Vụ Tuổi Trẻ: Răn đe để… tăng khinh nhờn

Blog VOA

Trân Văn

20-7-2018

Quyết định của Bộ Thông tin – Truyền thông: Buộc tờ Tuổi Trẻ nộp phạt 220 triệu đồng và tạm đình bản “Tuổi Trẻ Online” – phiên bản của Tuổi Trẻ trên Internet – trong vòng ba tháng vì “thông tin sai sự thật” và “gây mất đoàn kết dân tộc” giống như một hành vi tự hủy hoại hệ thống công quyền.

Hai trong số những mục tiêu mà các loại hình phạt nhắm tới là răn đe và giáo dục cả đương sự lẫn đám đông, song phản ứng của đám đông thuộc đủ mọi giới cho thấy quyết định vừa kể không những không thể răn đe, giáo dục được ai mà còn khiến người ta thêm chán ngán, khinh bỉ hệ thống công quyền.

***

Hình phạt dành cho tờ Tuổi Trẻ được giải thích là hậu quả từ việc tờ báo này tường thuật rằng ông Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Đại biểu Quốc hội Việt Nam – đồng tình với cử tri là nên có Luật Biểu tình, trong khi ông Quang không nói và không nghĩ như thế. Đó còn là hậu quả từ việc tờ Tuổi Trẻ để cho độc giả nói tầm bậy, tầm bạ trên một diễn đàn bỏ túi quanh chủ đề, tại sao không đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giao thông ở miền Tây (khu vực đồng bằng sông Cửu Long) từ… tháng 5 năm ngoái…

Chưa rõ hình phạt dành cho tờ Tuổi Trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của tờ báo này nhưng sự nguy hại mà quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ gây ra cho hệ thống công quyền thì có thể cảm nhận ngay lập tức. Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền Việt Nam không giấu diếm khao khát giành lại quyền dẫn dắt dư luận. Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ chẳng khác gì một nỗ lực nhằm biến khao khát ấy thành ảo mộng bởi công khai khẳng định với công chúng rằng, hệ thống truyền thông chính thức không bao giờ có thể vươn tới độc lập, trung thực, khách quan thành ra không đáng tin.

Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn điện tử, không ít facebooker nửa đùa, nửa thật như Đặng Huỳnh Lộc rằng: Tôi chỉ đọc Tuổi Trẻ Online. Đình bản ba tháng, tôi phải xa rời sự tuyên truyền của Đảng. Đừng có thế lực thù địch nào lợi dụng nhé. Ở trang facebook của nhóm “Góc nhìn Nhà báo – Công dân”, Anh Mai nhận định thẳng tuột, hệ thống công quyền Việt Nam vừa tái xác nhận báo chí Việt Nam không phải là nguồn cung cấp tin tức mà chỉ là công cụ tuyên truyền. Tiểu Dần nêu thắc mắc, chẳng lẽ chúng ta quay lại thời Lê Duẩn, Trường Chinh (?). Có thể vì sợ các thành viên trong nhóm không hiểu thế nào là thời Lê Duẩn, Trường Chinh, Quy Duong Tran dẫn lại phát biểu để đời của ông Lê Duẩn (Chúng ta là Nhà nước XHCN, chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ) cho tất cả mọi người có thể hiểu tường tận ý của Tiểu Dần.

Thành công lớn nhất có thể nhận ra ngay sau khi quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ được loan báo rộng rãi là những thề thốt, hứa hẹn về một “nhà nước của dân, do dân, vì dân”, một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tất cả “sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, bị chính hệ thống công quyền bôi thêm cho rõ đen. Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ là lý do Chikien Nguyen nêu ra ba câu hỏi: (1) Phải chăng dân chúng cần phải hiểu rằng Trần Chủ tịch không thích Luật Biểu tình và cũng không có ý định chuyển tải ý chí của cử tri tới Quốc hội? (2) Nếu Tuổi Trẻ tường thuật sai thì Trần Chủ tịch hoặc đại diện của ổng đã chứng minh Tuổi Trẻ sai chưa? (3) Chẳng lẽ Tuổi Trẻ Online bị buộc gánh trọng trách kiểm soát nhận thức, hành vi, phát biểu của độc giả?

Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ cũng là lý do biến những lãnh đạo cao nhất của hệ thống công quyền trở thành đối tượng bị công chúng miệt thị. Cứ Nguyễn nhân đó xuất khẩu thành bốn câu thơ: Chủ tịch phát biểu nhỡ mồm. Thương chàng Tuổi Trẻ lồm cồm lụm lên. Bây giờ còn nhớ hay quên. Thằng nào “nói bậy” phạt đền cho kinh. Có những facebooker như Ngô Mỹ nhận định: Tuổi Trẻ quá nhát, không dám phản kháng. Ngài Chủ tịch Nhà nước quá hèn. Riêng Ngài Tổng bí thư quá lưu manh. Đáp lại, TrungKhang Nguyen biện bạch cho tờ Tuổi Trẻ: Không phản kháng thì chỉ đình bản. Phản kháng thì thành phản động luôn là chểt! Còn Huu Hung Nguyen biện bạch cho Tổng Bí thư: Không lưu manh sao làm được Tổng Bí thư?

Quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ không chỉ phản tác dụng trên thường dân. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, người từng đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam trong 13 năm, bình luận, quyết định tạm đình bản Tuổi Trẻ Online trong ba tháng là không hợp lý. Nó giống như đình chủ hoạt động của một hãng xe buýt công công chỉ vì một chiếc xe của hãng có vi phạm. Theo ông Dũng, quyết định tạm đình bản Tuổi Trẻ Online là sự trừng phạt hàng triệu độc giả và Bộ Thông tin – Truyền thông nên rút lại quyết định này.

Chanh Tam – người từng là phóng viên tờ Tuổi Trẻ, Tổng Biên tập tờ Sài Gòn Tiếp thị (bị giải tán vào năm 2014) – nhắn với giới hữu trách: Kỷ luật mà các vị định đọat, phần hợp lý chỉ làm người ta sợ chứ không phải là chuẩn mực khiến người ta tuân thủ hay có tính định hướng. Còn thì thấy buồn cười.

Chanh Tam nhấn mạnh: Sài Gòn Tiếp Thị hay Tuổi Trẻ Online sống bằng tiền của độc giả, không phải bằng ngân sách, càng không phải bằng tiền của Đảng. Đóng cửa hay đình bản thì cùng lắm Đảng chỉ bố trí được công việc cho những cán bộ lãnh đạo tờ báo vốn do cấp ủy quản lý. Hàng trăm người khác cùng gia đình họ mất việc, mất ăn, mất học không có trong lo lắng của các vị. Các vị không nuôi chúng tôi ngày nào. Người nuôi chúng tôi đang nuôi chúng tôi tử tế, các vị không cho họ nuôi nữa bằng cách tước của họ quyền tiếp cận sản phẩm. Các vị nói tự do báo chí mà miệng không mắc cỡ khi đó chỉ là tự do đóng cửa, đình bản báo chí. Tờ báo là của độc giả, cũng như đất nước này là của nhân dân, các vị phải hành xử có ngằn. Lý do mà các vị cho là sai phạm kéo dài thực ra chẳng phạm gì tới hoà bình thế giới, an ninh quốc gia, tiến bộ xã hội hay quyền lợi nhân dân cả. Đó chỉ là những nội dung làm công việc lãnh đạo điều hành của các vị khó khăn hơn mà nhiều lúc, nguyên nhân dẫn tới khó khăn chỉ là đấu đá với nhau rồi tuỳ tiện vin vào nhạy cảm chính trị để tước đoạt quyền tiếp cận sản phẩm của người ta, tước đoạt quyền sống, quyền làm việc, học hành của người ta thì tự do kiểu gì?

Quyết định xử phạt như giọt nước tràn ly, thúc Chanh Tam hỏi: Ai đã chỉ đạo không nhắc lại quá khứ đáng tiếc trong trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam thành chủ trương tuyên truyền không được “đụng” tới “bạn”? Ai biến chủ trương ấy thành kiểu thực hiện – xoá bỏ các ghi nhớ về Chiến tranh Biên giới 1979 với Trung Quốc hay các trận chiến Gạc Ma, Hoàng Sa? Hãy xử lý trước khi xử lý các tờ báo và các đảng viên trong các tờ báo ấy. Làm đi rồi hãy nói chuyện với chúng tôi về cái gọi là sai phạm kéo dài các vị ạ!

***

Nhìn một cách tổng quát, quyết định xử phạt tờ Tuổi Trẻ có khác gì thúc đẩy sự bất bình, khinh bỉ bùng lên mạnh mẽ hơn, tản ra trên bình diện rộng hơn?

Bình Luận từ Facebook