Bản tin Biển Đông ngày 9/8/2018

BTV Tiếng Dân

Diễn biến ngoài thực địa

Báo Tiền Phong đưa tin, chiều tối 7/8, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, khoảng 9h cùng ngày tại khu vực cách Đông Đông Bắc Đà Nẵng khoảng 260 hải lý, cách Tây Nam đảo Linh Côn-Quần đảo Hoàng Sa khoảng 11 hải lý, tàu cá QNg 90546 TS với 12 ngư dân của Quảng Ngãi, đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm.

Sau khi nhận được thông tin trên, tàu cá QNg 90693 TS đã di chuyển đến vị trí kể trên để hỗ trợ tàu bị nạn. Văn phòng đã đề nghị Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao thông báo cho Đại sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội biết để chỉ đạo cơ quan chức năng phía Trung Quốc có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng ngư dân trên tàu, đồng thời bảo đảm cho tàu QNg 90693 TS cứu nạn 12 ngư dân.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, cùng Bộ tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ tàu, xác minh thông tin, duy trì liên lạc với tàu, huy động các tàu cá cùng tổ và các tàu gần khu vực đến hỗ trợ tàu bị nạn. Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, duy trì liên lạc với tàu QNg 90693 TS. Như vậy là tàu cá đến cứu tàu cá và các lực lượng chức năng của Việt Nam theo dõi từ xa.

Trước đó, vào tháng 7/2018, Hội Nghề cá Việt Nam đưa ra 5 kiến nghị với Chính phủ về khai thác xa bờ, trong đó Hội cho biết trong những năm gần đây phía Trung Quốc và một số lực lượng của nước ngoài thường xuyên tấn công uy hiếp, cướp phá tài sản và đe dọa tính mạng của ngư hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên mới chỉ một số ít ngư dân nhận được hỗ trợ tự phát từ các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, còn thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hội Nghề cá Việt Nam “đề nghị Chính phủ có chỉ đạo các Bộ ngành và cơ quan chức năng tăng cường biện pháp hỗ trợ ngư dân và ban hành chính sách hỗ trợ đối với những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền Việt Nam bị các lực lượng Trung Quốc và nước ngoài tấn công.”

***

Đọc thêm: Tổng kết Hoạt Động Quân Sự Hoá của Trung Quốc ở Biển Đông Sáu Tháng Đầu Năm 2018. Bên cạnh các hoạt động triển khai máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa, tập trận với số lượng lớn tàu chiến nhằm phô diễn sức mạnh, đáng chú ý Trung Quốc đã thiết lập hơn 40 cơ sở radar khác nhau trên 7 đảo đá mà nước này chiếm giữ ở Trường Sa, nâng cao đáng kể năng lực “C4ISTAR” (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, thông tin/tình báo, giám sát, thu thập thông tin về mục tiêu và trinh sát) của Trung Quốc ở khu vực.

Tự do hải hành ở Biển Đông

Vào tháng 8 năm nay, Pháp tiến hành Sứ mệnh Pegase trong đó triển khai một đội thuộc không quân nước này tới thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Các máy bay trong Sứ mệnh Pegase sẽ di chuyển qua khu vực phía Nam của Biển Đông và đây được xem là cơ hội cho Pháp khẳng định quyền tự do hải hành và bay qua vùng trời theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Kể từ năm 2015, Pháp đã tiến hành nhiều chiến dịch trong đó nhiều tàu được triển khai tới Biển Đông, như tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ trong sứ mệnh thường niên mang tên Jeanne d’Arc, tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và 2 tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào năm 2016 và 2018.

Theo TS Mathieu Duchâtel, Phó Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, việc Pháp triển khai thường xuyên các khí tài quân sự tại biển Đông phát đi những tín hiệu nhất định:

(1) Chống lại sự hăm doạ của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự để tạo “sự đã rồi” ở Biển Đông, Paris muốn Bắc Kinh thấy rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép và Bắc Kinh không thể can thiệp.

(2) Pháp xem những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là sự đe doạ đối với tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ;

(3) Pháp ủng hộ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở và tự do và

(4) Pháp muốn tạo ra một liên minh nắm sức mạnh quân sự quan trọng và hoạt động trên toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở châu Âu.

Tuy nhiên hiện chưa rõ tàu Pháp có đi sâu vào khu vực lãnh hải và các vùng nước gần kề các thực thể địa lý mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa hay không.

Trong khi đó, Thẩm phán Philippines Antonio Carpio nói với báo Philippine Daily Inquirer, rằng Philippines nên thực hiện các hoạt động tự do hải hành chung không chỉ với các cường quốc hải quân mà còn nên kết hợp với cả Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia trong các vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông.

Diễn biến đàm phán COC

Tiếp dòng sự kiện về đồng thuận của ASEAN-Trung Quốc về một văn bản duy nhất làm cơ sở cho đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SOM-ASEAN) nhận định: “Đây là một bước tiến quan trọng bởi qua bản dự thảo này chúng ta đã thống nhất được cách thức đàm phán và có cơ sở để đàm phán, ‘có bột để gột nên hồ’.

“Thế nhưng, ‘bột’ còn rất sơ khai vì bản dự thảo dù là duy nhất nhưng gồm rất nhiều các quan điểm khác nhau của các nước, các bên. Thế nên, để đi vào thống nhất được thì sẽ còn mất rất nhiều thời gian và có thể phải nhiều năm đi tới đàm phán. Đó chỉ là cơ sở để đàm phán chứ chưa biết được dẫn đến kết quả sẽ là một văn bản cuối cùng đạt được như thế nào vì còn trải qua một quá trình đàm phán lâu dài“, ông Nguyễn Quốc Dũng nói trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 8/8.

Còn Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thì cho rằng, các nước ASEAN vẫn nên duy trì sự thống nhất với nhau trong quá trình đàm phán COC. Theo giáo sư Carl Thayer, hiện nay những cuộc thảo luận về thực thi Tuyên bố Ứng xử ở Biển Đông (DOC) và đàm phán COC được thực hiện giữa 11 bên, gồm Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN, chứ không phải giữa Trung Quốc và khối ASEAN thống nhất.

Bình Luận từ Facebook