5-8-2018
TRỊ TIM “DÍNH” UNG THƯ, ĐIỀU MÀ CẢ THẾ GIỚI SỢ
Đài truyền hình Việt Nam vừa đưa tin (hơi muộn) về một điều gây chấn động giới y khoa và cả các bệnh viện ở Việt Nam cũng như các nước suốt tuần qua.
THUỐC TRỊ TIM LẠI ĐE DỌA GÂY UNG THƯ
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) yêu cầu thu hồi mọi dược phẩm có chứa Valsartan do Công ty Dược phẩm Huahai Chiết Giang (ZHP) Trung Quốc điều chế. Động thái thu hồi tiến hành sau khi EMA phát hiện hoạt chất Valsartan của Huahai chứa N-nitrosodimethylamine (NDMA), chất hóa học có thể gây ung thư.
Bộ Y tế Việt Nam sau đó đã lệnh dừng lưu hành 32 thuốc sản xuất trong nước và ngừng nhập khẩu 25 thuốc chứa valsartan có nguồn gốc từ công ty Huahai Trung Quốc. Thuốc trong nước bị thu hồi thuộc về 13 công ty dược. Các công ty này nhập khẩu valsartan từ Huahai về bào chế. Thuốc nhập khẩu có xuất xứ từ Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Ba Lan, Tây Ban Nha… Các nước này cũng dùng nguyên liệu từ Huahai để chế ra dược phẩm.
Dược phẩm và thực phẩm Trung quốc có chứa độc tố, chính người Trung Quốc đã quá quen với thông tin này, nhưng EMA nghiên cứu khá lâu và đưa cảnh báo với tất cả thận trọng. Tôi từng nghe một nhà quản lý bịnh viện kể là cách đây không lâu, một công ty dược lớn của TQ trúng thầu cung cấp thuốc cho Bệnh viện Chợ Rẫy mà không bác sĩ nào của BV kê toa vì bệnh nhân sợ hãi, phản đối.
VÀ HÀNG TỶ USD CHO VAY “HỢP TÁC PHÁT TRIỂN”
Thông tin này không thể không gợi nghĩ đến một “toa thuốc” cứu nhân độ thế mà “anh Cả của Thế giới” đang trao rầm rộ, cấp tập cho các nước nghèo và đang phát triển. Toa thuốc bổ liều mạnh đó có tên “Một Vành Đai & Một Con Đường” (Belt and Road Initiative, BRI) là tên một chương trình hợp tác phát triển, đến nay đã có 70 quốc gia tham dự, với số dân lớn bằng 65% dân số toàn cầu, nhưng theo báo chí quốc tế quan sát thực tế thì… nhiều điều “nói dzậy mà hổng phải dzậy”.
Trung Quốc đang bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la, mời gọi các quốc gia thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ( mục đích công khai là phát triển giao thông và thương mại để thúc đẩy kinh tế) mà không cần điều kiện như các ngân hàng và cơ quan cấp viện quốc tế khác. Theo thời gian, người ta thấy dần lộ diện hai yếu tố độc: nạn tham nhũng và nợ công.
Chỉ hợp tác với chính quyền, không hợp tác với các công ty tư nhân và tuyệt đối cấm cửa giới truyền thông. Một chiến thuật khác là công trình phải do công ty xây cất và công nhân TQ thực hiện. Vừa giải quyết nạn thừa dư công nhân khi họ chuyển sang SX công nghệ cao, vừa chuẩn bị tiếp quản luôn, nếu chủ nhà thất bại, trao toàn dự án, thật là 1 công đôi việc.
Đã xuất hiện những ví dụ nhãn tiền: Hải cảng Hambantota của Sri Lanka, nhận vay của TQ mà không đủ tiền trả nợ liên tiếp nhiều năm, đến năm 2017 chính phủ Sri Lanca phải nhường việc quản trị hải cảng cho công ty xây dựng Harbor Engineering Company của Trung Cộng, với gần 4,000 mẫu (ha) đất, và thời hạn 99 năm, và TQ cũng được quyền khai thác 69 km vuông đất đai chung quanh.
Còn ở Myanmar, người dân đang tranh luận về việc cho TQ xây dựng và khai thác cửa biển đáy sâu ở Kyaukphyu, phía nhìn sang Bangladesh và Ấn Độ. Bắc Kinh muốn bỏ ra $7.3 tỷ xây dựng cảng nước sâu ở đây trong đó công ty TQ CITIC sẽ đầu tư 70% , lấy quyền khai thác hải cảng trong 50 năm. Các chuyên gia cho rằng ý định TQ là thiết lập một đường ống dẫn dầu từ Kyaukphyu đi qua Myanmar lên tới tỉnh Vân Nam TQ, cung cấp 10% tổng lượng dầu nhập của TQ và còn quan trọng hơn là có thể mua thẳng dầu từ các nước Trung Đông mà không cần đi qua eo biển Malacca của Singapore (mà Hải Quân Mỹ dễ kiểm soát).
Một minh chứng quen thuộc là: Đặc khu Boten (Lào) ở gần vùng Ba Biên Giới Lào, Thái, Myanmar, nhượng cho TQ thời hạn 65 năm. Bên trong, toàn nhà cửa nguy nga, casino bậc sang quốc tế, khách sạn bốn sao, nhà hàng ăn, hàng quán đầy đường… tất cả đều của người Tàu, mọi bảng hiệu, giao thiệp, buôn bán chỉ bằng tiếng Tàu, xài đồng tiền Tàu; ăn mặc, đi đứng, nói năng y chang ở Quảng Đông, Vân Nam… người Lào chỉ được vào nếu được TQ cho phép.