Hòa bình hay bạo lực?

FB Nguyễn Lân Thắng

31-8-2018

Những người quan sát các biến động chính trị xã hội tại Việt Nam hẳn không thể quên hình ảnh cuộc xuống đường khổng lồ ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn, những vụ bắt bớ đánh đập tàn bạo người biểu tình tại công viên Tao Đàn, những cuộc dàn quân chống bạo động rồi đốt xe tại Phan Rí… và vô cùng nhiều hình ảnh khác nữa về sự xung đột giữa người dân và cảnh sát trong năm vừa qua. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình đàn áp rất dài những tiếng nói bất đồng trong xã hội Việt Nam.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, tổng số người bị bắt bớ, bị hành hung, bị tù đày do có những phát biểu trái với quan điểm của đảng cộng sản lên tới con số hàng ngàn. Nổi bật nhất là những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, Ba Sàm, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga, Mẹ Nấm… là những người hoàn toàn phi bạo lực trong suốt quá trình hoạt động của mình. Những người này lên tiếng không vì quyền lợi của họ. Chính vì thế họ được sự ủng hộ trực tiếp cũng như gián tiếp vô cùng lớn của một khối quần chúng khổng lồ, vượt thời gian, xuyên biên giới.

Bắt rồi bỏ tù, bịt miệng người đấu tranh ôn hoà bằng mọi biện pháp “nghiệp vụ”, nhà cầm quyền tưởng chừng nắm thế thượng phong trong việc kiểm soát xã hội, nhưng không phải. Cuộc biểu tình ngày 10/6 là một minh chứng rõ nét gần đây nhất cho sự bất lực của chế độ trong việc dập tắt các phản kháng của người dân. Không có bất cứ một gương mặt nổi bật nào cả miền Bắc hay miền Nam tham gia cuộc biểu tình đó. Bịt mồm được những người tiên phong, nhưng họ không thể bịt mồm hàng triệu người dân khác đang dần tỉnh ngủ và nắm lấy ngọn cờ của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền.

Tuy nhiên, khi thiếu đi những gương mặt, những tiếng nói ôn hoà mang tính đại diện quần chúng, cuộc đấu tranh này đang ở khúc quanh nguy hiểm, có thể dẫn tới bạo động ở quy mô lớn, có đổ máu, có bạo lực vô cùng tàn tệ. Đó là điều bất cứ ai mong muốn cho một Việt Nam yên hoà trong tương lai không thể chấp nhận, kể cả những người từng bị đảng cộng sản đàn áp một cách dã man nhất.

Sự kiện gần đây nhất là đang có lời kêu gọi trên mạng xã hội về một cuộc tổng biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra trong dịp quốc khánh 2/9 tới đây. Không ai biết lời kêu gọi này xuất phát từ đâu. Không ai biết sẽ có bao nhiêu người tham gia. Và không ai biết rồi sẽ có bao nhiêu người bị bắt bớ, bị đánh đập, bị đổ máu trong mấy ngày tới đây. Chỉ biết rằng tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang và các nơi có những khu công nghiệp tập trung lớn, một lực lượng khổng lồ gồm an ninh, cảnh sát, dân phòng, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… đang được triển khai huy động toàn bộ vào việc chống biểu tình. Điều không khó đoán là các gương mặt phản biện xã hội nổi trội sẽ bị theo dõi, canh me, khống chế, thậm chí còn bị các trò “nghiệp vụ” bẩn thỉu tấn công trong mấy ngày sắp tới, để vô hiệu hoá họ, không cho họ có mặt trong bất cứ đám đông nào nếu xảy ra biểu tình.

Quay trở lại một sự kiện trong lịch sử, năm 1999, hội nghị thường niên của Tổ chức thương mại thế giới WTO tại Seattle đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phong trào chống Toàn cầu hoá. Các vụ biểu tình lớn, đập phá, rồi bắt bớ gây thiệt hại về vật chất lên đến 3 triệu đô la, gây thiệt hại về kinh tế nói chung lên đến 10 triệu đô la. Đến tháng 11 năm 2003, Mexico lại tiếp tục chuẩn bị hội nghị thường niên này tại Cancun. Những người chống đối tuyên bố quy mô phá hoại sẽ còn lớn hơn sự kiện tại Seattle mấy năm trước rất nhiều lần.

Thay vì thiết quân luật và đàn áp, chính phủ và quân đội Mexico đã có một bước đi rất khôn ngoan. Họ lập ra một bản kế hoạch rất chi tiết, phân tích những thất bại tại Seattle, vẽ nên bản đồ những nơi có khả năng xảy ra xung đột và các biện pháp giữ gìn trật tự. Sau đó, họ làm một việc rất kỳ lạ, đó là chủ động liên hệ rồi chia sẻ tất cả những tài liệu này với nhóm đối lập, từ đó phá bỏ rào cản giữa “chúng tôi” và “các anh”. Rồi tiếp đến, để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân Cancun, họ sắp xếp một nơi để những người phản đối có không gian biểu tình trong ôn hoà, sắp xếp truyền thông chính thống đi phỏng vấn các gương mặt đối lập để những người đại diện này có thể bày tỏ quan điểm. Kết quả diễn ra tiếp theo thế nào ở Mexico năm đó chắc các bạn hình dung ra. Hội nghị quốc tế ở Cancun thành công tốt đẹp, không có bất cứ một sự kiện bạo lực nào xảy ra giữa hai bên.

Những người có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh xã hội ở Việt Nam có thấy bài học gì trong ví dụ tôi vừa nêu ra không? Tôi không chắc là quý vị có đủ sự tôn trọng tôi, để hiểu giữa hai hàng chữ những ẩn ý có trong ví dụ trên. Nhưng tôi chắc chắn một điều, nếu quý vị tiếp tục suy nghĩ như cũ, hành động như cũ, thì kết quả sẽ vẫn như cũ, thậm chí còn tệ hại hơn nhiều. Bịt miệng người dân không làm mâu thuẫn nội tại trong họ với chế độ mất đi, mà nó là hành động ngu xuẩn, dồn nén mọi căm tức, mọi phẫn uất vào trong lòng quần chúng, và sẽ có ngày nó nổ tung một cách vô cùng bạo liệt, vô cùng đẫm máu, không thể kiểm soát. Đấy là điều cá nhân tôi không mong muốn, nhiều người hoạt động xã hội không mong muốn, nhưng sự lựa chọn là ở chính quý vị.

Chúc tất cả có một ngày nghỉ bình an.

Yêu thương tất cả!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ah, Nguyễn Lân Thắng đang chơi trò đánh tráo khái niệm nhằm đáng lừa Đảng, chính chủ của chính phủ . Hy vọng Đảng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, không rơi vào những cái bẫy đánh lận con đen kiểu này . Tuy vậy, ý này của đồng chí Nguyễn Lân Thắng rất xứng đáng với truyền thống cách mạng lâu đời của gia đình . Làm bật ra nhiều ý, sẽ đưa ra .

    Đầu tiên, về bản chất, biểu tình ở Mexico & Việt Nam hoàn toàn khác nhau . Mexico biểu tình không chống chính phủ mà chỉ chống những đề án tư bẩn xuyên quốc gia, có thể gây hại cho người dân bản xứ, văn hóa & môi trường, cụ thể là WTO. Ở Việt Nam, cái giống nhau là cũng không chống chính phủ nhưng cũng không chống tư bẩn, thậm chí WTO còn được cả nước hoan nghênh, người đàm phán, qua những lời thổi ống đu đủ, trở thành một huyền thoại . Cái khác nữa, vì không chống chính phủ, những cuộc biểu tình ở Việt Nam rất “vui”, hát cả những bài nhạc đỏ vốn vắng bóng trên sân khấu từ lâu . Chỉ thiếu sự lãnh đạo của Đảng nữa là không khác nào những cuộc mít tinh chào mừng những ngày lễ lớn vẫn thường diễn ra hoành tráng ở Việt Nam . Có một điều (rất) quan trọng tớ muốn chỉ ra, đó là Đảng, chính chủ của chính phủ không tin vào dân -có lý 1 phần- bằng chính phủ Mexico. Bằng chứng là các trí thức nhà mềnh cũng đã rất nhiều lần chỉ ra lòng tin của dân đ/v Đảng càng ngày càng xút giảm . Như vậy có trách được Đảng không khi the feelings are mutual? Vòng xoáy biện chứng vô tận nhận chìm lòng tin của 2 phía .

    Làm sao để khắc phục ? Chỉ còn 1 cách . Thôi thì đất không chịu trời thì trời chịu đất vậy . Để có được lòng tin yêu của Đảng đ/v nhân dân, dân cần chứng minh 1 cách hùng hồn rằng mình xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng . Việc đầu tiên, tớ kiến nghị, là trước giờ Đảng là người tự tay khám phá & tạm giữ những người có thể gây ra những nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng . Bản chất những điều này rất tốn kém, gây thâm hụt ngân sách, vốn là tiền thuế của dân đóng để nuôi Đảng, trầm trọng . Dân có thể minh chứng mình xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bằng cách tự giác đem giao nộp những cá nhân, tổ chức … này cho công an. Sẽ tiết kiệm cho Đảng biết bao nhiêu là tiền thuế của dân, và -theo thiển nghĩ- sẽ tăng theo cấp số nhân lòng tin yêu của Đảng đ/v nhân dân . Hiện giờ Đảng đang sa lầy trong vụ Đồng Tâm, đại tá công an Nguyễn Đăng Quang đang bám thắt lưng địch, nên phối hợp với lực lượng chức năng đưa đi tạm giữ những nhân vật chủ chốt trong việc hạ nhục bộ đội Cụ Hồ .

    Kế tới, chúng ta cần lên án những biểu hiện bạo động thay vì bao che, biện hộ cho nó. Đạo đức chỉ ra sống thiện không đủ, cần phải lên án cái ác . Những người bảo vệ & biện hộ cho cái ác như Phạm Đoan Trang nói lên sự vắng mặt tuyệt đối của bất cứ khái niệm nào của đạo đức, các bạn không nên noi theo . Về việc Bình Thuận, tớ không thấy những chủ động lên án của số đông, mà chỉ lẻ tẻ . Trực tiếp thì có hội Lão mà chưa an & câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, gián tiếp-phớt qua thì của Hồ Quang Huy trong bài implicitly titled “những gì người biểu tình cần làm”, đăng trên blog “nhân quyền cho Việt Nam”. Quá nữa, đã có những bài biện hộ cho những gì xảy ra ở Bình Thuận là “không thể trách họ được”! WTF!!!???

    Và điều cuối cùng liên quan trực tiếp đến biểu tình ôn hòa là các trí thức nên thảo 1 bản cam kết không chống đối, không đòi lật đổ đưa ra cho cả nước ký tên . Tớ mong tên của Nguyễn Lân Thắng sẽ đứng đầu danh sách . Sau đó thực hiện đầy đủ những điều mình cam kết … Muốn Đảng hành xử như chính phủ Mexico? Dân mình hãy hành xử như Đảng đáng lẽ phải hành xử, aka giới hạn biểu tình trong 1 khu vực nhất định, mang biểu ngữ ủng hộ chính phủ & chứng minh tri thức của mình, lên án những hành động & ngôn ngữ bạo động, chống chính phủ … Cứ từ từ rồi dân cũng nhừ tử . Quá trình tái tạo lại niềm tin của Đảng đ/v dân có thể sẽ lâu, nhưng chắc chắn nhanh hơn quá trình ngược lại, và nhất là quá trình đấu tranh cho 1 cái gì đó . Sẽ có 1 ngày Đảng & dân lại tin nhau, thậm chí mết nhau như ngày xưa, thời Bác Hồ thui .

    Sẽ có người tới đây hỏi tớ, thế dân chủ ở đâu ? Dân chủ ở đâu hổng biết, nhưng hổng phải ở đây . Lộn, dân chủ xã hội chủ nghĩa thì hổng cần đấu tranh cũng đã có sẵn . Đúng như lời dư lợn viên, đấu tranh kiểu này hoàn toàn ruồi bu .

Comments are closed.