Năm Lúa cãi thầy

FB Lương Vĩnh Kim

23-7-2018

Do đời sống chung khốn khó và những bất công xã hội kéo dài nên tôi dành thời gian mày mò nghiên cứu kinh tế, đặc biệt cái gọi là “Các qui luật kinh tế đặc trưng ưu việt – riêng có của chủ nghĩa xã hội”. Tôi cũng dùng phương pháp “Trừu tượng hóa khoa học” mà Karl Marx đã dùng để rọi vào các hiện tượng kinh tế và xã hội đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước ta và thế giới.

Tôi rất lưu ý hai hiện tượng: Một là, cứ đất nước nào chia đôi như Nam Triều Tiên với Bắc Triều Tiên, Đông Đức với Tây Đức, thì bao giờ, phía theo con đường Tư Bản cũng phát triển tốt hơn. Đặc biệt, dân cứ vượt biên về phía Tư Bản chứ không ai chạy về phía Chủ Nghĩa Xã Hội. Hai là, hiện tượng đấu tố, thanh trừng nội bộ, oan ức diễn ra trên diện rộng, cả những cán bộ cấp cao, một cách khiếp đảm, man rợ.

Một người từng là đồng chí vào sinh ra tử ngày nào thì bỗng dưng trở thành kẻ thù giai cấp, bị hành hạ, bị sỉ nhục hoặc bị bắn bỏ. Stalin diệt Trotsky; Mao Trạch Đông diệt Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu; …Đặng Tiểu Bình cũng bị đày ải suýt chết, phải nhẫn nhục đến “Ba lần ra vào Trung Nam Hải” mới giải được nỗi oan “là kẻ thù của nhân dân” mà các đồng chí của ông đã trùm lên cho ông trước đó.

Từ những nghiên cứu này, cộng với hiện tượng Boris Yeltsin – khi ấy là bí thư thành ủy Moskva – ôm cặp bỏ cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Liên Xô, là chúng tôi nhận ra ngay hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa không hiệu quả, đã sắp đến ngày sụp đổ. Tôi đem những ý tưởng dự báo này trao đổi với bạn bè và một số thầy cô. Chúng tôi cùng trăn trở, thảo luận thì thầm với nhau như các bác xe ôm ở vỉa hè. Dần dà, nó lớn, nổ ra cuộc tranh luận công khai.

Cuối 1988, chúng tôi – những sinh viên Khóa 11 Đại học Kinh tế TP.HCM – tự tổ chức các buổi thảo luận về môn học Kinh tế Chính trị Mác – Lê Nin, chỉ ra những bất hợp lý và phi khoa học của hệ thống lý luận môn học. Chúng tôi đòi loại bỏ môn học này khỏi kỳ thi cuối khóa. Thầy Đào Công Tiến – một hiệu trưởng đầu tiên được bầu – hiểu vấn đề và rất thương chúng tôi nhưng thầy ở tình cảnh “trên đe dưới búa”. Thầy Tiến phải cung cấp, giải trình cho an ninh về lai lịch và học tập của những sinh viên mà an ninh cho là “nhóm chủ xướng, cầm đầu”. Họ không tìm đâu ra dấu vết “phản động, kẻ thù” vì “nhóm chủ xướng, cầm đầu” đều là con những người cộng sản và là những sinh viên học tập nghiêm túc.

Chúng tôi đòi thầy cô, đặc biệt là thầy cô dạy môn Kinh Tế Chính Trị Mác – Lê Nin, phải đối thoại, tranh luận công khai với chúng tôi ở hội trường. Thầy Đào Công Tiến đã chấp nhận tổ chức một buổi đối thoại, tranh luận tại hội trường A. Tôi được dịp bày tỏ những trăn trở của mình về hệ thống chủ nghĩa xã hội và các qui luật kinh tế của nó. Với nhiều bức xúc về giáo dục đại học lúc đó, chúng tôi đòi cải cách giảng dạy và đòi loại bỏ môn Kinh Tế Chính Trị Mác Lê Nin ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp.

Thầy Đào Công Tiến đã rưng nước mắt. Một thầy giáo khác thì trách chúng tôi vô ơn với công thầy “Tôi đã đi dạy gần 30 năm, bây giờ nghe các em phát biểu, tôi thấy công lao của chúng tôi như đổ sông đổ biển“. Lập tức, tôi cầm micro: “Thầy dạy 30 năm mà dạy sai thì đó là tội chứ công lao gì? Tại sao những sinh viên này, mới ngày nào vào trường là những thanh niên trong sáng, lý tưởng cống hiến mà bây giờ sắp tốt nghiệp lại sinh ra tư tưởng chạy chọt vào những nơi xớ rớ dễ ăn của dân? Đào tạo ra sản phẩm lỗi kiểu này thì đất nước sẽ về đâu? Thầy xem lại thử đào tạo ra những sinh viên như thế là công hay là tội?“.

Thầy cô bị bất ngờ, im lặng, còn các bạn sinh viên K11 thì gần như đồng loạt vỗ tay. Tôi về chỗ ngồi, bên cạnh là an ninh Bùi Minh Hải ngồi kèm. Tôi nghe anh Hải nói khẽ “Thôi, Kim đừng phát biểu nữa. Mỗi khi ông lên, sinh viên bị kích động quá!“. Tôi mặc kệ anh ta. Tôi không cãi thì ai cãi?

Tôi cũng không ngờ rằng những gì mà chúng tôi cãi thầy đến nay vẫn như thế. Gian dối đã diễn ra trên diện rộng. Giáo dục ngày càng tha hóa, đào tạo ra nhiều sản phẩm hỏng, mang tính phá hoại.

Các anh Hà Giang ơi, nên bắt chước Nguyễn Công Trứ dùng mo cau che L. bò khỏi miệng thế gian để che tỉnh Hà Giang của các anh đi!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây