Chiêu thức GS TS Nguyễn Đức Tồn vận dụng để mong được giải thưởng Hồ Chí Minh

FB Hoàng Dũng

19-8-2018

Tôi đã từng chứng kiến trong một cuộc bảo vệ luận án tiến sĩ, một giáo sư thành viên Hội đồng giám khảo đã mắng mỏ nghiên cứu sinh trót quên đưa bài báo của ông vào Tài liệu tham khảo của luận án.

Giáo sư ấy có lý: Luận án không bao quát được thành tựu của những người đi trước, tức là không biết ranh giới của vấn đề ở đâu, thì mong gì có khám phá mới.

Nhưng không phải không có những trường hợp khác! Chẳng qua người ta ấm ức khi không thấy công trình của mình được nghiên cứu sinh trích dẫn.

Tuy vậy, nếu dừng ở đó, thì cũng chỉ là tâm lý thường tình của con người. Khổ nhất là khi người ấm ức đó lại có quyền lực, đứng đầu một cơ quan nghiên cứu hay đào tạo, hoặc một tạp chí chuyên ngành chẳng hạn.

Như mọi người đều biết, năm 2015, GS TS Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ xin phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cuốn “Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” (in năm 2008). Chiêu thức chính làm nên cuốn sách này là “góp công thiên hạ làm công một người”. Hồ sơ bị bác ngay từ Hội đồng cơ sở vì có bằng chứng cho thấy cuốn sách đạo văn.

Trong hồ sơ, GS TS Nguyễn Đức Tồn còn vận dụng một chiêu thức khác rất tinh vi. Cần nhớ rằng GS TS Nguyễn Đức Tồn là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học từ ngày 01/8/2008 đến ngày 28/11/2012, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ từ tháng 9/1999 đến tháng 12/2013, Trưởng Bộ môn sau đó là Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ học (Học viện Khoa học Xã hội) từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2014.

Ở cương vị đó, ông Nguyễn Đức Tồn có cái uy, và ông không ngần ngại gì mà không sử dụng tối đa cái uy đó, khiến không ít người vì muốn đăng bài trên tạp chí Ngôn ngữ, muốn thuận buồm xuôi gió khi bảo vệ luận án, mà phải ép lòng trích dẫn cuốn “Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy”. Đã nghiên cứu khoa học, lẽ thường người ta phải đọc tất cả những công trình có liên quan đến vấn đề mình đang giải quyết, nghĩa là xác suất rất cao là phát hiện ra ông Tồn đã đạo văn của nhiều người. Ấy thế mà người ta vẫn phải trích dẫn công trình đạo văn! Đạo văn là một việc tai hại cho học thuật và cái tai hại đó nhân lên nhiều lần khi kẻ đạo văn là người có quyền lực.

Chiêu thức này quả là lợi hại. GS TS Nguyễn Đức Tồn không phải là người ấm ức tầm thường. Ông dùng ngay quyền lực của mình để làm đẹp hồ sơ.

Kết quả là công trình của GS TS Nguyễn Đức Tồn có được tầm vóc ảnh hưởng to lớn trong một thời gian ngắn mà các bậc thầy của ông cũng khó lòng đạt tới: chỉ tính từ năm 2008 đến năm 2015, có đến 48 luận án tiến sĩ và 63 bài báo đăng trên tạp chí Ngôn ngữ có tham khảo cuốn sách trên. Trong hồ sơ xin phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Tồn liệt kê đầy đủ 48 luận án tiến sĩ và 63 bài báo đó để thuyết phục Hội đồng bỏ phiếu thuận cho công trình “Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy”.

Không quá khó nếu muốn biết trong số 48 luận án tiến sĩ và 63 bài báo kể trên, có bao nhiêu luận án hay bài báo trích dẫn ông Nguyễn Đức Tồn vì những lý do ngoài khoa học. Xin các nhà ngôn ngữ học đọc lại để xem những trích dẫn đó thực chất ra sao: dẫn những ý kiến xác đáng, mới mẻ hay chỉ là mớ chữ tầm thường, lặp lại kết quả của người khác hoặc sai lạc hay thực chất không liên quan gì đến vấn đề đang bàn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây