17-7-2018
Trong những ngày mà các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu bị đàn áp, tất cả báo chí im lặng, tôi đã rất thất vọng. Một trong những tờ báo mà tôi thất vọng nhất là tờ Tuổi Trẻ. Thất vọng vì trước giờ tôi vẫn hi vọng, đó là tờ báo dám nói sự thật.
Đến hôm nay thì Báo Tuổi trẻ Online đã bị đình bản 3 tháng. Còn nhớ cách đây hơn 43 năm, khi tôi còn rất trẻ, chưa hiểu được ý nghĩa của cụm từ “kí giả đi ăn mày”. Hồi đó, báo chí miền Bắc đưa tin, rằng tự do báo chí đã bị chế độ ngụy quân ngụy quyền bóp nghẹt. Bây giờ thì tôi đã hiểu rõ hơn, thế nào là tự do báo chí bị ngụy quân ngụy quyền bóp nghẹt.
Tôi không biết thực hư câu chuyện Chủ tịch nước phát biểu về Luật biểu tình ra sao, nhưng tôi nghĩ, với những chuyện được chế độ này cho là nhạy cảm như vậy, chắc Tuổi trẻ không tự dưng đăng lên mà không có bằng chứng. Nhưng nếu thực sự không có bằng chứng xác đáng mà đăng thì đó là sơ suất lớn. Vậy tại sao Tuổi trẻ không cho biết mình có bằng chứng hay không? Hay là, ngay cả việc cung cấp bằng chứng cũng là tội?
Tuy nhiên, bằng việc phạt tiền và đình bản TTO 3 tháng, người ta đã xác nhận, rằng Chủ tịch nước không ủng hộ việc thông qua Luật biểu tình. Vậy thì ai sẽ là người ủng hộ việc thông qua Luật Biểu tình? Ai sẽ là người tôn trọng Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, nơi xác quyết rằng quyền biểu tình là một quyền cơ bản của người dân?
Còn chuyện qui hoạch cao tốc ở Miền Tây, thì cá nhân tôi chắc chắn là có sự khác biệt rất rõ rệt về giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc, của khu vực miền Tây Nam bộ với các vùng ở miền Bắc. Điều khác biệt này tôi không chỉ cảm nhận, mà đã nói nhiều lần.
Cứ thử so sánh, toàn bộ khu vực phía nam, chỉ có 2 đường cao tốc (nếu không kể cái gọi là cao tốc ở Lâm đồng). Trong khi ở miền Bắc có bao nhiêu đường cao tốc? Hãy tính tổng độ dài các đường cao tốc ở khu vực Sài gòn và phụ cận, so sánh với Hà nội và phụ cận, và so sánh tổng sản phẩm hai khu vực này làm ra, thì thấy ngay bộ mặt thật của việc qui hoạch giao thông ở Việt nam như thế nào. Và khi đó thì chúng ta sẽ rõ, có phần biệt vùng miền hay không, và ai là người phân biệt vùng miền.
Cả cao tốc Sài gòn – Trung Lương và Sài gòn – Long Thành – Dầu giây đều quá tải, xe thường xuyên phải chạy dưới tốc độ tối thiểu. Trong khi đó thì tôi đã nhiều lần lái xe một mình trên các con đường cao tốc phía bắc, hiếm khi gặp xe đồng hành.
Và các kí giả hãy nhớ, nền báo chí của chúng ta là nền báo chí tự do, được bảo đảm bởi điều 25 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Tôi đang tự hỏi, có ai thực sự tôn trọng bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam không? Và bản Hiến pháp đó có giá trị như thế nào đối với công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam?
Bài viết hay nhưng xin đừng dùng từ”kí” thay cho “ký” trong ký giả. nếu trước 75 tôi viết thế thì sẽ bị trừ 1/2 điểm.