25-7-2018
Đồng ý với Bộ trưởng Nhạ, sai phạm ở Hà Giang và Sơn La là sự cố địa phương. Nhưng, chính những sai phạm ở Hà Giang và Sơn La cũng cho thấy rằng, Bộ không có cách gì để ngăn cản gian lận ở các hội đồng thi nơi mà các thành viên phụ thuộc vào quyền lực địa phương nhiều hơn vào Bộ.
Đừng đổ cho yếu tố con người. Một “quy trình ngày càng hoàn thiện” mà kết quả của nó lại là ngày càng dối trá thì có cần khư khư giữ không.
Dẫu VN vẫn chưa thoát ra khỏi truyền thống sùng bái khoa bảng. Nhưng, ngày xưa một năm có bao nhiêu sỹ tử đủ sức vác lều chõng ra Kinh. Hãy buông bỏ ngay cái gọi là “kỳ thi quốc gia” để xác định chính xác mục tiêu của giáo dục phổ thông khác với dạy nghề, đại học ra sao mà đưa ra chính sách thi cử cho phù hợp.
Với chương trình phổ thông, Bộ chỉ nên đưa ra bộ giáo trình khung, mỗi trường có thể lựa chọn cho mình bộ sách giáo khoa nào thích hợp miễn là đạt đến chuẩn kiến thức phổ thông của Bộ. Trong một lớp các giáo viên văn nghe nhà thơ Nguyễn Duy nói chuyện, một cô giáo vùng Tây Bắc kể, “Có năm, khi đề thi lấy thơ Nguyễn Duy – ‘Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng’ – các em người H’mong, người Thái… cắn bút vì không biết ‘cô đồng’ là gì cả”.
Chúng ta có 63 tỉnh thành và hơn 60 dân tôc nhưng văn hoá các em được dạy thì rất… Kinh. Chương trình học được áp đặt từ Bộ vừa không khơi dậy được sự khác biệt tinh hoa vừa không bổ sung cho nhau phần dân tộc này có mà dân tộc kia không có. Câu chuyện của cô giáo Tây Bắc cho thấy “kỳ thi quốc gia” đối với phần tốt nghiệp phổ thông không chỉ vô nghĩa mà còn có thể tạo ra những tình huống dở cười dở khóc.
Nếu tuyển sinh là việc của các trường đại học thì chắc chắn “thầy” Lương đã không phải liều mình sửa điểm cho con gái và hai đứa cháu của Bí thư Triệu Tài Vinh; và, các trường đại học sẽ không gặp cảnh tung hô những thủ khoa được đặt lên bục bằng sự gian ma của cha chú.
Như tôi đã nói, không có nền giáo dục nào mà cả trăm trường đại học đều đưa ra được những sản phẩm đào tạo chất lượng như nhau. Nên chấp nhận cho những trường vô danh để cho những học sinh ham học mà có học lực trung bình trở xuống ghi danh. Biết đâu, trong số các em, sau một vài học kỳ, được đánh thức tiềm năng để tìm đến những trường danh tiếng khác.
Hãy để cho các trường đại học tên tuổi lựa chọn phương thức tuyển sinh. Thi chỉ là một phần thôi. Bộ nên sớm có cơ chế để hình thành các trung tâm khảo thí hoạt động theo hình thức “sự nghiệp có thu”, “không hoặc thậm chí vì lợi nhuận”. Nhưng, ngay cả khi đã có các trung tâm khảo thí đó, các trường cũng nên được trao quyền để tuyển sinh dựa trên các kỳ thi của các quốc gia khác.
Năm 2005, tôi “share phòng” với một fellow đến từ Bộ Tài chính Hàn Quốc. Anh ấy cũng học một chương trình như tôi nhưng học bổng là do Chính phủ Hàn chi trả. Tuy Chính phủ Hàn chi trả nhưng công việc tuyển chọn lại được người Hàn thuê IIE (Mỹ) tuyển hộ. Chính phủ thông báo với công dân của mình có loại học bổng đó, ai đủ tiêu chuẩn thì nộp đơn cho IIE, nếu được IIE chọn thì Chính phủ gửi sang Mỹ và nuôi ăn học.
Có thể người Hàn ít “sỹ diện quốc gia” hơn ta. Cũng có thể họ thấy việc khai thác một thiết chế tuyển chọn có sẵn vừa tiết kiệm, vừa tránh được tham nhũng, gian lận trong nội bộ.
Tại sao, không để cho các học sinh đã có điểm thi IELTS hay TOEFL thay thế cho bài thi tiếng Anh. Tại sao không để cho một số trường sử dụng điểm thi SAT [Dẫu nhiều trường đại học Mỹ không còn dùng SAT vì nó “chỉ đo được năng lực trí tuệ, không thể hiện được tính cách, phẩm chất, khát vọng, sự độc đáo riêng” – như TS Phạm Thị Ly nói – thì khả năng đánh giá “năng lực trí tuệ” vẫn tốt hơn những gì Bộ Ta đang làm].
Ngoài các trung tâm khảo thí, Bộ cũng nên cho phát triển dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục. Cựu Bộ trưởng Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp Hội Các Trường Đại Học, Cao đẳng – năm 2015 nói, Hiệp hội của ông muốn lập một trung tâm kiểm định, Phó thủ tướng đã đồng ý nhưng Bộ (tiền nhiệm ông Nhạ) vẫn không cho [Đến năm 2017 Bộ GD thời BT Phùng Xuân Nhạ đã cho Hiệp hội này thành lập].
Không chỉ sử dụng các trung tâm kiểm định nội địa, tại sao lại không yêu cầu các trường quốc tế trước khi hoạt động phải có chứng chỉ chất lượng của các trung tâm quốc tế do Bộ chỉ định [quân của Bộ làm sao đủ sức làm].
Chuyện ông Nhạ tôi nghe khá nhiều (ở ĐHQG & Bộ), nhưng nếu trong lần bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ này mà ông vẫn “qua”, thì tôi mong, ông đừng tập trung quyền bính trong tay Bộ nữa. Nếu bắt đầu phân quyền từ đây, “lộc quan” cho tới hết nhiệm kỳ vẫn “dày”. Nhưng điều quan trọng hơn, cấp tư duy chính sách vĩ mô mà tranh viêc vi mô thì không những chính sách sẽ chắp vá, lấm láp lợi ích mà tính năng động của cơ sở cũng dần dần thui chột.
Từng bước từ bỏ tập quyền, khơi dậy trí tuệ của thầy trò, của nhà trường và xã hội thì nhỡ không may có gặp một ông Bộ trưởng kém, ngành giáo dục cũng không bị rơi vào thảm hoạ.
Huy Đức chưa nói về nguyên nhân mà Bộ GD&ĐT phải tiến hành ra đề thi chung vào ĐH từ năm 2002 nhỉ!?