Vụ án ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An

FB Mạnh Đặng

9-8-2018

TNLT Lê Đình Lượng. Ảnh trên mạng

Sáng thứ năm, ngày 16/08/2018, vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 79 Bộ luật Hình sự đối với ông Lê Đình Lượng sẽ được Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.

Vốn là một cựu quân nhân từng tham gia cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng Ông Lê Đình Lượng được công chúng biết đến nhiều hơn như một người hoạt động tranh đấu về môi trường và tình trạng tham nhũng, cửa quyền tại địa phương … nhất là qua các hình ảnh ông trương biểu ngữ để gởi đi các thông điệp tranh đấu của mình. Một số hoạt động của ông đã bị cơ quan an ninh cho rằng gây nguy hại đối với chế độ nên đã bắt và khởi tố ông.

Trong quá trình điều tra, ông Lê Đình Lượng đã khẳng định mình vô tội. Theo hồ sơ dày non nghìn bút lục, thì văn bản làm việc giữa cán bộ điều tra an ninh với ông Lê Đình Lượng chỉ vỏn vẹn có 09 bản cung. Trong đó, không kể 01 bản cung ghi nhận ông Lượng sức khỏe yếu kém không thể làm việc, còn lại 08 bản cung ghi dày đặc câu hỏi của điều tra viên thì đều có chung 01 câu trả lời với văn thức không thay đổi “Tôi giữ quyền im lặng cho đến khi có sự hiện diện luật sư của tôi”.

Có lẽ, tính cho đến nay, ông Lê Đình Lượng là trường hợp đầu tiên kiên trì triệt để áp dụng quyền im lặng trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Do bị can khẳng định mình vô tội và giữ quyền im lặng, cho nên, hồ sơ được xây dựng tràn ngập các tài liệu với mục đích nhằm củng cố quan điểm kết tội.

Về luật sư, thực tế thì đã có 02 luật sư đã đăng ký tham gia từ giai đoạn điều tra, nhưng đều bị cơ quan an ninh điều tra căn cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự để từ chối.

Tiếp xúc với luật sư trước phiên tòa xét xử, ông Lê Đình Lượng vẫn khẳng định quan điểm cho rằng mình vô tội và không ân hận gì, thậm chí theo lời ông “Nếu có cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ làm những điều như đã làm”.

Ông cho biết, mình duy trì thường xuyên tập thể dục và cầu nguyện nhiều trong trại tạm giam, cho nên, sức khỏe hiện rất tốt, tinh thần thoải mái để tham dự phiên tòa xét xử ông. Ông đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống kết quả phiên tòa không thuận lợi cho ông. Ông hỏi luật sư rất nhiều về các quyền mà pháp luật quy định dành cho bị cáo trong phiên tòa … Qua đó, bên cạnh các luật sư, thì có lẽ ông sẽ tận dụng mọi quyền cũng như cơ hội để tự bảo vệ mình tốt nhất.

Trong một sự việc có liên quan đến vụ án và đặc biệt liên quan đến việc hành nghề luật sư, thì cán bộ tòa án và sau đó là do chính ông Phó chánh án Tòa án tỉnh đã tái khẳng định việc không cho luật sư sao chụp hồ sơ vụ án để phục vụ việc bào chữa, như sau: “Hồ sơ vụ án này thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia nên đều là những tài liệu tối mật, luật sư chỉ được quyền xem, nếu muốn sao chụp thì phải làm văn bản và chờ đến khi có sự chấp thuận của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Đã có văn bản quy định về vấn đề này !”.

Thực tế thì trong hồ sơ không có bất kỳ tài liệu nào có đóng dấu “Mật” hay “Tuyệt mật” hoặc “Tối mật” cả.

Tin rằng hành vi của tòa án ngăn cản quyền luật sư sao chụp hồ sơ vụ án là không có cơ sở pháp lý, vi phạm quy định về quyền của người bào chữa tại điều 73 (điểm l, khoản 1) Bộ Luật Tố tụng Hình sự, cho nên, tại tòa, luật sư đã thực hiện ngay quyền khiếu nại … Tuy nhiên, không chắc rằng việc giải quyết khiếu nại được thực hiện trước khi xét xử mà có thể sẽ bị phớt lờ cho đến sau ngày xét xử vụ án để đặt luật sư trước sự việc đã rồi.

Cho thấy, bên cạnh sự bất cập của luật pháp, thì những quy định tiến bộ đang có của luật pháp cũng sẽ chẳng còn tiến bộ nữa, nó bị vô hiệu hóa vì yếu tố bất cập của con người!?

Bình Luận từ Facebook