Nguyễn Nam Dương
16-8-2018
Quán cà phê Casanova, 61C Tú Xương, quận 3 vào tối 15/8/2018 vẫn hoạt động bình thường. Nhưng với công an TP.HCM, địa điểm này hôm nay có gì đó bất thường.
Nguyễn Tín, tên ca sĩ, đang thực hiện một liveshow siêu nhỏ trước khán giả chưa đến 100 người. Thế nhưng, công an TP.HCM đã huy động một lực lượng cả chìm lẫn nổi còn nhiều hơn số khán giả có mặt trong khán phòng để cản trở.
Không ai trong khán phòng Casanova gây rối trật tự công cộng, không biểu tình, những bài hát cũng không có gì đặc biệt. Chỉ có điều, cả khán giả và ca sĩ thì quá “đặc biệt” trong mắt nhà cầm quyền.
Hơn 20 giờ, Nguyễn Tín tự tin gửi đến khán giả bài hát nhạc vàng Trăng Tàn Trên Hè Phố và Bước Về Lối Mòn (sáng tác mới của Trần Vũ Anh Bình).
Liveshow siêu nhỏ vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi Nguyễn Tín hát bài Cho Một Người Nằm Xuống của Trịnh Công Sơn.
Từ ngoài cửa, xuất hiện một người đàn ông mập, trạc ngoài 50, tóc sương, bụng phệ, trên ve áo có gắn huy hiệu cho thấy đây là người của ngành chức năng bước vào quán. Cùng đi với người này, một người mặc áo ca rô nhuyễn, bỏ áo trong quần, dáng đậm người xộc vào với vẻ lạnh lùng.
“Bài này đâu được phép hát”, người đàn ông của cơ quan chức năng vừa chỉ tay về phía ca sĩ vừa nói. Nhưng ông ta đi kiểm tra…. phòng cháy chữa cháy.
Khán giả xung quanh tôi bắt đầu chĩa smartphone đến hai người đàn ông này.
Lúc này, thêm hai người của ngành chức năng bước vào. Họ bước tới chỗ anh Dần, đang quay lại cảnh kiểm tra kỳ lạ này. Họ nói, họ mượn điện thoại của anh (tịch thu) vì “ai cho phép anh quay cảnh chúng tôi làm việc”(?!) Một khán giả nữ lớn tuổi vào giải vây cho anh Dần. “Anh có quyền gì mà đòi kiểm tra điện thoại? Người ta đang quay ca sĩ hát mà mượn cái gì?”. Lúc này, cả chục khán giả tới, thấy không êm, 3 người này lùi lại.
Trên sân khấu, Nguyễn Tín vẫn đang hát “ … thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”.
Nhưng không khí khán phòng lúc này không còn thênh thang. Bốn người thanh tra văn hoá gồm 3 nam, 1 nữ, 1 công an và gã an ninh chìm áo ca rô đi một hàng và đứng ngay quầy của quán. Họ yêu cầu tắt nhạc. Nhưng nhạc vẫn mở, mặc cho một nhân viên quán có chạy đến chỗ ban nhạc.
Lúc này, bài Cho Một Người Nằm Xuống đã đến phần giang tấu, sắp vào lời 2. Tôi đã nghe bài hát này rất nhiều lần, được nhiều ca sĩ trình bày nhưng thú thật, những giây phút còn lại của bài hát qua giọng ca Nguyễn Tín lúc này nó mới thú vị, tựa hồ như chuẩn tướng Lưu Kim Cương đang ngồi trên trực thăng bay qua vùng không khí loãng (*).
Giọng hát thì vẫn hát nhưng nhạc thì lúc lớn lúc nhỏ, lúc tưởng ngừng lại theo lệnh của cán bộ nhưng chàng ca sĩ này đủ bản lĩnh để hát không sai lời, lạc nhịp, lệch tone.
Sau bài hát này, đám cán bộ đi lên lầu.
Nguyễn Tín lại hát tiếp Cát Bụi Cuộc Đời. Nhưng khán giả của anh, đêm nay, chắc chắn sẽ có một đêm nhớ đời. “Tụi nó ở ngoài đang rất đông”, một khán giả nói. Không những đông, an ninh còn khoá cửa ra của khán phòng.
Khi Nguyễn Tín hát xong hai nhạc phẩm: Đắp Mộ Cuộc Tình và Căn Nhà Ngoại Ô, anh tuyên bố dừng liveshow nhưng khán giả biết câu chuyện đêm nay chỉ mới bắt đầu.
Phạm Đoan Trang bước ra đầu tiên khi cánh cửa khán phòng bị đóng chặt. Cô cùng vài người bên trong tông mạnh cánh cửa. Vừa mở cửa, an ninh đã đá cô ngã xấp và còng tay quăng lên xe chở đi.
Giọng một người nói lớn: “Chúng tôi kiểm tra giấy tờ”. Mọi người hét lên, đi nghe nhạc mà mang giấy tờ theo làm gì. Cuộc xô xát đã khiến chị Diễm bị đánh. Chị Huyền dù đã lớn tuổi nhưng an ninh cũng đã không nương tay. Một số xô xát sau đó giữa các khán giả và an ninh xảy ra, an ninh đã đánh nhiều người trong khi việc đi xem ca nhạc là một hoạt động không vi phạm pháp luật.
Bốn người của an ninh dùng camera và iPhone ghi lại hầu như tất cả những khán giả của show diễn. Chúng bắt đầu phân loại đối tượng: Ai phụ nữ và trẻ con về trước và phải xuất trình giấy tờ.
Tôi lại đang có cảm giác mình sắp vào trại tập trung khi bọn an ninh đang bóc tách phụ nữ và đàn ông riêng, cho vào cái hầm bí mật rồi tống chất sarin như Hitler đã làm. Lúc này, Võ Hồng Ly đang đứng trước và yêu cầu an ninh để cho mọi người ra về. Vợ chồng anh Trịnh Toàn đứng trước cửa quan sát trong khi chị Huyền và nhiều người khác đứng phản đối. Bốn camera an ninh vẫn đang chĩa vào họ như những tội phạm.
Nguyễn Tín, nhân vật chính đêm nay biết chắc mình sẽ bị bắt đứng trước ống kính. Cậu không có diễm phúc ký tặng hoặc chụp hình lưu niệm với fan của mình như những ngôi sao ca nhạc khác. Thậm chí, bó hoa tặng cuối chương trình cũng nằm chỏng chơ trên sân khấu. Tôi đứng sau lưng cậu, cảm nhận sự tự tin từ chàng ca sĩ này vốn dĩ đang đối mặt với camera an ninh chứ không phải ống kính truyền thông.
Tôi bước trở vào khán phòng và lên lầu, bốn vị an ninh văn hoá gồm một nữ và ba nam đang ở trong phòng bên phải. Họ không có kiểm tra phòng cháy chữa cháy như lúc mới vào tự xưng.
Họ làm gì trong phòng đó, có trời mới biết. Tôi bước vào và họ hỏi vào làm gì. Tôi trở ra mà không nói gì. Nhiều chồng giấy tờ đang trên bàn.
Tôi quay ra cửa, nắm tay anh Trịnh Toàn và chị Loan. Một an ninh dẫn tôi ra xe.
Họ không quên chụp lại chứng minh nhân dân của tôi với lời giải thích: “Bây giờ, tội phạm nhiều lắm nên phải kiểm tra.”
(*) Bài hát “Cho Một Người Nằm Xuống được Trịnh Công Sơn sáng tác tặng chuẩn tướng Lưu Kim Cương sau khi ông tử trận tết Mậu Thân năm 1968.
Hãy lường trước khủng bố.
Hãy chuẩn bị (bí mật) ghi lại toàn bộ âm thanh và hình ảnh khủng bố.
Tại sao bao nhiêu lần bị khủng bố rồi, vẫn không ghi lại được đầy đủ bằng chứng?