9-6-2018
1. Luật Đặc khu đã lùi thời hạn thông qua (nên nhớ là lùi chứ không phải dừng), là dấu hiệu lắng nghe tiếng dân của lãnh đạo nước nhà.
Dân lo lắng về vận mệnh quốc gia, lo về an nguy bờ cõi, không lẽ những người có sứ mệnh “chăn dân” lại thờ ơ.
Lùi thời hạn thông qua để chuẩn bị kỹ hơn, đó mới chỉ là “nghe” mà chưa “lắng”. Muốn “lắng nghe” tiếng dân thì không có cách nào khác ngoài hỏi dân. Mà để hỏi dân thì đã có quy định: trưng cầu ý dân! Dân nói cần có luật đặc khu thì Quốc hội bàn thảo; dân nói không thì QH huỷ.
Của dân, do dân, vì dân, xem ra chỉ đơn giản vậy thôi.
2. Nếu như Luật Đặc khu được nhân dân quan tâm bởi an nguy của xã tắc, thì Luật An ninh mạng lại được lo ngại bởi quyền tự do của người dân bị hạn chế.
Một số nhân sỹ trí thức đã lên tiếng phản đối dự luật này, hoặc một số điều khoản của dự luật, nếu được thông qua thì hạn chế rất nhiều quyền tự do biểu đạt trên mạng của dân chúng; nhưng hơn hết, luật sẽ làm mất đi rất nhiều cơ hội tiếp cận ánh sáng văn minh của nhân loại.
Rất nhiều các ý kiến khác nữa, nào là lo ngại về sự lộng quyền của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; thêm cơ hội để hành doanh nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư… Rồi, luật mâu thuẫn với các cam kết với các định chế, các tổ chức quốc tế.
Đó là chưa kể lợi bất cập hại của luật này, mà nhà hoạt động xã hội sách hoá nông thông Nguyễn Quang Thạch đã lí lẽ: Không được xả những bức xúc trên mạng, người dân sẽ tìm kiếm những sự giải toả khác, mà rất có thể có những hành vi gây nguy hiểm cho chính quyền.
Tôi lại thấy một mối nguy khác, nếu luật An ninh mạng được thông qua. Đó là chính quyền, những người có sứ mệnh chăn dân sẽ không còn được nghe tiếng dân nữa, để điều chỉnh chính sách, hành vi để điều hành tốt hơn.
Không có trí tuệ nào lớn hơn nhân dân. Nên, khi lãnh đạo bị “cách li” với dân thì đừng mong “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.
Vậy nên, hãy lắng nghe dân một lần nữa.
Hãy dừng thông qua Luật An ninh mạng!