Lò Văn Củi
24-7-2018
Mấy tháng liền không thấy tới quán cà phê với bà con cô bác, bữa nay ông Bác sĩ – Thầy Lang vườn mới ghé lại. Ông Hai Xích lô trố mắt:
– Ui chà, biền biệt phương trời nao, giờ mới xuất hiện ông Thầy?
Ông Thầy Lang thở cái phì:
– Dạ, đi xa, mệt quá chừng, đi tuốt luốt mấy nước. Mà hổng phải đi chơi mới mệt, đi tìm chỗ để học hỏi cách trồng lúa dìa giúp bà con ta.
Anh Sáu Nhặt trố mắt còn bự hơn ông Hai, anh thắc mắc:
– Thiệt hay chơi vậy ông Thầy? Lần đầu con mới nghe đó, nước ta có thể nói là cái nôi lúa nước chứ có giỡn đâu, rồi bây giờ trồng lúa xuất khẩu luôn đứng trong tốp 3 thế giới, và còn nghe nói đi truyền nghề cho nhiều nước khác như ở Trung Đông, châu Phi, Cuba, Triều Tiên mà. Ông Thầy nói nghe có vẻ ngược đời quá.
Ông Thầy Lang cười:
– Nghe đúng là lạ lùng, nhưng nước ta có hàng ngàn lẻ một chuyện lạ lùng hông đâu có được. Tuy mình có thể nói là trùm trồng lúa nhưng cũng có cái mới, cái hay chưa có, nên phải học hỏi.
Hổm lên mạng thấy được cách người ta trồng lúa… trên những con đường đi, những con đường ngập sình lầy, tràn trề nước nôi. Hai bên đường nhà cửa cũng sầm uất, trên các bảng hiệu thấy chữ mờ mờ, giống chữ nước Lào, nước Campuchia hay Myanmar gì đó, nên đi lùng tìm kiếm, nhưng dã tràng xe cát, tìm hổng ra, mệt ghê.
Bà con cô bác vỡ lẽ, cười ha ha. Anh Bảy Cà khịa rất phục ông Thầy Lang, anh nói:
– Ông Thầy tinh đời thiệt. Ứng dụng tìm kiếm trên mạng đâu thua gì lớp trẻ, rồi ông đi đó đây khắp các vùng quê, vùng nông thôn, vùng đồi núi cao… đi giúp đỡ bà con cô bác khắp nơi, thấy những con đường đi ở mình còn hơn trong ảnh ông thầy hen, ổ gà ổ voi quá chừng, nhiều quá xá nữa. Ông nhìn xa trông rộng, cần phải biến chúng thành ruộng lúa như người ta, bỏ chi uổng phí là quá đúng rồi.
Còn nữa chứ, thấy quá nhiều cảnh quan tham, tàn độc cướp đất của dân, dân còn đâu đất mà canh tác. Hổng tự bươn chải tìm kế sinh nhai có mà chết đói.
Anh Ba Thợ xây nhún vai:
– Đâu cần tới vùng quê, vùng đồi núi anh Bảy. Tui cũng đi đó đây xây dựng cho bà con, thấy ở khu dân cư đông đúc cũng rất nhiều những con đường như vậy. À, ngay cả có xưng danh luôn, là xã nông thôn mới, cũng chẳng khác chi đâu.
Làm ăn bây giờ khó khăn, những con đường này cũng nên trồng lúa luôn, hổng đủ gạo nấu cơm cũng được chút cháo.
Bà con cô bác lại được trận cười. Anh Năm Ba gác còn ngờ ngợ:
– Tui chạy xe cũng đây đó, dĩ nhiên là thấy nhiều con đường quá xá tệ, nhưng ở xã nông thôn mới cũng đến nỗi này luôn hả ta? Người ta làm để kiếm thành tích, để tự hào mà.
Anh Ba lắc đầu:
– Kiếm thành tích để báo cáo thôi, thành tích trên giấy chứ có thực tế đâu anh. Còn tự hào là đã ở trong máu rồi, chẳng có cái quái quỷ gì cũng vỗ ngực rêu rao tự hào.
Anh thì chỉ chạy lòng vòng trong thành phố là chính, anh chưa ra ngoại ô, vùng nông thôn, và các nơi xa khác nên chưa rõ.
Nói có sách mách có chứng để bà con cô bác và anh Năm thấy, cùng với nhiều kẻ còn u mê phải ngậm họng lại, hết cho là vu khống. Chẳng phải một mà có đầy. Sơ sơ vài nơi như sau đây.
Con đường nông thôn mới, gần 500m từ chợ Rồng đến Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An, hoàn thành tháng 12/2016, vừa mới làm xong đã dộp, bong tróc, sau đó thì nát như tương.
Đoạn đường từ ngã 3 Đồng Khởm, xã Phú Mỹ, nối với xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, dài 1,6km, làm xong đưa vào sử dụng đầu năm 2017. Đến ngày 22/12/2017, giữa sân UBND xã này đã diễn ra đại tiệc, rượu và mồi đầy ắp, quan chức, doanh nghiệp chúc tụng nhau rôm rả đón mừng chuẩn nông thôn mới, thì đoạn đường này cũng đã nát thành tương.
Ở huyện Hoa Lư, Ninh Bình, có xã nông thôn mới Ninh Vân, từ tỉnh lộ 477 có con đường đi vô xã, hiện nay người ta ví nó nát như chao, chứ tương còn đỡ.
Nhân tiện, nhấn mạnh thêm chỗ thành tích. Người ta chỉ cốt đẻ ra để được công nhận, coi như được tự hào, được hưởng bổng lộc rồi sau đó thì phủi tay. Như vụ chào mừng Festival Di sản Quảng Nam hồi tháng 6/2017, tại làng Tam Thanh, UBND TP Tam Kỳ đã khánh thành, đưa vào hoạt động Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, đón nhận kỷ lục Việt Nam về bộ tranh thuyền thúng đầu tiên và nhiều nhất Việt Nam, trong đó có con đường thuyền thúng thực. Tới bây giờ, con đường đã trở thành con đường thuyền… rác.
Anh Sáu tiếp tục thắc mắc:
– Vậy tiền thuế dân đóng ngày một cao, ngày càng có nhiều thứ thuế phải đóng, tiền đó để làm gì ta?
Chú Tám Thinh nảy người:
– Hổng biết thiệt hả Sáu? Là để người ta xây cổng chào thiệt to, thiệt bự, đi qua đi lại thấy những cái cổng rộng thênh thang, cao ngút trời là người dân đã mắt, sẽ quên hết nỗi lo những con đường đau khổ bên trong mà.
Là để xây tượng đài kỷ lục. Xây những công trình hành chánh khang trang, những khu vui chơi xa xỉ dành cho quan lại.
Là để làm lễ kỷ niệm chiến thắng tưng bừng, đẻ ra các lễ kỷ niệm này nọ để làm, như kỷ niệm ngày thành lập nọ kia, cho đến cả kỷ niệm danh xưng, địa danh…
Cứ có xây, có làm là có ăn, có chia. Xây một, làm một, ăn mười ăn trăm. Thậm chí chẳng cần làm gì cả, cứ lấy của dân ra mà ăn, mà vơ vét sạch sành sanh.
À, còn để kéo bè kéo phái đi khắp năm châu bốn bể, đi chu du, ăn chơi sa đọa mang nhãn mác đi học tập, giao lưu ở các nước tân tiến. Có học tập được cái giống ôn gì ra hồn đâu, toàn đốt tiền dân thôi. Chẳng thấy ai lặn lội thân cò như ông Thầy.
Ông Hai nảy ra ý kiến:
– Ông Thầy lên công an nhờ, ở đó có máy móc chất lượng sẽ phóng to, thấy rõ được hình ảnh, biết địa chỉ liền. Những cái máy họ phóng tìm bảng số xe này nọ á.
Ông Thầy Lang bĩu môi:
– Thôi, thôi, cho tui xin can. Bộ họ rảnh lo cho dân hả? Họ tìm bảng số để hốt tiền phạt ông Hai ơi, khổ quá. Tìm được xe ăn trộm ăn cướp cũng phải chia chác hết trơn kia kìa. Mà cũng chưa chắc có máy chất lượng, kê khống lấy tiền rồi mua máy cái máy xí củn làm màu. Họ bắt được là do bảo kê, bắt tay với dám anh chị lâu la.
Anh Bảy đồng tình:
– Chứ gì nữa. Có chuyện gì xảy ra, gọi năm lần bảy lượt chẳng thấy bóng dáng công an. À, có cách này, gọi là họ tới liền. Đó là báo có… biểu tình, nhứt là chống Trung Quốc, họ sẽ có mặt ngay liền.
Ông Thầy Lang chào bà con cô bác:
– Thôi tui tự đi tìm cách trồng lúa trên đường đây. Ai có ý gì hay báo cho tui nghen.
Bà con cô bác vừa chào ông Thầy Lang vừa cười khục khục.