Báo cáo của NBR về chiến lược phòng thủ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương

BTV Tiếng Dân

2-10-2018

Dưới đây là tóm lược báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Quốc gia về châu Á (NBR) của Mỹ, nói về chiến lược phòng thủ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương công bố ngày 21/8/2018. Báo cáo này dành cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nhưng cũng có thể là tài liệu tốt để các nhà hoạch định chính sách của các nước liên quan tới Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tham khảo.

Báo cáo đánh giá tác động của 7 quốc gia đóng vai trò then chốt ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, đối với 5 mối quan tâm về an ninh, và vạch ra những hệ quả cho các kế hoạch chiến dịch của Mỹ dựa trên phân tích những yếu tố độc nhất liên hệ với từng quốc gia này.

Bảy nước then chốt theo báo cáo này là: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan. Các mối quan tâm về an ninh đối với Hoa Kỳ là Bắc Hàn, Biển Hoa Đông, Biển Đông, xung đột Ấn Độ – Pakistan và eo biển Đài Loan.

Kết quả chính của báo cáo

Trong những mối lo ngại hiện tại về an ninh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương thì những thách thức đặc biệt cấp tính xảy ra ở năm điểm nóng: Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Biển Hoa Đông, biên giới Ấn Độ-Pakistan và eo biển Đài Loan. Khi Hoa Kỳ chỉnh đốn kế hoạch chiến dịch phù hợp với Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng mật, điều quan trọng là các chỉ huy và nhà lập kế hoạch phải hiểu được tác động đa dạng liên quan đến những quốc gia chính trong khu vực. Sự đa dạng này bắt nguồn từ các cấp độ khác nhau của quyền lực quốc gia, những cách thức tiếp cận với văn hóa chiến lược và hiểu biết về chiến lược an ninh quốc gia.

Khảo sát về Trung Quốc

Sức mạnh quốc gia. Khả năng huy động nguồn tài nguyên phong phú của Trung Quốc là đáng kể. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có gần 90 triệu thành viên và kiểm soát tuyệt đối chính quyền nhà nước. Tuy nhiên, độ bền của sự kiểm soát này không phải là không bị đặt câu hỏi, khiến cho đảng trở nên độc đoán hơn trong những năm gần đây để củng cố quyền lực. ĐCSTQ đang tìm cách kiểm soát nền kinh tế nhiều hơn – ví dụ, bằng cách đảo ngược quá trình tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – điều này dẫn tới những tác động tiêu cực đến năng suất và hiệu quả do DNNN khét tiếng là kém hiệu quả và năng suất thấp hơn so với liên doanh hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Từ năm 1991, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc đã cải cách và mở rộng lực lượng của mình với mục tiêu tạo ra một quân đội hiện đại có khả năng chiến thắng “các cuộc chiến tranh địa phương dưới các điều kiện được thông tin hóa.” Để đáp ứng mục tiêu này, ĐCSTQ đã tăng chi tiêu quân sự lên gấp đôi. Mặc dù PLA tiếp tục phục vụ ĐCSTQ, chứ không phải cho nhà nước Trung Quốc, và có quyền tự chủ lớn trong việc ra quyết định quân sự, đóng góp của lực lượng này cho chính sách an ninh quốc gia nói chung đã suy giảm trong những năm gần đây. Hai vấn đề có thể cản trở hoạt động của PLA trong một cuộc xung đột với một đối thủ cạnh tranh quân sự tiên tiến như Hoa Kỳ là thiếu kinh nghiệm chiến đấu và truyền tải thông tin trực tiếp giữa các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Văn hóa chiến lược. Trung Quốc ưa chuộng sử dụng sức mạnh cứng khi nước này nhận thấy cán cân để cân bằng quyền lực đang nghiêng về phía mình, còn không thì Trung Quốc thích dựa vào quyền lực mềm và sự thu hút của văn hóa Trung Quốc hơn. Do mệnh lệnh chính trị mạnh mẽ là ĐCSTQ phải giữ hình ảnh đạo đức, xuất phát từ luân lý Nho giáo vốn đã ăn sâu trong văn hoá Trung Quốc  là “quyền lực chính trị phát triển từ đạo đức”, chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc “bắt buộc phải tồn tại trong một khuôn khổ chính đáng của luân lý đạo đức”. Bởi vậy đảng rất nhạy cảm đối với những cuộc tấn công vào hình ảnh của mình hay vị thế của Trung Quốc.

Kịch bản của ĐCSTQ về lịch sử Trung Quốc gần đây là Đảng Cộng sản đóng vai trò duy nhất, có công sửa chữa thế kỷ sỉ nhục dưới bàn tay của những kẻ xâm lược nước ngoài, trước tiên là phương Tây và sau đó là Nhật Bản. Kịch bản lịch sử này định hình một thế giới quan ưu tiên chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, như là cách để tránh lặp lại sự xâm lược của nước ngoài và cũng là marker cho sự thành thật của ĐCSTQ. Khi xem xét các mục tiêu chính sách đối ngoại qua lăng kính này, kết quả là Trung Quốc ít sẵn sàng linh hoạt trên sân khấu thế giới và dễ sử dụng vũ lực hơn.

Chiến lược an ninh. Trung Quốc phải đối mặt với áp lực bên ngoài và nội bộ bởi sự trỗi dậy của nó. Bên ngoài, nước này phải đối mặt với viễn cảnh của liên minh chống lại nó do các nước khác lo lắng về một “mối đe dọa Trung Quốc” và hệ quả là quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Các lực lượng đối kháng đã phát triển chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc khi đất nước đã hiện đại hoá cả khía cạnh cứng và mềm của quân đội. Trung Quốc cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ phù hợp với nguyện vọng của nước này, trở thành một cường quốc.

Tình hình nội bộ của Trung Quốc gắn liền với nhận thức của đất nước về môi trường chiến lược bên ngoài. Khi dân số Trung Quốc tăng lên trong sự giàu có và giáo dục, tầng lớp trung lưu mới nổi kỳ vọng nhiều hơn về khả năng cung cấp hàng hóa công của hệ thống chính trị, và điều này làm tăng khả năng bất ổn trong nước nếu đảng không đáp ứng mong muốn của mọi người. Giới tinh hoa đang ngày càng coi trọng ý kiến công chúng và phải cân nhắc hành động của Trung Quốc trong môi trường quốc tế ngược lại nhận thức trong nước. Công chúng Trung Quốc hiện nay không chỉ đòi hỏi tăng trưởng liên tục mà còn tăng trưởng bền vững và bình đẳng về môi trường.

Khi cân nhắc về một chiến lược quốc phòng phù hợp, Trung Quốc có năm lựa chọn khác nhau:

(1) an ninh nội bộ, (2) quốc phòng, (3) triển khai sức mạnh khu vực, (4) quyền bá chủ khu vực, và (5) phát triển quân đội thích ứng toàn cầu. Chiến lược an ninh nội bộ sẽ khiến Trung Quốc dễ bị đe dọa từ bên ngoài, trong khi Giới tinh hoa Trung Quốc đã xác định rằng một chiến lược phòng thủ bên ngoài là không đủ cho các mục tiêu theo chủ nghĩa xét lại. Ngược lại, một chiến lược quá hung hăng sẽ có nguy cơ làm suy yếu ổn định khu vực mà đảng cần để duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định nội bộ.

Với những cân nhắc này, Trung Quốc hiện đang theo đuổi một chiến lược an ninh nhấn mạnh ổn định nội bộ và thu hẹp tiêu điểm vào khu vực Đông Á và Ấn Độ Dương hơn là toàn cầu. Một chiến lược triển khai sức mạnh khu vực nhấn mạnh năng lực vận chuyển hàng không ngắn hơn (trực thăng, máy bay tiếp tế, các căn cứ quân sự ở khu vực và đường băng, và tàu khu trục hơn là tàu sân bay), chính xác là những gì PLA đã làm.

