Hoạ đông xưởng, nhìn từ các vị tướng công an

FB Tâm Chánh

2-8-2018

Tướng và cướp đã ngang nhiên làm tướng cướp, trong vụ “Vũ nhôm”, hay trong vụ tướng Vĩnh, tướng Hoá. Chúng cướp pháp luật, cướp quyền lực công, cướp ghế, cướp chính sách, cướp cả công luận.

Chúng chiếm đoạt công cụ được giao để bảo đảm an ninh quốc gia, trị an xã hội thành của riêng, biến pháp luật, công vụ thành phương tiện đổi chác, mưu lợi, kết bè, kéo cánh, thiết lập băng đảng của mình.

Chúng biến việc phạm tội thành thành tích, biến hệ thống dân chủ nhân dân thành trò đồng diễn giơ tay, biến đảng cầm quyền thành trò hề kiểm điểm, tu dưỡng.

Chẳng phải các vị tướng ấy đã vào đảng uỷ, thậm chí cỡ đảng ủy công an TƯ, một kiểu quân ủy của lực lượng này?

Chẳng phải trong vụ “Vũ nhôm” lẫn vụ đường dây “đánh bạc trực tuyến” các vị tướng ấy đã lên lon, thăng thưởng trong cùng thời gian mà họ phạm tội, dù phải vượt qua bao nhiêu lần phê và tự phê cùng cả hệ thống chính trị của mình?

Chẳng phải mục đích các vị tướng làm lộ bí mật nhà nước, đổi chác vai trò đặc tình trong công tác tình báo, hay chống tội phạm công nghệ cao vẫn còn ở ngoài khả năng chứng minh của pháp luật?

Chẳng phải cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã dừng lại ở ngả ba đường truy xét trách nhiệm chính trị người đứng đầu?

“Họa phúc có nguồn, phải đâu một ngày, một buổi”.

Phúc có thể là đảng cầm quyền đã ra tay, hạ bệ ngôi vị, bóc dỡ dây nhợ của những kẻ cướp cỡ sừng sỏ.

Nhưng từ vụ Năm Cam cho đến PMU 18 rồi đến xử lý các vụ việc hiện nay trong ngành công an, trách nhiệm chính trị của người đứng đầu chưa phải là cách xử lí nhất quán.

Ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành uỷ Trương Tấn Sang trước đây đã từng bị xử lý kỉ luật vì trách nhiệm chính trị để xảy ra vụ Năm Cam ở TPHCM. Còn hiện thời, cả chục tướng công an phải bị xử lý nhưng chưa thấy kết luận công khai trách nhiệm của người trực tiếp đứng đầu.

Quan trọng hơn, cách thức vận hành hệ thống công an, như từ vụ án Vũ nhôm, hay đường dây đánh bạc công nghệ cao, nhiều nét thực tế giống với cách thức của đông xưởng triều Minh, Trung Quốc. Không bị giám sát. Không có trách nhiệm giải trình.

Mầm họa đã gieo, âm binh đã thả, phải cao tay ấn mới có thể diệt trừ.

Chỉ khi nào mỗi vị tướng sai phạm đều có địa chỉ trách nhiệm chính trị, mỗi trách nhiệm chính trị đều đi đến hành động khôi phục pháp quyền, thì quyền lực bị cướp của nhân dân mới được thu hồi.

Không đi đến kết quả ấy, thì như Nguyễn Trãi cảm khái trong buổi đầu chính trị triều Lê:

“Hoạ phúc có nguồn phải đâu một ngày một buổi

Anh hùng di hận đến ngàn năm”.

Bình Luận từ Facebook