Công đoàn tay sai, lãng phí tiền dân

Phạm Trần

27-9-2018

“Hiện nay xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân…; một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Đó là lời hờn dỗi và trách móc nhưng lo âu không nhỏ của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu ngày 25/09/2018 tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2018-  2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/09/2018. 

Nhưng tại sao ông Trọng lại bất bình ngớ ngẩn như thế? Làm gì có chuyện “xã hội băn khoăn”. Chỉ có đảng lo lắng mất ăn mất ngủ khi thấy đội ngũ nồng cốt trong dân không còn muốn gắn bó xương máu gì với đảng nữa.

Ai cũng biết, và tất nhiên hơn cả ông Trọng, người lao động Việt Nam không thể cứ bảo trì cái gọi là “bản lĩnh chính trị” trơ rỗng theo đảng để húp nước lã mà sống hay sao?

Nhu cầu trước mắt sống còn mỗi ngày của người công nhân, trong mọi thời đại là lo làm sao có cơm ăn áo mặc chứ không phải chuyện viển vông chính trị giả dối kiểu Cộng sản.

NGUYÊN NHÂN KHÁC

Công nhân cũng cần được pháp luật và cán bộ của Công đoàn bảo vệ khi bị chủ nhân hành sử bất công hay đàn áp khi đình công đòi tăng lương hay cải thiện giờ làm, bữa ăn nhưng nhiều trường hợp đã chứng minh cán bộ Công đoàn đã “đi đêm” với chủ nhân, nhất là với chủ nhân người nước ngoài để hưởng lợi thay vì phải bênh vực và bảo vệ công nhân.

Công đoàn Việt Nam cũng đã bất lực không ngăn chặn được việc các Công ty Trung Cộng thu nhận hàng nghìn lao động Tàu Bắc Kinh, giả dạng du khách rồi ở lại chiếm mất việc làm của công nhân Việt Nam ở khắp nơi.

Theo Luật lao động và hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Cộng thì giấy phép làm việc chỉ được cấp cho chuyên viên và những việc công nhân Việt Nam không làm được. Tuy nhiên, nhiều ngàn công nhân Tàu làm việc tay chân như khuân vác, phu hồ, đào xới đã hoặc đang làm việc ở 3 dự án quan trọng gồm: Bauxite Tây nguyên, Formosa Hà Tĩnh, và Cụm khí điện đạm Cà Mau ở xã Khánh An (U Minh, Cà Mau).

Ngoài ra, Công đoàn cũng cố tình đứng ngoài việc nhiều tập thể công nhân Trung Cộng đã tự động lập làng, dựng phố, như Đông đô Đại phố ở Bình Dương; du khách Tàu mở nhà hàng, hãng du lịch để ở lại Việt Nam qua dạng thuê người Việt làm chủ hay hùn hạp.

Đáng chú ý là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không biết có bao nhiêu công nhân Tàu bất hợp pháp đang làm việc tại Việt Nam. Cũng không ai biết Việt Nam đã trục xuất về Trung Cộng được bao nhiêu công nhân tay chân bất hợp pháp.

Tất cả những nguyên do nêu trên, công với dự Luật thành lập 3 Đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (Tỉnh Kiên Giang) mà người dân lo sẽ lọt vào tay Trung Cộng, là nguyên nhân của những cuộc biểu tình chống Đảng trong 2 ngày 10 và 11/06/2018 của hàng trăm ngàn người, thuộc mọi thành phần, trong đó có công nhân ở Bình Dương, Biên Hòa, Sài Gòn.

Cuộc biểu tình này đã làm ông Nguyễn Phú Trọng và đàng CSVN choáng váng, bất ngờ khiến dự kiến đem Dự luật 3 Đặc khu trở lại thảo luận tại Quốc hội bị đình hoãn, chưa biết đến bao giờ hay chết luôn.

Vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng đã tức tối lên án người Lao động trong phát biểu ngày 25/09/2018 rằng: “Một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Trước đó, ông Trọng cũng sống sượng vu khống người biểu tình rằng: “Những phần tử kích động đó là ai, thì toàn là thành phần bất hảo, nghiện hút ma túy, trộm cắp, đủ các kiểu. Cho nên phải có luật để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của chúng ta”.

“Xem những thành phần bị công an bắt là ai? Toàn là bất hảo cả”, (theo VTCNews và Zing.vn, ngày 17/06/2018).

NGHE MÃI NGỨA LỖ TAI

Nhưng khi ông Trọng trách móc người lao động đã thờ ơ với đảng hay chống đảng thì ông có biết rằng, đảng do ông lãnh đạo, đã để cho một số không nhỏ cán bộ đảng viên lãnh đạo tự do tham nhũng, bóc lột dân cho đầy túi cá nhân và phe nhóm trên sức lao động và mồ hôi, đôi khi cả nước mắt, của các tầng lớp lao động trong nhiều năm qua?

Công nhân lao động Việt Nam thời nay cũng đã quay lưng với thứ chính trị tuyên truyền lòe bịp của đảng vì mọi người đã chán ngấy đến tận mang tai khi phải nghe mãi những mỹ từ “của dân, do dân và vì dân” hay “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng chưa bao giờ thấy đảng thực hiện.

Những chiếc bánh vẽ trơ trẽn này cũng đã đánh lừa tầng tầng lớp lớp nhân dân lao động trong suốt 30 chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động kéo dài từ 1945 đến 1975.

Đó là lý do tại sao, khi người công nhân thấy đảng nói như trăm voi mà không được bát nước xáo nên đã tìm đường “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” xa đảng bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

CÀNG CỨU CÀNG NGUY

Đó là lý do tại sao ông Trọng đã than phiền: “Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn”.

Trước tình trạng rã đám này, Tổng Bí thư đảng CSVN đã chỉ thị Công đoàn phải:

1.- “Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn…”

2.- “Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx- Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên học tập, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị.

3.– “Đặc biệt, phải kiên trì, sáng tạo và thực chất trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm trước của cán bộ công đoàn các cấp, đồng thời coi trọng việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến…”

4.– “ Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.

5.– “Các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, ” “tự chuyển hóa” trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng”.

Nhưng nội dung công tác không mới, không thay đổi từ 7 năm qua. Có mới chăng là ông Trọng phải nhắc lại để xác nhận đảng đã thất bại trong công tác xây dựng đảng. Quan trọng nhất là tình trạng nhiều cán bộ đảng viên, nhất là những lãnh đạo hàng đầu gọi là “cấp chiến lược”, vẫn tiếp tục lửng lơ với chỉ thị phải tuyệt đối trung thành với đảng và phải kiên định Chủ nghĩa phá sản Mác- Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

TỔ CHỨC TAY SAI

Riêng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức lao động bao trùm của Công đoàn thì sự có mặt của tổ chức này trong hệ thống cầm quyền, chẳng qua chỉ là một bộ phận của đàng, do đảng và vì đảng mà hoạt động.

Ngân sách năm 2014 của tổ chức tay chân của đảng đã ăn mất 270 tỷ đồng tiến thuế của dân (báo Dân Trí, ngày 10/06/2016), nhưng hiệu năng lao động của công nhân Việt vẫn đứng thấp hơn nhiều nước trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), may ra chỉ hơn Cao Miên và Ai Lao trong một số lĩnh vực.

Khả năng tay nghề của người Việt Nam cũng rất thấp, trong khi đồng lương bình quân của người Việt chỉ tới 2, 200 dollars mỗi năm, đa phần làm thuê cho các công ty nước ngoài.

Như vậy thì các Tổ chức lao động của Việt Nam, đứng bao trùm là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã làm gì để nâng cao đời sống và trình độ lao động cho công nhân Việt Nam?

Hay Việt Nam chỉ biết xuất khẩu lao động để kiếm tiền. Điển hình như năm 2017, đã có 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ) ra nước ngoài làm việc, phần lớn đi Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và Mã Lai Á. (Theo Bộ Lao động, Xã hội và Thương Binh).

Số tiền công nhân gửi về hàng năm ước tính 3 Tỷ dollars, theo báo Lao Động ngày 18/06/2018.

Một lý do quan trọng nhiều thanh niên, thiếu nữ phải ra nước ngoài làm thuê vì con nhà nghèo, không có khả năng học lên cao và không phải là con ông cháu cha nên khó kiếm việc làm nuôi thân, chứ đừng nói đến chuyện phụ giúp gia đình.

Và với nghịch lý kinh tế phải lệ thuộc vào Trung Cộng để sống còn thì tương lai của đại đa số người lao động Việt sẽ chỉ mãi mãi là kẻ làm thuê, dù ở trong nước hay ra nước ngoài.

Vậy cho nên câu tuyên truyền “đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” có nghĩa lý gì chăng, hay nó vẫn tối đen như mực?

Bình Luận từ Facebook