Trung Quốc có thể theo đuổi chiến lược này bởi vì nó sở hữu năng lực vượt quá những gì cần thiết để đàn áp bất đồng chính kiến trong nước và ngăn chặn các cuộc tấn công trên đất liền từ các đối thủ như Hoa Kỳ. Nếu xu hướng tích lũy quyền lực của nước này tiếp tục, người ta có thể mong đợi rằng Trung Quốc sẽ có một chiến lược đầy tham vọng hơn trong tương lai. Tuy nhiên, văn hóa chiến lược của Trung Quốc, cụ thể là ác cảm đối với sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị nội bộ và hình ảnh của bản thân như là một nhà nước chống bá quyền, có thể sẽ hạn chế mong muốn của nước này trở thành một cường quốc quân sự năng động hơn trên toàn cầu.

Biển Đông – mối quan tâm an ninh thứ ba của Hoa Kỳ

Trung Quốc đã tìm cách ép từng quốc gia vào những thoả thuận song phương nhằm tránh những giải pháp đa phương. Nỗ lực giải quyết tranh chấp sử dụng luật pháp quốc tế cho tới nay đã không thành công trong việc ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc. Ví dụ đáng chú ý nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2016 khi Tòa án Trọng tài thường trực ở Hague bác bỏ yêu sách quyền lịch sử trong đường chín đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối công nhận tính hợp pháp của vụ kiện, không tham gia phiên tòa, và đã từ chối phán quyết của tòa án.

Các mối đe dọa cho khu vực. Mạng lưới phức tạp những yêu sách chồng lấn ở Biển Đông khiến mọi bên đều thấy khó lường về cách xung đột sẽ diễn ra như thế nào khi có nhiều bên tìm cách đảm bảo quyền lợi, tài sản và tài nguyên. Trung Quốc đã khai thác thực tế đó và tận dụng sức mạnh áp đảo của chính mình để dần dần thay đổi hiện trạng trong khu vực đồng thời tránh các hành động dẫn đến chiến tranh. Đồng thời, Trung Quốc đã ngăn cản ASEAN hoạt động như một khối thống nhất chống lại các kế hoạch của mình bằng cách chỉ tham gia với các quốc gia khu vực trên cơ sở song phương.

Eo biển Malacca, điểm giao hàng gần Singapore kiểm soát việc tiếp cận Biển Đông từ Ấn Độ Dương, là một tuyến đường biển quan trọng. Một phần đáng kể năng lượng và thương mại khu vực phải đi qua eo biển này. Bởi vậy, sự bất ổn ở các vùng biển này sẽ có tác động kinh tế và thương mại đáng kể trên toàn Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tìm kiếm năng lực ngăn chặn tự do diễn tập quân sự của Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh ở chuỗi đảo đầu tiên trong trường hợp có sự cố trong khu vực. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông do đó đặt ra một thách thức đối với sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cơ bản hơn, các nước trong khu vực đã nhận thấy phản ứng chậm chạp và bị chính trị hoá của Hoa Kỳ đối với các hoạt động của Trung Quốc là không đủ để giải quyết thách thức. Thật vậy, có bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phản ứng mạnh mẽ hơn từ Hoa Kỳ và hệ quả là có thể đã tái hiệu chỉnh hoạt động của họ. Nhưng khi không thấy Mỹ phản ứng, chiến dịch xây dựng đảo đã được tiếp tục.

Hoa Kỳ đã tuyên bố là không có lập trường riêng đối với các yêu sách xung đột lẫn nhau, và cũng không có lập trường nào về việc thực thi luật quốc tế hay phán quyết toà trọng tài. Mặc dù xung đột có vẻ khó xảy ra trong tương lai gần, diễn tiến thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông sẽ đưa ra câu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh của mình, đặc biệt là Philippines, và một “Thái Bình Dương” tự do và cởi mở.

Bình Luận từ Facebook