Tự do, phúc lợi và đạo đức – Điều kiện tạo ra sự thịnh vượng cho một quốc gia

FB Phạm Hùng

22-6-2018

Bản chất con người là vì mình. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Dù nói bất kỳ điều gì, thể hiện như thế nào trước công chúng, thì ẩn đằng sau những lời nói đó là nhằm mang lại lợi ích cho chính mình. Người giỏi thì tính mục tiêu lâu dài, người yếu thì tính mục tiêu ngắn hạn, hoặc nếu hoàn cảnh nhiều rủi ro thì dù giỏi cũng buộc phải tính ngắn hạn. Mục tiêu vì mình không nhất thiết phải là tiền bạc, mà còn nhiều mục tiêu lớn khác với con người là quyền lực, danh vọng… hay thậm chí mục tiêu tiền bạc cũng là mục tiêu sâu xa, ẩn đằng sau mục tiêu quyền lực và danh vọng.

Một xã hội tốt đẹp là phải giúp cho mỗi người dân luôn nỗ lực sáng tạo để làm lợi cho mỗi cá nhân nhưng đồng thời không được gây tổn hại đến lợi ích của người khác, tốt hơn nữa là làm lợi cho mình và làm lợi cho cả xã hội nói chung.

Những người theo chủ nghĩa vị lợi cực đoan, họ thường nghĩ rằng, mỗi con người, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, do đó, mỗi người cứ cố gắng sống cho mình tốt lên là xã hội sẽ tốt lên, đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Ví dụ đơn giản như khi tiến hành xây dựng một tòa nhà cao tầng, hiện đại ngay giữa trung tâm của một đô thị cổ nhưng rất đông đúc, chật hẹp. Khi đánh giá về góc độ tài chính của dự án tòa nhà thì rất khả thi, mang lại nguồn lợi tài chính lớn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, tòa nhà được xây lên sẽ phá nát quy hoạch, quang cảnh chung của toàn bộ đô thị cổ, mất đi giá trị cổ kính vốn có của đô thị này. Những vấn đề khác như gây nên tình trạng quá tải lượng dân cư sống, dẫn đến kẹt xe, ngập lụt, an ninh phức tạp… tạo ra tổn thất phúc lợi xã hội rất lớn. Nếu buộc phải dùng nguồn lợi tài chính mà tòa nhà mang lại để bù đắp những tổn thất xã hội đó thì dự án hoàn toàn mất đi tính khả thi. Nghĩa là nếu cứ để mọi tổ chức, cá nhân hành động vì lợi ích của mình thì dễ gây ra tổn thất chung cho những tổ chức, cá nhân khác. Như nhà tư tưởng được ví như bậc khai quốc công thần thời Minh Trị Nhật Bản – Fukuzawa Yukichi – cũng nói rằng: “Một người sinh ra chỉ nghĩ đến sinh nhai và làm lụng để nuôi gia đình thì đó là bình thường, không có gì xấu hổ nhưng vạn người, triệu người đều thế thì hỏng.”

Vậy mỗi người sẽ dựa vào đâu để nhìn nhận, đánh giá vấn đề và ra quyết định hành động nhằm mang lại lợi ích cho mình, đồng thời cũng làm cho xã hội được tốt lên?

Nếu một người may mắn được tiếp nhận những triết lý uyên thâm, nguyên bản của một trong những trường phái tôn giáo lớn ngày nay như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo,… thì họ sẽ có cơ sở tốt hơn để ra quyết định. Tuy nhiên, các triết lý của các tôn giáo thường trừu tượng, ngôn từ cũng chưa thật sự gần gũi, chưa thật sự ngắn gọn, thậm chí còn bị bóp méo vì các mục đích không trong sáng, lại kết hợp thêm những yếu tố huyền ảo mang đậm màu sắc tâm linh, khiến cho những triết lý của các tôn giáo trở nên xa rời cuộc sống, thiếu đi tính thực tại, làm mất đi tính sâu sắc, uyên thâm của các triết lý tôn giáo.

