8-10-2018
Xin lưu ý, bạn phải sử dụng thật nhiều trí tưởng tượng (thậm chí là utopia) khi đọc bài viết này.
————-
Thú thật ngay khi đọc được những thông tin về việc “nhất thể hóa” tôi đã có suy nghĩ rằng: “Không thể”.
Với hiểu biết của tôi về ông Tổng bí thư, tôi đã nghĩ rằng, ông sẽ không bao giờ chọn phương án này. Hơn ai hết, ông là người hiểu rõ cái đảng ông đang đứng đầu, nhất là những khuyết tật cố hữu của nó, cũng như những nguy cơ mà đất nước này đang và sẽ phải đối mặt. Và như thế, ông sẽ không bao giờ chọn phương án “nhất thể hóa” đầy mạo hiểm.
Đến hôm nay thì suy đoán của tôi có vẻ như phần nào đó đã đúng, dù chắc chắn là không có gì chắc chắn.
Nếu các bạn còn nhớ, trong bài “Một ghi chú về Hội nghị trung ương 7”, tôi đã hứa hẹn là mình sẽ viết tiếp, bây giờ, tôi xin trả món nợ “lời hứa” này.
Ở bài đó, tôi đã để ngỏ hai câu hỏi: Làm sao để có một đảng cầm quyền mạnh và chính danh? Làm sao để có một nhà nước hiện đại hướng tới mục tiêu thịnh vượng?
Bản thân tôi (có thể nhiều người khác nữa) đã từng bị hấp dẫn bởi chế độ cộng hòa tổng thống, có lẽ là do sức ảnh hưởng quá lớn của nước Mỹ, văn hóa Mỹ và sự phổ biến của những sách vở về nước Mỹ ở Việt Nam ngày nay.
Nhưng càng ngày tôi lại càng xa rời ý tưởng từng được yêu thích này.
Ở đây tôi không so sánh về ưu nhược điểm của hai mô hình cộng hòa tổng thống hay đại nghị, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự lựa chọn hợp lý trong hoàn cảnh Việt Nam.
Nếu chọn phương án “nhất thể hóa” chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, chúng ta sẽ có một vị trí đầy tham vọng và quyền lực trong bộ máy. Nhưng khi đó, bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào vào vị trí này, sẽ phải trả giá, thậm chí có thể là sự trả giá đau đớn và lâu dài trong một chế độ độc tài cá nhân tồi tệ.
Quả thật, phương án “nhất thể hóa” này sẽ là lựa chọn hợp lý cho những ai yêu thích mô hình cộng hòa tổng thống. Nhưng kể cả bỏ qua nguy cơ rơi vào độc tài cá nhân thì một cách khách quan nó cũng không phù hợp với cấu trúc nhà nước hiện tại của chúng ta. Cấu trúc tổ chức bộ máy nhà hiện hành thực tế gần với mô hình cộng hòa đại nghị hơn.
Nhìn lại toàn bộ lịch sử nhà nước từ 1976* đến nay ta có thể thấy, thực tế chúng ta đã có một Quốc hội ngày càng mạnh và ngày càng có sự độc lập tương đối với đảng. Thực tế, chúng ta đã có vị trí Thủ tướng ngày càng nắm nhiều thực quyền cả đối nội lẫn đối ngoại. Thực tế, chúng ta có vị trí Chủ tịch nước ngay từ thời ông Hồ đã phần nào mang tính lễ nghi, biểu tượng.
Như thế, mô hình cộng hòa đại nghị với cấu trúc gồm: một Quốc hội mạnh, một vị Thủ tướng là nguyên thủ quốc gia đích thực và một vị Tổng thống (hay Chủ tịch nước) mang tính lễ nghi, biểu tượng, có lẽ mới là sự lựa chọn hợp lý hơn cho sự chuyển đổi (tất yếu phải có) ở Việt Nam trong tương lai.
Khi đặt ra câu hỏi: “Làm sao để có một đảng cầm quyền mạnh và chính danh?” thực sự tôi đã nghĩ mô hình cộng hòa đại nghị này nếu được lựa chọn cho Việt Nam trong tương lai thì việc chuyển đổi sẽ ít khó khăn, xáo trộn, và đồng thời cũng không mâu thuẫn với mục đích hiện tại (nếu có) là đưa Đảng Cộng sản bây giờ thành một đảng phái chính danh và mạnh.
Với mô hình cộng hòa đại nghị, chúng ta chỉ cần biến Quốc hội hiện có thành Quốc hội mạnh, có thực quyền và thực sự đại diện cho ý chí của nhân dân. Việc này, thậm chí có thể thực hiện được ngay trong khuôn khổ hiến pháp hiện hành chỉ bằng bước đơn giản (về nguyên tắc) là yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền lập hội, quyền bầu cử và ứng cử của nhân dân không phân biệt đảng phái.
