Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông ở đâu trong giấc mộng bá quyền đại Hán của Trung Quốc?

Đạt Nguyên

11-7-2018

“Trung Quốc dùng hai gọng kìm kiểm soát Biển Đông, đe dọa căn cứ Cam Ranh”

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Thượng viện Canada đã thông qua bản kiến nghị lên án mạnh mẽ “thái độ thù địch và leo thang” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền tuân thủ quyền tự do hàng hải và không lưu trong khu vực theo đúng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Biển, theo Global & Mail đưa tin hôm 25/04/2018.

Việc bản kiến nghị được thông qua là thắng lợi của Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ người gốc Việt, ông Ngô Thanh Hải. Trao đổi với RFA, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải cho biết “Trung Quốc luôn dùng sức mạnh của mình để lấn át và cưỡng chiếm. Khi cùng thảo luận với sự quan tâm của quốc tế thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ e dè, sẽ dừng chân…nhưng mình cũng không thể đoán Trung Quốc sẽ làm gì. Tuy nhiên mình đã nêu lên như thế thì các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu có thể áp lực Trung Quốc”.

Những ai từng ngây thơ tin rằng Trung Quốc đã có thiện chí hợp tác trong vấn đề Biển Đông như những lời “đầu môi chót lưỡi” họ từng rêu rao “đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hòa bình và ổn đinh trên Biển Đông” đã đến lúc cần tỉnh ngộ trước khi quá muộn. Thực tế cho thấy thời gian im ắng kể từ sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông cho đến khi Tập Cận Bình hoàn tất thâu tóm quyền lực tuyệt đối tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là giai đoạn “ẩn mình chờ thời”, như họ đã từng áp dụng nhiều lần trước đây.

Một hành động đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc là việc Tập Cận Bình trực tiếp chỉ huy quân đội từ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên Biển Đông hồi tháng 04/2018. BBC đưa tin có hơn 10.000 binh sỹ hải quân, 76 máy bay chiến đấu và hạm đội gồm 48 tàu và tàu ngầm tham gia vào cuộc diễn tập.

Ông Tập Cận Bình quan sát cuộc tập trận hải quân trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ngày 02/05/2018, hãng tin CNBC của Hoa Kỳ đưa tin rằng Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không trên ba hòn đảo nhân tạo bồi đắp trái phép bao gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn tại Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 18/05/2018, quân đội Trung Quốc công bố video một oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai hôm sau, ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ cho thấy Bắc Kinh đã triển khai thêm hai hệ thống tên lửa phòng không trên hòn đảo này, tương tự mẫu HQ-9 mà Trung Quốc đưa tới đây vào năm 2016.

Trước đó, tờ Wall Street Journal cho hay Trung Quốc cũng đã lặng lẽ triển khai các thiết bị gây nhiễu sóng liên lạc và sóng radar trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.

Mới đây nhất, tại kỳ họp quốc hội Việt Nam, ông Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết thời gian qua, nhiều tàu cá Trung Quốc đã vào sâu trong vùng biển Việt Nam. VN Express dẫn lời ông Chiêm cho biết dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách Trung Quốc, ngư dân nước này đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý. “Có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc, tuyên bố vùng biển này của nước họ nên đã xua đuổi ngư dân Việt Nam”, ông Lê Chiêm nói. “Trong tháng 04 có ba vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu cá Trung Quốc hoạt động tương tự như trên; có những lúc tàu ngư dân họ vào cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt”. Nhận định đây là thủ đoạn xâm lấn, tuyên truyền để thực thi đường lưỡi bò trái phép, ông Chiêm nói: “Chúng tôi đã tổ chức vận động, kiên quyết xua đuổi các tàu thuyền nêu trên ra khỏi khu vực”.

Trong một bài viết trên VNExpress, ông Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), cho rằng Trung Quốc có thể được xem là đang áp dụng một biện pháp hai gọng kìm nhằm thiết lập sự kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa các tiền đồn đã kiếm soát và xây dựng phi pháp, đặc biệt là bảy hòn đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa, nhằm tăng cường năng lực triển khai sức mạnh quân sự của mình và răn đe chống lại các đối thủ trên biển. Mặt khác, Bắc Kinh cũng đã tinh gọn hóa các lực lượng trên biển và củng cố cơ cấu chỉ huy của chúng để thực thi quyền kiểm soát trên biển hiệu quả hơn.

Ông Lê Hồng Hiệp nhận định rằng, đối với Việt Nam, việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên ba hòn đảo nhân tạo đặt ra một mối đe dọa đáng kể cho các điểm đảo mà Việt Nam đang nắm giữ tại Quần đảo Trường Sa, cũng như căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh, vốn được cho là nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Trong khi đó, việc quân sự hóa lực lượng Hải Cảnh của Trung Quốc có nghĩa là các cuộc đụng độ trong tương lai giữa lực lượng này với các lực lượng trên biển của Việt Nam sẽ có nguy cơ tạo ra căng thẳng lớn hơn và khả năng đối đầu vũ trang cao hơn.

“Vành đai, Con đường”: Công cụ hiện thực hóa giấc mộng bá quyền Đại Hán

Tại Hội nghị Toàn cầu về Hạ tầng Bền vững lần thứ 5, ngày 27-28/05/2015 tại Basel (Thuỵ Sỹ) mà người viết tham gia, ông Alex Zhang, Giám đốc điều hành của Eco Forum Global, được ban tổ chức mời trình bày về “Sáng kiến một Vành đai, một Con đường” (“One Belt, One Road Initiative”) do ông Tập Cận Bình đề xuất. Eco Forum Global là một tổ chức thành lập tại Trung Quốc năm 2009, được giới thiệu với sứ mệnh thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai các chính sách liên quan đến chuyển đổi kinh tế xanh và an ninh sinh thái. Mở đầu bài phát biểu, ông Alex Zhang điểm qua những mốc thời gian phát triển “Sáng kiến” trên:

  • Tháng 09/2013: Ông Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (Silk Road Economic Belt) khi đến thăm Kazakhstan. Vành đai này kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á và Tây Á bằng đường bộ.
  • Tháng 10/2013: Ông Tập Cận Bình lại đề xuất thiết lập “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” (21st Century Maritime Silk Road) và “Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á” (Asian Infrastructure Investment Bank, AIIB) trong một bài phát biểu tại Quốc hội Indonesia. Con đường tơ lụa này kết nối Trung Quốc bằng đường hàng hải với các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu thông qua biển Đông, biển Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
  • Tháng 10/2014, Biên bản Ghi nhớ về việc thành lập AIIB đã được ký kết tại Bắc Kinh bởi 21 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
  • Tháng 11/2014, Ông Tập Cận Bình tuyên bố đóng góp 40 tỷ US$ để thành lập “Quỹ Con đường tơ lụa” (Silk Road Fund).
  • Tháng 04/2015, có 57 quốc gia đến từ 5 châu lục được phê duyệt là thành viên sáng lập của AIIB, trong đó có cả những nước lớn ở châu Âu như Đức, Pháp, Anh… Hiện nay AIIB vẫn đang để ngỏ khả năng tham gia cho các quốc gia khác.
  • Ngày 20-22/05/2015, cuộc họp lần thứ 5 của các trưởng đoàn đàm phán 57 nước thành viên sáng lập AIIB đã thống nhất ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015. Dự kiến tổng số vốn ban đầu là 50 tỷ US$, sau đó được nâng lên thành 100 tỷ US$.  Trung Quốc là nước góp vốn lớn nhất với khoảng 30%.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ và Nhật Bản quyết định không tham gia AIIB. Ông Alex Zhang đã nói điều này một cách “trơn tuột” như sau: “Sáng kiến này như là một chất xúc tác đã thúc đẩy các nguồn vốn khác tiếp tục đổ vào cho đầu tư hạ tầng, như Nhật Bản đã công bố sẽ dành 100 tỷ US$ trong vòng 5 năm tới để đầu tư hạ tầng tại các nước châu Á”. Giải thích cho “Sáng kiến một Vành đai, một Con đường”, ông Alex Zhang cũng rất “ngon ngọt” đưa ra 4 “hảo ý”: (1). Mở rộng nhu cầu đầu tư toàn cầu và hỗ trợ kinh tế thế giới; (2). Thúc đẩy kinh tế và thống nhất (integration) châu Á; (3) Củng cố và tăng cường hợp tác quốc tế; (4). Phân bổ hợp lý các nguồn vốn. Nghe ra hấp dẫn quá!

Có thể nói, gần đây Trung Quốc đi khắp thế giới tham gia hầu hết các diễn đàn quốc tế, giới thiệu đất nước họ và các “sáng kiến” của họ một cách đường đường chính chính với tư thế “cửa trên”.

Hai học giả Tomoo Kikuchi và Takehiro Masutomo đến từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu trong bài viết “Sự rắc rối với các kế hoạch hạ tầng của Trung Quốc tại Asean” trên tạp chí Diplomat ngày 21/05/2015 đã đặt câu hỏi và trả lời “Tại sao nguồn vốn từ Bắc Kinh có thể chứng minh là một ly thuốc độc” [The Trouble With China’s Infrastructure Plans in ASEAN. Why financing by Beijing may prove to be a poisoned chalice], với ý rằng sự cạnh tranh cho vay với ADB và WB có thể đưa đến một sự dễ dãi trong thẩm định các dự án hạ tầng từ phía các định chế tài chính do Trung Quốc thiết lập, các quốc gia càng hăm hở đi vay thì Trung Quốc lại càng háo hức cho vay. Điều này làm cho các rủi ro của các dự án hạ tầng với chu kỳ tồn tại hàng chục năm không được nhận dạng và kiểm soát phù hợp, chưa kể hoạt động cho vay không minh bạch cũng là nguồn gốc của tham nhũng. Hai tác giả cảnh báo chính phủ và người dân các nước ASEAN nên thận trọng với nguồn vốn từ Bắc Kinh, cảnh giác và nâng cao khả năng kiểm soát sở hữu trong đầu tư và vận hành các dự án hạ tầng, nếu không, nguồn vốn này có thể là chén thuốc độc…

Giấc mơ Đại Hán qua “Vành đai, Con đường”. Đồ họa: Straits Times

Hãy xem bản đồ minh họa “Sáng kiến một Vành đai, một Con đường”: chỉ trừ châu Mỹ, phần còn lại của thế giới sẽ bị bao phủ bởi “Vành đai” và “Con đường”, kể cả trên bộ và trên biển. Ước tính sẽ có 60% dân số thế giới và 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ nằm trọn trong tầm ảnh hưởng của “Sáng kiến” này. Đây phải chăng ông nhà giàu mới nổi Trung Quốc dùng tiền mua cả thế giới? Đây còn gì hơn là giấc mộng bá quyền Đại Hán của Trung Quốc, hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, “Xây dựng một đất nước Trung Hoa tươi đẹp” của ông Tập Cận Bình?

Trong một lần ghé Bắc Kinh năm 2013, người viết được nghe người dân Trung Quốc hiện nay phấn khởi cho rằng, cứ 60 năm thì Trung Quốc xuất hiện 1 nhân tài, trước đó là Mao Trạch Đông và nay là Tập Cận Bình. Tranh, tượng của Tập Cận Bình được bày bán khắp nơi trên đường phố Trung Quốc như nhằm tôn vinh lãnh tụ!

Thế Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông ở đâu trong “Sáng kiến một Vành đai, một Con đường”? Hãy xem những nét đầu tiên của… “đường cong mềm mại” “Con đường tơ lụa trên biển”. Xuất phát từ Phúc Kiến, đến Quảng Châu, vòng qua đảo Hải Nam, ngoặc vào “cổ họng” Việt Nam là cảng Hải Phòng, tiếp đó, “đường cong” lại “lượn lờ” song song ven biển Việt Nam, “đường cong” này có khác gì với đường lưỡi bò? Nhìn tổng thể, Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong một giấc mơ giữa ban ngày: “Giấc mơ Trung Hoa” (China Dream).

Có thể nói Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông chính là điểm khởi đầu, là cửa ngỏ, là “đột phá khẩu” của Trung Quốc để họ “vươn ra biển lớn”. Việc cấp tập bồi đắp, xây dựng những bãi đá nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông, mọi người đều rõ, là nhằm kiểm soát tuyến hàng hải qua đây. Chúng ta đều biết “ra quân thắng trận đầu” là điều tối quan trọng để nâng cao khí thế chiến đấu, chính vì vậy Trung Quốc bằng mọi giá không để “tắc đường ngay cửa ngõ”…

Hoa Kỳ: “Chỉ có chiến tranh mới ngăn chặn được Trung Quốc”

Không phải Hoa Kỳ không nhận ra mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc muốn vượt lên dùng sức mạnh của đồng tiền phối hợp với quân sự và chính trị để thống trị thế giới. Chính sách xoay trục châu Á của cựu Tổng thống Obama đã thể hiện điều đó. Phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ về những hành động xây đảo và quân sự hóa của Trung Quốc tại Trường Sa đã chứng minh điều đó.

Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á của Hoa Kỳ do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter công bố tại Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La 2015 nhằm hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển năng lực trên biển, trong đó có Việt Nam, Philippines với ngân sách 425 triệu US$ đang củng cố thế trận của Hoa Kỳ.

Đô đốc Hải quân Philip S. Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã gửi các bình luận bằng văn bản hôm 17/04/2018 đến với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để thực hành các tuyên bố lãnh thổ rộng lớn trong vùng tranh chấp Biển Đông và chỉ chiến tranh vũ trang mới có thể ngăn chặn được Trung Quốc. “Một khi chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng hàng ngàn dặm về phía Nam và bành trướng sức mạnh vào các Đại Dương. Quân đội giải phóng Trung Quốc sẽ có thể sử dụng các căn cứ để thách thức sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, và bất kỳ lực lượng di chuyển gần các đảo sẽ dễ dàng bị áp đảo bởi các lực lượng quân sự của Trung Quốc tại vùng tranh chấp Biển Đông”, Đô đốc Davidson viết trong bản tường trình.

Thực tế là trước đó, năm 2016, tướng Wang Jiaocheng, người đứng đầu Bộ chỉ huy của Quân khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã lên giọng đe dọa rằng quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị mọi kịch bản cho các rủi ro quân sự ở Biển Đông và trong tư thế sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến nào. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 29/02/2016 dẫn lại từ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), trong lần đầu tiên phát biểu với công chúng, ông Wang Jiaocheng nói: “Quân đội (Trung Quốc) có khả năng đối phó với mọi đe dọa. Không quốc gia nào được phép viện bất kỳ lý do hoặc hành động nào để xâm phạm chủ quyền và sự an nguy của Trung Quốc”. Ông Wang cũng nói rằng nhiệm vụ của đơn vị ông là kiểm soát an ninh biên giới, trên biển, nhưng quan trọng nhất chính là “bảo vệ quyền và lợi ích (của Trung Quốc) ở Biển Đông”.

Bàn cờ chiến đã bày ra rõ ràng, có lẽ hai bên khó mà tránh một cuộc chiến tại Biển Đông, không sớm thì muộn… Những nước cờ khai cuộc thăm dò đã được hai bên đưa ra.

Trung Quốc đang có gì? Họ vẫn đang dàn trận, chủ lực là quân khu miền Nam với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và những dàn đại pháo, tên lửa vừa trang bị ở Biển Đông!

Hoa Kỳ đang có gì? Hoa Kỳ đang có song Xe là Hạm đội Thái Bình Dương gồm Hạm đội 3 và Hạm đội 7, song Pháo là Nhật Bản và Úc, song Mã là Hàn Quốc và Ấn Độ, có lẽ Philippines là con Tốt đầu?

Thời khắc lịch sử quyết định. Giữa lằn ranh cuộc chiến, đâu là bạn, đâu là thù?

Chiến tranh là điều không ai mong muốn, nhưng nhà sử học La Mã Publius Flavius Vegetius Renatus từng nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (“Lgitur qui desiderat pacem, praeparet bellum”). Cựu thủ tướng Anh, ông Winston Churchill cụ thể hơn: “Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh” (“A people who seek to avoid war at the cost of humiliation will eventually take all the humiliation and war“).

Giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ những thành quả dựng nước và giữ nước ngàn đời của cha ông chưa bao giờ đứng trước thách thức và cơ hội đan xen như hiện nay. Nếu không có lựa chọn chiến lược đúng đắn cho quốc gia và dân tộc, có thể Việt Nam sẽ bị kẹt giữa 2 làn đạn.

Hơn thế nữa, đó là sự an nguy của Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông mà những người Việt có lương tri đều phải có trách nhiệm giữ gìn cho các thế hệ con cháu mai sau…

____

Tác giả Đạt Nguyên là Nghiên cứu sinh ngành Địa chính trị, Đại học Tokyo

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ Bùi Chí Vinh.

    Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
    Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
    Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
    Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do

    Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
    Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
    Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
    Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu

    Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
    Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
    Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
    Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang

    Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
    Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
    Chúng săn anh và chúng đuổi em
    Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”

    Em ơi em tự do có thật
    Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
    Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
    Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?

    Em ơi em khi sinh tử cận kề
    Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
    Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
    Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá

    Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
    Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
    Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
    Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !

    Nguồn Mạng.

  2. “Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông ở đâu trong giấc mộng bá quyền đại Hán của Trung Quốc?”

    Ở đâu? Ở trong tư ruy của hồ chí minh, coi HS “chỉ là bãi chim ỉa”!
    Trong khi bao đời nhà Nguyễn, mà hồ chí minh xuyên tạc, gọi là “bán nước”, không ngừng gìn giữ bảo vệ HS & TS thì việt cộng Minh coi rẻ, gọi đó là “bãi chim ỉa!
    Điều kỳ lạ là vẫn có cả đống trí thức bả chó hồ chí minh xưng tụng con người có cái “tư ruy chim ỉa” ấy là thông minh & sáng suổt & yêu tổ quốc

    Ở đâu? ở trong bản công hàm hoàng sa 1958 do việt cộng Phạm Văn Đồng, chuyên gia ký văn tự bán nước, ký, tất nhiên với sự chấp thuận của việt cộng hồ chí minh và việt cộng Lê Duẩn, bộ chính trị viêt cộng. Bộ chính trị việt cộng năm 1958, danh nghĩa là hồ chí minh làm xếp (thay Trường Chinh, TC bị mất chức vì phải chịu tội thay cho Minh trong cuộc khủng bố CCRD), thực quyền là Lê Duẩn cầm càng

Comments are closed.