Vì vậy, đơn giản hơn chúng ta có thể tham khảo những triết lý từ các trường phái triết học, với từ ngữ thường ngắn gọn, dễ hiểu và dễ truyền đạt hơn. Chúng ta hãy cùng tham khảo quan điểm của Giáo sư triết học của Đại học Harvard – Michael J. Sandel mà ông đề cập trong tác phẩm “Phải Trái Đúng Sai” của mình về cách đánh giá, phán xét một vấn đề. Theo đó, có ba cơ sở hay phương pháp đánh giá nhằm tiếp cận công lý là: i) Tôn trọng quyền tự do cá nhân (Con người được quyền tự do làm điều mình thích nhưng không được phạm vào tự do của người khác, đồng thời cũng không phải làm điều mình không thích); ii) Tối đa phúc lợi (mang lại lợi ích cho nhiều người nhất hay tổng lợi ích xã hội là dương); và iii) Đạo đức và lối sống tốt đẹp (không được phạm vào nguyên tắc đạo đức của xã hội, đồng thời khuyến khích những hành động cao cả). Hành động nào không đáp ứng được cả ba tiêu chí này thì đều cần phải xem xét kỹ càng, còn nếu nó đáp ứng được cả ba thì nó là đúng đắn, và mọi người hay xã hội cần cổ vũ, khuyến khích, hỗ trợ hay hợp tác để cho hành động đó được thực thi.

Quan điểm này cũng cho thấy, phúc lợi chỉ là một trong ba tiêu chí để phán xét một vấn đề. Hơn nữa, tổng phúc lợi xã hội là một tiêu chí phức tạp để đánh giá. Điều quan trọng là phải nhìn nhận phúc lợi ở mọi góc nhìn của các chủ thể chịu tác động của hành động đó, chứ không chỉ ở người ra quyết định hành động. Mà muốn có đủ góc nhìn thì lại đòi hỏi yêu cầu về tính tự do đưa ra các quan điểm của mình, nó thuộc về phạm vi của từ “tự do” mà tiêu chí thứ nhất đã nói. Tiếp theo là quan điểm về đạo đức. Nó là một khái niệm động, cùng một hành động đó có thể lúc này là hợp đạo đức, nhưng khi quan điểm xã hội thay đổi thì không còn hợp đạo đức nữa. Hay ở khu vực này thì hành động đó là đạo đức, ở khu vực khác lại là không có đạo đức. Ví dụ đơn giản như quan điểm về mại dâm, sòng bạc dưới góc nhìn đạo đức vẫn chưa thể hoàn toàn thống nhất, nó tùy thuộc mỗi nơi, mỗi thời điểm, mỗi con người… Và tương tự như trên, quan điểm về đạo đức cũng cần có được sự tự do biểu đạt góc nhìn của mỗi người về tính đạo đức của hành động. Điều này cũng cho thấy tự do là vô cùng quan trọng trong việc phán xét vấn đề.

Như vậy, phải-trái, đúng-sai không phải lúc nào cũng có thể phán xét một cách rõ ràng, phân minh. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, quan điểm, cách nhìn nhận sự việc của mỗi người, cái được hình thành từ quá trình trưởng thành của người đó. Thậm chí với chính người đó thì lúc này là đúng mà khi nhận thức của anh ta thay đổi thì lại là sai… Bất đồng quan điểm là tất yếu của xã hội, nhưng vấn đề xã hội cần phải được nhìn nhận dưới con mắt phản biện, tranh luận dựa trên căn cứ khoa học ở mọi góc nhìn khác nhau. Cứ đưa mọi vấn đề ra ánh sáng, để chiếu rọi mọi góc tối của vấn đề, có như vậy mới nâng cao tri thức và đạo đức con người, khi đó công lý mới được thực thi và đó cũng chính là đặc trưng của một xã hội văn minh.

Bây giờ chúng ta nhìn nhận thêm về hiện trạng xã hội hiện nay.

Trong tình trạng xã hội mà mọi người đều cùng quẫn theo vòng xoáy của tiền bạc (do truyền thông tạo ra tâm lý có tiền là có tất cả), trong đầu người dân chỉ quanh quẩn chữ “tiền”, nó khiến cho ngay cả những người được gọi là chuyên gia kinh tế cũng chỉ nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống dưới góc độ lợi ích về tài chính, tiền tệ. Hoặc thậm chí họ có khả năng biết được những tổn hại ở các góc độ khác, nhưng để thuyết phục được công chúng với “con mắt chỉ hau háu nhắm đến tiền” thì đó là cách dễ dàng lôi kéo, dẫn dụ được công chúng. Đúng hơn đó là chủ nghĩa dân túy, biết đánh vào cái người ta đang nhắm tới.

Như trên đã bàn về bản chất con người là vì mình như tiền bạc, danh vọng, quyền lực… Nhưng những thứ đó về sâu xa hơn là nhằm có được cuộc sống tự do, hạnh phúc trong đó phải đảm bảo ba yếu tố mà siêu triết gia Aristotle đã nói bao gồm: đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống thể chất (hay sức khỏe). Một gia đình tốt là đảm bảo được ba yếu tố này bằng nghệ thuật quản trị gia đình. Tiền bạc chỉ là một trong nhiều phương tiện để mang lại đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất và thể chất của mỗi người, mỗi gia đình. Vì vậy, nghệ thật tích lũy tiền bạc, nghệ thuật làm giàu hay đích đến của nó là tích lũy tài sản cũng chỉ là công cụ phục vụ cho nghệ thuật quản trị gia đình nhằm có được đời sống hạnh phúc, nên nó kém quan trọng hơn nghệ thuật quản trị gia đình. Khi nghệ thuật tích lũy tài sản để có cuộc sống hạnh phúc còn là phương tiện, thì nó có giới hạn. Nhưng rất nhiều người không hiểu thấu được nó, họ cho rằng có tiền là có tất cả và lúc đó họ cũng không còn thấy vai trò quan trọng của nghệ thuật quản trị gia đình. Họ biến tích lũy tài sản thành mục tiêu của đời người. Vì vậy, nó trở thành không giới hạn, đồng thời họ cũng đề cao tiền bạc, và sẵn sàng chà đạp lên các giá trị khác để có tiền bạc.

Ở góc độ lớn hơn là một quốc gia, thì một quốc gia tốt cũng phải đảm bảo mang lại ba yếu tố trên cho người dân của quốc gia đó, để họ có được cuộc sống hạnh phúc. Và cũng tương tự như đối với một cá nhân hay một gia đình, thì nghệ thuật quản trị quốc gia quan trọng hơn mục tiêu giàu có thuần túy của một quốc gia. Vì vậy mà xưa kia chưa có các nhà kinh tế, thì rất nhiều quốc gia đã từng phát triển thịnh vượng, người dân sống văn minh, hạnh phúc. Để có được điều đó, các triết gia vĩ đại nhấn mạnh vào “triết lý trị quốc” hay cai trị (governance), ở đó quyền lực phải được kiểm soát (theo nguyên lý cân bằng, đối trọng, kiểm soát, ràng buộc lẫn nhau – Checks and Balances). Khi đó, không một cá nhân nào, nhóm người nào có khả năng chi phối, nắm trọn quyền lực để áp đặt mong muốn của mình lên toàn bộ các nhóm yếu thế còn lại. Khi đó cũng không có tình trạng tôn sùng cá nhân, mong chờ vào cá nhân lãnh đạo mang lại đời sống hạnh phúc cho mọi công dân, mà sự thịnh vượng của quốc gia phải do sự đóng góp của toàn bộ người dân, cũng như vì công dân của quốc gia đó. Và khi quyền lực luôn bị kiểm soát trong một quốc gia tốt đẹp thì theo triết gia vĩ đại Plato – người thầy khả kính của triết gia Aristotle – đã nói: con người buộc phải sống công bình, chính trực bởi chỉ có cách đó mới mang lại lợi ích cho họ; nếu không hành xử công bình, chính trực thì họ luôn bị trừng phạt (ngay tức khắc chứ không phải chờ vào kiếp sau), làm cho tổn thất phải nhận lớn hơn nhiều so với lợi ích có thể có được khi làm điều xấu xa. Còn với triết gia vĩ đại thời kỳ khai sáng Rousseau – một trong những người được coi là cha đẻ của nền dân chủ hiện đại ngày nay, người cũng được mệnh danh là “người thầy của nhân loại” cũng đã nói về tình trạng một quốc gia rằng: “Hạnh phúc thay những dân tộc ở đó người ta có thể tốt mà không cần cố gắng và công minh chính trực mà không cần đức tính! Nếu có một quốc gia khốn khổ nào trên thế gian ở đó mỗi kẻ không thể sống được nếu không làm điều ác và ở đó các công dân đều gian manh vì bất đắc dĩ, thì cần treo cổ không phải kẻ bất lương, mà kẻ buộc hắn phải trở thành kẻ bất lương.”

Vì vậy, với bộ máy nhà nước, nếu muốn đất nước phát triển thịnh vượng, người dân sống văn minh, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì nhất thiết phải đảm bảo duy trì được nền tảng pháp quyền mạnh mẽ. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có quyền chà đạp hay “ngồi xổm” lên pháp luật. Nhà nước cần bảo vệ được quyền lợi dưới góc nhìn đa chiều cho mọi công dân, dù là nhóm người yếu thế nhất.

Muốn nhà nước hành động theo phương châm đó, nghĩa là quyền lực được kiểm soát, thì không còn cách nào khác là tất cả mọi người dân đều phải ý thức được trách nhiệm của mình là phải “cất lên tiếng nói” để tránh cho người nắm quyền lực có thể làm sai dẫn đến tổn hại lợi ích của mình hay nhóm người như mình. Xã hội muốn phát triển thịnh vượng thì mọi quyết định không thể dựa vào đa số đám đông biểu quyết.

Cần hiểu rằng những người yếu thế, yếu về quyền lực, yếu về tiền bạc và yếu về rất nhiều mặt khác nữa, nhưng đặc biệt quan trọng là yếu về mặt tri thức. Trong khi họ lại chiếm số đông trong xã hội, nếu biểu quyết dựa trên số đông như vậy, các quyết định thường thiếu đi tính chính xác do tính chất độc tài của đám đông. Đám đông khi đó thường bị những kẻ “dân túy” lợi dụng, dẫn dụ nhằm đạt mục đích của kẻ dân túy. Đó cũng chính là nhược điểm của các nền tảng xã hội dân chủ cổ đại xa xưa ở phương Tây mắc phải.

Nguyên tắc áp dụng đa số của đám đông chỉ thực hiện trong bối cảnh chiến tranh, loạn lạc mà thôi. Vì vậy, trong một nền cộng hòa thì mọi nhóm người dù là yếu thế nhất cũng cần phải có đại diện của mình, với cam kết đưa ra tiếng nói cho họ và bảo vệ quyền lợi cho họ. Kẻ đại diện nào không thực hiện được nhiệm vụ đó thì phải được thay thế. Vấn đề này dẫn đến vai trò quan trọng của những người có hiểu biết, có phẩm chất để làm đại diện cho mỗi nhóm người trong xã hội. Nghĩa là nó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giới “trí thức” (đúng nghĩa), khi có khả năng nhìn nhận được vấn đề thì cần hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của mọi nhóm người khác nhau trong xã hội, nhất là với những người yếu thế, thì trí thức càng cần thiết phải bảo vệ họ, làm người đại diện cho họ, giúp họ “cất lên tiếng nói” của mình, đảm bảo cho mọi góc nhìn khác nhau theo đúng phương châm của từ tự do như đã nói ở trên đều phải được “phơi ra ánh sáng”, hay cụ thể hơn đó chính là giúp cho sự thật được phơi bày và công lý được thực thi. Bởi vì sự thật hay chân lý cũng chính là tôn chỉ cho mọi hành động hay mục tiêu tối cao mà người mang danh trí thức cần hướng tới.

Kết lại, bản chất của con người là vì mình, và con người luôn đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cần thiết phải đảm bảo được ba điều kiện gồm tự do, phúc lợi và đạo đức. Trong đó tự do là điều kiện vô cùng quan trọng để mang lại hạnh phúc cho mỗi người (hay mục đích vì mình), đồng thời cũng mang lại hạnh phúc cho toàn xã hội (mọi quan điểm đều được nêu ra và được bảo vệ), như vậy mới tạo ra sự thịnh vượng cho một quốc gia.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây