12-6-2018
20 năm trước, đã có nhiều quan chức dũng cảm, có tầm nhìn xa, dám làm và dám chịu trách nhiệm khi cố đem cho được Internet vào Việt Nam. Cũng trong thời mở cửa, nhiều cá nhân đang tại chức cũng cố gắng hết mình để Việt Nam ký được những hiệp ước thương mại để có thể dọ dẫm đi ra biển lớn, hoà mình và cạnh tranh với thế giới. Internet vào Việt Nam đã mở toang cánh cửa khoá chặt đã lâu, mang lại một luồng ánh sáng mới, một thế giới mới cho người Việt, cho tri thức Việt. Bức màn sắt đã được vén lên, ta hoà nhập với những công nghệ tiên tiến của thế giới.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc đấy VN mới có cái máy nhắn tin đeo ở dây nịt là đã văn minh lắm rồi, khi đến Singapore, thấy anh chàng sửa giày ở góc phố Tàu, chi bán hủ tíu trong chợ cũng đã xài điện thoại di động, dù lúc ấy cái điện thoại lớn gần cục gạch, tôi cũng đã trầm trồ. Chỉ vài năm sau, Việt Nam chẳng khác gì và nhiều khi còn tiến bộ hơn. Bây giờ, đi nhiều khách sạn trên thế giới, kể cả ở Nhật, ở Pháp hay ở Mỹ, sử dụng Internet nhiều khi là vấn đề và có nơi phải tốn tiền. Ở Việt Nam bây giờ chỗ nào cũng nối mạng, chỗ nào cũng 3G, 4G. Phải cám ơn những người tiên phong như ông Đặng Hữu, như ông Mai Liêm Trực.
Có Internet, việc buôn bán với thế giới tiện lợi và nhanh chóng hơn nhiều. Kinh tế phát triển, doanh nghiệp liên hệ với nhau bằng mạng, thanh toán với nhau bằng thẻ, trao đồi với nhau bằng những phần mềm tiện ích. Chỉ từng ấy thôi và chỉ ở quanh ta, chúng ta còn chạy hụt hơi với Thái Lan, với Trung quốc.
Có Internet, tri thức của người Việt được phong phú, sinh viên học sinh có thêm phương tiện để mở mang tri thức, có điều kiện để giao lưu học hỏi với thế giới, để săn lùng học bổng của các trường quốc tế, tạo điều kiện học cao hơn, đi xa hơn trong ngành nghề của mình.
Có Internet ngay những người nông dân, những người vùng sâu vùng xa cũng tiếp cận được những văn minh, văn hóa không khác gì người thành thị. Người nông dân nhờ có Internet được có dịp trao đổi, học hỏi những biện pháp canh tác tiên tiến, những giống lúa, cây trồng mới, những kinh nghiệm trồng trọt thâu hoạch khả quan hơn. Nhờ Internet họ có thể mua bán nông sản trên mạng, theo dõi những biến chuyển giá cả trên thế giới, ký được những hợp đồng mà không phải qua những trung gian nhiêu khê và tốn kém.
Đương nhiên bên cạnh những lợi ích to lớn ấy, Internet cũng mang đến những rác rưởi, đó cũng là quy luật của cuộc sống thôi. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Người khôn ngoan và có lý trí sẽ biết chọn tốt, loại xấu để giúp mình càng ngày càng phong phú kiến thức hơn, giúp cho công việc của mình phát triển hơn.
Về mặt nhà nước cũng thế, Internet đã giúp cho kinh tế phát triển, thông tin, văn hoá thuận lợi hơn, thực hiện những hiệp ước, công ước với thế giới nhanh chóng và hợp thời hơn. Sẽ có những tin tức, những thông tin không có lợi cho chỉnh phủ, bất lợi cho chế độ. Nhưng điều đó là tất yếu, xã hội nào cũng có, chế độ nào cũng phải chấp nhận. Một nhà nước càng minh bạch, một chính phủ càng trung thực thì những tin tức đó, những bài viết đó chẳng ảnh hưởng gì, chẳng có thể làm suy yếu chế độ. Nhưng những người cầm quyền ở Việt Nam lại sợ. Bởi họ không minh bạch, thiếu trung thực với dân nên họ phải ra Luật an ninh mạng.
Thế nhưng khi ra luật, họ lại hiểu sai mục đích của an ninh mạng. đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nói trên tờ VnExpress: “An ninh mạng nếu giải thích dễ hiểu nhất là không truyền bá, cổ súy, khai thác những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và làm sao để mỗi công dân có ý thức trong việc phòng chống tội phạm, bảo vệ bản thân và gia đình”. Nếu nghĩ thê thì đó là Luật bảo vệ đảng chứ có phải là an ninh mạng đâu.
Đảm bảo an ninh mạng không thể để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và tước bỏ tư do của dân, kìm hãm sự tự do sáng tạo, làm chậm tốc độ phát triển, nếu không được thể thì an ninh mạng chỉ làm cho đất nước không khá lên được, thế giới sẽ tẩy chay.
Về mặt nguyên tắc, Luật an ninh mạng là một luật chuyên môn, nó phải được soạn thảo bằng những người chuyên ngành công nghệ thông tin. Không thể copy luật của nước ngoài như Trung quốc được, vì mỗi nước có những đặc thù riêng. Nó cũng không phải là luật hình sự nên không thể để cơ quan công an soạn thảo được. Và chính vì do công an soạn thảo nên trong Luật an ninh mạng người ta thấy có sự chồng chéo của luật hình sự trong các điều khoản ở luật an ninh mạng.
Trong khi thế giới đang tìm mọi cách để phát triển mạng hỗ trợ cho kinh tế phát triển, luật an ninh mạng lại tìm cách kềm hãm sự phát triển đó. Thế giới tiến vào công nghệ 4.0, ta ra luật kéo lùi công nghệ. Thế giới mờ toang cánh cửa với hàng triệu phần mềm phục vụ cho sự sáng tạo bất tận của trí tuệ con người, luật an ninh mạng khép cửa hạn chế sáng tạo, đóng cửa tư duy, bắt con người suy nghĩ một chiều theo mệnh lệnh. Bằng những điều khoản vô lý xâm phạm đến quyền ngôn luận của con người, luật an ninh mạng như ổ khoá khoá miệng người, sẵn sàng bắt bớ, truy tố những bài viết, những phản biện bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia. Công an không cần toà xử vẫn có quyền can thiệp vào những nội dung phát biểu của cá nhân, những tài liệu có tính cách cá nhân. Đời sống riêng của mỗi con người bị xâm phạm trắng trợn bằng những điều luật. Tư duy của mỗi người bị tước đoạt một cách thô bạo và ai cũng có thể bị truy tố bất cứ giờ nào. Luật này chẳng khác chi luật hình sự.
Đang phát triển tốt, đang cố gắng cạnh tranh với nước ngoài, lại đẻ ra cái luật làm ngáng chân, cản trở. Mục đích cũng chỉ để đối phó những kẻ nói xấu chế độ, những tài liệu làm cho nhiều kẻ bất an. Nó ra đời vì tâm lý sợ hãi mà quên rằng nó đã gây nguy hại như thế nào.
Luật an ninh mạng làm cản trở sự phát triển kinh tế, vi phạm các hiệp ước đã ký với thế giới, xâm phạm quyền của của mỗi cá nhân, đó là luật bịt mồm. Trong một xã hội tiến bộ, luật này trở thành lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển của thế giới. Luật đã được ấn nút và sẽ có hiệu lực, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các hoạt động kinh tế và quyền tự do của mỗi con người. Chúng ta vốn đã tụt hậu, ta sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa vì những luật chậm tiến như thế này.