BTV Tiếng Dân
Ngoài thực địa
Theo The Japan Times, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 21 tháng 8 thông báo sẽ điều 3 tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương từ ngày 26 tháng 8 đến hết tháng 10. Các tàu khu trục sẽ ghé qua các cảng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines.
Chưa có thông tin về việc tham gia diễn tập với hải quân các nước này. Các nguồn tin chính phủ Nhật cho biết việc điều các tàu khu trục tham gia nhiệm vụ nằm trong chủ trương của Thủ tướng Shinzo Abe về chiến lược Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương tự do và rộng mở.
Một chủ ý khác được cho là nhằm đáp trả các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo VOV cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý chủ trương cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải ở khu vực cách bờ hơn 3 hải lý, sau khi thi công cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch. Khối lượng bùn thải lần này lớn gấp 2,5 lần khối lượng dự kiến nhận chìm của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cách đây 1 năm, mà sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải đình chỉ vì bị các nhà khoa học và dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo quy định: “Với các dự án nhận chìm ở biển, cơ quan cấp phép phải xin ý kiến các nhà khoa học và công khai để người dân được biết”. Tuy nhiên theo VOV, nhiều chuyên gia môi trường biển cho biết, họ không hề có thông tin và chỉ thực sự nghe tới dự án nhận chìm bùn thải này qua báo chí.
Một chuyên gia Hải dương học hàng đầu khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV cho biết: không thể đưa ra ý kiến bình luận gì khi không hề được tham vấn ý kiến, rằng việc cấp phép cho Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch nhận chìm bùn thải là vì lợi ích của 1 nhà máy và đang khiến cho xã hội bị đặt vào câu chuyện đã rồi. Đơn vị cấp phép chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình!
Theo VOV, có một điều mà các chuyên gia đa dạng sinh học quan tâm ở thời điểm này là liệu các cơ quan chức năng đã đánh giá mức chịu tải của môi trường biển khu vực Quảng Trạch, Quảng Bình khi đổ hàng triệu m3 chất thải xuống đó hay chưa? Liệu ngành Tài nguyên và Môi trường có dự đoán được lượng bùn thải tương tự phát sinh hàng năm để nhận chìm hay hoàn toàn bị động trước xu hướng doanh nghiệp “xếp hàng” xin nhận chìm chất thải sau khi nhà máy đã hoạt động được nhiều năm? Với hiệu ứng nhiệt điện mọc “như nấm sau mưa” tại các vùng ven biển hiện nay, việc cấp phép này sẽ tạo một tiền lệ xấu cho các nhà máy nhiệt điện khác và chẳng mấy chốc biển sẽ thành bãi rác khổng lồ!
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước ứng phó với biến đổi khí hậu đặt vấn đề: trong các dự án liên quan đến môi trường, công khai là việc làm hết sức cần thiết. Người dân cần được biết quyết định đó ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ nào, vì sao dự án này phải dừng và dự án kia tiếp tục? Biết để tránh được những thảm họa thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bài báo bình luận, một việc quan trọng như vậy cần được lấy ý kiến rộng rãi để các nhà chuyên môn phản biện và giám sát trước khi ra quyết định. Và việc kiểm tra giám sát được tiến hành bằng những cách làm có tính toán và mang tính khoa học. Mỗi vùng biển có những giá trị sinh thái riêng và việc nhận chìm nếu không được giám sát chặt chẽ và có phương pháp khoa học sẽ làm mất đi sự hoàn chỉnh của cả dải bờ biển Việt Nam.
Bài báo kết luận, cần phải có những nghiên cứu kỹ càng, đâu là những vùng biển ít bị ảnh hưởng tới hệ sinh thái, có thể nhận chìm chất thải và đâu là những vùng rủi ro cao. Có đáng đánh đổi không khi chỉ vì lợi ích của những nhà máy công nghiệp mà bỏ qua lợi ích của địa phương, sinh kế của người dân và lợi ích quốc gia trong phát triển bền vững.
Dự thảo Luật Cảnh sát biển
Cũng liên quan tới chính sách biển của Việt Nam, Ngày 14 tháng 8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, theo báo Công an nhân dân.
Bài báo cho biết, góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu cơ bản thống nhất về bố cục, nội dung của dự thảo, đồng thời tập trung góp ý vào một số vấn đề cần bổ sung, sửa đổi như đề nghị bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh việc lạm quyền trong hoạt động của CSB. Có ý kiến cho rằng, quy định về quyền hạn của CSB Việt Nam (khoản 1, điều 10) là quá rộng và đề nghị rà soát quy định để tránh chồng chéo về quyền hạn giữa các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên cùng một vùng biển; đề nghị xác định hành vi vi phạm làm căn cứ để thực hiện quyền hạn của CSB Việt Nam. Có ý kiến đề nghị quy định CSB Việt Nam tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vùng biển quốc tế của Việt Nam.
Một số đại biểu đề nghị quy định CSB Việt Nam hoạt động từ đường biên giới quốc gia trên biển trở ra để phù hợp với năng lực, trang bị của CSB Việt Nam và không tạo khoảng trống về pháp lý trên biển. Cũng về hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của CSB, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định CSB Việt Nam hỗ trợ và giúp ngư dân đánh bắt khơi xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ các trường hợp nổ súng của CSB để đảm bảo tính khả thi vì theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới chỉ quy định trường hợp nổ súng vào phương tiện giao thông đường thủy, chưa quy định nổ súng vào tàu thuyền trên biển gây khó khăn cho CSB trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo ANTT trên biển, đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền…
Dự kiến, Luật Cảnh sát biển sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 – Khoá XIV Quốc hội Việt Nam.
Đọc thêm: Dự Thảo Luật Cảnh Sát Biển Lần 4 (bản mới nhất) — Quốc Hội Thảo Luận về Dự Án Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam.