Nghĩ về nhất thể hóa (phần 2)

FB Nguyễn Tiến Tường

4-10-2018

Tiếp theo phần 1

Người ủng hộ nhất thể hóa chủ yếu dựa trên hai yếu tố: Cuộc đốt lò của TBT Nguyễn Phú Trọng ở thượng tầng và xu hướng cắt giảm nhân sự, giảm chi ngân sách của hệ thống. Xin được tranh luận một vài quan điểm, từ gốc rễ vấn đề như sau:

1. VỀ THƯỢNG TẦNG

Khi TBT Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực, ông sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý các cá nhân sai phạm. Không ai phủ nhận nỗ lực của ông trong công cuộc này. Nhưng xét một cách khách quan, đây là nổ lực và mong muốn cá nhân của TBT, chứ không phải yêu cầu của thể chế.

Yêu cầu của thể chế là tất cả các tổ chức và cá nhân tham gia điều hành đều bị giám sát chéo. Như chúng ta thấy ở hầu hết các quốc gia, ngay cả người cao nhất bị truy tố hoặc buộc điều trần là bình thường.

Không phủ nhận sự quyết liệt của TBT trong vấn đề xử lý sai phạm. Nhưng nếu đặt trong một hình thái tiến bộ, có tam quyền đủ mạnh, thì các cá nhân đã phải trả giá từ rất lâu trước đó chứ không phải trông cậy vào một con người.

Khi TBT Nguyễn Phú Trọng thống nhất quyền bính và giữ nó bằng sự vô tư của mình, sẽ có thêm nhiều “củi” ở phía đối lập. Nhưng một khi định chế này được chuyển giao cho người khác và nắm giữ quyền lực tối thượng, cả một hệ thống chính trị, công quyền và nhân dân lại phải chờ tâm đức của người kế vị. Và nên nhớ, người đó không có đối trọng. Một vị “vua” đúng nghĩa hoàn toàn có thể là minh quân hoặc hôn quân mà không ai nói trước. Đó là một canh bạc !

2. VẤN ĐỀ HỢP NHẤT Ở HỆ THỐNG

Trong kỳ vọng của nhân dân, việc hợp nhất ở bên dưới sẽ tiết kiệm quỹ lương đáng kể cho ngân sách. Đây cũng không phải là vấn đề gốc. Bởi vì với một nhà nước tam quyền, ngân sách không trả lương cho đảng phái. Về nguyên tắc, lương của lãnh đạo Đảng, phải được trích từ quỹ đảng phí.

Nhưng thực tế của VN, cán bộ đảng ăn lương từ ngân sách. Đó là điều vô lý. Bởi vì người đứng đầu hành chính là chủ tịch mới chính danh ăn lương ngân sách để điều hành. Nếu công bằng, phải tách riêng hai quỹ phúc lợi cho lãnh đạo đảng và lãnh đạo chính quyền mới đúng.

Ở ta, dân trực tiếp chịu một cấp lãnh đạo hành chính và gián tiếp chịu thêm một cấp lãnh đạo về mặt Đảng. Các cơ quan của đảng song hành với hành chính đến tận cơ sở, và quyền lực cao hơn. UBND xã, huyện, tỉnh quyền lực không bằng Đảng ủy. Sở nội vụ không thể bằng Ban tổ chức tỉnh ủy, Thanh tra cấp Chính phủ chưa chắc quyền uy bằng Ủy ban Kiểm tra TW.

Lãnh đạo hành chính không quan trọng bằng chân thường vụ. Khi hợp nhất, người làm hành chính sẽ chăm chút hơn sinh mệnh chính trị thay vì năng lực quản lý. Chưa kể, khi năng lực chính trị được ưu tiên, rất dễ dẫn đến việc cán bộ có thành tích về mặt đảng được cất nhắc hơn người có năng lực thật sự.

Hợp nhất, bí thư có thêm quyền hành chủ tịch, tức là được trực tiếp quyết định nhân sự bên dưới. Điều này rất dễ dẫn đến hiện tượng bè phái, phe cánh. Thực tế ở nhiều địa phương trong thời gian qua, hầu hết đều có gốc rễ từ bí thư, chứ không phải chủ tịch tỉnh/huyện. Khi bí thư kiêm chủ tịch, hiện tượng kéo bè kết phái sẽ thuận lợi hơn.

Hợp nhất hệ thống bên dưới, còn vấp phải rào cản vì nếu Đảng cử bí thư kiêm chủ tịch thì chồng lấn quyền bầu cử của dân (thông qua HĐND) còn nếu nhân dân bầu chủ tịch kiêm bí thư thì dân không có quyền hạn bầu cử về mặt đảng.

***

Tóm lại, đây là những điều mà ai cũng có thể nhìn thấy và chỉ xin nêu ra như một ý kiến thẳng thắng từ phía một người dân mưu cầu điều tốt đẹp về lâu dài.

Bình Luận từ Facebook