Lại phải nói về Mahathir

FB Lão Tạ

24-8-2018

Malaysia là một trong vài chục quốc gia thuộc số những “con tin” tiền bạc của Trung Quốc. Trong chiến lược giăng bẫy nợ ở Malaisia, Trung Quốc đã tìm được một kẻ tham tàn không thể đắc dụng hơn là Najib Razak. Với Najib Razak, quyền lực và quyền lợi của ông ta cùng phe nhóm là trên hết.

Ý thức rõ mối nguy của truyền thông đến những việc mình làm, Najib Razak tìm mọi cách gây sức ép để Malaysia ban hành Luật An ninh vào năm 2012, giúp ông ta dễ bề tống giam những người dám chỉ trích chính phủ do ông ta làm thủ tướng.

Nhiều nhà báo, luật sư, nhà hoạt động xã hội… đã bị bắt và bị giam cầm bởi đạo luật này. Nhiều tổ chức dân sự bị sách nhiễu, bị ngăn cản ra đời và hoạt động. Tất yếu với quá trình đó là sự thao túng của giới quyền lực nhằm bóp nghẹt dân chủ dưới những chiêu bài hào nhoáng như ổn định xã hội, đảm bảo quyền lợi của số đông, nhưng thực chất chỉ là để một nhóm người dễ bề ăn cắp tài sản đất nước. Một trong những kênh ăn cắp an toàn nhất chính là thông qua đầu tư của Trung Quốc.

Là người ban phát bổng lộc nhằm tạo dựng một bộ máy thân hữu, lại được Trung Quốc chống lưng, Najib Razak quá tự phụ, không tin rằng đảng của ông ta có thể bị thua trong bất cứ cuộc bầu cử nào. Một trong những cơ sở cho niềm tin ấy của Najib Razak là nhờ đầu tư của Trung Quốc, tăng trưởng của Malaysia luôn ở mức cao, hệ thống hạ tầng được cải thiện. Ông ta chỉ quên rằng Malaysia còn có Mahathir.

Dù đã rất già nhưng ông cụ này vẫn đau đáu việc quốc gia và còn vô cùng minh mẫn, đủ để nhận ra rằng, Malaysia thực chất là đang chơi với hủi! Bởi vì luôn đi kèm với đầu tư của Trung Quốc là cả một chiến lược có bài bản làm tha hóa giới quan chức bản địa, đáp ứng tối đa lòng tham của những kẻ sẵn sàng bán rẻ quyền lợi của đất nước mình để mưu lợi riêng. Mahathir nhận ra rằng, nếu không bị ngăn lại, Malaysia sẽ tiến thẳng đến chỗ thành một thứ “thuộc địa tài chính” của Trung Quốc.

Để trở lại chính trường, một việc rõ ràng là bất đắc dĩ, Mahathir từ bỏ đảng cũ quá nhiều tai tiếng, thành lập một đảng mới. Nhưng khi đã đạt được mục đích, ông nhanh chóng là nhà lãnh đạo quốc gia, bỏ dưới chân lối tư duy đảng phái vốn luôn hẹp hòi, cao ngạo, chắc chắn thiển cận và thường sẽ phải hy sinh nhiều lợi ích của đất nước. Bởi vì xét cho cùng, bất cứ đảng phái chính trị nào, cũng chỉ là công cụ giành quyền lực của một nhóm người. Sứ mệnh cao cả và tử tế nhất của nó-không có ngoại lệ-là phải sẵn sàng và vui vẻ trở thành một thứ rác thải của lịch sử, khi bị các yếu tố tiến bộ khác bỏ lại sau lưng. Cưỡng lại quy luật này không chỉ tự chuốc bi kịch, mà còn phản đạo đức.

Sau khi tống giam thủ tướng thân Tầu tham nhũng, phá tan thành trì bao bọc những kẻ đục khoét đất nước, Mahathir, ở tuổi 93, nỗ lực định hướng lại con đường phát triển của Malaysia. Ưu tiên của ông là bãi bỏ hàng loạt dự án liên quan đến Trung Quốc nhằm đưa Malaysia thoát khỏi bẫy nợ của quốc gia nguy hiểm nhất thế giới này. Và ông đang làm điều đó bằng sự khôn ngoan hiếm thấy ở một người đã ở tuổi rất gần với đất.

Nhưng Mahathir còn làm được nhiều hơn thế cho đất nước và người dân Malaysia của ông. Trang mạng BBC.com mới đây dẫn ra một câu chuyện rất đáng để chúng ta kể lại. Đó là chỉ vài ngày sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, cảnh sát-theo thói quen từ thời chính quyền cũ- đã bắt giữ một người đàn ông có hành vi xúc phạm ông Mahathir – thủ tướng mới. Tuy nhiên, ông Mahathir đã không đồng ý với việc bắt giữ này. Sau đó cảnh sát các cấp trên toàn quốc được yêu cầu không bắt giữ bất cứ người nào chỉ trích ông Mahathir, trên mọi phương tiện truyền thông.

Trong bối cảnh Quốc Hội Việt Nam vẫn rình rập dư luận để thông qua Luật đặc khu, liệu có bài học nào ở đây được rút ra cho các vị?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải Mahathir là tác giả câu nói mà Diep Truong trích dẫn trên.
    Đó là câu phát biểu của một thủ tướng Pakistan thân Mỹ thời bấy giờ,
    chứ Mahathir có quan điểm bài ngoại,đôi khi cực đoan !

Comments are closed.