Sập bẫy Trung Quốc trong đàm phán khung COC

Philstar

Tác giả: Renato Cruz De Castro 

Biên dịch: Nhật Minh

17-8-2018

Trung Quốc sử dụng cả hai cách tiếp cận trực tiếp và gián tiếp để theo đuổi mục tiêu chiến lược bành trướng Biển Đông.

Cách tiếp cận trực tiếp liên quan đến việc xây dựng một “hải quân biển xanh”, tạo ra các hòn đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này bằng cách triển khai các máy bay ném bom và hệ thống tên lửa.

Còn trong cách tiếp cận gián tiếp, Trung Quốc sử dụng những thủ đoạn tâm lý tinh tế làm cho 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận việc Trung Quốc bành trướng ở biển là hợp pháp và tự nhiên, và trong khi làm như vậy, Trung Quốc cũng đồng thời cô lập những nước này từ đồng minh và các đối tác an ninh như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.

Trong nhiều dịp, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh với ASEAN về sự khẩn cấp của việc thúc đẩy hòa bình và phát triển cùng có lợi ở Biển Đông trong khi đồng thời chỉ trích không nêu tên các lực lượng bên ngoài là thường xuyên phô diễn sức mạnh, tạo ra yếu tố bất ổn nhất cho hoà bình và ổn định khu vực.

Chỉ trích này rõ ràng ám chỉ Hoa Kỳ, quốc gia đã tiến hành tuần tra tự do hải hành để thách thức việc xây dựng đảo của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bành trướng.

Trung Quốc đã sử dụng các công cụ trong hộp công cụ chiến tranh tâm lý của mình tại các cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc gần đây về một thỏa thuận khung cho một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Trong bản dự thảo duy nhất này, Trung Quốc kêu gọi tập trận thường xuyên hơn giữa Bắc Kinh và 10 quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, và đề xuất thứ hai là tạo ra một cơ chế thông báo mà qua đó có thể giúp Trung Quốc và các nước ASEAN ngăn chặn các nước thành viên khác tổ chức tập trận chung với các quốc gia ngoài khu vực, trừ khi thông báo trước với các bên của COC và không vấp phải phản đối.

Đang dần rơi vào mưu mẹo của Trung Quốc

Các chuyên gia và nhà phân tích đều cho rằng nếu ASEAN chấp nhận đề xuất thứ hai của Trung Quốc như một phần của COC, điều này sẽ cho phép Trung Quốc có hiệu lực phủ quyết kế hoạch của bất kỳ nước Đông Nam Á nào muốn tiến hành tập trận chung trên biển với Mỹ, Úc hay Nhật Bản. Điều này sẽ khiến Hải quân Nhân dân Trung Quốc thực tế trở thành lực lượng hải quân chiếm ưu thế trên vùng biển Đông Nam Á.

Một nhà phân tích chiến lược có tên tuổi người Singapore của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Tiến sĩ William Choong, đã nhận thức đúng đắn rằng Trung Quốc đang sử dụng đàm phán khung COC như “một bước đầu để dồn (các nước thành viên ASEAN) vào một phương thức song phương Trung Quốc – ASEAN mà không có sự tham gia của bất kỳ bên thứ ba nào vào những cuộc tập trận.” Choong dự đoán sẽ không có nước ASEAN nào đồng ý điều khoản này.

Nhưng thật không may, Choong đã nhầm. Philippines, một đồng minh trước đây của Mỹ và là một đối tác an ninh của Nhật Bản và Úc, đã đồng tình với kế hoạch của Trung Quốc loại bỏ sự hiện diện của hải quân Mỹ, Úc và Nhật Bản ở vùng biển Đông Nam Á.

Tuần trước, điện Malacañang nói rằng họ không phản đối đề xuất của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự cùng với các nước Đông Nam Á và loại bỏ Mỹ khỏi bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào với các nước Đông Nam Á.

Trong nỗ lực bảo vệ ý tưởng của Trung Quốc, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque nói rằng “các nhà chức trách Trung Quốc muốn hợp tác quân sự giữa các nước láng giềng.”

Và ông bổ sung: “dĩ nhiên, Hoa Kỳ cách xa đây 10000 dặm, bởi vậy nếu ý định là xây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa các lực lượng quân sự láng giềng với nhau thì Hoa Kỳ thực sự không có chỗ đứng ở đây.”

Việc Roque ủng hộ đề xuất này của Trung Quốc này là sai lầm và nguy hiểm vì hai lý do: Thứ nhất, đề nghị của Trung Quốc về tập trận quân sự thường xuyên với các quốc gia ASEAN không phải là một đề xuất lành mạnh. Nó nhằm mục đích thuyết phục các nước nhỏ này chấp nhận quyền lực hải quân và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là bình thường và là sự đã rồi (fait accompli).

Thứ hai, mặc dù ở xa Đông Nam Á, Mỹ đã thiết lập mối quan hệ quân sự gần gũi với hầu hết các nước Đông Nam Á kể từ Thế Chiến thứ hai.

Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận hải quân với Singapore, Malaysia, Thailand, Indonesia, Brunei Darussalam và Philippines. Đó là bởi vì những nước này đã chấp nhận Mỹ đóng vai trò cân bằng trong khu vực – một lực lượng hải quân ngoài khu vực hành động như một người trung gian trung thực trong các tranh chấp khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á nói chung cảnh giác đối với đề xuất tập trận hải quân chung với Trung Quốc vì Trung Quốc quá gần khiến họ bất an, và vì họ nhận thức được rằng Trung Quốc đang quyết tâm bành trướng trên biển, không chỉ ở Biển Đông mà còn vào sâu các vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á.

Sự điên rồ của ý tưởng muốn làm dịu căng thẳng với Trung Quốc

Chấp nhận mưu mẹo của Trung Quốc trong đàm phán khung COC là một phần chính sách làm dịu căng thẳng với TQ của chính quyền Duterte trong nỗ lực dành được thiện chí và sự hào phóng kinh tế của Trung Quốc cho chương trình “Xây, Xây, Xây” của mình.

Chính sách này được phản ánh trong quyết định trì hoãn và làm yếu đi việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường giữa Philippines và Hoa Kỳ năm 2014, gác sang một bên Phán quyết UNCLOS ngày 12 tháng 7 năm 2016 dành cho Philippines, và nhắm mắt làm ngơ trước việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối đất và các thiết bị gây nhiễu điện tử ở các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tạo ra ở Biển Đông.

May mắn là đây mới chỉ là một đề xuất mà vẫn còn cần được thảo luận và xem xét trong vài cuộc họp nữa trước khi nó chính thức được trình bày và đồng ý bởi các nước thành viên trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10.

Hy vọng rằng, các nước thành viên ASEAN khác sáng suốt hơn, sẽ nhìn đề xuất này chỉ như như một mưu mẹo nhằm làm suy yếu mối quan hệ an ninh và quan hệ đối tác giữa các nước Đông Nam Á và Mỹ, Úc, Nhật Bản, và về lâu dài, sẽ biến Biển Đông và các vùng biển thuộc Đông Nam Á trở thành ao nhà Trung Quốc.

Tiến sĩ Renato Cruz de Castro là uỷ viên quản trị và cán bộ cao cấp của  Chương trình An ninh Quốc gia và các vấn đề Đông Á thuộc Học viện Stratbase ADR, một đối tác của Philstar.com.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook