13-7-2018
Ở những “đặc khu” thời xưa, nếu phân tích kỹ, cũng sẽ thấy việc thương nhân ngoại quốc lũng đoạn kinh tế bản xứ, cướp đoạt không ít của cải, tài nguyên, đồng thời gieo rắc ảnh hưởng văn hóa của họ.
Đây, sự phân tích của học giả Nguyễn Văn Xuân:
“Tôi chỉ muốn trình bày một sự thật và đi tới nhận định ai cũng thừa biết: cái gì do thực dân, thương gia, nhà truyền giáo ngoại quốc mang lại cũng đều có mang ẩn ý xấu xa kể cả những việc ích lợi. Phật giáo do thầy Huyền Trang băng ngàn lội suối sang Tây Trúc rước về Trung Quốc không thể là Phật giáo do gian thương Trung Hoa mang sang ta (1). Điều chứng minh cụ thể nhất là Thích Đại Sán sang Việt Nam không phải để truyền giáo mà là để xin rất nhiều vàng của chúa Nguyễn Phúc Chu về dựng chùa, dựng miếu bên Tàu dưới danh nghĩa… cúng dường (2).
Và Sán, theo truyền thuyết là một nhà sư xấu xa, biết vẽ cả “một tập hình tố nữ với kiểu chơi bí mật rất khéo để dua mị các quý nhân”, việc đó chưa biết chừng cũng có kiểu chơi bí mật nào? Mà với nhà sư mà dám có sự nghi ngờ đến thế thì thiết tưởng cần gì phải nói, cần gì phải nói cuộc vãn du sang Nam Hà chỉ là cuộc buôn lậu khỏi thuế với số tăng chúng mang hàng hóa những 50 người (3).
Tôi trình bày thế cốt để bạn đọc thấy rõ thêm địa vị cực kỳ quan hệ của Hội An, nơi tiếp nhận bốn phương nhân vật, cửa ngõ quốc tế của Hội An, sức mạnh phi thường vô song của thương gia Trung Hoa với những mưu toan kỳ dị của họ để độc chiếm những cửa ngõ trên nhiều quốc gia mà Nam Hà, với Hội An, là một chứng minh hết sức hùng hồn. Vậy thì một phần văn minh Nam Hà, văn hóa Nam Hà, Tôn giáo Nam Hà, khi ly khai miền Bắc chính là một cống hiến, không phải của chính trị gia Trung Hoa mà là của thương gia Trung Hoa.
Họ thao túng mọi phương diện ở Nam Hà mà riêng Quảng Nam, phải chịu cái ảnh hưởng sâu xa nhất. Ngoài nho, y, lý, số, ngoài bình hương, thỏi trầm, ngoài tấm hàng, chén thuốc, đôi dép, cái khăn… (nghĩa là tất cả nhu cầu của thời ấy sau gạo và cá thịt do dân bản xứ tự cung cấp), người Quảng Nam còn chịu theo cả những tục lệ của họ: khắp Trung Việt, không nơi nào trên bàn thờ ngày Tết có cái bánh tổ thì những bàn thờ ở Quảng Nam đều có. Nếu không có, không thành Tết!
CHÚ THÍCH
(1) Chẳng hạn, chúng ta không thể so sánh đạo Phật ấy (do thương gia Tàu mang vào) – có lẽ cũng như Thiên Chúa giáo do thương gia Âu Tây mang vào với phong trào vận động chấn hưng Phật giáo đã thành lập Nam kỳ Phật học hội năm 1931, Trung kỳ Phật học hội 1932 và Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội 1934. Tuy Phật giáo Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng chấn hưng Phật giáo ở Tàu, nhưng đó chỉ là một thúc đẩy ở bên ngoài, còn bên trong vẫn là sự nỗ lực duy tân của chính lực lượng thiền môn Việt Nam. Do đó, tuy chưa đạt những thành tích lớn ngay, nhưng Phật giáo đã nuôi cái chí tự lực, tự cường và dân tộc hóa để dẫn tới những hoạt động lịch sử gần đây. Nói cách khác, nếu không có công cuộc duy tân ấy của Phật giáo sau năm 1931, chỉ quen truyền thống xem Phật giáo Trung Hoa, tăng sĩ Trung Hoa là chân lý như trước thì Phật tử hiện nay không thể đứng ra, tự lực dám đương đầu với những trở lực lịch sử chứ đừng nói là dám làm lịch sử.
(2) Chúa cúng năm ngàn lượng (ngũ thiên kim), khủng khiếp chưa! Đó là chưa kể tiền, gạo, yến sào, dầu dấm, tương, muối, hương tiền, cho đến kỳ nam hương, trân châu, vàng bạc, người ta đem đến tặng biếu ngày nào cũng có. (Theo sự ghi chép của Thích Đại Sán).
(3) Các tài liệu này đều rút ở Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự. Viện Đại học Huế, 1965. Tập tài liệu có một giá trị sử rất lớn.
Trích Nguyễn Văn Xuân: Phong trào Duy Tân, tái bản 1995, tr. 67-69
Chúa Nguyễn cho sư Tàu nhiều vàng bạc thì việc đó phản ánh các ưu tiên của một ông vua Việt Nam thời đó. Trong đó, có thể vẫn có phần lo cho quốc thái dân an — bằng cách xin các đấng thiêng liêng độ trì. Vua Việt thời đó chắc không biết thâm thủng ngân sách là gì! (Các vua Pháp và Anh đến thời đó đã biết.)
Mặt khác người Minh Hương vào Hội An là đi tị nạn, sau đó định cư luôn. Người Việt hải ngoại đang chẳng tự hào là giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời đóng góp vào sự đa dạng văn hóa xứ người hay sao?