13-7-2018
Khi tiếng súng Đăk Nông vang lên giữa rừng sâu, tối hôm đó, 23.10.2016, tôi có mặt ở Đăk Nông. Nhưng trời mưa, đường lầy, tôi không thể vào rừng mà quày ngược về Đồng Phú, Bình Phước, để tìm vào làng của những nạn nhân.
Sáng hôm sau, tôi vào làng của những người Stieng. Các nạn nhân chết bởi nòng súng của Đặng Văn Hiến là người Stieng, Hiến là người Nùng. (Thời điểm này, đồng nghiệp Mai Quốc Ấn tự lội vô rừng, Ấn nhờ dân đưa vô rừng, vào hiện trường vụ bắn cách đường lớn khoảng 20km).
Trên đường đi, những cái loa móc trên cột điện ra rả những bài ca ngợi đất nước tươi đẹp giàu có nhân nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân… dân là chủ…
Vào làng, tôi rất lạ lẫm khi những ngôi nhà không hề có tiếng khóc. Cũng không có gì buồn bã hơn, bởi khung cảnh xung quanh vốn đã buồn bã quá sức rồi. Có vẻ như cuộc sống của những công dân nước mình, chỉ cách thị xã Đồng Xoài chục km, lại cách biệt đến mức không thể nào khổ hơn và buồn hơn. Dân làng thấy người Kinh – là tôi, thì cũng trò chuyện. Họ nói, vẫn chưa đưa được thi thể ra ngoài. Cũng không biết khi nào thì có thể ra, bởi sau vài cơn mưa thì giao thông coi như đứt.
Dưới đây là bài viết của tôi trong ngày 24.10:
“Bà ngoại Điểu Vinh sống trong làng của người Stiêng, nghèo khó như những người Stiêng khác. Năm 1999, con gái bà là Thị Sa, đã 30 tuổi, cưới được chồng là Điểu Hải, mới 22 tuổi, rồi bắt rể. Gia đình họ ở trong cái nhà nát tại ấp 5, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cách trung tâm tỉnh là thị xã Đồng Xoài hơn chục km.
Năm 2000, Thị Sa sinh Điểu Vinh. Một tổ chức nước ngoài – nước Úc, cất cho cái nhà tình thương, bé xíu. Điểu Vinh có đứa em gái tên Điểu Lan, sinh năm 2004. Nhà nghèo, học lớp 4 Vinh nghỉ học đi phụ hồ, rồi đi bốc vác. Cách đây một tháng thì được rủ rê đi “bảo vệ rừng”.
Điểu Lan học giỏi hơn anh trai, nhưng năm ngoái cũng phải bỏ học khi chưa xong lớp 5 vì nhà nghèo quá, ăn không no lấy gì học. Mà học để làm gì?
Hôm qua, Vinh bị bắn chết khi đang cùng những người anh em của mình bảo vệ đất cho ông chủ. Vinh và những người khác nhận lệnh xúc nhà của một người nghèo khác ra khỏi đất, trả lại đất sạch cho chủ.
18 người trúng đạn, Điểu Vinh và Điểu Tào (là bạn, người Stiêng) chết tại chỗ. Điểu An (cháu họ Vinh) bị thương nặng. Tại hiện trường, chiếc xe bánh xích càn quét vườn điều của một người dân nghèo, những vết máu loang lỗ mặt đất của 18 con người bảo vệ cho chiếc xe bánh xích…
Tại nhà các nạn nhân, những ông chủ biến mất, không một lời hỏi han. Không một tin nhắn.
Người Stiêng bắt một cái nồi lớn để nấu nước, chờ xác Vinh về lo chôn cất. Lửa tắt than tàn, xác chẳng thấy đâu. Cái xe cũ nát không biển số là tài sản lớn nhất của cậu bé xấu số.
Khung ảnh thờ thì nằm trong góc nhà, không có ảnh.
Chú bé có một cô bạn gái người Stiêng, nghe kể, đã nắm tay được một hai lần gì đó.
Chú bé này và rất nhiều chú bé khác, được đám đại gia thuê vào rừng để bảo vệ tài sản cho đại gia.
Một số tờ báo (do thiếu thông tin) nên gọi họ là kiểm lâm, hoặc cán bộ bảo vệ rừng.
Thực chất, đây là nhóm lao động trẻ em, bảo vệ ông chủ. Họ còn rất trẻ, ít chữ, không được trang bị kiến thức và vốn sống, chỉ có sức khỏe. Ông chủ đưa họ vào rừng, kiếm cơm bằng cách đập bể nồi cơm của kẻ khác. Những kẻ lợi dụng họ là những thằng người táng tận lương tâm.
Trong căn nhà tình thương trống hoác, chỉ có những người Stiêng đang thẩn thờ chờ thằng Điểu Vinh đẹp trai trở về.
Khi Điểu Vinh và những Điểu khác bị giết, mới hay, thân phận họ như con kiến”.
***
Tôi rời nhà nạn nhân, thấy dọc đường treo đầy biểu ngữ tụng ca, mà cảm thấy buồn khi người xứ mình phải tá túc trong căn nhà do xứ người tài trợ.
Điểu Vinh, Điểu An, Điểu Tào, và Đặng Văn Hiến, đều là người dân tộc thiểu số. Hiến không biết thuốc lá, cũng chưa từng rượu bia, mà cuộc sống bí bách đến mức phải chạy từ phía thủ đô về tận Tây Nguyên, rồi lầm lũi vào rừng sâu để sống. Vậy mà những kẻ tham ác vẫn đâu có buông tha.
Đất đai Hiến và dân làng trồng cây, chúng cho tàn phá. Dân làng chống cự, thì ăn dao ăn rựa. Có người bị chúng vạt một nửa hộp sọ, chỉ vì họ cố giữ lấy miếng cơm. Bọn tham ác vừa sử dụng cán bộ biến chất, vừa sử dụng những đứa trẻ như Điểu Vinh, phát cho vũ khí để chém đồng loại, vì ai cũng cần cơm để sống.
Ngày 27.10, Ấn gọi, nói Hiến muốn đầu thú. Nhưng Hiến không tin chính quyền địa phương và muốn đầu thú với Bộ Công an, có nhà báo và luật sư. Hiến muốn mọi người biết được sự thật. Sau khi Ấn kết nối được với tướng Hồ Sỹ Tiến, trong đêm 27.10, luật sư Nguyễn Kiều Hưng lái xe đưa Ấn và tôi đi Đăk Nông. Rạng sáng, Hua Phuong theo xe của C45 đi từ Sài Gòn, chúng tôi hẹn nhau ở bìa rừng, cách hiện trường vụ án vài chục km.
Và rồi Hiến ra đầu thú trong nước mắt dân làng. Không một ai tin rằng pháp luật sẽ tước đi mạng sống của Hiến – vì anh ta đã bị dồn vào đường cùng.
Những người làm báo như chúng tôi thì nghĩ đến cái kết thúc có hậu như Vụ án Đồng Nọc Nạn.
Nhưng Hiến vẫn bị tuyên tử hình, ở cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Tôi hoang mang tự hỏi, nếu sau này gặp cảnh tương tự, thì nên báo công an để lập công, hay lẳng lặng “che giấu tội phạm”, hay ngồi canh ở một cái hốc nào đó, chờ tiếng súng nổ và người chết thì xông ra quay cảnh máu tươi để tờ báo tăng view?
Pháp luật đã không hề khoan hồng với Hiến. Trong friendlist của mình, tôi có những người bạn là đại biểu quốc hội.
Tôi ước có ai đó vượt qua nỗi sợ hãi, lên tiếng. Để thấy rằng, xã hội này còn có lòng nhân. Ít nhất, là bằng 90 năm trước, với quan tòa người Pháp, ở cánh đồng Nọc Nạn.