16-9-2018
Chính phủ kiến tạo là một khái niệm được đặt ra trong Chính phủ Việt Nam từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cựu thành viên Ban tư vấn kinh tế và chính sách của chính phủ giai đoạn trước ở Việt Nam nói với một Tọa đàm trực tuyến của BBC Tiếng Việt.
Chính phủ kiến tạo là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước kiến tạo, với nội hàm rộng hơn bao trùm toàn bộ hệ thống quyền lực của nhà nước, trong đó có Đảng và Quốc hội, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nếu chỉ nhắc tới ‘Chính phủ kiến tạo’ không thì sẽ bị ‘hạn hẹp’ về cách hiểu, trong khi ‘Nhà nước kiến tạo’, vốn là bộ máy khổng lồ hơn chính phủ, lâu nay được coi là một dạng mô hình ‘gần giống với tính chất ở nhà nước Đông Á’ như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng hiện nay đang có đề xuất thay đổi về khái niệm tuy chưa có ‘tiếng nói chung’ giữa các giới điều hành chính sách và học thuật, vẫn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế và chính sách này.
“Cái gọi là ‘Chính phủ kiến tạo’ hay ‘Nhà nước kiến tạo’ cũng là những vấn đề cần phải thảo luận rất nhiều, thế nhưng về mặt lịch sử, những thuật ngữ mang tính chất ‘kiến tạo’ này đã được hình thành từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề cập rất nhiều,” ông Nguyễn Đức Thành nói với Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Tiếng Việt hôm 13/9/2018.
“Và dưới sự hỗ trợ và giúp sức mà theo tôi được biết trong nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng lúc đó là ông Trương Đình Tuyển là trưởng nhóm và cùng với một nhà nghiên cứu về nhà nước rất sâu là ông Nguyễn Sỹ Dũng, lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra thuật ngữ là ‘kiến tạo’.
“Ở đây, tôi muốn trao đổi thêm sâu một chút là cấp độ ‘Nhà nước kiến tạo’ khác với ‘Chính phủ kiến tạo’, bởi vì chính phủ chỉ là một phần của bộ máy nhà nước thôi, bộ máy nhà nước khổng lồ hơn rất nhiều và nó định hình rất lớn.
“Nhiều người hiện nay vẫn nói ‘Chính phủ kiến tạo’ chẳng hạn thì nó sẽ hẹp hơn. Thế nhưng ở đây tôi cũng trao đổi thêm là lúc ban đầu, theo tôi hiểu, lúc đó qua trao đổi của ông Trương Đình Tuyển, ông Nguyễn Sỹ Dũng, hay cả phát biểu của Thủ tướng lúc đó, tôi hình dung đó là một nhà nước gần mang tính chất ở nhà nước ở Đông Á – tức là các nhà nước đã đem lại sự thành công kinh tế cho Hàn Quốc, cho Nhật Bản.
“Tức là một nhà nước vừa tốt về chất lượng, đồng thời có khả năng định hướng phát triển mũi nhọn, phát triển ngành, tạo lập môi trường kinh doanh, môi trường kinh tế tốt cho đất nước để đất nước có thể phát triển nhảy vọt.”
‘Không nên như vậy’
Tiếp tục nói về nội hạm của khái niệm ‘kiến tạo, đặt trong tiến trình phát triển của chính phủ và nhà nước kiến tạo ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành trình bày tiếp quan điểm của mình:
“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tiếp tục của khái niệm này, bản thân như chúng tôi, về mặt lý luận, tôi cho rằng ‘Nhà nước kiến tạo’ của Việt Nam, trong điều kiện của Việt Nam, từ quan điểm cá nhân của tôi, tôi nghĩ rằng nó không nên như vậy, mà nó có thể khác đi.
“Mà nhà nước kiến tạo của Việt Nam ở đây, theo quan điểm của chúng tôi, chỉ đơn thuần trở về với một dạng nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường đang trỗi dậy của Việt Nam, và với điều kiện đó, nhà nước không cần phải quá lớn, không cần phải có trách nhiệm cho chính sách phát triển ngành hay từng ngành cụ thể.
“Chúng ta biết các chính sách ngành của chúng ta [Việt Nam] đã từng phát triển về Vinashin, Vinalines, hay những tổ hợp công nghiệp khổng lồ để chúng ta vươn ra với thế giới đều bị thất bại. Đấy là một đặc thù lịch sử như vậy.
“Nhưng tôi cho rằng cái được gọi là ‘nhà nước kiến tạo’ của Việt Nam trong một báo cáo gần đây của chúng tôi mà chúng tôi công bố trong năm trước, trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, là sản phẩm của Đại học Quốc gia Hà Nội về mảng kinh tế, thì trong Báo cáo của năm 2017, chúng tôi dành toàn bộ chuyên đề đó cho cái gọi là ‘Nhà nước kiến tạo’ ở Việt Nam.
“Trong đó chúng tôi đưa ra một khái niệm khác hơn so với khái niệm của ‘Nhà nước kiến tạo’ mà theo mô hình phát triển Đông Á, chúng tôi cho rằng nhà nước này là nhà nước cần tạo dựng môi trường luật pháp tốt, làm rõ các vấn đề về sở hữu, để cho người dân ở trong nền kinh tế của Việt Nam có nền tảng để kinh doanh tốt và phát triển được sự tự do cá nhân, quyết định cá nhân trong nền kinh tế.
“Và đồng thời phải tạo ra một môi trường kinh tế mà khu vực nhà nước ngày càng phải rút đi, khu vực kinh tế nhà nước phải rút đi để nó đỡ lẫn với những hoạt động điều hành, điều phối kinh tế của nhà nước, để duy trì tính cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh v.v…
“Thì đó là một vấn đề rất là khác và ngay cả bộ máy nhà nước cũng phải khác để phục vụ điều này, chúng ta phải tổ chức lại, kể cả bộ máy nhà nước, và chúng tôi gọi là nhà nước là nhà nước kiến tạo, chúng tôi không gọi là chính phủ, chính phủ chỉ là một phần thôi, còn có Quốc hội, còn có hệ thống luật pháp, còn có hệ thống Đảng trong đó hoạt động như thế nào?
“Đó là tất cả những gì chúng tôi đề xuất, ở đây ý tôi muốn chốt lại một điều rằng khái niệm “Nhà nước kiến tạo” mà độc giả có thể rất sốt ruột và cảm thấy là khó, thì chúng tôi chia sẻ thật là trong giới điều hành chính sách, trong giới học thuật cũng thật sự là chưa có điểm chung ở đây.”
Cảm nhận hiệu quả thực tế
Từ góc độ cảm nhận tính hiệu quả, tác động của các chuyển động từ ‘Chính phủ kiến tạo’ tại Việt Nam trong thời gian qua tới nay, một khách mời khác của Bàn tròn thứ Năm từ London, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), nêu ba nhận xét:
“Tôi nghĩ là đối với Chính phủ kiến tạo, chúng tôi cảm nhận thấy người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh hơn trong thời gian vừa qua, bằng chứng là có rất nhiều văn bản, giấy tờ, cũng như giấy phép của các ngành mà các doanh nghiệp cũng như người dân cần đến, phải trình bày, thì bây giờ các thủ tục ấy giảm rất nhiều, đó là cái thứ nhất.
“Thứ hai là các chính sách hướng tới phát triển các ngành cũng nhiều hơn, thay vì chúng ta quản lý, thì bây giờ chúng ta là kiến tạo để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cũng như người dân có thể có cách tiếp cận và có những sinh kế mà có thể phát triển phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường.
“Cái thứ ba mà chúng tôi thấy được đó là sự tạo ra một nhận thức mới cho người dân trong bối cảnh khi chúng ta có những khó khăn về vấn đề nguồn vốn, về vấn đề tài nguyên, thì cơ hội để kiến tạo cho người dân có những điều kiện để học hành, cũng như điều kiện để tạo ra, tìm kiếm những sinh kế lâu dài trong bối cảnh đất nước có nhiều tác động như về vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như những vấn đề về xã hội.
“Thì người dân có nhiều cơ hội để tự tạo ra những hướng kinh doanh mới, thông qua những chương trình hỗ trợ như khởi nghiệp cho người dân, cho thế hệ trẻ và cho những loại hình doanh nghiệp mới được hình thành, thì tôi cảm nhận ba hướng mà chính phủ tạo ra là như vậy đối với mô hình gọi là ‘Chính phủ kiến tạo’, PGS. TS. Vũ Văn Tích nói với BBC.
Bình luận từ hướng nhìn của một nhà tư vấn, cố vấn chính sách và chiến lược phát triển, kinh tế, về ưu tiên lớn nhất cần có trong việc cải cách thể chế kinh tế, chuyên gia Nguyễn Đức Thành nêu nhận định:
“Cá nhân tôi với tư cách nhà kinh tế, tôi cho rằng việc cải cách thể chế kinh tế lớn nhất mà cần của Việt Nam hiện nay là xác định được những nền tảng cơ bản nhất của nền kinh tế mà chúng ta đang ở trong đó. Nền kinh tế này phải lấy khu vực kinh tế tư nhân làm chủ đạo và vì thế là tạo tất cả những điều kiện để khu vực ấy phát triển và để như vậy, đi liền với điều đó thì nó phải bắt đầu từ những vấn đề như vấn đề về sở hữu.
“Hay là vấn đề về đất đai trong quá trình chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, cách làm như thế nào để khu vực nông nghiệp không bị tổn thương như hiện nay, chẳng hạn như vậy. Thì lúc ấy sẽ dẫn đến việc xử lý vấn đề cơ bản nhất như là cách sở hữu đất đai hay khi người nông dân không sở hữu đất nữa, nhưng mà chuyển cho người khác, thì người ta có quyền đến đâu, hay là người ta sẽ lại bị thu bằng giá rất rẻ, tất cả những vấn đề nhỏ như vậy thôi, nhưng thực ra đấy là nền tảng tạo ra nền móng cho nền kinh tế.|
“Và tiếp đó là các vấn đề về cơ chế về giá, ở đây là những giá cơ bản nhất, tức là vấn đề về nguyên liệu, vấn đề về năng lượng, mà ở đây là do các công ty nhà nước hiện nay đang còn chi phối, ngay cả giá đất đai là do quyết định hành chính chi phối, chứ không phải do thị trường. Với sự cải cách mang tính thị trường cho tất cả khung khổ lớn nhất này, thì doanh nghiệp mới từ từ nhận thấy tất cả mọi thứ được trao đổi thông qua giá cả, thị trường có thể quyết định được và nó đỡ bị méo mó.”
Triệt thoái và dân chủ hóa
Theo góc nhìn của chuyên gia này, do chưa có thống nhất về mặt này, các chủ thể trên thị trường và trong xã hội Việt Nam đang buộc phải tìm những phương thức thay thế mà hệ quả làm ‘méo mó’ nền kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nói tiếp:
“Còn bây giờ không quyết định được ở những giá cơ bản nhất, cho nên họ buộc phải sử dụng những quan hệ chính trị, các quan hệ thân hữu và vì thế nền kinh tế trở nên méo mó, mặc dù những thành tựu về kinh tế vẫn liên tục và chúng ta nhìn thấy. Nhưng đi liền với nó là những cái hố ngăn cách hay những bất công về mặt xã hội ngày càng đi liền với kinh tế đó, thì sự phát triển không có ngày càng bền vững, tôi cho rằng thể chế phải nhìn sâu ở điểm đó.
“Nhưng được điểm đó thì nó phải đi thêm một lớp ở trên nữa, tức là về mặt thể hiện, chúng ta xác định được rằng khu vực kinh tế tư nhân là chủ đạo, thì cả hệ thống pháp luật để hỗ trợ, để làm sao họ vươn lên được như vậy, và hệ thống kinh tế của Việt Nam cũng phải như vậy, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp một cách tối đa khu vực doanh nghiệp nhà nước, cái này chúng ta nói rất nhiều rồi, mà chúng ta không thể nào làm được.
“Có những khu vực buộc khu vực nhà nước tồn tại, thì nó sẽ tiếp tục tồn tại bởi vì nếu không có khu vực nhà nước, chẳng có ai làm những chuyện đó, thì chúng ta không phải lo, tự nó sẽ tồn tại. Nhưng cái gì thực sự mà không làm được, thì chúng ta [khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam] không cần phải tham dự vào, thì nên hoàn toàn rút ra.
“Chứ còn nói trong các nghị quyết trong các chính sách, định hướng, chúng tôi thấy đều đã nói rồi, thế nhưng chúng ta không thể thực hiện được, tức là về mặt thực tế nó không đi tiếp, hoặc đi rất chậm, ví dụ như vậy.
