20-6-2018
Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ là bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh kỳ kiểm điểm UPR sắp tới vào tháng 1/2019.
Dù bị chỉ trích vì tính kém hiệu quả của nó, Hội đồng Nhân quyền vẫn là cơ chế nhân quyền tốt nhất mà nhân loại từng có. Không ở lại để cải thiện hiệu quả của nó mà bỏ đi chơi một mình là một hành động hết sức kém trách nhiệm của một quốc gia thành viên, nhất là một thành viên quan trọng như Mỹ.
Mỹ bỏ đi nghĩa là những thành viên khác như Trung Quốc và Nga sẽ rảnh tay hơn rất nhiều để thao túng nghị trình của Hội đồng, cũng như thao túng các thành viên khác của Hội đồng.
Với những thành viên còn lại như vậy, liệu Hội đồng còn có thể ra những nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới nữa không? Liệu các cơ chế đi theo nó như UPR hay Báo cáo viên đặc biệt có còn được cấp đủ nguồn lực và hậu thuẫn chính trị để hoạt động nữa hay không? Câu trả lời rất có thể là không.
Xưa nay giới hoạt động Việt Nam dựa dẫm vào Hội đồng Nhân quyền khá nhiều để một là kêu oan, hai là chính danh hoá hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi nghĩa là giới hoạt động mất đi một chỗ dựa.
Điều quan trọng nữa là, Trump bỏ Hội đồng Nhân quyền chẳng phải vì hắn quan tâm con mẹ gì đến nhân quyền hay tính hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền. Nếu quan tâm thì hắn sẽ có kế hoạch thiết lập nên một cơ chế nhân quyền quốc tế khác hiệu quả hơn. Trump bỏ vì chính cái Hội đồng này và một số quan chức của nó đã chỉ trích chính sách của Trump, và liên tục chỉ trích đồng minh của Mỹ là Israel. Bản thân nhân quyền cũng chưa bao giờ là ưu tiên trong nghị trình của Trump.
Lấy lý do Hội đồng Nhân quyền kém hiệu quả chỉ là cái cớ. Bảo vệ nhân quyền trên thế giới, cũng giống như đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, là một quá trình lâu dài, không thể muốn là có ngay một cơ chế như ý. Làm nũng kiểu như Mỹ là trò trẻ con.