Cơ hội cải tổ lại “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”

FB Trương Nhân Tuấn

3-10-2018

Ông Đỗ Mười là người đầu tiên đưa ra khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Điều này “rập khuôn” TQ khi nước này đề xướng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”, dựa vào pháp luật để trị nước (ỷ pháp trị quốc).

TQ “dò đá qua sông”, học hỏi kiến thức (khoa học kỹ thuật) Tây phương để “quang phục” đất nước. Dĩ nhiên TQ phải tổ chức lại nhà nước, quản lý nhà nước trên nền tảng “pháp luật” (chớ không bằng pháp lệnh như trước) để được thế giới chấp nhận là thành viên của WTO.

Mô hình nhà nước của TQ, về hình thức lấy hứng từ lý thuyết “pháp trị” của Hàn phi tử thời cổ đại Trung Hoa, vừa mô phỏng theo mô hình “l’Etat de Droit” của các nước Tây phương (Pháp và Đức) và “the Rule of Law” của Anh và Mỹ. Nhưng về bản chất của luật lệ, tức pháp chế, thì vẫn giữ nguyên tính “chuyên chế” của xã hội chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Còn “nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười, từ “pháp quyền” lấy hứng từ hai câu vè lục bác “Bảy xin Hiến pháp ban hành – Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” tác giả là ông Hồ Chí Minh. Cụm từ “Nhà nước pháp quyền” lấy hứng từ “Etat de Droit” của Pháp và “Rechtsstaat” của Đức. Nhiều ký kết giữa VN và Pháp, VN và Đức về “hỗ trợ pháp lý” còn hiệu lực cho phép ta kết luận như vậy.

Có hai điều đã khiến chủ trương “xây dựng nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười áp dụng vào VN thất bại, hai thập niên sau nó đã trở thành một “dị tật” trong việc tổ chức và quản lý nhà nước.

1/ Tính “quyền biến” của pháp luật trong “nhà nước pháp quyền”

Nếu hiểu “nhà nước pháp quyền” theo ý nghĩa của “Rule of Law”: pháp luật là tối thượng. “Người lãnh đạo cũng phải tuân thủ luật pháp và phải cai trị bằng các công cụ pháp luật” và “không một cá nhân nào, dù là chủ tịch nước hay công dân, được đứng trên luật pháp”. Hoặc hiểu theo ý nghĩa “Etat de Droit”: Làm cái gì cũng theo luật lệ mà làm. “Người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng người cầm quyền thì chỉ được phép làm những điều luật pháp qui định”. Thì các tính chất này không hề được thấy trong “nhà nước pháp quyền” của VN.

Hiến pháp VN qui định “đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” nhưng lại không có điều luật nào nói về trách nhiệm của đảng trước pháp luật. Hệ quả là, nếu đảng có vi phạm luật lệ, hoặc gây ra những tai hại ghê gớm cho đất nước và dân tộc, sẽ không có điều luật nào chế tài đảng hết cả. Đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật.

Với “ngoại lệ” đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật, “nhà nước pháp quyền” của VN không hề tương ứng với khái niệm “the Rule of Law”.

Hiến pháp cũng qui định đảng viên và các tổ chức của đảng phải hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật. Nhưng trên thực tế đảng viên muốn làm gì thì làm. Nếu có gây tổn thất cho đất nước, cho dân tộc, các việc này có lợi cho đảng thì đảng viên không có tội gì cả. Các đảng viên phạm tội tham nhũng, mua quan bán chức, lạm dụng quyền lực… nếu đảng chưa có quyết định thì pháp luật không được đụng tới những người này. “Nhà nước pháp quyền” vì vậy cũng không hề tương đồng với khái niệm “l’Etat de Droit”.

Các nguyên tắc về “quyền” của người dân cũng chưa được đặt ra thành “khái niệm”, chứ đừng nói tới việc ra luật để bảo vệ. Trong khi bản chất “luật pháp” của “Etat de Droit” và “Rule of Law” là bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

“Rule of Law” hoặc “Etat de Droit” là “bất biến”. Trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng là “quốc pháp” và có giá trị “tối cao”. Thực tế “nhà nước pháp quyền” của VN nhiều trường hợp “quốc pháp” lại không bằng “đảng pháp”.

Ta nhớ vụ các nữ giáo viên, ai có ngoại hình xinh đẹp thì bị ép đi làm tiếp viên, đi hát Karaoké với lãnh đạo cấp cao. Vụ này xảy ra ở Hà Tĩnh tháng 11 năm 2016. Đây là một hình thức “ma cô”, cưỡng ép tình dục, lý ra người chủ trương phải bị trừng trị trước pháp luật. Nhưng chiếu theo “đảng pháp” thì đó là “nhiệm vụ chính trị” của các nữ giáo viên.

Người dân không biết phải “thượng tôn pháp luật” (Rule of Law) hay phải phục tùng “luật đảng”?

Đây là một tiêu sản nặng nề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho nhà nước Việt Nam XHCN trở nên thối nát toàn diện. Luật không chi phối được đảng viên. Tệ nạn tham nhũng mua quan bán chức tràn lan ở nhân sự lãnh đạo cấp cao. Hệ quả “thượng bất chánh” đưa tới “hạ tắc loạn”, thể hiện qua sự hỗn loạn vô phương chữa trị trong giao thông ở các thành phố lớn, điển hình Hà Nội. Trong khi xã hội luân thường đạo lý đảo lộn, nạn gian lận, giả dối, bằng cấp giả, ăn cắp, ăn cướp, đĩ điếm, cờ bạc… lan tràn trong mọi ngõ ngách của xã hội. Không có luật, hay luật áp dụng không đúng mức, xã hội trở thành xã hội bán khai, mạnh được yếu thua.

2/ “Nhà nước pháp quyền” thành ra “pháp quyền”

Di sản “nhà nước pháp quyền” của ông Đỗ Mười còn trở thành một “tiêu sản” nặng nề cho nền học thuật nước nhà khi các “học giả” VN tự tiện tách rời “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước”.

Tách “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước”, tương tự tách “Droit” ra khỏi “Etat de Droit”. “Pháp quyền” có nghĩa đơn thuần là “pháp luật” (droit)!

Vấn đề là các học giả VN sử dụng “pháp quyền” như là một danh từ khái niệm chỉ cho “the Rule of Law”.

Chữ “quyền” trong Pháp quyền là gì ? Nếu ta đọc các tài liệu học tập của đảng về “nhà nước pháp quyền”, ta thấy không có sự thống nhất về ý nghĩa của chữ “quyền”. Lúc thì “quyền” có nghĩa là “quyền lực” (power – pouvoir), lúc có nghĩa là quyền trong nhân quyền “right – droit”, lúc thì có nghĩa như là pháp luật “law – droit”.

Vậy thì “nhà nước pháp quyền” phải dịch sang tiếng Pháp (hay tiếng Anh) ra sao ? Không lẽ là “Etat de Pouvoir” với “quyền” là “quyền lực”. Hoặc “Etat de Loi” với “Quyền” là “luật”. Hoặc “Etat de Droit” với “quyền” là “quyền” của “nhân quyền”.

Từ “pháp quyền” có ý nghĩa “linh động” làm cho ý nghĩa của “nhà nước pháp quyền” trở nên bất định.

Rốt cục “nhà nước pháp quyền” của VN đến nay không ai định nghĩa được. Định nghĩa cách nào cũng chỉ mà gán ép gượng gạo. Đây là sự phá sản toàn diện về mặt lý thuyết của “pháp quyền”.

Hệ quả là “quyền lực” chạy lung tung đến đỗi ông Trọng nhiều lần nói đến “cái lồng định chế” để nhốt nó.

3/ Những điều cần cải tổ

Từ thời “đổi mới” năm 1989 đến nay, VN bắt chước TQ từ việc “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung quốc” cho tới việc xây dựng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”. TQ thành công bao nhiêu thì VN thất bại bấy nhiêu. Đảng CSTQ tự hào “nuôi sống” 1 tỉ 400 triệu người dân TQ. Họ cũng tự hào làm cho 500 triệu người TQ trở nên giàu có. Trong khi VN thì cứ 9 người dân thì phải nuôi một đảng viên, cán bộ nhà nước.

Nguyên nhân do đâu ? Dĩ nhiên là do cách thức tổ chức nhà nước mà việc xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia (quốc gia pháp trị – Etat de Droit) là cơ bản.

Ông Đỗ Mười vừa trút hơi thở cuối cùng. Trước đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thành người thiên cổ. Vừa rồi còn có tin đồn “nhứt thể hóa” hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước. Từ nay tổng bí thư đảng kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch nước. Thì đây là cơ hội ngàn vàng để sửa sai, cải tổ lại hệ thống pháp lý của nhà nước.

Việc này trở nên khẩn cấp, nếu ta hiểu được quyết tâm của Hoa Kỳ trừng phạt những nền “kinh tế không thị trường”, thông qua Hiệp ước USMCA mới ký giữa Mỹ – Mexico và Canada . Nội dung này cũng sẽ lập lại trong các hiệp ước giữa Hoa Kỳ-Nhật và Hoa Kỳ – Châu Âu.

TQ trở thành mục tiêu “cô lập” của Mỹ và các quốc gia đồng minh. TQ và VN vẫn là các quốc gia “xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế tập trung (kinh tế chỉ huy, tư bản nhà nước). Sinh hoạt kinh tế của VN và TQ đã thay đổi nhiều mặt nhưng vẫn không phải là nền “kinh tế thị trường”. Pháp chế ở các nơi đây vẫn đậm đà bản chất “chuyên chính” của xã hội chủ nghĩa.

“Nhứt thể hóa”, nếu xảy ra, là dịp tốt để cải tổ lại “nhà nước pháp quyền”. Căn bản là tu chính lại Hiến pháp.

Điều 4 Hiến pháp phải thay đổi. Thứ nhứt, đảng CSVN không thể là lực lượng duy nhứt lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thứ hai, các đảng phái sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp nhà nước. Thứ ba, những văn bản, nghị quyết, nội quy… của các đảng phái phải phù hợp với luật pháp quốc gia.

Nếu vẫn tiếp tục như hiện nay, “Đảng pháp” đứng trên “quốc pháp”. Pháp luật áp dụng bằng nhiều “vận tốc” khác nhau. VN sẽ là “đối tượng” sắp tới của Mỹ. Bởi vì với hệ thống luật như vậy VN không hề là một nền “kinh tế thị trường” đúng nghĩa.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. ““Nhứt thể hóa”, nếu xảy ra, là dịp tốt để cải tổ lại “nhà nước pháp quyền”.
    Căn bản là tu chính lại Hiến pháp.
    Điều 4 Hiến pháp phải thay đổi. Thứ nhứt, đảng CSVN không thể là lực lượng duy nhứt lãnh đạo nhà nước và xã hội. Thứ hai, các đảng phái sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp nhà nước. Thứ ba, những văn bản, nghị quyết, nội quy… của các đảng phái phải phù hợp với luật pháp quốc gia”.

    Tác gỉa bài này cho rằng có thể gắn 2 thứ đối kháng như lửa với nước vào với nhau. Không thể nhờ “nhứt thể hóa”, Tổng Lú lại cải tà quy chính, bắt ĐCSVN phải trả lại quyền lợi cho nhân dân.
    – “Nhứt thể hóa” là mộng của giai cấp thống trị, muốn được độc tài toàn trị hơn. Nó không phải là “dịp” hay cơ hội để cải tổ “nhà nước pháp quyền”, mà nó là cái hoàn toàn ngược lại.
    – Còn xóa điều 4 trong HP là mơ ước của giại cấp bị trị, muốn có dân chủ, nhân quyền.
    Tôi chưa thấy tác gỉả dân chứng ở bất kỳ “nhà nước pháp quyền” nào, Anh, Pháp, hay Đức, người ta có cái gọi là “nhứt thể hóa”, mà tác gỉa cho là “cơ hội vàng” để VN cải tổ.
    Hay theo tác giả chỉ ở VN … “tam quyền” phải nhờ có “nhứt thể hóa” nó mới “phân lập”?
    Ở Đức, làm Chủ tịnh nước là phải từ bỏ mọi chức danh bên đảng, ông CT nước tuyệt đối không có “tính đảng”, chỉ có tính nhân dân, đại diên cho toàn thể nhân dân , cho mọi chính kiến!

Comments are closed.