1-10-2018
Với các nước phương Tây, mối quan hệ đối ngoại của các chính quyền Lê-Nguyễn đã bắt đầu từ những thế kỷ XVII- XVIII. Những thập niên cuối thế kỷ XVIII, thỏa ước Versailles ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, với tư cách đại diện chúa Nguyễn Ánh, và đại diện vua Louis XVI, đã không thực hiện được do sự ngăn trở của viên chức Pháp được giao trách nhiệm thi hành. Vào thập niên 1810, sau khi vua Gia Long đã yên vị trên một đất nước thống nhất và tương đối bình ổn, các tàu buôn Pháp hướng về Viễn Đông để tìm thị trường tiêu thụ mới.
PHẦN I – TỪ NHỮNG NỖ LỰC BẤT THÀNH CỦA TRIỀU ĐÌNH PHÁP …
Một trong những động thái đầu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là sự kiện diễn ra năm 1787, với thỏa ước Versailles ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, với tư cách đại diện chúa Nguyễn Ánh, và bá tước De Montmorin, Thượng thư bộ Ngoại giao Pháp, đại diện vua Louis XVI. Cũng nhân sự kiện này, hoàng đế Pháp đã cử Bá Đa Lộc làm Đặc ủy (commissaire) của mình tại Đại Việt. Tuy nhiên, do thỏa ước trên hoàn toàn không được thi hành vì nhiều lý do khác nhau, vai trò Đặc ủy hoàng đế Pháp của Bá Đa Lộc yểu mệnh từ trong trứng nước. Đó là cơ hội rất lớn cho mối quan hệ Việt-Pháp lâu dài, song đã bị ngăn trở, chủ yếu do tình trạng kiệt quệ về tài chánh của Pháp lúc bấy giờ và mối quan hệ đối đầu giữa Bá Đa Lộc và người chịu trách nhiệm thi hành thỏa ước là Bá tước De Conway, người chỉ huy quân sự của Pháp tại Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ.
Vào thập niên 1810 của thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long đã yên vị trên một đất nước thống nhất và tương đối bình ổn, các tàu buôn Pháp hướng về Viễn Đông để tìm thị trường tiêu thụ mới. Về phía chính phủ Pháp, họ cũng muốn thực thi một chính sách bành trướng thuộc địa và phát triển kinh tế. Năm 1817, họ phái thuyền trưởng Kergariou đưa tàu Cybèle đến Việt Nam ngày 30.12.1817 và hơn 10 ngày sau (10.1.1818), một cuộc thương nghị chính thức đã diễn ra tại Tourane giữa viên thuyền trưởng Pháp và đại diện triều đình Huế. 11 giờ trưa ngày hôm ấy, Kergariou cùng một số sĩ quan tùy tùng rời tàu Cybèle với sự hộ tống của một phân đội hải quân. Phía Việt Nam đã có Vannier (Tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) chờ sẵn để đưa phái đoàn Pháp đến nhà tiếp khách. Tại đây, hai quan lại đại diện triều đình đã có mặt để tiếp khách, với sự thông dịch của Vannier.
Cuộc gặp gỡ giữa hai bên không mấy thuận lợi vì khi được hỏi đến quốc thư, phái đoàn Pháp không có và tỏ ra lúng túng trong việc xác định mục đích của chuyến đi. Để khai thông bế tắc, Vannier yêu cầu viên thuyền trưởng Pháp thảo một bức thư gửi triều đình Huế nêu lên những vấn đề mà ông ta được lệnh thương thảo với phía Việt Nam. Ngày 11.1.1818, lúc 8 giờ 30 phút sáng, tàu Cybèle nhận được thông tin là vua Gia Long sẽ tiếp kiến phái bộ Pháp. Buổi trưa, cuộc gặp sơ bộ diễn ra, Kergariou xuất trình văn bản gửi triều đình Huế theo gợi ý của Vannier. Viên đại thần đại diện triều đình xem xong bản dịch, tỏ ý nghi ngờ, nhưng cuối cùng cũng nhận thư và hứa sẽ chuyển đến nhà vua. Sau 10 ngày chờ đợi, ngày 21.1.1818, Kergariou nhận được thư trả lời của triều đình Huế và qua bản dịch của Vannier, ông ta được biết rằng do không có quốc thư mang theo, căn cứ vào quy tắc làm việc của triều đình Việt Nam, vua Gia Long không thể tiếp kiến ông ta được. Thư cũng nêu rõ là triều đình Việt Nam ghi nhận thiện chí của phía Pháp, sẵn lòng dành cho tàu Cybèle một cuộc đưa tiễn long trọng, đồng thời xác định là Kergariou có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào.
Sự kiện trên có thể được nhiều người vin vào để lên án chính sách “bế môn tỏa cảng” của triều đình Huế, tuy nhiên, xét cho cùng, vua Gia Long có lý do để không tiếp kiến một “phái bộ” đến thăm chính thức mà không có quốc thư. Đó là chưa kể theo dư luận đương thời, thuyền trưởng Kergariou được giao phó sứ mạng đến Việt Nam để yêu cầu triều đình Huế thi hành một số điều khoản trong thỏa ước Versailles liên quan đến việc nhượng đảo Poulo Condore (Côn Đảo) và hòn đảo dẫn vào cảng Hội An. Về điểm này, học giả Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược, đã viết: “Qua tháng sáu năm ấy, chiếc tàu binh tên là Cybèle của nước Pháp vào cửa Đà Nẵng. Quan thuyền trưởng là De Kergarion (sic) bá tước nói rằng Pháp hoàng Louis XVIII sai sang xin thi hành những điều ước của ông Bá Đa Lộc ký năm 1787 về việc nhường cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn. Vua Thế Tổ sai quan ra trả lời rằng những điều ước ấy nước Pháp trước đã không thi hành thì nay bỏ, không nói đến nữa…” (Sđd – quyển II, Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971, tr. 181).
Dù có những tính toán sai lầm vào năm 1787 (may mà không thành hiện thực), thái độ của vua Gia Long vào năm 1818, qua câu trả lời cho thuyền trưởng tàu Cybèle, là một thái độ đúng đắn, rạch ròi, không thể trách ông đã “bế môn tỏa cảng” trong trường hợp này được.
Sang năm 1820, nhân chuyến nghỉ phép về thăm quê hương của J.B. Chaigneau, hoàng đế Pháp Louis XVIII đã có một quyết định bất ngờ là ký sắc lệnh ngày 12.10.1820 cử ông làm Lãnh sự kiêm Đặc ủy của nhà vua cạnh triều đình Huế. Trên nguyên tắc, đây là một bước ngoặt mới trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước, nhưng do không xuất phát từ yêu cầu chung hoặc từ một quan điểm mà cả hai phía Việt-Pháp có thể cùng chia sẻ nên cơ hội này gần như không phát huy một tác dụng nào. Bên cạnh đó, người lãnh trọng trách do Pháp hoàng giao phó (Chaigneau) tuy có những mối quan hệ mật thiết và thuận lợi với vua Gia Long, nhưng gần như không có mối liên hệ tình cảm nào với vị vua vừa kế vị là Minh Mạng. Do những cách biệt về mặt địa lý và sự chậm trễ về mặt thông tin vào những thập niên đầu thế kỷ XIX mà mãi đến tháng 5.1821, khi đặt chân trở lại miền đất Việt Nam, Chaigneau mới hay tin vua Gia Long đã qua đời từ tháng 2.1820, nghĩa là trước đó 15 tháng. Điều này cũng cho phép hiểu rằng khi ký sắc lệnh cử Chaigneau làm Đặc ủy cạnh triều đình Huế, vua Louis XVIII vẫn tưởng rằng vua Gia Long còn tại vị.
Vào các thập niên 1820 -1830 của thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng, chẳng những mối quan hệ Việt-Pháp không được phát triển như chính phủ Pháp mong muốn mà những hoạt động của người Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là các giáo sĩ, còn gặp nhiều khó khăn trầm trọng do những quan điểm cực đoan về tôn giáo được chính nhà vua và các đại thần đề ra. Năm 1825, dụ cấm đạo được nhà vua chính thức ban hành, trong đó có đoạn viết: “Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo…” (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, sđd, tr. 227).
Không lâu sau, nhà vua tiến thêm một bước nữa là ra chỉ dụ buộc các giáo dân (Thiên Chúa giáo) Việt Nam phải bỏ đạo, ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Đến thập niên 1830, nhiều cuộc nổi dậy của người trong nước bộc phát mạnh mẽ: Lê Duy Lương, Nông Văn Vân ở phía bắc, Lê Văn Khôi ở phía nam. Cuộc nổi dậy ở thành Phiên An khiến cho nhà vua và các cận thần ngờ rằng nhiều biến động trong cả nước cũng có bàn tay của các giáo sĩ thọc vào.
Hậu quả của tâm lý này là các vụ cấm đạo, thậm chí sát hại các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo nòng cốt đã diễn ra liên tục, gây một cú sốc lớn cho cộng đồng ngoại kiều tại Việt Nam. Cú sốc có thể đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, lan sang các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Năm 1824, chỉ riêng việc hai gia đình của Chaigneau và Vannier kéo nhau về Pháp, do hai quan lại này không tìm thấy tiếng nói chung với vua Minh Mạng, cũng đủ gây một ảnh hưởng tâm lý bất lợi cho phía Việt Nam trong con mắt của người phương Tây.
Cuối thập niên 1830, trong lúc việc cấm đạo tiếp tục được triều đình Huế áp dụng triệt để thì một tin chấn động bay đến Việt Nam: cuộc chiến tranh nha phiến nổ ra giữa quân đội Anh quốc hùng mạnh và quan quân nhà Thanh đang áp dụng một chính sách thật cứng rắn đối với việc người phương Tây du nhập vào đất nước họ một khối lượng á phiện rất lớn. Mặt hàng này được tuồn vào Trung Quốc từ nhiều năm trước, đến khi nhà Thanh ý thức được những di hại ghê gớm của nó thì đã khá muộn màng.
Vào thời ấy, có người dám khẳng định rằng nếu tệ đoan này vẫn ngang nhiên tiếp diễn thì chỉ trong vòng 10 năm nữa, sẽ không còn người đàn ông Trung Quốc nào có đủ sức khỏe để đi lính (!!). Năm 1839, khi vua Đạo Quang nhà Thanh ra chỉ dụ cấm người Trung Quốc buôn bán với người Anh và chính quyền tỉnh Quảng Đông cho vứt xuống biển 20.000 thùng á phiện do người Anh sở hữu thì nhà cầm quyền Luân Đôn xem đó là cơ hội tốt nhất để phát động cuộc chiến tranh chống lại nhà nước Trung Quốc.
(Tóm lược từ sách “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài”)
Kỳ sau: Phần II – … ĐẾN HOẠT ĐỘNG KHÓ HIỂU CỦA SỨ BỘ VIỆT NAM TẠI PHÁP NĂM 1840