Tự do báo chí là phương tiện chống tham nhũng hữu hiệu nhất

Võ Thiêm

26-8-2018

Mấy hôm nay tại San Diego, California đang nóng vụ bê bối của dân biểu liên bang Duncan Hunter. Ông Hunter và vợ bị cáo buộc đến 60 tội về lạm dụng khoản 250k đô trong quỹ tranh cử để xài chơi. Tin mới nhất cho biết ông ta đã đổ thừa cho… vợ! Coi bộ dễ xa nhau quá!

Khoảng 10 năm trước, một dân biểu khác cũng tại San Diego đã lâm vào một vụ bê bối khác mà sự việc được khui ra nhờ báo chí. Nhân vụ này, kính mời các bạn xem lại một bài cũ của tôi viết về vụ này.

Dân biểu Duncan Hunter, đại diện cho người dân ở quận hạt 50, San Diego, California, đang bị cáo buộc nhiều tội tham nhũng. Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

***

Trong chế độc tài cộng sản, báo chí luôn luôn là những cái loa của đảng, ký giả là những cán bộ mãn cán, họ chỉ được viết những gì kẻ cầm quyền cho phép, bảo họ phải đưa tin; bất luận những “tin” đó giả dối, bịp bơm đến cỡ nào. Trong giới cầm bút nếu muốn thăng quan tiến chức, có bổng lộc thì cách tốt nhất phải làm là ca ngợi chế độ, tung hô đảng và lãnh tụ cho mùi, cho hay. Nịnh bất kể liêm sỉ, bất kể ngày đêm. Cái đó đã thành nguyên tắc nghề nghiệp. Chính vì vậy mà người dân đâm ra thờ ơ với báo chí.

Ngày nay có lẽ không còn ai mua báo để bán ký hay dùng vào những “việc khác”, độc giả mua báo chỉ để xem những tin về thể thao, văn nghệ vô thưởng vô phạt kiểu chọc cười, các vụ án hình sự hay lẩm cẩm như tin xe cán chó… Phần tin tức thời sự, nhận định và bình luận thời cuộc là là những thứ không ai muốn coi dù đó là người quan tâm đến các vấn đề này. Do đó người làm báo trong nước bị coi thường, bị khinh miệt là thiếu tư cách, vô liêm sỉ.

Người ta thường cho rằng đĩ trôn không đáng khinh bằng đĩ miệng.

Trong giai đoạn “hội nhập”, có khoảng thời gian ngắn báo chí được tiếp cận thế giới bên ngoài và vài tiếng nói trung thực đã manh nha. Tuy vậy nó như ngọn đèn trước bão, yếu ớt rồi vụt tắt. Đối với chế độ cộng sản, sự thật là kẻ thù nguy hiểm nhất, vì vậy nhà cầm quyền đã nhanh chóng chấn chỉnh, kiểm soát báo chí và các phương tiện truyền thông khác. Ông thủ tướng ra chỉ thị cấm cản, ông bộ trưởng đích thân xuống đường dắt đi theo lề…

Tuy ngoài miệng hô hào đoàn kết, việc tranh chấp quyền hành nội bộ thường xuyên xảy ra, dù lắm khi kịch liệt đến đẫm máu, vẫn được giữ kín, được xem là bí mật quốc gia. Tin tức liên quan mà báo chí loan tải, nếu có, là cái cáo phó, tai nạn hay quyết định nghỉ hưu. Mà nhiều khi cái cáo phó, cái điếu văn chia buồn lại cũng không trung thực nốt! Thử xem báo đăng cáo phó về ngày chết của ông Hồ, điếu văn đám tang tướng Trần Độ thì rõ.

Vậy thì làm sao tìm được sự thật, có được các bài báo tranh luận chứ đừng nói đến đối nghịch trong giới truyền thông tại Việt Nam? Tất nhiên đừng ai mong đợi sự binh vực nào cho những nạn nhân của bất công trong xã hội từ giới báo chí, dễ hiểu vì thủ phạm chính gây ra bất công đó lại là nhà cầm quyền cộng sản, ông chủ lớn của các nhà báo. Một cách ngắn gọn, mọi thứ đều là công cụ phục vụ đảng, đó là điều mà đảng công khai thừa nhận.

Là người dân, chúng ta đành chờ trong niềm hy vọng rằng đã là con người thì phần thiện ít nhiều cũng có. Lòng tự trọng, liêm sỉ, chút lương tâm dù bị bó buộc, bị vùi dập, vẫn như một mầm cây bất diệt và khi có cơ hội nó sẽ tìm cách vươn lên. Trong niềm tin như vậy, dù ăn cơm mới nói chuyện cũ, tôi xin kể hầu bạn đọc, nhất là các bạn đang làm báo trong nước, về một vụ án liên quan tới tham nhũng và vai trò của một tờ báo tại San Diego, địa phương nơi tôi ở.

***

Tôi tổng hợp và tóm tắt về vụ bê bối của dân biểu Liên bang, đơn vị San Diego, ông Duke Cunningham và vai trò của tờ The San Diego Union-Tribune trong vụ này. Các bạn có thể “google” bằng tên ông ta sẽ thấy có rất nhiều thông tin.

Ông Duke Cunningham từng là anh hùng thời chiến

Randy “Duke” Cunningham sinh năm 1941 tại Los Angeles. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam ông là phi công chiến đấu can đảm của Hải quân Mỹ. Ông từng tham dự các trận không chiến với không quân Bắc Việt và được tặng danh hiệu “war hero”. Năm 1990 ông đắc cử dân biểu Liên bang đơn vị San Diego và liên tiếp được tái cử 8 nhiệm kỳ sau đó, cho đến ngày ông từ chức vào tháng 11 năm 2005.

Trong thời gian là dân biểu, ông từng là thành viên của nhiều ủy ban quan trọng như các Ủy ban Ngân sách, Tình báo và Quốc phòng của Hạ nghị viện Mỹ. Ông được xem là chuyên viên hàng đầu của đảng Cộng hòa về các vấn đề an ninh quốc gia. Con đường hoạn lộ hình như rất hanh thông và dưới mắt đa số cử tri và đồng nghiệp, ông là một người tốt, một chính khách mẫu mực.

Thế nhưng coi vậy mà hổng phải vậy. Bên trong vẻ đạo đức đáng kính đó là một con người tham lam, dối trá, bê bối. Ông đã lợi dụng vị thế của một dân biểu để đòi và nhận hối lộ nhiều triệu đô la từ một nhà thầu cung cấp dụng cụ quốc phòng, ông Mitchell Wade và công ty MZM Inc. Dân biểu Cunningham đã dùng ảnh hưởng của mình để giúp cho công ty MZM đạt được các hợp đồng trị giá nhiều chục triêu đô với Ngũ Giác Đài. Sự việc vỡ lở và kết quả cuối cùng là ông Cunningham phải từ chức, xin lỗi cử tri và nhận bản án 8 năm 4 tháng tù. Cả người đưa hối lộ cũng không tránh khỏi vòng lao lý.

Điều đáng nói là những hành vi phạm tội của ông Cunningham không phải được phát giác từ FBI hay các cơ quan điều tra khác của chính phủ Mỹ mà do hai phóng viên của báo The San Diego Union-Tribune; đó là các ông Marcus Stern và Jerry Kammer.

Bản báo cáo điều tra đầu tiên ngày 12 tháng 6 năm 2005 của Stern cho thấy rằng nhà thầu Wade đã mua căn nhà ông Cunningham ở Del Mar với giá $1,675,000 và bán lỗ $700,000 ngay sau đó. Một cách đưa nhận hối lộ… thiếu cẩn thận, thiếu khôn ngoan! Phóng viên Jerry Kammer và nhiều nhân viên khác của tòa báo đã hỗ trợ, tiếp tục công việc của Stern và đã phanh phui ra nhiều của đút lót và bê bối khác của dân biểu Cunningham như du thuyền, đồ cổ, xe Rolls Royce, thảm Ba Tư và nhiều thứ khác, kể cả gái gọi.

Chưa đầy 6 tháng sau bản báo cáo đầu tiên của Marcus Stern, sự nghiệp chính trị của dân biểu Cunningham chấm dứt. Mới đầu ông còn chối quanh nhưng cuối cùng đành phải nhận tội và từ chức dân biểu vào ngày 28 tháng 11 năm 2005. Ông đã khóc, thú nhận và tỏ ra hối hận về các lỗi lầm của mình, nhất là lỗi phản bội lại sự tin cậy của cử tri. Ngày thụ án, yêu cầu duy nhất của ông là ghé về thăm mẹ già 91 tuổi, nhưng yêu cầu này đã bị quan tòa từ chối.

Tội phạm

Một điều đáng nói khác là nhờ vào cuộc điều tra của hai phóng viên Stern và Kammer, tờ San Diego Union-Tribune đã đươc trao giải thưởng Pulitzer, một giải thưởng cao quí về ngành báo chí của Mỹ. Mặc dù thành quả có được là do công của tập thể nhân viên của tòa báo, người ta cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của người phóng viên đi tiên phong là Marcus Stern. George Condon, trưởng văn phòng của tờ báo tại thủ đô Washington D.C. đã nói: “Tất cả kết quả ngày hôm nay bắt đầu từ sự kiên nhẫn và ham muốn tìm tòi sự thật của một phóng viên.”

Một nhân tố khác cũng có vai trò rất quan trọng là chính ông chủ David Copley của tờ báo. Thật vậy theo lời biên tập viên Karin Winner, ông Copley đã ủng hộ các phóng viên điều tra hết mình, dù rằng trước đây tòa báo vẫn có quan hệ tốt đẹp và luôn luôn ủng hộ dân biểu Cunningham. Tinh thần chí công vô tư và đạo đức nghề nghiệp nằm ở đó.

Đó là tóm tắt một vụ án tham nhũng, lạm quyền ở bên Mỹ. Ở xứ sở mà luật pháp công minh, kẻ có tội được xét xử một cách công bằng và chính kẻ phạm tội cũng còn chút liêm sỉ để nhận tội trước những người đã đặt niềm tin vào họ. Lời thành khẩn xin lỗi dù muộn màng vẫn là chút an ủi cho nạn nhân, cho công chúng.

Ở xã hội dân chủ văn minh vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng trong việc đem lại thông tin trung thực cho quần chúng. Dù là báo tư nhân, lợi nhuận là vấn đề sống còn, họ không bị ràng buộc bởi đường lối của nhà cầm quyền, những người làm báo cũng tự trang bị cho mình trách nhiệm góp phần hoàn thiện xã hội, vượt lên trên mọi sự cám dỗ. Trách nhiệm đó xuất phát từ lương tâm. Lương tâm con người và lương tâm nghề nghiệp.

San Diego 2008

Bình Luận từ Facebook