Chính sách Trung Quốc của Tổng thống Duterte đã không thành công

East Asia Forum

18-9-2018

LTS: Đây là bản dịch bài viết của một học giả có uy tín người Philippines, GS Renato Cruz De Castro, đánh giá hiệu quả chính sách Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte từ góc nhìn của một giáo sư trong lãnh vực nghiên cứu quốc tế và quan điểm của công chúng Philippines. Đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các học giả Việt Nam trong cuộc tranh luận, liệu ông Duterte có thật sự đang có một chính sách khôn khéo khi ứng xử với Trung Quốc. 

Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã truyền đạt tới người dân đồng hương của mình rằng, ông hy vọng Trung Quốc sẽ công bằng trong tranh chấp Biển Đông và rằng một lúc nào đó họ nên chấp nhận Bắc Kinh như một người hàng xóm tốt.

Niềm tin thiện lương không đúng chỗ của Duterte đặt vào Trung Quốc phản ánh chính sách xoa dịu mà chính quyền ông thực thi đối với Trung Quốc. Chính sách này bao gồm các nỗ lực phối hợp để thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, kết hợp các động thái có tính toán tạo khoảng cách giữa Philippines với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Đông và các vấn đề quốc tế khác.

Công chúng Philippines không chia sẻ quan điểm ngây thơ của Tổng thống Duterte về Trung Quốc. Các nhân vật đối lập và các tổ chức cánh tả đã chỉ trích chính quyền Duterte đã không công khai báo động và bày tỏ phẫn nộ đối với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông.

Khảo sát toàn quốc vào tháng 6 năm 2018 của Trạm Thời tiết Xã hội cho thấy, hơn 80% người Philippines bác bỏ chính sách của chính quyền Philippines cho phép Trung Quốc xâm nhập vào Biển Tây Philippines. Trong khi hầu hết những người được hỏi cho biết, họ tín nhiệm Tổng thống về mặt tổng thể, họ lại bày tỏ một thái độ tiêu cực không tin tưởng Trung Quốc và không đồng ý với chính sách xoa dịu của ông ở Biển Đông.

Cuộc khảo sát cho thấy 80% người được hỏi đồng ý rằng Philippines có quyền xây dựng năng lực quân sự, đặc biệt là lực lượng hải quân của mình, để đáp lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào các vùng lãnh thổ mà Philippines yêu sách ở Biển Đông. 71% tin rằng sẽ là điều đúng đắn nếu Philippines đưa vấn đề này ra các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc và ASEAN để tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Chính sách xoa dịu của chính quyền Duterte dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” (quid pro quo) với Trung Quốc. Tổng thống Duterte đã chia tay chính sách cân bằng của người tiền nhiệm chống Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, để đổi lấy sự kiềm chế của Trung Quốc trong các hành động đối với Philippines ở Biển Đông, và quan trọng hơn, sự đầu tư và viện trợ của Trung Quốc. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đã không giữ thoả thuận.

Đầu tháng 6 năm 2018, chính phủ Philippines đã ban hành một yêu cầu chính thức tới Trung Quốc, yêu cầu lực lượng hải giám Trung Quốc phải tránh xa ngư trường truyền thống của Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough và dừng quấy rối để đuổi ngư dân Philippines khỏi bãi cạn. Hành động này đã được kích hoạt bởi các báo cáo truyền hình rằng nhân viên hải giám Trung Quốc đã lên tàu đánh cá Philippines, kiểm tra đánh bắt của ngư dân và sau đó tịch thu những sản phẩm tốt nhất mà họ đánh bắt được.

Vào cuối tháng 7, chính phủ Philippines đã bày tỏ lo ngại với Trung Quốc về việc Trung Quốc tăng cường các cảnh báo qua radio đối với các máy bay và tàu Philippines đi gần các đảo mà Trung Quốc xây dựng và củng cố ở Biển Đông. Một báo cáo nội bộ bị lộ của lực lượng vũ trang Philippines đã tiết lộ các máy bay thuộc lực lượng phòng không Philippines khi tuần tra ở Biển Đông đã nhận được ít nhất 46 cảnh báo từ các tiền đồn của hải quân Trung Quốc đặt trên các đảo nhân tạo, nơi các thiết bị thông tin và giám sát mạnh được lắp đặt cùng với các vũ khí như súng chống máy bay và tên lửa đất đối không.

Trung Quốc cũng chưa giải ngân số tiền mà họ đã hứa với Tổng thống Duterte khi ông đến Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2016. Trong chuyến thăm đó, Tổng thống Duterte đã được Trung Quốc cam kết đầu tư 24 tỷ USD tài trợ cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng 5 năm cho chính quyền của ông, chương trình được gọi là “Xây, Xây, Xây”. Nhưng trong 24 tỷ đô la  được cam kết trong năm 2016, có 15 tỷ đô la đã được thương lượng giữa những người kinh doanh tư nhân mà cuối cùng đã bị sửa đổi hoặc hủy bỏ. Phần còn lại của các dự án đã bị đình trệ vì chúng khó thực hiện, ví dụ như mạng lưới đường sắt và đập thủy lợi.

Vào giữa tháng 8, một phái đoàn các quan chức cao cấp của Philippines dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez đã tới Bắc Kinh để thảo luận về tài trợ của Trung Quốc cho một số dự án cơ sở hạ tầng theo chương trình ‘Xây, Xây, Xây’. Cả hai bên đã nhất trí về một chương trình hai giai đoạn (giỏ thứ nhất và thứ hai) cho các khoản vay. Điều này có nghĩa là trong khi Trung Quốc sẽ có sẵn các quỹ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền Philippines, số tiền này sẽ không được giải ngân cùng một lúc mà tại những thời điểm khác nhau và theo các điều khoản của Bắc Kinh.

Chịu áp lực bởi quan điểm tiêu cực của công chúng Philippines đối với chính sách xoa dịu và việc Trung Quốc không giữ thoả thuận, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã tiết lộ rằng Philippines đã thông báo với Trung Quốc về bốn “lằn ranh đỏ” trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

(Bốn “lằn ranh đỏ” đó là (1) Trung Quốc xây dựng ở Scarborough, (2) bất cứ nỗ lực nào để loại bỏ tàu BRP Sierra Madre từ bãi Cỏ Mây (Tàu BRP Sierra Madre được hải quân Philippines sử dụng làm tiền đồn quân sự tại Bãi Cỏ Mây), (3) bất cứ nỗ lực nào quấy rối quân nhân Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế và sửa chữa, và (4) đơn phương khai thác tài nguyên ở Biển Đông.) 

Vào ngày 15 tháng 8, Tổng thống Duterte đã công khai chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động xây đảo và kêu gọi Trung Quốc cần kiềm chế hành vi của mình ở Biển Đông. Đây là bình luận mạnh nhất của ông về Trung Quốc kể từ khi ông bắt đầu theo đuổi chính sách xoa dịu vào cuối năm 2016.

Nhưng Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Duterte bằng lời khẳng định rằng nước này “có quyền thực hiện các bước cần thiết để đối phó với máy bay và tàu nước ngoài cố ý đến gần hoặc xâm nhập vào vùng trời và biển gần các đảo của Trung Quốc”. Hy vọng rằng những diễn tiến này sẽ khiến Tổng thống Duterte suy nghĩ về việc liệu nước này có nên theo đuổi chính sách xoa dịu đối với một cường quốc đang nổi mà dường như sẵn sàng theo đuổi chính sách bành trướng ở Biển Đông bằng mọi giá.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook