Chết cho quê hương mình

FB Đỗ Cao Cường

11-7-2018

Thật buồn vì sự thờ ơ, vô cảm của lãnh đạo UBND xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội mà bà Cao Thị Thỏa phải đi ở nhờ, ra đường nhặt rác. Giữa trưa nắng chang chang, hai chị em dắt tay nhau lên ủy ban đòi nhà mà người ta lại cúp điện phòng tiếp dân, khiến cho bệnh tim của em gái bà Thỏa tái phát, huyết áp tăng 180/100 mmHg, suýt nữa thì lăn đùng ra chết, một cái chết đau đớn và đầy oan ức, ngay trong UBND xã Tân Triều.

Từ khi bị mất đất, bà Cao Thị Thỏa phải đi nhặt rác kiếm sống. Ảnh: GĐ

Ngày hôm nay, con trai người đàn ông tự thiêu Bùi Hữu Tuân – nguyên trưởng thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, Hà Nội lại gửi cho tôi thêm nhiều bằng chứng vô tội của bố anh ấy, nhưng có lẽ, những gì tôi đưa lên đây đã đủ rồi, cơ quan công an cũng đã biết, vấn đề là họ có điều tra đến cùng hay không mà thôi.

Cũng không hiểu tại sao, câu chuyện về người đàn ông tự thiêu khiến cho tôi liên tưởng tới một anh bạn làm ở báo Pháp luật Việt Nam, mặc dù gia đình bạn ấy nghèo lắm, nghèo đến nỗi nhìn thấy ngôi nhà hai tầng rách tươm của nhà tôi, bạn ấy đã thốt lên rằng sao có điều kiện thế mà vẫn còn đi nói xấu chính quyền.

Và trong những giây phút cuối đời ấy, người đàn ông tự thiêu vẫn một mực tin vào các đầy tớ, cuối cùng, vẫn bị ông phó thủ tướng phán một câu xanh rờn: Trưởng thôn là người có tội!

Điều đó khiến cho tôi liên tưởng tới câu chuyện hàng triệu thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ, khi mà cả cuộc đời họ cũng chỉ loanh quanh bên mấy giậu mồng tơi, những cánh diều no gió cùng lời ru, tiếng hát ngọt ngào của bà, của mẹ… rồi cho tới một ngày, ai đó có thế lực, có lý luận đến làng họ phân tích về thời cuộc, về lý tưởng sống, mặc dù họ không có nhiều cơ hội để nghe, để học, không có sự va vấp đủ đầy trong một thế giới rộng lớn và mênh mông, nhưng như đạo Đức chúa trời vậy, họ đã coi đó là “mặt trời chân lý” và rồi họ lên đường, đến lúc sắp chết họ vẫn nghĩ tới việc con cái sau này phải chết theo cách của họ.

Còn tôi thì khác, mặc dù trên đường phóng xe máy suốt chiều dài đất nước, vào những ngày mưa phùn, rét buốt, tôi đứng trên một quả đồi sạt lở và bên dưới là những tay cảnh sát trá hình, xã hội đen, dân oan… tôi vẫn cố giơ máy quay ra, lúc đó có thể bị đánh chết, nhưng tôi nhận thức được rằng tôi chết cho những điều đáng được chết, chứ tôi không chết cho một chủ nghĩa không có gì ngoài sự mơ mộng.

Lẽ ra, giờ này, tôi cũng đã có mặt tại vùng chiến sự Formosa, nhưng vì sự quan tâm, lo lắng của người bạn gái, cùng những lời khuyên đầy nghĩa tình của những người chị bản lĩnh và tử tế như Lê Hoài Anh, Minh Hằng, Nguyễn Lai… nên tôi phải cân nhắc, thận trọng hơn, thận trọng để còn đi đường dài.

Và hiện nay, tôi đã bắt đầu dành nhiều thời gian ôn ngoại ngữ, nếu sống sót thì một, hai năm nữa tôi sẽ lên đường tới tham quan các nước “tư bản giãy chết” cũng như tham gia vào vài ván cờ quốc tế.

Còn nếu không đi thì cũng không sao, những trải nghiệm trong cái đất nước này cũng đã đủ cho tôi sống vài đời rồi, và nó cũng đã lấy đủ nước mắt của người đời.

Nhưng, dù thế nào đi nữa, mai mốt tôi vẫn phải lên đường, lần đi này khác lần đi trước, tôi không còn muốn làm cho bất kỳ báo đài nào nữa, tôi muốn thực hiện những tác phẩm độc lập.

Nếu chẳng may có chết như chị Hải Đường thì tôi vẫn mong rằng đó sẽ là cái chết đẹp. Còn nếu cứ sợ hãi thì cũng sẽ chả làm được gì, phải có người chết thì mới có dư đất cho người khác sống.

Trên thực tế, nhiều ngôi làng mình quay lại, trong vai một người lạ, tôi hỏi họ có biết Lê Công là ai không? thực sự họ không biết Lê Công là ai cả. Thế có biết Hải Đường, Tuyết Vân, Quốc Ấn, Helly Cường là ai không? họ đã tiếp xúc rồi.

Cho nên, không có gì là vô ích cả, và cũng chả cần ai trao giải thưởng này nọ, cũng chẳng có giải Nobel, Ngô Bảo Châu nào dám vỗ ngực nói là hơn họ, khi mà họ đã dám vượt qua mọi nỗi sợ hãi, chấp nhận chết cho những điều tốt đẹp nhất, chấp nhận bị nguyền rủa, bị nguyền rủa vì tình yêu đối với quê hương, đất nước này!

Bình Luận từ Facebook