments are closed.