Vị trí Thủ tướng hiện nay, không cần phải thay đổi nhiều trong mô hình cộng hòa đại nghị, ông vẫn được bầu lên bởi Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ khác, ông sẽ là nguyên thủ thực sự, đại diện cho Việt Nam trong cả đối nội lẫn đối ngoại.
Vị trí Chủ tịch nước (hay Tổng thống) khi đó cũng vậy, ông sẽ vẫn thuần túy mang tính lễ nghi, biểu tượng (thậm chí còn có thể đáp ứng một cách hoàn hảo với tiêu chuẩn “làm gương” như Hội nghị trung ương 8 đưa ra mới đây (hi hi)).
Vị trí Tổng bí thư (hay Chủ tịch đảng) khi đó không còn quá quan trọng trong hệ thống nhà nước, bởi khi đảng đã chính danh thì đương nhiên đảng phải chịu sự điều chỉnh và hoạt động như một đảng phái thuần túy độc lập trong khuôn khổ pháp luật.
Đến đây, tôi phải nói thêm, lựa chọn mô hình nhà nước tương lai tương đồng về cấu trúc với mô hình nhà nước hiện tại còn có hàm ý về tính kế thừa, “tính liên tục”.
Cho đến nay, những biến cố lịch sử làm thay đổi hoàn toàn chế độ nhà nước ở Việt Nam đều gắn liền với những đứt gãy, gián đoạn và hủy diệt.
Tức là, chế độ sau cắt đứt, phủ nhận và xóa bỏ hoàn toàn chế độ trước, kể cả những thành quả, những kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm về quản trị quốc gia.
Như thế, chế độ mới lập nên hoàn toàn có thể lặp lại những sai lầm, hay đi vào vết xe đổ của chế độ cũ mà không hề biết đến hay rút ra được bài học gì từ những kinh nghiệm đã phải trả bằng xương máu của chế độ trước đó**.
—————–
(*) Tôi lấy mốc này vì gắn với Quốc hội khóa VI (1976-1981), Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25/4/1976.
(**) Trong bài viết “Con đường của Rồng” Anh Xu Béo đã phân tích khá kĩ về chuyện đứt gãy và liên tục của lịch sử này (https://5xublog.wordpress.com/2012/12/01/con-duong-cua-rong/).
Xóa bỏ độc tài, thực hiện tự do thành lập đảng, hội ví dụ: đảng Lăng đen, đảng Lăng khủng, đảng Mả to, đảng Biệt phủ, đảng Osin, đảng Văn nô, đảng Bia, đảng Kraoke, đảng Dân oan, đảng Lương tâm… tự do tuyên truyền, ứng cử. Mời các tổ chức quốc tế giám sát v..v..
Thằng Kiên điên lí loạn. Ôm cuốn chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang đọc đi
“Cho đến nay, những biến cố lịch sử làm thay đổi hoàn toàn chế độ nhà nước ở Việt Nam đều gắn liền với những đứt gãy, gián đoạn và hủy diệt.
Tức là, chế độ sau cắt đứt, phủ nhận và xóa bỏ hoàn toàn chế độ trước, kể cả những thành quả, những kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm về quản trị quốc gia”.
– Sai. Nhà nước CSVN ngày nay kế thừa 90% kinh nghiêm thống trị nhân dân VN của chế độ thực dân Pháp “Cha gìa dân tộc” lên án thực dân Pháp như thế nào, ngày nay nhân dânVN vẫn phải rên xiết y như vậy!!!
Nhờ sự kiện chính trị “nhất thể hóa” mới lòi ra những bài khủng khiếp như thế này, vấn đề tuyệt vời hơn nữa khi chúng chiếm tuyệt đại đa số . Và qua chúng, ta biết được trí thức Việt trong nước không biết gì hết . Điều nữa ta biết, họ rất yêu Đảng . Bằng chứng ? Nguyễn Đắc Kiên suy tư với 2 câu hỏi làm bò cũng phải cười lăn lóc “Làm sao để có một đảng cầm quyền mạnh và chính danh? Làm sao để có một nhà nước hiện đại hướng tới mục tiêu thịnh vượng?”. Câu sau chửi đào mồ tổ tiên ngay câu trước, không cần chờ chực lâu lắc .
“Xin lưu ý, bạn phải sử dụng thật nhiều trí tưởng tượng (thậm chí là utopia) khi đọc bài viết này”
Thật ra không cần sử dụng nhiều lắm trí tưởng tượng . Ai đủ điên để có thể mơ mộng được utopia, aka Thiên Đường Cộng Sản thì mới thật sự tâm đắc với những bài Trời ơi Đất hỡi kiểu này! Theo suy đoán của tớ, ở Việt Nam có (rất) nhiều người còn điên hơn nữa . Tác giả bài này là 1. NĐK không sợ không có Tử Kỳ .
Bắt chước thái độ của Marx đ/v dân Cossack, Việt Nam cần phải nhập vào Trung Quốc để Trung Quốc nó khai hóa tư di dùm . Đọc trí thức phản kháng Trung Quốc khá hơn hẳn trí thức con khỉ đánh đu nhà mềnh .