Bài thơ Vịnh Cây Thông của Nguyễn Công Trứ – Hình tượng mỹ học kẻ trượng phu

Nguyễn Khắc Mai

16-9-2018

Năm nay, kỷ niệm 160 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ (1858-2018). Người mất đi, nhưng tinh anh còn mãi để nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ tiếp nối chúng ta. Ông là người đa tài, đa tình lại đa đoan.

Là người đa tài, ông đỗ Giải nguyên (1819) rồi làm quan, trải nhiều chức vụ. Khi làm Thượng thư bộ Binh, khi Tổng đốc (Hải Dương – Quảng Ninh), khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (như Hiệu phó), làm Chủ khảo trường thi Hà Nội, lúc làm Dinh điền sứ, làm Tham tán Quân vụ Bắc thành. Ông đảm nhận nhiều công vụ, có mặt cả ở ba miền đất nước, lúc ở Huế, ở Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình, lúc ở Hải Dương, Quảng Ninh, lúc ở Cao Bằng, rồi ở Quảng Ngãi, An Giang.

Về đỉnh tài cao phải kể đến hai công trình to lớn trong đời ông:

Một là công cuộc dinh điền, khai khẩn đất hoang, làm thuỷ lợi, lập xóm ấp hình thành nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và hai tổng trực thuộc Xuân Thuỷ, hải Hậu (Nam Định). Nhớ ơn ông, ngay khi ông còn sống dân đã lập đền thờ ông. Ngày nay ai đi qua những nơi đó đều cảm nhận được cái công lao to lớn của ông: những xóm làng, đồng ruộng xanh tươi trù phú dọc theo những con sông đào thẳng tắp. Nhưng bài học lớn đối với công cuộc tam nông của chúng ta hiện nay lại là tư tưởng phải làm cho “Yên nghiệp dân nghèo” như ông nói khi làm dinh điền.

Hai là công trình văn hoá để lại ngót trăm bài văn (biểu, tấu những vấn đề quốc kế dân sinh) và thơ phú bằng chữ Nôm. Trong đó đặc sắc nhất là một loạt bài Hát nói, khiến cho ông trở nên một người đặt nền tảng cho loại hình nghệ thuật độc đáo Việt Nam mà chúng ta đã đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Là người đa tình, ông để lại cho chúng ta hình mẫu của con người mong ước tự do, tự tại, phóng khoáng. Ông để lại một thông điệp sống hết mình, vào công việc, việc gì cũng phải làm giỏi, ngoài công việc thì vui chơi thoả thích – “Nhân sinh quý thích chí”. Ông gợi ý về một nhân cách “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Đừng hiểu danh theo nghĩa tầm thường mà là cái dấu ấn, tên gọi cái nhân cách, phẩm giá và công trạng mà một người có thể có và nên có. Ông trao lại tình cảm rất đẹp cho người Tràng An:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Người Tràng An là người của kinh kỳ, của Huế, của Hà Nội, ngày nay còn là của kinh đô kinh tế Sài Gòn và các đô thị lớn. Đừng phụ cái tình cảm đẹp ấy mà hãy sống như những người lịch sự, thanh nhã, văn hoá(!). Có cả một cái tình lớn về thân phận con người còn ám ảnh chúng ta qua bài thơ Vịnh Cây Thông.

Ông là người đa đoan. Không phải vì ông có tám vợ và hai mươi bảy con, mà vì ông là ví dụ cảm động và chính xác nhất của hai câu tục ngữ: “Thiên ma bách chiết” và “Lên voi xuống chó”. “Thiên ma bách chiết” nghĩa là ngàn lần bị mài giũa, trăm lần bị bẻ gãy. Ông làm quan đến Thượng thư, Tổng đốc, Tham tán quân vụ, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, nhưng cũng nhiều lần bị giáng chức, có lần bị cách tuột xuống làm lính thú hoặc bị tống giam chờ xét chém… mà ông vẫn điềm nhiên tự tại.

