Giáo sư Phan Huy Lê – Chuyện bây giờ mới kể

FB Nghiêm Thúy Hằng

24-6-2018

Suốt từ hôm qua đến giờ vẫn thấy bàng hoàng, không muốn tin, không chịu tin rồi thì lẩm cẩm trách lây cả A9 Bạch Mai: giá mà mặt bệnh động mạch vành của thày, bệnh phổi của thày, thày đến với ngoại khoa Việt Đức, 108 sẽ nối dài thêm được sự sống. Biết đâu đấy, trên đời này thiếu gì sự thần kỳ, cũng như vài chục năm nay, va li thuốc thày cắt từ chính gốc Đồng Nhân Đường Bắc Kinh đã giúp thày luôn ổn định, yên bình với mặt bệnh cao huyết áp, lúc nào cũng đỏ da, thắm thịt, khoẻ mạnh và có sức làm việc dẻo dai tuyệt vời, kể cả khi tuổi tác đã cao. Tôi thấy tôi tự dưng bần thần, đau đớn, không khác nào một người thân của tôi vừa rời cõi tạm mà tim tôi thì ngàn lần không muốn, mới đây thôi thầy còn khoẻ mạnh minh mẫn vậy cơ mà.

Báo chí nói nhiều về Thầy Lê trên tư cách một nhà sử học. Những ngày này, khi thần thức của thày vẫn lẩn quẩn đâu đây trong cõi tạm, tôi muốn nhắc đến thày như một nhà Đông Phương học khai sáng mở đường, đưa trường phái Đông Phương học Việt Nam thành một thương hiệu học thuật trong nước, ngẩng cao đầu ra với quốc tế, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, ấm áp trong vòng tay bạn bè quốc tế.

Tôi may mắn có cơ duyên được thày Lê, thày Hùng, thày Thiêm, thày Hồng nhận về Khoa Đông Phương từ những ngày đầu thành lập của Khoa Đông Phương năm 1996. Tôi gọi là cơ duyên chứ không gọi là cơ hội vì khi đó, trên khía cạnh lương bổng, tài chính, về dạy cho Đông Phương chính là sự lựa chọn tệ nhất, một ngày tôi đi dịch bên ngoài cũng nhận được mức thù lao ngang 1 tháng lương của tôi tại trường. Bạn bè cùng lớp tôi thì hầu hết đi làm tại các NGO và các ngân hàng nước ngoài lớn, mức lương tính bằng đô la chứ có ai “dại dột” như tôi đâu. Tuy nhiên, nếu trường Nhân văn cứ khăng khăng “đòi” tốt nghiệp bằng giỏi mới nhận ở thời điểm 1996 cho ngành Trung Quốc học thì quả thực nhân lực khi đó chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, không có nhiều sự lựa chọn sau 10 năm đóng cửa không đào tạo tiếng Trung và tôi may mắn thoả mãn yêu cầu khắt khe của trường. Thày là người có ý nghĩa thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp và đường đời em đi đấy, Thày ơi.

Sau mấy chục năm tôi mới dám nói như một món nợ ân tình, chính thày Lê năm xưa là người can thiệp, nói giúp với thày Ân trưởng phòng Tổ chức khi đó để tôi được thi vào biên chế chính thức chỉ vẻn vẹn 1 năm sau khi ký hợp đồng lao động, giống hệt như trường hợp của PHL, con gái của Thày, cũng đồng độ tuổi của tôi và cũng là một Amser của lớp chuyên Nga láng giềng. Thày không can thiệp kịp thời biết đâu tôi đã an vị ở những mảnh đất khác, thậm chí ở nước ngoài. Chính thày Lê, thày Thiêm, thày Hùng và phong thái uyên bác, nhân từ của các thày là động lực lớn nhất để năm xưa tôi bỏ Đại học Hà Nội, nơi bác Cường trưởng phòng Tổ chức khi ấy là bạn thân của mẹ tôi. Các em học sinh những khoá đầu tay của tôi tại Đại học Hà Nội sau này cũng vô cùng thành đạt và đáng yêu, em thì trở thành giám đốc Học viện Khổng tử đầu tiên tại Việt Nam, em thì trở thành giáo viên của Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, thành các ông chủ bà chủ, đôi khi tình cờ gặp lại vẫn cô cô trò trò ríu rít. Xin lỗi Đại học Hà Nội, xin lỗi các em học sinh cũ thân yêu nhé, cô bị phong thái học giả quốc tế điềm đạm uyên bác, sang trọng mà khiêm cung của thày Lê chinh phục đến mê muội mất rồi.

Dàn lãnh đạo của Đông Phương học năm xưa đẹp đến không thể đẹp hơn, dưới trướng Thày Lê là thày Thiêm nguyên Phó Hiệu trưởng, nguyên Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp cũ, sang chưa? Chỉ có thày Lê mới đủ đức, đủ tài, đủ tình, đủ nghĩa để thày Thiêm, bố con bạn thân LNH suốt thời phổ thông của tôi, một nhà khoa học tầm cỡ, đầu ngành về ngôn ngữ học so sánh đối chiếu , nổi tiếng cương trực khái tính, không bao giờ chịu cúi đầu lại bằng lòng về giúp việc thày Lê chung tay gây dựng Đông Phương từ những viên gạch đầu, từ những lứa học sinh đầu tiên tài hoa nhưng chắp vá đầu thừa đuôi thẹo chiêu mộ về từ các khoa khác trong trường. 5 thày chủ nhiệm Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm các bộ môn Trung Quốc học, Ấn độ học, Nhật Bản học đều là các Nhà giáo Nhân dân, các nhà Khoa học đầu ngành, chủ tịch Hội Sử học, Ngôn ngữ học của cả nước, khó có dàn lãnh đạo cấp Khoa nào lại có thể đẹp và huy hoàng được như dàn lãnh đạo năm xưa của Khoa Đông Phương dưới sự chỉ đạo chuyên môn của GS. NGND Phan Huy Lê.

Mấy ngày gần đây tình cờ trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thanh Huyền, một Amser chuyên Văn tốt nghiệp khoá đầu của ngành Báo chí Truyền thông được giữ lại trường giảng dạy, tôi mới càng thêm thấm thía ân tình với thế hệ giảng viên trẻ của thày Lê. Khác với Huyền, ở lại Khoa mấy năm sau mới được giảng dạy, mới được đối xử công bằng như các giảng viên kỳ cựu, ngay khi những bước chân đầu tiên về Khoa của một giảng viên trẻ không con không cháu của các cụ nào cả như tôi đây vẫn được thày Lê tin cẩn giao phó những trọng trách nghĩ lại mới thấy thật là “khủng”: giao cho một con bé khi đó 26 tuổi làm chủ nhiệm khoá K 40, khoá học sinh chính qui đầu tiên của Khoa Đông Phương học và trực tiếp đứng lớp giảng dạy K 40 TQH từ năm nhất tới tận khi ra trường.

Bù lại, tôi khi đó cũng đã không phụ lòng thầy. Còn nhớ năm xưa cả Đại học Quốc gia chỉ có 4 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc thì sinh viên K40 Đông Phương học của tôi cũng đã chiếm đến 3 em. TS NPH trưởng phòng Quan hệ Việt Trung Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm KHXH, phó Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đã trưởng thành từ cái lớp học ẩm thấp cũ kỹ ở nhà C trong khu Ký túc xá Mễ trì, hai cô tiến sĩ nguyên chủ nhiệm Bộ môn Hàn Quốc học và Phó chủ nhiệm Bộ môn Đông Nam Á học Khoa Đông phương học hiện nay nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng trưởng thành cất cánh từ khoá K40 đầu lòng chính qui từ ngày ấy. GS. TS Mai Ngọc Chừ chủ nhiệm khoa Đông Phương học sau này cũng đã tiếp nối được truyền thống trọng dụng, tin cậy, giao việc cho cán bộ trẻ. Và như thế, tôi và nhiều cán bộ trẻ ngày ấy của Đông Phương đã trưởng thành trong sự tin cậy, yêu thương, chở che nhân từ của thày Phan Huy Lê.

Có một kỷ niệm nhạy cảm trong vấn đề quan hệ quốc tế tôi nhất định phải nhắc lại trước hương hồn thày như một nén tâm hương khẳng định ân tình, uy tín quốc tế không ai bì được của thày Phan Huy Lê, đó là vấn đề nhạy cảm trận Điện Biên Phủ. Khi tôi đang học ở Bắc Kinh , có lần anh Cát tuỳ viên quân sự đến tìm tôi bảo Bộ Chính trị ở nhà rất bức xúc chuyện Trung Quốc nhận vơ chiến thắng Điện Biên Phủ là do công sức của Đoàn cố vấn quân sự và viện trợ của họ. Phía Trung Quốc họ cố tình mở hội thảo tại Đại học Trịnh Châu, mời Pháp nhưng không mời Việt Nam để rêu rao một chiều với thế giới về chiến thắng Điện Biên Phủ, hạ uy tín quốc tế của cụ Giáp và của Việt Nam, anh nhờ tôi xem có cách nào xin được một giấy mời Hội thảo nhân dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đại học Trịnh Châu hay không . Giật mình vì tầm quan trọng của vấn đề, vì vị thế và lợi ích của đất nước và nỗi đau đáu với danh dự của cả một dân tộc, tôi mới chợt nhớ tới Giáo sư Lương Chí Minh, người học trò ruột năm xưa đã sang Đại học Tổng hợp học Tiếng Việt, học lịch sử với GS Phan Huy Lê, nay đã thành một giáo sư sử học uy tín của Đại học Bắc Kinh, lại có quan hệ thân thiết với Giáo sư Đới Khả Lai, ông trùm viết sách trắng, nguỵ tạo tài liệu lịch sử, nghiên cứu Việt Nam kèm chống phá Việt Nam, thày dạy của nhiều thành viên kỳ cựu Cục tình báo Hoa Nam và trường quân sự tại Lạc Dương, hic hic. Tôi mạnh dạn tìm thày Minh, kể chuyện cụ Lê, chuyện Bộ Chính trị, chuyện các nhà sử học trường tôi bức xúc chuyện Điện Biên Phủ, chuyện không được mời tham gia hội thảo Quốc tế về Điện Biên Phủ tại Trịnh Châu, nhờ thày Minh xem có cách nào giải được cục tức và nỗi bức xúc của dân tộc, tìm lại sự công bằng hay không? Tôi nhớ lúc đó GS Lương Chí Minh bần thần, bảo thôi các bạn Việt Nam yên tâm, thày sẽ thu xếp việc này. Kết quả đẹp như mơ: Hội thảo tại Trịnh Châu bị hoãn và chuyển địa điểm tổ chức về Đại học Bắc Kinh, phái đoàn các nhà sử học Việt Nam, dẫn đầu là cụ Phan Huy Lê và nhiều nhà sử học Trường Nhân Văn được mời, mang theo nhiều tư liệu mật, thư tín qua lại giữa hai phía lưu tại Cục Lưu trữ, thậm chí Tham tán và tuỳ viên quân sự Việt Nam cũng được mời, hôm trước của hội thảo GS Lương Chí Minh còn đích thân trao cho tôi tập tài liệu bài viết tham dự Hội thảo, trong đó có bài viết rất nguy hiểm từ một nhà nghiên cứu đã bỏ ra 15 năm sưu tập số liệu, tư liệu, minh chứng, thậm chí còn xuất bản 2 cuốn sách về viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam, kịp thời để phía Việt Nam chuẩn bị tư liệu, phân công người tháo gỡ ngòi nổ của quả bom này. Cuối cùng hội thảo lại quay ra nhắc lại những tình cảm anh em, những ngày gặp lại vợ của ông cố vấn Vi Quốc Thanh, những thăng trầm trong quá trình cùng nỗ lực bình thường hoá quan hệ chứ trông cố tình tranh công về viện trợ Trung Quốc và đoàn cố vấn Trung Quốc nữa.

Ngay trước thềm Hội thảo, phía Trung Quốc cũng đã cử GS Dương Bảo Quân sang dự Hội thảo Quốc tế tại trường Nhân Văn và kịp thời rút bớt những hiểu lầm, những chỗ chênh lệch về nhận thức.

Tâm sự với tôi thày Lê bảo cụ rất thương và rất quí “cậu Lương Chí Minh” vì trung hậu và tình nghĩa với thày. Trong suốt những năm ngạt thở vì Cách mạng văn hoá cậu ấy Tết nào cũng gửi thư thăm hỏi chúc tết Thày. Nhờ biết câu chuyện này và mối thân tình đặc biệt này của thày Lê, tôi mới dám tin và mới dám ngỏ lời kể về sự nhạy cảm và nguy cơ hiểu lầm, bất bình rất lớn giữa hai nước trong vấn đề truyền thông về chiến thắng Điện Biên Phủ ra với quốc tế. Tôi vinh dự được Đại học Bắc Kinh mời dịch Hội thảo đó, kề vai sát cánh bên thày, bên các đồng nghiệp thuộc giới sử học tham gia nói lên tiếng nói về vấn đề quan trọng liên quan đến danh dự của đất nước và cuối cùng được phía Trung Quốc thừa nhận. Cũng chính cậu học trò Lương Chí Minh của thày đưa thày ra cắt thuốc huyết áp tại Đồng Nhân Đường từ một vị chuyên gia năm xưa từng khám bệnh và cắt thuốc cho Chủ tịch Mao và thủ tướng Chu Ân Lai.

Nếu không phải là do ân tình với thày Lê và tiếng nói lương tri còn sót lại, sẽ không có chuyện các nhà trùm sò sử học và Việt Nam học của Trung Quốc lại chịu xuống thang và hợp tác như vậy. Trong tiệc chiêu đãi tôi chứng kiến hai mái đầu bạc, GS Phan Huy Lê và GS Đới Khả Lai ôm nhau. GS Lê bảo tôi biết rõ nhiều tài liệu lịch sử là do anh đã nguỵ tạo nhưng tôi cũng lý giải được điều này anh làm là vì lòng yêu nước, vì lợi ích dân tộc chứ không vì điều gì khác, chúng ta vẫn quí trọng và hiểu được nhau thôi. Hai cụ lại ôm nhau cười nhưng nước mắt rơm rớm, đúng thật là một cái ôm lịch sử .

Thời gian như nước chảy, cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, mới đây thôi mà đã hơn hai chục năm trôi qua và thày cũng đã thành người thiên cổ. Chuyện về thày Lê thì nhiều, nhiều lắm, nhưng tôi chỉ kể ra một hai mẩu chuyện nhỏ như một chứng nhân về việc thày ngoài tư cách nhà sử học còn có tư cách nhà Đông Phương học, khu vực học khai sáng mở đường như thế nào và có được vị thế đặc biệt ra sao trong lĩnh vực Việt Nam học của quốc tế .

Linh hồn thày yên tâm an nghỉ và sớm siêu thoát về cõi người hiền thày nhé, thày ra đi vui vẻ nhẹ nhàng và nhanh thế cũng là một phước phận không nhỏ, mỗi tội nó khiến nhiều người bần thần và lấy đi nhiều nước mắt lắm thầy ơi.

Em xin lần đầu viết bài dài như thế cho một người Thày, một người thân sâu trong tâm tưởng vừa mới khuất. Thày nhận nén tâm hương này của em nhé, Thày ơi!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “trường phái Đông Phương học Việt Nam thành một thương hiệu học thuật trong nước, ngẩng cao đầu ra với quốc tế, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu, ấm áp trong vòng tay bạn bè quốc tế”

    Tớ chưa nghe tới . Có phải là tư tưởng Hồ Chí Minh mà các bác đem ra ngoài giới thiệu ? Đại học không cho mướn phòng thỉnh giảng nên phải mướn nhà hát, mở tiệc riệu có sushi rồi đưa xe limos tới rước “học giả nước ngoài”? Nếu đúng thì rất hoan nghênh . Mấy ông đó nói thiếu các cô tiếp viên cởi mở nữa là ngang hàng với những party ở Playboy mansion.

    Những thứ đáng tự hào

    “nguyên Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp cũ, sang chưa?” Yep, sang lắm lắm lun

    “Các em học sinh những khoá đầu tay của tôi tại Đại học Hà Nội sau này cũng vô cùng thành đạt và đáng yêu, em thì trở thành giám đốc Học viện Khổng tử đầu tiên tại Việt Nam” Chúc mừng những thành đạt & đáng iêu kiểu này . Công của giáo sư Phan Huy Lê với “phong thái học giả quốc tế điềm đạm uyên bác, sang trọng mà khiêm cung”, cùng những giáo sư đáng kính khác lớn quá đi mất .

    “Khi tôi đang học ở Bắc Kinh , có lần anh Cát tuỳ viên quân sự đến tìm tôi bảo Bộ Chính trị ở nhà rất bức xúc chuyện Trung Quốc nhận vơ chiến thắng Điện Biên Phủ là do công sức của Đoàn cố vấn quân sự và viện trợ của họ”

    Có nghĩa tính Trung Quốc trong trận Điện Biên Phủ rất cao, đủ để họ có cơ sở để “nhận vơ”. Về chuyện “công lao” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình tớ có 1 ông em của bà ngoại phụ trách hậu cần cho Điện Biên Phủ . Ông ta, trong 1 buổi riệu vào bao nhiêu bí mật của Đảng ào ào chui ra như khí thế tiến công cách mạng, nói nhiệm vụ chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là 1 liaison giữa tiền tuyến & hậu cần . Đọc hồi ký của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cũng thấy về Điện Biên Phủ, chi tiết về hậu cần rất chuyên môn, trong khi những thứ liên quan đến chiến dịch, mặt trận toàn là hô khẩu hiệu . Keyword là “Ta”. Chỗ nào có “Ta” xuất hiện, chỗ đó không thấy Tướng Giáp đâu .

    “Trong tiệc chiêu đãi tôi chứng kiến hai mái đầu bạc, GS Phan Huy Lê và GS Đới Khả Lai ôm nhau. GS Lê bảo tôi biết rõ nhiều tài liệu lịch sử là do anh đã nguỵ tạo nhưng tôi cũng lý giải được điều này anh làm là vì lòng yêu nước, vì lợi ích dân tộc chứ không vì điều gì khác, chúng ta vẫn quí trọng và hiểu được nhau thôi. Hai cụ lại ôm nhau cười nhưng nước mắt rơm rớm, đúng thật là một cái ôm lịch sử”

    Tớ nghĩ cái ôm này thể hiện nhiều điều . 1 điều là cái tình của 2 giáo sư sử Xã Hội Chủ Nghĩa, hơn cả Bá Nha & Tử Kỳ . Bá Nha & Tử Kỳ là 1 người đàn & người kia thưởng thức âm nhạc . Ở cái ôm của GS Phan Huy Lê & Đới Khả Lai, cả 2 đều là nghệ sĩ lịch sử cả . Họ trọng tài ngụy tạo lịch sử của nhau, hơn thế nữa, họ học tài ngụy tạo lịch sử của nhau & mến nhau vì biết tài ngụy tạo lịch sử của cả 2 đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước, vì lợi ích dân tộc . Đúng như tác giả bài này nhận xét, đây đúng là một cái ôm lịch sử của 2 tay chuyên ngụy tạo lịch sử .

    Nói như giáo sư Trần Hữu Dũng của viet-studies, nước nhà phải có phúc lắm mới có những người với “phong thái học giả quốc tế điềm đạm uyên bác, sang trọng mà khiêm cung” như giáo sư chuyên ngành ngụy tạo sử Phan Huy Lê .

  2. Sử Việt nam mà do những tên đầu têu CS viết chỉ là một pho sử Đểu.Chúng nhào nặn theo những cách mà chúng muốn,cho nên chẳng bao giờ là những tài liệu đáng tin.Nó gây chia rẽ xã hội từ những dối trá,bịa đặt
    Phan huy Lê chỉ nổi tiếng khi ông ta thừa nhận Lê văn Tám là một nhân vật bịa của Trần Huy Liệu.Cái tai hại là nó đã lừa được nhiều người trong một thời gian dài.
    Mang trọng trách viết sử mà tạo ra dối trá chỉ có ở những con người vô đạo đức,họ đã bán linh hồn cho quỷ sứ thì chẳng có gì mà phải trân trọng cả.

Comments are closed.