“Tiếp đó là vấn đề ngày càng nảy sinh lớn trong một xã hội mà khi khu vực tư nhân trưởng thành như vậy, thì các quan hệ xã hội giữa người và người trở nên phức tạp, thì chúng ta phải có một cơ chế để tiếp thu, tiếp nhận những ý kiến hay những luồng thông tin, hay hiện tượng kinh tế xã hội nảy lên từ trong lòng xã hội, như vậy điều đó gọi là nền dân chủ.
“Thì chúng ta cần phải có một cơ chế để sao cho tính dân chủ của các nhóm lợi ích, hay của những nhóm người dân bị tổn thương, tất cả ở trong xã hội này, họ đều có một cơ chế để đưa được tiếng nói của họ ra, phải tôn trọng tiếng nói đó của họ.
“Và pháp luật phải có một sự công bằng, bình đẳng giữa họ, như vậy thì những cái không phải chỉ những người điều hành, mà kể cả những người quan sát, hay những người trí thức, những người làm truyền thông họ biết những gì đang diễn ra trong nền kinh tế này, trong xã hội này để họ khơi ra, họ giải quyết, và vì thế chúng ta giải quyết được những vấn đề trục trặc của xã hội.
“Còn nếu không chúng ta cứ phủ hết đi, chìm hết đi, thì kinh tế vẫn tăng trưởng lên, ai đó vẫn giàu lên, nghĩa là không thể phủ nhận được, thế nhưng có những người bị tổn thương vì quá trình đó mà chúng ta không biết, chúng ta bị che lấp, bị đậy đi, thì xã hội sẽ trở nên giống như là một cỗ máy mà chạy không có hệ thống lọc mát, hay bụi bẩn mà không được làm sạch, thì rồi nó sẽ bị tung [hỏng hóc] cỗ máy ấy ra.
“Tôi nghĩ cái ấy là rất nguy hiểm và điều ấy về mặt triết học, cũng như về mặt khoa học là hoàn toàn có thể, cho nên chúng ta [Việt Nam] buộc phải chú trọng những điều đó, nếu không cỗ máy kinh tế, cũng như xã hội của chúng ta sẽ bị trục trặc và gây ra những hiểm họa rất lớn cho đời sống dân sinh, cho những người dân mà đặc biệt những người mà dễ bị tổn thương nhất.
“Tôi nghĩ tất cả những cải cách về thể chế đều phải nhìn nhận vấn đề này, đi liền với nó là hệ thống luật pháp, hệ thống tổ chức, bộ máy hành chính ở Trung ương, ở địa phương, các cấp đều phải đi theo cải cách như vậy thì mới được,” nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Thành nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC từ London.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi phần nội dung trao đổi về nội hàm ‘Chính phủ và Nhà nước kiến tạo’ và cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Ngụy biện là nghành nghề được CS.huấn luyện và đào tạo nhằm thực hiện
và đầy mạnh việc tuyên truyền để lừa bịp người dân một cách lâu dài,ngày
này qua ngày khác có hệ thống,chứ không phải ngắn hạn hay tùy tiện !
Nói chữ nhiều quá và làm thì ít quá (hoặc làm hư nhiều quá). Hình như chỉ có ở Việt Nam mới có cái gọi là Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, chẳng nước nào có. Đó là chỗ để các anh TS, GS như anh Thành (trong bài) tha hồ chém gió. Mr. Trump chỉ vài hàng thiên hạ chạy tóe khói (dù anh ưa hay không ưa). Nói nhiều chứ thực ra cái anh Thủ tướng mình thì biết gì, chữ quốc ngữ còn đọc không chạy.
Làm ơn ít nói thôi, dân chẳng ai đọc đâu, chỉ các anh đọc với nhau rồi ý kiến này nọ thôi.
Xọ qua chuyện khác một chút. Lại các anh TS, GS bày vẽ chuyện công nghệ GD, chứ con cái người ta muốn gì? Qua lớp 1 làm ơn dạy cho chúng biết đọc biết viết để còn học cái khác. Còn công trình Khoa học (cái quái gì cũng Khoa học!) nọ kia thì để các anh “chơi” nhau.