Ông có một câu thơ thể hiện cái “ta” rất tự thị, rất ngạo nghễ để coi thường mọi đa đoan: “Người có biết ta chăng thì chớ, Chẳng biết ta ta vẫn là ta”. Trong bài hát nói “Con Tạo đa đoan”, ông viết:

“Dẫu xuống xuống lên lên mấy độ,

Vẫn tri tri trích trích không nao.

Càng phong trần danh dự càng cao.

Ngẫm con tạo trêu nhau ác thật”.

Vì ông đa tài, đa tình, đa đoan, khiến ta bị ám ảnh hoài nơi cái bài thơ Vịnh Cây Thông:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Giữa trời vách núi cheo leo,

Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Không thể hiểu mấy câu thơ đầy hào khí này mà không lướt qua cuộc đời tam đa của ông như trên. Có phải vì có quá nhiều nếm trải, thăng trầm cay đắng, mà ông chối bỏ thân phận làm người để tiêu cực khuyên ta làm một cuộc luân hồi ngược. Từ kiếp người vượt qua cả kiếp cầm kiếp thú, thậm chí là con đại bàng bay cao chín tầng mây, con cá côn ngoài biển Đông đùa giỡn với sóng gió, con mãnh sư oai hùng chốn sơn lâm, ông mong ước hạ xuống làm cây thông của loài thực vật. Không phải. Ông là người ham sống, sống hết mình với mọi cung bậc. Ngày nay theo lý thuyết nhân loại học, bảo ông là “type” người – thông – thái (Homo-Sapien) cũng được; bảo ông là loại người giỏi giang – khéo léo (Homo-habilis) càng rõ; bảo ông là loại người – kinh – tế (Homo-economiscus) đều đúng; mà bảo ông có gien của loại người – rong – chơi (Homo-luden) cũng đúng.

Cứ như bài thơ “Đời người thấm thoát”:

Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi,

Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi.

Nhắn con tạo hoá xoay thời lại,

Để khách tang bồng rộng đất chơi.

thì xem ra ông rất lưu luyến cuộc đời, cuộc người của một trang khách tang bồng. Chẳng qua ông đã rất từng trải, thấy chán vạn hạng người ti tiện, èo uột, nịnh hót, gian dối lọc lừa, đố kỵ, bất nhân, bon chen, bạc ác. Nên ông khuyên ta chớ làm thân phận nhỏ nhen của loại người ấy, mà ông chỉ rõ trong bài “Nhân tình thế thái”:

Thế thái nhân tình gớm chết thay,

Lạt nồng trong chiếc túi vơi đầy.

Hễ khôn điều lợi khôn thành dại,

Đã có đồng tiền dở cũng hay.

Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi,

Hẳn hoi không hết một bàn tay.

Suy ra cho kỹ chi hơn nữa,

Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.

Rõ ràng ông muốn nói ngược theo thủ pháp mà ca dao tục ngữ vẫn dùng. Nói chớ làm người, thật ra lại là muốn bảo hay làm người đi, mà làm một con người cho xứng đáng với cái danh trong núi sông, trời đất. Ông thường nói một cách hào hùng về vai trò kẻ sĩ, về chí khí anh hùng, nợ tang bồng, chí nam nhi. Làm kẻ sĩ là con người:

Kinh luân khởi tâm thượng,

Binh giáp tàng hung trung

Vũ trụ chi gian giai phận sự,

Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

(Tài trị nước cầm quân đã chứa chất trong lòng. Mọi việc trong vũ trụ đều là phận sự của mình. Kẻ nam nhi được như thế mới thật hào hùng). Trong bài Chí Nam Nhi và Chí Khí Anh Hùng, ông đều nhắc lại:

Chí những toan dời núi lấp sông,

Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ

Nợ tang bồng trăng trắng vỗ tay reo

Người anh hùng, đấng nam nhi, con người sống trên cõi đời này phải học ở cây thông cái khí phách trượng phu. Ông rất thích hình ảnh cây tùng (thông). Tương truyền trước khi mất ông bảo người nhà, khi ông chết thì khênh cái nhà tranh ra chỗ khác rồi đào huyệt nơi nền nhà và chôn ông ở đó, bên mồ trồng cho ông một cây thông.

