16-7-2018
Điều nghịch lý báo chí ở Việt Nam là ở chỗ, báo chí không được coi là hoạt động công vụ, nhưng lại cũng không phải là một định chế dân sự, và bất cứ hoạt động nào cũng nằm dưới sự quản lý tuyệt đối của cơ quan chức năng gồm Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông, cùng một số cơ quan liên quan khác.
Mỗi khi cơ quan quản lý cho phép thì được đăng, nếu không phải gỡ bỏ, nếu có sơ sảy hay kể cả bất kỳ trường hợp nào, cơ quan quản lý đều có thể ra quyết định hành chính để xử phạt và đình bản đối với hoạt động báo chí của tờ báo hay tạp chí nào đó, mà đáng lẽ ra, việc khiếu kiện về thông tin và hoạt động báo chí thuộc về lĩnh vực dân sự và thông qua thủ tục kiện tại toà án, vì rằng chỉ có toà án mới có quyền phán quyết về một hoạt động hay thông tin nào đó là xấu hay gây hại cho người, tổ chức khác. Và một vụ kiện cũng chỉ có thể được khởi phát bắt đầu từ một đơn kiện của một chủ thể liên quan nào đó (bị xâm hại hoặc gây ảnh hưởng tới quyền lợi) đưa ra toà án giải quyết, kể cả đó là cơ quan nhà nước.
Hơn nữa cần bàn thêm rằng, lý do đình bản và xử phạt báo Tuổi Trẻ với hai lý do cực kỳ thiếu cơ sở và mang tính suy diễn áp đặt chủ quan (như kiểu giám định tư tưởng của Bộ Thông tin – Truyền thông thường làm trong các vụ án chính trị về tội tuyên truyền chống nhà nước) từ những người có chức vị.
Họ không có căn cứ pháp lý dẫn chiếu nào, họ tự giải thích, tự đặt ra các khái niệm. Điều oái oăm tiếp theo là họ còn căn cứ vào các bình luận ở phía dưới các bài báo (bài viết) để coi đó là cơ sở để quy trách nhiệm rồi từ đó xử lý đối với tác giả bài báo (bài viết), tức một tài khoản nào đó đăng bình luận thì chủ bài viết phải chịu trách nhiệm về nội dung của nó.
Đây là điều nghịch lý và trớ trêu đến mức thô thiển vì đáng ra nó không thể được phép tồn tại với bất cứ hình thức nào đối với các hành vi pháp lý nhưng nó vẫn được sử dụng một cách khá là thường xuyên, không chỉ trong lĩnh vực hành chính, ngay cả trong tố tụng trong hệ thống tư pháp (xét xử). Và để có thể xử lý một chủ tài khoản nào đó thì thật đơn giản, họ có thể tạo ra hàng trăm, ngàn tài khoản để bình luận với hướng tiêu cực, phỉ báng hay kích động hận thù, chiến tranh, chia rẽ dân tộc, và như vậy việc xử lý chỉ đơn giản là hoàn thiện về mặt thủ tục.
Báo Tuổi Trẻ có thể khởi kiện quyết định hành chính xử phạt vừa mới được ban ra ngày 16/07/2018, của Cục Báo chí, để giải quyết thấu triệt tất thảy những vấn đề pháp lý, để từ đó làm tiền lệ cho việc hoạt động chính đáng, tự do và hợp hiến của mình, cũng như của lĩnh vực báo chí (được mệnh danh là quyền lực thứ tư) trong tương lai.