Luật Biểu tình

FB Trần Đăng Tuấn

11-6-2018

Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh cùng một số nhà hoạt động Hà Nội biểu tình hôm 10/6. Ảnh: internet

1- Sẽ tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho người dân:

– Thực hiện quyền hiến định là được tham gia biểu tình như một trong các hình thức biểu lộ quan điểm của mình trước một vấn đề của đời sống đất nước.

– Nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, bảo vệ của các cơ quan nhà nước để việc tham gia biểu tình không gây trở ngại cho các hoạt động khác của xã hội và an toàn với người tham gia.

– Được quyền yêu cầu từ các cơ quan nhà nước bảo vệ khỏi các hành vi lợi dụng, khiêu khích, xuyên tạc tiêu chí, mục đích của cuộc biểu tình, làm mất uy tín, danh dự, sự an toàn của người biểu tình, xuyên tạc tính chất của cuộc biểu tình.

– Được quyền khiếu nại với các hành vi ngăn cản quyền biểu tình trái quy định pháp lý.

– Tự kiểm soát hành vi biểu tình của mình và của người khác trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

……

2- Giúp Nhà nước:

– Nắm bắt được nguyện vọng của người dân để xác lập hoặc rà soát, điều chỉnh chính sách, hoặc đối thoại, giải thích, cung cấp thông tin để công chúng rà soát, điều chỉnh quan điểm của mình.

– Tránh được những tình huống khủng hoảng bất ngờ.

– Góp phần xây dựng đồng thuận xã hội, dù có lúc không dễ dàng.

……..

3- Giúp cơ quan bảo vệ pháp luật:

– Hỗ trợ và bảo vệ quyền của người dân biểu lộ một cách hợp pháp chính kiến của mình.

– Có cơ sở pháp lý rõ ràng để phân biệt các cuộc biểu tình hợp pháp, các cuộc biểu tình chưa hợp pháp; Các hành vi hợp pháp, các hành vi không hợp pháp.

Từ đó, có cơ sở pháp lý để xử lý ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, các cuộc biểu tình bất hợp pháp, các hành vi lợi dụng hoặc khiêu khích, phá hoại.

…….

4- Giúp xã hội:

– Nhìn nhận đánh giá đúng biểu tình hợp pháp và hành vi lợi dụng biểu tình.

– Thêm thông tin để nhận định về các vấn đề của đời sống xã hội.

– Đánh giá về các hành động của cơ quan bảo vệ pháp luật đối với cuộc biểu tình là đúng hay chưa đúng.

……..

Tóm lại, Luật biểu tình (nếu có chất lượng tốt và được thực hiện nghiêm minh) sẽ giúp hình thành chuẩn văn hoá bộc lộ quan điểm chính kiến và giúp ngăn ngừa, điều chỉnh, xử lý đúng pháp luật các lệch chuẩn (hoặc trái chuẩn) trong sử dụng quyền bộc lộ chính kiến, quan điểm.

Việc chậm thông qua Luật Biểu tình đã góp phần tạo ra sự lúng túng trong cách ứng xử của chính quyền, và cả trong các đánh giá trái chiều trong dư luận về mỗi cuộc biểu tình.

Chừng nào biểu tình vẫn là một hiện tượng khách quan, thì có hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho nó là điều duy nhất đúng.

Có lẽ khoảng 6 -7 năm trước, ông đại biểu Hoàng Hữu Phước đã tuyên bố trên diễn đàn Quốc hội, rằng ” Luật biểu tình là xa xỉ với đất nước”.

Nhưng tôi cho rằng (và các sự kiện gần đây nhất khiến tôi càng khẳng định): Chậm trễ trong việc ra Luật Biểu tình mới là xa xỉ.

Bình Luận từ Facebook