KTS Trần Thanh Vân
25-6-2018
Kính viếng hương hồn GS Phan Huy Lê
Nhân dịp cả nước xôn xao chuyện Dự án sông Sào Khê huyện Hoa Lư Ninh Bình từ 72 tỷ đồng “phát sinh” thành 2595 tỷ đồng, khiến nhiều ĐBQH đặt câu hỏi nghi vấn, muốn đề nghị thanh tra làm rõ lối làm ăn mập mờ nay, chúng tôi cũng quyết định đi Hoa Lư để “thanh tra thực địa” một chuyện buồn tồn tại nhiều năm nay tại Hoa Lư.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã bỏ ra nhiều công sức trong hơn 30 năm thu thập tư liệu thực tế và sách vở, hoàn thành Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão Táp Triều Trần, gồm 6 tập, gần 3000 trang, kể về 165 năm tồn tại của Vương triều Nhà Trần với Ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên –Mông, một đế quốc hung hãn từng làm mưa, làm gió khắp châu Á, châu Âu trong thế kỷ thứ 13, nhưng đã vĩnh viễn đại bại sau trận chiến thắng Bạch Đằng của quân dân Đại Việt.
Để có những trang viết súc tích hào hùng đó, nhà văn đã mò mẫm đến tất cả những nơi sách vở chỉ nhắc tới một vài dòng, trong đó Hành Cung Vũ Lâm và phủ Thiên Trường, Kinh đô thứ hai sau Thăng Long là những địa chỉ quan trọng.
Trong Wikipedia cho biết, Hành Cung Vũ Lâm là một căn cứ địa quân sự chống quân Nguyên – Mông của quan quân nhà Trần, với trận thắng mở đầu ngày 7/5/1285 , trước khi về giải phóng Thăng Long, khiến kinh thành bốc lửa, và Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn.
Wikipedia cũng ghi gõ: “Nhiều chùa ở Ninh Bình được vua Trần Thái Tông trực tiếp cho xây dựng như chùa Sở, chùa Thông ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, chùa Khả Lương, chùa Khai Phúc ở xã Ninh Thắng, chùa A Nậu thuộc thành phố Ninh Bình, cấp cho chùa 160 sào ruộng…”
Tuy vậy hơn 20 năm qua ở Ninh Bình, nổi lên là Dự án xây Chùa Bái Đính to nhất Châu Á, ở huyện Gia Viễn, chiếm 539 ha đất và hàng ngàn bức tượng đồng đúc ở Trung Quốc, …
Công trình lớn thứ hai là Khu du lịch sinh thái Tràng An, tổng diện tích 2168 ha, bao gồm những di tích lịch sử của 3 triều đại của buổi đầu sơ khai nước Đại Cồ Việt gồm:
– Thành lập Nhà Đinh: Năm 968: Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng,
– Thành lập Nhà tiền Lê: Năm 982 Vua Lê Đại Hành
– Thành lập Nhà Lý: Năm 1009 – Vua Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ (năm 1010 Di Đô về Thăng Long).
Tuy Khu Di tích Tràng An cổ đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, nhưng Khu “Du lịch Sinh thái Tràng An” đã tự hủy hoại danh hiệu đó.
1- Cung điện Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng xây dựng sai với sự thật về quy mô, hình hài kiến trúc nhà Lê… không đúng theo niên đại, quá phô trương…
2- Hệ thống đường bộ bê tông tổng chiều dài hàng trăm km chạy uốn lượn theo dòng sông gồm 4 làn xe, có đoạn xe đi một chều với hệ đèn đường qua hiện đại thô thiển, làm mất vẻ hoang sơ quyến rũ của dòng sông Sào Khê.
3- Hệ thống cầu, bậc leo núi và nhiều điểm dừng chân xây bê tông, thiếu giá trị nghệ thuật… đã bị Bộ Văn hóa Thông tin cấm không cho kinh doanh và buộc phải giỡ bỏ.
4- Không tôn trọng Lịch sử, thậm chí hình như có bàn tay ai đó cố tình bóp méo lịch sử.
Cụ thể: Hành Cung Vũ Lâm là một căn cứ địa quân sử – Là Kinh đô thứ hai sau thăng Long – nhưng họ không tôn trọng Lịch sử, ngoài mục đích khai thác kiếm tiền.
Đây là những hình ảnh chúng tôi ghi chép được tại Chùa Khai Phúc thật, (tức là có chùa Khai Phúc giả) hiện đang tồn tại ở Thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng huyện Hoa Lư.
Ngôi chùa rộng không đến 100m2, trong khu vườn Chùa hiện còn chưa đến 1000m2, nhiều người làm nhà tạm dưới các lùm cây trong vườn. Phía sau chùa có một bãi đất rộng làm sân kho và bãi đá bóng.
Vì đó là Hành Cung (nơi Vua ở) nên không ai dám đến chiếm biến thành đất ở nhà mình. Hành cung và chùa Khai Phúc do Thượng hoàng Trần Thái Tông xây để ở sau khi nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông, lúc ngài mới 40 tuổi. Lúc Thái tử Trần Khâm còn nhỏ đã được ông nội dẫn đến chùa hai lần để giảng về Đạo Phật. Đó là nơi khai mở cho ngài về tư tưởng Phật giáo.
Trong chiến tranh chống quân Nguyên lần thứ hai, thế giặc hùng mạnh, cả triều thần lui về Phủ Thiên trường lánh nạn, Hành Cung Vũ Lâm cách Phủ Thiên Trường không xa.
Theo con mắt quân sự của Thượng Hoàng Trần Thái Tông, nơi đây có thể xây dựng sơ sài, nhưng đủ quy mô một triều đình dự phòng khi có giặc. Khi quân giặc chiếm Thăng Long, Thoát Hoan hống hách ép Thượng Hoàng Trần Thánh Tông phải dâng em gái út là công chúa An Tư.
Chắc hẳn trước khi lên đường, công chúa An Tư đã đến chùa lễ Phật lần chót để trở về Thăng Long hiến mình cho kẻ thù. Công chúa An Tư đã ra đi và đến ngày giải phóng Thăng Long, kinh thành bốc lửa và công chúa An Tư không bao giờ trở lại nữa.
Vua Trần Nhân Tông đã rất xúc động trước sự hy sinh của bà cô mình, nhưng chưa kịp dựng đền thờ thì giặc lại đến và cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3, năm 1288 nổ ra.
Năm năm sau trận Huyết chiến Bạch Đằng Giang, mới 35 tuổi, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và trở về sống tại Khai Phúc tự tu tập.
Không ham quyền cố vị, nhường ngôi cho con sớm để dậy con cách trị nước là một nét độc đáo của các vua Nhà Trần:
– Trần Thái Tông sinh năm 1225 – 1278 làm vua lúc 8 tuổi lui về đi tu năm 40 tuổi
– Vua Trần Thánh Tông sinh năm 1240 – 1290 làm vua lúc 18 tuổi, lui về đi tu lúc 38 tuổi
– Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258 – 1308, làm vua lúc gần 20 tuổi, lui về đi tu lúc 35 tuổi…..
Chùa Khai phúc ở thôn Hành cung là nơi Thượng hoàng Trần Nhân Tông thực tập tu hành, chuẩn bị chính thức xuất gia.
Trong thời gian 4 năm ở đây, ngài đã lập 3 ấp Vũ Lâm, Văn Lâm, Tuần Cáo, chia ruộng đất cho dân và và xây dựng khu Hành Cung.
Năm 1299 Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức lên Yên Tử. Từ đó dân chúng nơi đây tiếp quản ngôi chùa và khu nhà Hành Cung.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, các công trình nơi đây dần dần bị đổ nát. Việc tu tạo đã được tiến hành nhiều lần, nhưng kinh phí không có nên chỉ giật gấu vá vai.
Một điều kỳ lạ nữa là vài chục năm qua, Chùa Bái Đính mang phong cách Trung Quốc xuất hiện đường bệ oai phong ở Gia Viễn. Cùng với Bái Đính, nhiều đền chùa khác ở khu Du lịch sinh thái Tràng An cũng được xây dựng to lớn, mang dáng dấp kiểu Trung Quốc, nhưng chùa Khai Phúc vẫn bị lãng quên.
Không những thế, nhiều đồ cúng lâu năm ở đây cũng lấy mang đi. Không thể để như vậy, sư cô Thích Diệu Nhân đã vận động bà con cho vay vốn, xây được ngôi chùa chính và dọn dẹp cổng ngõ như hình ảnh chúng tôi thu thập được dưới đây.
Chúng tôi đã đến bàn kỹ với sư cô kế hoạch giúp Tu tạo hoàn thiện ngôi chùa và dự định gặp GS Phan Huy Lê để khẳng định giá trị Lịch sử của ngôi chùa nhỏ bé này. Rất tiếc, GS đã ra đi.
Hiện tại nhà chùa đã nợ gần 2 tỷ đồng, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm: Như đóng bộ cửa gỗ, bộ hoành phi câu đối, hoàn thiện sân vườn cổng ngõ bên ngoài. Ngoài ra việc giải phóng các nhà dân hiện đang ở nhờ trong khu vườn chùa cũng là việc đau đầu….
Chúng tôi xin ghi lại đây, điện thoại và số tài khoản của Sư cô Diệu Nhân để tiện liên lạc.
Chủ tài khoản: Bùi Thị Duyên
Số tài khoản: 3300 2050 67637
Tại Ngân hàng Phát triển Nông thôn, chi nhánh Ninh Bình.
Điện thoại Di động của Sư cô Diệu Nhân: 0912 562 048
Kính mong bà con gần xa, ở trong nước hay ngoài nước, kẻ ít người nhiều, hãy đóng góp xây dựng cho xong ngôi chùa Khai Phúc, nơi đang bị kẻ xấu âm mưu xóa bỏ.
Xin hãy nhìn vào quần thể chùa Bái Đính nguy nga đang hàng ngày thu tiền của khách thập phương đến tham quan và hình ảnh ngôi chùa Khai Phúc này.
Âm mưu gì mà người ta cố tình khai tử ngôi chùa đã sống hơn 700 năm trong LÒNG DÂN?