Trong tâm tưởng của Nho gia bao đời, cây thông là biểu tượng của kẻ trượng phu mà phẩm chất là cứng cỏi, cao thượng, ngay thẳng. Như cái định nghĩa của Mạnh Tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Làm người trượng phu chính là lý tưởng mà tâm hồn Việt ấp ủ, nuôi dưỡng. Vua Trần Nhân Tông trong bài Cư Trần Lạc Đạo cũng nói: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”.

Lý tưởng làm kẻ trượng phu được gửi gắm, cảm nhận qua hình tượng cây thông, một loài cây ngạo nghễ với nắng mưa gió tuyết. Ý tưởng thẩm mỹ cổ điển luôn khắc họa cây thông hùng tráng, uy nghi trên vách núi, lưng trời như là sự vươn lên khỏi cái tầm thường, nhỏ nhoi, thấp kém.

Vì thế Nguyễn Công Trứ mới bảo với ta hãy “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Để vươn tới cái phẩm chất tốt đẹp cao thượng của con người tự do, tự tại, học hành chứa đầy kinh luân, thao lược, sống hết mình, làm hết sức, vui chơi thoả chí. Và chỉ có những con người “chịu rét” nghĩa là chịu đựng, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời thì mới đua tranh được với thông.

Chỉ sáu câu thơ thôi, nhưng là một thông điệp sâu sắc giàu hình tượng, giàu ý nghĩa gửi tới những ai muốn mang danh Con Người trong thời đại của mình. Trong hình tượng cổ điển, qua sắc thái triết mỹ xưa của cha ông, ngày nay chúng ta cũng cảm nhận được đó là lời nhắn nhủ gửi gắm cho chính chúng ta, những con người đương đại đang đối mặt với nhiều thói đời, đáng lo phiền, nhiều việc nhà, việc nước đáng lo toan…

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Giáo dục cộng sản từ 1954 đến nầy vẫn là hạng bét so với giáo dục của VNCH thuở trước với mục đích dân tộc-khoa học-nhân bản-khai phóng.Nói chuyện với nhiều người cùng thế hệ học trung học 60-70 ở ngoài Bắc,tôi thấy chẳng ai biết hoặc thuộc những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Công Trứ,Trần Tế Xương,Đoàn Thị Điểm,Hồ Xuân Hương…các bài thơ trong Bích Câu Kỳ Ngộ,Chinh Phụ Ngâm,Lục Vân Tiên,Cung Oán Ngâm Khúc v.v…(trong khi chúng ta hiện còn có nhiều người đọc vanh vách),ngay cả truyện Kiều cũng chỉ biết lõm bõm vài câu ! Có lẽ họ chỉ thuộc những bài thơ con cóc của các lãnh tụ đảng (thơ đi ỉa của chủ tịt Hồ Chí Minh,thơ của Trường Chinh,Sóng Hồng,Tố Hữu…hoặc các thi nhân nổi tiếng đã bị…vặt lông Xuân Diệu,Huy Cận…)

  2. Bài viết này và coment của Tung Nguyên gợi nhớ lại chương trình cổ văn lớp Chín (1969-1970) thời VNCH. Đã 48 năm rồi mà giáo dục của VN hôm nay vẫn không đuổi kịp! Do đâu? Hỏi tức là trả lời vậy!

  3. Ai mà chẳng thích bài thơ của ông có đoạn nói về lúc tuổi già xế bóng :
    Bây giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
    Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch
    Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
    Nào thơ,nào rượu,nào địch,nào đàn
    Đồ thích chí chất đầy trong một túi
    Mặc ai hỏi,mặc ai không hỏi tới
    Ngẫm cuộc đời mà ngắm kẻ trọc,thanh
    Này này,sĩ mới hoàn danh !
    (Kẻ Sĩ)

Comments are closed.